Một dự án bảo tồn, du lịch sinh thái và tái tạo ở vùng đông bắc Argentina đang bảo vệ các loài động vật có nguy cơ bị tuyệt chủng và tạo cơ hội cho cộng đồng người dân nơi đây định hướng tương lai của chính họ.
Theo bài viết của Sarah Gilbert trên tờ The Guardian, Vườn Quốc gia Iberá là một trong những hồ chứa nước ngọt quan trọng nhất ở Nam Mỹ và cũng là một trong những vùng đầm lầy nước ngọt lớn nhất thế giới, có diện tích khoảng 13.000 km vuông ở tỉnh Corrientes, Đông Bắc Argentina. Vùng đất hoang vu này không chỉ là nơi hội tụ các vùng ngập lũ, đồng cỏ Chaco và rừng cận nhiệt đới mà còn là nơi sinh sống của hơn 4.000 loài động thực vật, trong đó có hơn 360 loài chim.
Tuy hai thập kỷ trước, vùng đất này đang bị đe dọa nhưng hiện nay nó là một trong những dự án du lịch sinh thái và bảo tồn tiên phong của Nam Mỹ. Tất cả là nhờ vào doanh nhân người Mỹ Kris Tompkins và người chồng quá cố Doug (đã qua đời năm 2015) - cựu CEO của North Face và người sáng lập Patagonia. Vào cuối những năm 1990, khi phát hiện ra khu vực đa dạng sinh học khổng lồ, họ đã nhìn thấy cơ hội, tiềm năng nên đã mua mảnh đất này (phần lớn trong số đó là các trại chăn nuôi gia súc thuộc sở hữu tư nhân). Họ khôi phục lại hệ sinh thái và giao lại cho chính phủ để nó được công nhận là vườn quốc gia. Cùng với đó, một chương trình giáo dục bảo tồn và phát triển địa phương cũng được triển khai thông qua các dự án du lịch sinh thái.
Quỹ bảo tồn đất đai của Tompkins (nay là Tổ chức khôi phục môi trường hoang dã Argentina) đã mua bốn khu đất trên khắp các vùng đầm lầy, ba trong số đó đã được cấp trạng thái là công viên quốc gia, khu đất còn lại sẽ được quyên góp vào cuối năm 2020. Đồng thời, khi 158.800 ha đất khu vực này kết hợp với công viên lân cận tỉnh Iberá (gọi chung là Great Iberá Park) sẽ trở thành khu bảo tồn lớn nhất trong cả nước.
Một phần của chiến dịch bảo tồn này sẽ có sự góp mặt và hỗ trợ từ phía người dân bản địa. Tuy phần lớn trong số họ kiếm sống từ nghề chăn nuôi nhưng các dự án du lịch sinh thái được thiết lập để mang lại lợi ích cho các cộng đồng của Iberá sẽ tạo ra các cơ hội việc làm và đào tạo mà trước đây không hề có.
"Nhiều người trong số thế hệ trẻ phải chuyển đi nơi khác để tìm kiếm việc làm nhưng ước tính trong 10 năm tới, công viên Iberá sẽ đón hơn 100.000 lượt khách du lịch mỗi năm. Mục đích của chúng tôi là cho người dân địa phương thấy rằng họ có thể tạo ra thu nhập bền vững từ du lịch. Cụ thể là làm việc tại các nhà nghỉ hoặc khu cắm trại, cung cấp dịch vụ hoặc thậm chí là mở nhà nghỉ của riêng họ", nhà sinh vật học Talia Zamboni chia sẻ. Bên cạnh đó, "những người trước đây là thợ săn nay đã và đang sử dụng kiến thức của họ về các vùng đầm lầy và đời sống động vật hoang dã của nó để trở thành người hướng dẫn viên thiên nhiên" ông cho biết thêm.
Làm việc với các đối tác ở địa phương, tổ chức khôi phục môi trường hoang dã Argentina đã xây dựng bốn khu cắm trại tại các điểm dễ tiếp cận trên khắp các vùng đầm lầy. Mỗi khu cắm trại có một sức hấp dẫn khác nhau: Cambyretá có một đàn vẹt đuôi dài thân đỏ cánh xanh mới ra mắt gần đây, Carambola là nơi du khách có thể bơi cùng những chú ngựa và trong khu định cư chính đẹp như tranh vẽ của Colonia Carlos Pelligrini, bạn có thể khám phá, tận hưởng cuộc sống địa phương cũng như đến gần với hệ động vật địa phương trong chuyến du ngoạn bằng thuyền kayak của đầm phá.
Ngoài ra, Hosteria Rincón del Socorro là một nhà nghỉ sang trọng được mở vào năm 2001 để giúp đỡ, tài trợ cho dự án. Nơi nghỉ dưỡng 4 phòng ngủ mộc mạc nằm trong khu bảo tồn Guazu-Cuare với 60 ha riêng biệt. Đây là một nơi yên tĩnh đến mức có thể nghe thấy tiếng đập cánh của những con chim ruồi óng ánh bay quanh khu vườn, cũng như những tiếng kêu thảm thiết hay tiếng hú xa của loài khỉ rú.
Cùng với việc khôi phục đồng cỏ, kế hoạch khôi phục sáu loài động vật hiện đã tuyệt chủng trong khu vực cũng được triển khai. Báo đốm đã từng rình mò những vùng đất ngập nước nhưng việc mất môi trường sống đã giết chết con mồi của chúng và khiến chúng dễ bị những kẻ săn mồi tấn công. Hậu quả đáng buồn là chúng đã mất tích khỏi hệ sinh thái này gần một thế kỷ.
