Bán nhà làm nông nghiệp để vẽ bức tranh đời mình

Doanh nhân Nguyễn Thị Diễm Hằng hiện là Tổng Giám đốc Công ty Cổ phần Nông trại hữu cơ Việt Nam, quản lý 5 doanh nghiệp trong lĩnh vực nông nghiệp, trong đó có 2 nhà máy sản xuất chế biến sâu về dược liệu và nông sản, một công ty chuyên về kênh phân phối, một công ty quản lý siêu thị, một công ty chuyên về xuất khẩu...

Trò chuyện với Báo Nông nghiệp Việt Nam, Phó Tổng Giám đốc Tập đoàn Vinapharma Group chia sẻ: Gia đình tôi ba đời làm ngành nông nghiệp nên bản thân đã yêu và đam mê nông nghiệp từ bé. Bố mẹ tôi công tác ở Viện Bảo vệ thực vật nên từ nhỏ tôi vẫn thường được đi theo họ ra những cánh đồng, cảm nhận được sự gần gũi, thân thương và mơ ước sau này mình cũng sẽ thi vào ngành nông nghiệp.

Nhưng biến cố lớn nhất của cuộc đời xảy ra vào năm tôi học lớp 12, mẹ tôi qua đời sau thời gian dài bị bệnh ung thư hành hạ. Tôi không muốn học ngành nông nghiệp nữa mà quyết tâm thi vào ngành y với mong muốn sau này mình có thể giúp được nhiều người bệnh.

Vậy nhưng khi công tác trong ngành y rồi mới nhận thấy, đa số những bệnh nhân bị ung thư hoặc các bệnh nhân bắt nguồn từ các căn bệnh này đều có nguyên nhân từ việc ăn uống sản phẩm có dư lượng thuốc bảo vệ thực vật quá lớn hoặc thực phẩm bẩn. Tôi nghĩ rằng làm ngành y thì chỉ chữa được phần ngọn, còn muốn chữa từ gốc thì phải làm thế nào để người tiêu dùng không phải sử dụng thực phẩm bẩn nữa, muốn như thế chỉ có làm nông nghiệp.

Vì thế tôi quyết định bỏ ngang công việc ở một bệnh viện để mở công ty nông sản, đầu tư vào làm nông nghiệp từ khoảng 10 năm trước mang theo khát vọng làm nông nghiệp sạch, an toàn, bền vững.

10 năm, trải nghiệm của chị đối với lĩnh vực nông nghiệp như thế nào?

Khi tôi bỏ công việc ở bệnh viện để làm nông nghiệp, chúng tôi có một ngôi nhà. Đó là ngôi nhà mà suốt những năm tháng mẹ tôi đau ốm, chống chọi với bệnh tật, cho dù khó khăn, kiệt quệ đến thế nào thì bà cũng nhất quyết không cho bán, phải giữ lại cho chị em tôi có chỗ ở tại Hà Nội.

Ban đầu, khi mở công ty nông nghiệp tôi chỉ cầm cố căn nhà thôi. Chúng tôi tham vọng sử dụng công nghệ vi sinh để cùng với người nông dân làm nông nghiệp sạch. Thử thách rất lớn vì người nông dân chúng ta thời điểm đó đã quá quen với thuốc bảo vệ thực vật, phân bón hóa học. Dù nông sản liên tiếp không đạt tiêu chuẩn xuất khẩu, thường xuyên bị trả về do dư lượng thuốc trừ sâu, nhưng để thay đổi được tập quán người nông dân là điều không dễ.

Sau nhiều năm, khi những mô hình liên kết của chúng tôi với người dân bắt đầu vào quy củ, nông sản bắt đầu đảm bảo chất lượng thì biến cố lại xảy ra. Năm 2014, ngay thời điểm vào mùa, rau củ đang bội thu nhất, các lô hàng nông sản được chuyển lên cửa khẩu thì bên kia họ không nhập nữa. Quay về cũng chết. Chúng tôi đã tiêu hết số tiền cầm cố căn nhà, nếu muốn tiếp tục chỉ có cách bán nó mà thôi.

Cho đến giờ thì đó vẫn là quyết định đau đớn nhất cuộc đời tôi. Căn nhà bố mẹ để lại cho chị em đứng tên, căn nhà mà suốt thời gian chống chọi bệnh tật mẹ tôi thà đau đớn chứ nhất quyết không bán để cho chị em tôi có chỗ ở trên Hà Nội mà bây giờ mình ăn tàn phá hoại đến mức phải bán đi là sao. Bán rồi thì chị em ở đâu? Mẹ mất rồi, các em đang tuổi ăn tuổi học... Suốt hai tháng trời tôi không ra khỏi nhà một phần là vì dằn vặt, một phần là suy nghĩ xem mình phải làm gì.

