Trong quá trình tìm kiếm những địa điểm để xây các khu nghỉ dưỡng ở Việt Nam, khi tìm ra Tam Đảo người Pháp đã gọi đó là Hòn ngọc Đông Dương.
Theo tài liệu từ Cục Văn thư lưu trữ, trên tờ Tạp chí Đông Dương số 6 ra tháng 6/1914 ghi rằng: “Năm 1904, một phái đoàn quân sự được Phủ Toàn quyền Đông Dương giao nhiệm vụ tìm trong dãy Tam Đảo, gần Hà Nội, một điểm thuận lợi cho việc đặt một trạm nghỉ mát mùa Hè. Phái đoàn đã báo cáo là ở độ cao 930 mét có một khoảnh đất hình vành chảo mà phái đoàn cho là có thể đáp ứng những yêu cầu của dự án nói trên. Năm 1906, Phủ Toàn quyền quyết định xây dựng trạm nghỉ tại Tam Đảo....
Thời hoàng kim nhất trong quá khứ ở Tam Đảo diễn ra trước năm 1945 khi người Pháp đã xây dựng tất cả 143 biệt thự lớn, nhỏ tại Hòn ngọc Đông Dương. Các biệt thự được xây chủ yếu bằng đá khai thác tại chỗ, nằm cách biệt men theo sườn núi, không trùng lặp về kiểu dáng thiết kế, càng xa trung tâm lòng chảo càng nhiều nhà cao tầng. Hầu hết trong số đó là của người Pháp, chỉ có một vài căn thuộc sở hữu của tầng lớp quan lại, thượng lưu người Việt như các cụ Hồ Đắc Điềm, Hồng Khê, Phú Mỹ... Những căn biệt thự nổi tiếng ở Tam Đảo lúc bấy giờ không chỉ kiên cố, tráng lệ mà còn được chủ nhân đặt những tên gọi lãng mạn như L’Horizon (đường chân trời), Belle Vue (ngoạn mục)...
Cũng giống như kiến trúc Pháp ở Sapa, Đà Lạt hay Hà Nội, các biệt thự ở Tam Đảo là dấu ấn của thời kỳ chuyển tiếp giữa kiến trúc truyền thống đến kiến trúc hiện đại ở Việt Nam. Những ngôi nhà là sự kết hợp hoàn hảo giữa công nghệ và mỹ thuật châu Âu được các quan chức thực dân vận dụng sáng tạo ở xứ nhiệt đới với mục đích tạo ra một không gian hưởng thụ mang dáng dấp quê nhà của họ. Hầu hết biệt thự có tường được xây bằng đá dày 60 - 120 cm, một số nhà được xây dựng bằng gạch, mái lợp đá mỏng Acđoa được chở đến từ Toulouse, Marseille; nội thất được bố trí lò sưởi, có bể bơi, phòng khiêu vũ, hầm rượu... Những lối cầu thang, bờ tường đá được xây dựng công phu, tinh vi còn sót lại của Dinh Toàn quyền nằm riêng trên một mỏm núi ở phía Nam thung lũng hay hầm thực phẩm của khách sạn Metropolle, biệt thự Belle Vue đã bị vùi lấp giữa hoang tàn vẫn không mất đi vẻ kiêu hãnh, hào hoa.
Giữa lòng chảo là khu công viên – thể thao văn hóa, có bãi rộng, có bồn hoa, ghế đá, sân chơi trẻ em… giống cỏ, giống hoa nhiều loại đưa từ Pháp sang (chỉ trồng được ở nơi mát). Vào hè, trăm hoa đua nở, trăm màu khoe sắc. Lại có bể bơi dành cho người lớn, có cả bể bơi dành cho trẻ con, có sân quần vợt, có nhà bắn bia… Tất cả đã tạo thành một thị trấn Pháp ngay giữa lưng chừng Hòn ngọc Đông Dương.
Để xây dựng được một không gian kiến trúc đô thị ăn chơi, nghỉ dưỡng nhỏ bé này, thực dân Pháp đã điều phu phen là những người An Nam nô lệ ở các tỉnh Hà Nam, Nam Định, Thái Bình, Hưng Yên lên núi xây dựng liên tục trong hơn 30 năm. Trong ký ức của những người già Tam Đảo vẫn còn đó dấu ấn về sự lầm lũi, cơ hàn của hơn 6.000 con người ở “làng An Nam”, phần lớn sống bằng nghề phu phen, tạp dịch, đã bị người Pháp đẩy ra xa trung tâm hơn 2km, đối lập với thế giới thượng lưu thu nhỏ ở thung lũng này...
Mặc dù có những thương đau nhưng không thể phủ nhận những giá trị kiến trúc, lịch sử từ hàng trăm căn biệt thự người Pháp xây dựng ở Tam đảo. Những căn biệt thự đó cùng với kiến trúc nhà thờ đá đã hiện hữu những gì tinh hoa của kiến trúc Châu Âu ở Việt Nam.
Và thật tiếc nuối khi chiến tranh và đã tàn phá đi những di sản đáng ra sẽ vô cùng giá trị đó.
Những người lớn tuổi hiện sống quanh khu vực Tam Đảo kể lại rằng, trong cuộc kháng chiến chống Pháp, năm 1948, quân và dân ta phải triệt các cứ điểm trên cao của địch nên đã phá hủy các công trình kiến trúc diễm lệ trên thị trấn Pháp. Tất cả vì kháng chiến thắng lợi, vì độc lập tự do nên có những thứ phải hy sinh cho mục đích cuối cùng. Hầu hết các căn biệt thự phải tàn phá, chỉ còn đó mỗi công trình mang kiến trúc Pháp là ngôi nhà thờ đá cổ cho đến nay gần như vẫn còn nguyên vẹn.