Vào năm 2011, một kế hoạch đưa báo đốm trở lại đã được đưa ra trên hòn đảo San Alonso hẻo lánh ở trung tâm vùng đất ngập nước. Khởi đầu với năm con báo trưởng thành được quyên góp từ các vườn thú và trung tâm cứu hộ và đã cho thấy thành công vang dội. Đến tháng 6 năm 2019, tổ chức khôi phục môi trường hoang dã Argentina thông báo về sự xuất hiện của hai con báo đốm con, con đầu tiên được sinh ra ở Iberá sau nhiều thập kỷ. Đàn con không được tiếp xúc với con người và mặc dù được nuôi dưỡng trong vườn thú, mẹ của chúng vẫn dạy chúng săn mồi sau khi rèn luyện kỹ năng của mình với nguồn cung cấp chuột lang nước sống, loài gặm nhấm lớn nhất thế giới.
Giờ đây, những con báo đốm con đang ở trong một chuồng lớn và cùng với ba con trưởng thành sẽ được thả vào vùng đất ngập nước trong năm nay, với mục tiêu cuối cùng là xây dựng một quần thể báo đốm gồm 90 con. Đó là một bước quan trọng trong quá trình tái tạo Iberá, và nếu việc đó hoạt động hiệu quả, vùng đất ngập nước sẽ trở thành một trong những nơi tốt nhất trên thế giới để phát hiện động vật săn mồi trong môi trường thiên nhiên.
Bên cạnh đó, các vùng đất ngập nước này cũng đã được tái sinh với thú ăn kiến, vẹt đuôi dài cánh xanh từ vườn thú London, các loài chim có cổ giống lợn, heo vòi và hươu nai.
Hệ sinh thái tự nhiên đa dạng có thể được tìm thấy tại công viên với sự mở rộng lớn của môi trường hoang dã, chẳng hạn như hồ, sông, đất ngập nước, đầm lầy, đồng cỏ, thảo nguyên, rừng, rừng trưng bày, rừng cọ và đồng cỏ ngập nước, xen kẽ theo các tỷ lệ khác nhau và gây ấn tượng với những cảnh quan đa dạng đáng kinh ngạc.
Ấn tượng nhất về Công viên Quốc gia Ibera là việc nhìn thấy hệ động vật trong môi trường sống tự nhiên của nó được đảm tồn. Cách tốt nhất để đến gần hơn với các loài sinh vật tuyệt vời sống trong kỳ quan thiên nhiên này là di chuyển bằng thuyền, cùng với hướng dẫn viên chuyên ngành, người sẽ chỉ cho du khách những điểm phong phú nhất về động vật hoang dã đồng thời giải thích tất cả những gì khách tham quan cần biết.
Trong chuyến thăm quan, du khách có thể bắt gặp hai loài cá sấu Bắc Mỹ, hươu, rái cá khổng lồ và vô số những con chuột lang nước hay thậm chí là trăn nước Nam Mỹ, khỉ và hàng trăm loài chim.
Nếu khách du lịch đã biết nhiều thông tin về các vùng đầm lầy này và muốn tự mình khám phá nó, họ hoàn toàn có thể có một chuyến phiêu lưu độc lập bằng thuyền kayak. Mặc dù họ sẽ không có người hướng dẫn nhưng chắc chắn đây sẽ là trải nghiệm đáng nhớ. Trong trường hợp khám phá những vùng nước không phải sở thích của khách tham quan, họ có thể khám phá những khu rừng và đầm lầy trù phú của công viên trong chuyến tham quan cưỡi ngựa thư giãn với hướng dẫn viên.
Giải pháp bảo tồn và phát triển ở Vườn Quốc gia Iberá có thể mang lại nhiều suy nghĩ với những người mang khát vọng đánh thức Ba Vì. Gắn bó với Ba Vì gần 20 năm nay, Chủ tịch Hội Kiến trúc sư Việt Nam, Giáo sư Nguyễn Tấn Vạn nói rằng ông cảm thấy có lỗi với Thủ đô khi để những di sản, tài nguyên giữa rừng Ba Vì ngủ yên và ngày càng bị quên lãng. Theo phân tích của Giáo sư Vạn, Việt Nam ta có nhiều Vườn Quốc gia, nhiều khu rừng tương tự Ba Vì như Tam Đảo, Sa Pa, Cát Bà, Pù Mát, Bạch Mã, Bà Nà, Núi Bà, Bù Gia Mập, Phú Quốc, Côn Đảo… Trong khi ở những nơi đó đều đã trở thành điểm đến hấp dẫn cho đồng bào cả nước và quốc tế, thành khu du lịch đẹp, hiệu quả thì quay về Ba Vì, không thể không chạnh lòng đặt câu hỏi: Tại sao cách Hà Nội chỉ 60km, cách Hà Nội có một giờ đi ô tô mà mấy chục năm nay Ba Vì không có nhiều đổi thay để phục vụ nhân dân. Là do chúng ta không có năng lực? Chúng ta không có nhu cầu hay chúng ta không có tài quản lý? “Chúng ta đã phân tích rõ giá trị kinh tế, văn hóa, lịch sử và cảnh quan thiên nhiên, những tài nguyên ở Vườn Quốc Gia Ba Vì để khẳng định rằng: Cần phải khai phá, thức tỉnh những tài nguyên trong Vườn Quốc gia Ba Vì để phục vụ nhân dân”, Chủ tịch Hội Kiến trúc sư Việt Nam khẳng định.