Cuối cùng xác định mình không dừng lại được nữa. Ngã ở đâu phải đứng dậy ở đó. Hoàn cảnh gia đình bây giờ không cho phép mình gục ngã. Ngành y thì không quay lại được nữa, phải đi lại chính con đường mình đã ngã mà thôi. Tôi thuyết phục các em cho chị cơ hội cuối cùng. Các em ký bán nhà thì chị sẽ lại có vốn làm nông nghiệp, còn không chị cũng chẳng biết phải làm gì.

Tôi ngồi viết lại toàn bộ quá trình làm nông nghiệp của mình và đặt ra các vấn đề gặp phải, vì sao lại thất bại? Cuối cùng tôi nhận ra vấn đề là ở chế biến. Nếu mình không chế biến mà cứ xuất thô thế này thì hôm nay có thể được, ngày mai có thể vẫn được nhưng chỉ cần một hai lô hàng bị trả về thì lại chết.

Nghĩ thông về điều đó, tôi sang Trung Quốc, vào hết các siêu thị bên Đông Hưng để xem người ta làm như thế nào. Trở về tôi cùng với một số người bạn nữa bắt đầu từ chế biến rau, củ, quả.

Ban đầu là chế thành dạng bột. Rút bài học từ thất bại trước chúng tôi cũng không ôm hàng lên biên giới nữa mà hợp tác với các doanh nghiệp Trung Quốc, giảm lợi nhuận nhưng đồng thời cũng giảm được cả rủi ro.

Tiếp đó là tìm thị trường, xây dựng lòng tin với các đối tác. Trách nhiệm lúc đó không còn với các em, với căn nhà bị bán đi nữa mà còn là sứ mệnh với hàng trăm hộ nông dân liên kết. Họ đã quay trở lại đồng ruộng với mình rồi, tin tưởng mình rồi, giờ mà mình dừng lại chắc họ không còn tin vào ai nữa cả.

Đó là những động lực buộc tôi phải quyết tâm. Có những thời điểm tôi - một cô gái trẻ - ôm tiền ngủ trên xe khách, ngủ lăn lóc ở các cửa khẩu Móng Cái, Cao Bằng, Lạng Sơn chỉ với mục đích tìm đối tác, bạn hàng.

Mất bao lâu mới đỡ được những khó khăn, vất vả như thế, và qua những bài học từ thực tiễn như thế thì tư duy về nông nghiệp của chị đã thay đổi như thế nào?

Ba năm để chúng tôi có một chỗ đứng khá mạnh trên thị trường. Những thất bại cho tôi nhiều bài học và giúp tư duy mình thay đổi.

Thứ nhất là mình phải làm chủ cuộc chơi. Có thể bạn là một người chơi game giỏi nhưng nếu cứ phải dựa vào ông trọng tài thì rất dễ thua cuộc. Đó là lý do tại sao tôi phát triển ngành chế biến sâu, không phụ thuộc vào đơn vị thứ ba nữa. Mình phải làm chủ cuộc chơi, làm chủ kênh phân phối, sản phẩm mình sản xuất thì mình sẽ chủ động bán, ông A không mua thì tôi sẽ bán cho ông B.

Làm việc với người Trung Quốc nhiều mới hiểu tại sao họ lại mạnh. Trong làm ăn không bao giờ họ để trứng vào một giỏ, không bao giờ làm ăn chỉ với một đối tác. Đặc biệt là về chế biến đa dạng sản phẩm. Trong khi mình vẫn còn vứt đầy các sản phẩm từ nông sản ở trên đồng thì người Trung Quốc đã biết chế biến nó thành sản phẩm tươi ngon. Tức là họ ra được rất nhiều sản phẩm từ một sản phẩm.

 

 

Thứ hai là niềm tin. Vào thời điểm 2012 đến 2015 thì niềm tin với nông sản Việt Nam nói chung là cực kỳ thấp. Ngoài Trung Quốc, chúng tôi bắt đầu mở rộng sang các thị trường khác bằng việc giới thiệu, quảng bá và xây dựng lòng tin. Trên các trang nông sản quốc tế chúng tôi đều gửi kèm bản text và hình ảnh, video giới thiệu về vùng nguyên liệu của mình. Từ lúc xuống giống đến thu hoạch đều được quay phim lại kèm theo một tờ lịch ở bên cạnh.