Tam Đảo bây giờ, những căn biệt thự Pháp chỉ còn dấu tích ít ỏi, rất khó để phục dựng nhưng giá trị của Hòn ngọc Đông Dương thì vẫn còn nguyên. Có thể khẳng định rằng chẳng có một không gian nào gần thủ đô Hà Nội được bao bọc bởi rừng nguyên sinh với khí hậu mát mẻ, địa hình độc đáo và độ cao lý tưởng để xây dựng các khu nghỉ dưỡng sinh thái như Tam Đảo.
Bảo tồn và phát triển, hài hòa giữa kinh tế và bảo vệ môi trường thiên nhiên tất nhiên là nhiệm vụ tối quan trọng. Những năm gần đây trào lưu đầu tư vào Tam Đảo ngày một mạnh mẽ, mở ra nhiều kỳ vọng trên “tôn chỉ, mục đích” đó.
Theo thống kê, hiện có hơn 60 khách sạn, nhà nghỉ lớn, nhỏ ở Hòn ngọc Đông Dương. Tam Đảo đã khoác lên mình một diện mạo hiện đại trẻ trung năng động của khu du lịch nổi tiếng. Tuy nhiên đâu đó vẫn ẩn hiện những dấu tích cổ xưa của một Hòn ngọc Đông Dương mà những người tinh ý có thể tìm thấy. Những giá trị mới được phát tích trên nền những giá trị xưa cũ.
Ví dụ, khách sạn nổi tiếng và hoành tráng nhất Tam Đảo hiện nay tên là Venus. Nguy nga, tráng lệ với kiến trúc Châu Âu nhưng điều khiến người ta cảm thấy thú vị là Venus ngày nay được xây dựng trên vị trí nền của một khách sạn nổi tiếng nhất của thị trấn Pháp thuở xưa. Venus của hôm nay và nhà thờ đá do Pháp xây ngày xưa gần bên nhau như một đối sánh của hai trường phái kiến trúc, chất liệu cũ và mới.
Đứng xa cả trăm mét đã nhận ra một kiệt tác kiến trúc tôn giáo bằng đá đồ sộ, mỹ lệ – lối kiến trúc gothic trong xây dựng nhà thờ, cung điện ở châu Âu đã rất nổi tiếng từ đầu thế kỷ XIII. Người Pháp đã mang nguyên lối kiến trúc có từ thế kỷ XIII ấy sang Việt Nam để xây dựng nhà thờ.
Sự kiện khánh thành Lâu đài Tam Đảo (Château De Tamdao) mang nhiều kỳ vọng sẽ là biểu tượng của mảnh đất này trong tương lai, lưu giữ và tái hiện giá trị văn hóa và nghệ thuật kiến trúc thời kì huy hoàng đỉnh cao của thế giới những năm đầu thế kỷ 20.
Lâu đài Tam Đảo tọa lạc ở vị trí đắc địa trên đỉnh núi, quang cảnh xung quanh chẳng khác gì trời Âu. Bạn đã có thể tận mắt nhìn thấy tòa lâu đài đồ sộ này ngay từ cung đường phía dưới đi lên. Khu vực này trước đây là nền của hơn 100 biệt thự, khách sạn Pháp, nay được khôi phục và xây dựng lại. Kiến trúc lâu đài được pha trộn giữa phong cách Neo- Gothic và Phục Hưng. Nó được lấy cảm hứng từ lâu đài Peles (Rumania) và Schloss Neuschwanstein ở Bavaria (Đức). Đặc trưng của phong cách kiến trúc này là những bức tường viền gỗ sẫm màu, mái nhọn lợp đá Ardoise và ngon tháp cao vút ẩn hiện trong sương mù.
Bên trong tòa lâu đài là không gian được thiết kế cho các buổi dạ tiệc, các sự kiện hay buổi hòa nhạc nhỏ. Hầu hết mặt sân lát đá xám và để trống, bao quanh là những vòm cửa ốp đá marble màu beige. Các bức tượng sử dụng không nhiều nhưng được lựa chọn cực kỳ cẩn thận: Tượng chiến binh La mã và các nhóm tượng theo chủ đề thần thoại Hy Lạp như: Venus, Venus và Cupid, Mars…
Với chính sách cởi mở của tỉnh Vĩnh Phúc, nhiều tập đoàn, doanh nghiệp lớn trong và ngoài nước đã đến với Tam Đảo mang theo sứ mệnh phát huy đúng giá trị đích thực của Hòn ngọc Đông Dương. Câu hỏi làm gì để Tam Đảo giàu mạnh tương xứng với tiềm năng khí hậu, thổ nhưỡng, sinh thái và lịch sử văn hóa độc đáo ở thung lũng này có lẽ đã có lời giải.
Nhất là khi tỉnh Vĩnh Phúc đã có quy hoạch xây dựng và phát triển Tam Đảo một cách dài hơi từ cuối thế kỷ 20. Theo dự kiến, đến năm 2030 Tam Đảo sẽ trở thành thị xã du lịch theo Đề án phát triển du lịch huyện Tam Đảo đến năm 2025, định hướng đến năm 2030 đã được UBND tỉnh Vĩnh Phúc phê duyệt tại Quyết định số 1508/QĐ-UBND ngày 9/6/2021. Tam Đảo đang ngày càng khẳng định giá trị đích thực của Hòn ngọc Đông Dương.