Ngoài việc thuê flycam bay trên những cánh đồng để quảng bá nông sản chúng tôi cũng đã nghĩ đến blockchain để đối tác kiểm tra vùng nguyên liệu, để họ biết sản phẩm Việt Nam được sản xuất như thế nào. Tất cả muốn cho đối tác thấy, à, đây là một quy trình sản xuất thực sự an toàn, có thể tin tưởng được. Tức là làm mọi cách để họ hiểu được sự nỗ lực, khát vọng và trách nhiệm của mình.

Thứ ba là mình phải tự thay đổi và tự tìm lối đi. Chuyện chúng tôi làm cần tây là một ví dụ.

Quê tôi ở Gia Lộc, Hải Dương, trồng rất nhiều cần tây nhưng có những thời điểm chỉ 4.000 đồng/kg, không đủ tiền công. Ban đầu, giống như nhiều loại rau củ khác, chúng tôi định chế biến thành dạng bột nhưng phải mất một quá trình, sau nhiều lần thất bại đã giúp chúng tôi tìm ra giải pháp hòa tan. Để rồi sau đó, hòa tan rau, củ, quả trở thành giải pháp đưa nền công nghiệp chế biến nông sản Việt Nam đi ra thế giới.

 

Chúng ta đã nói nhiều đến khởi nghiệp trong nông nghiệp. Với những thất bại, với cuộc hành trình tự mày mò để tìm lối đi và thành công trong lĩnh vực này, chị có chia sẻ gì?

Khởi nghiệp trong nông nghiệp là một điều có thể nói bầm dập, khủng khiếp và là lĩnh vực khó khăn nhất.

Mình sẽ không biết trước điều gì sẽ xảy ra, vụ mùa này thắng hay bại, đầu tư như vậy rồi có được ăn hay không... Bởi vì với nông nghiệp, chỉ một trận mưa có khi sẽ mất hết. Thậm chí là sản xuất mọi thứ đều xuôi chèo mát mái đến ngày thu hoạch cũng chưa biết thế nào. Trong các ngành nghề khác chỉ cần bỏ một đồng sẽ biết được sẽ thu về bao nhiêu, còn đối với ngành nông nghiệp bỏ rất nhiều và hoàn toàn phụ thuộc vào thời tiết.

Tôi cũng rất nhiều lần mất trắng cả cánh đồng hành chỉ sau một cơn mưa như vậy. Thậm chí là trang trại nông nghiệp công nghệ cao, trồng trong nhà lưới hẳn hoi cũng không thoát được quy luật đó. Có lẽ vì thế mà có rất nhiều người khởi nghiệp trong lĩnh vực khác rất sợ ngành nông nghiệp, hoặc những ai đó đã vào ngành nông nghiệp rồi, chỉ sau một lần thất bại không dám quay trở lại nữa.

Nhiều người nói rằng làm nông nghiệp là những người không sợ gì hết, điếc không sợ súng và phải có máu liều. Thực tế tôi thấy những ai làm nông nghiệp đều là vì đam mê thực sự. Nó giống như mình nhảy vào một bụi tầm gai, cựa quậy là đau, thành công ít, thất bại nhiều, không được kỳ vọng quá lớn...

Tất nhiên như thế không có nghĩa là bi quan. Quả ngọt trong ngành nông nghiệp cũng rất ngọt, rất tuyệt vời. Nhìn những ánh mắt của người nông dân tươi vui, hạnh phúc sau cả cuộc đời làm nông nghiệp nhưng phải bỏ ruộng mà bây giờ họ có thể sống tốt trên cánh đồng của họ, cảm nhận được tấm chân tình của họ dành cho mình sẽ cảm thấy hạnh phúc vô cùng.

Tôi là người khởi nghiệp từ hai bàn tay trắng, không có hậu thuẫn, nhưng vẫn có thể nuôi các em ăn học, dựng vợ gả chồng đàng hoàng... Khởi nghiệp cũng là đau, không một ai khởi nghiệp êm đềm hết. Các bạn đừng bao giờ nghĩ rằng khởi nghiệp là sẽ thành công, điều quan trọng nhất của người thành công là không bỏ cuộc. Nếu thất bại hãy nhìn lại vì sao và đi tiếp. Ngã cũng phải đứng dậy đi tiếp còn hơn là chọn con đường mới vì nó cũng sẽ ngã như thế, cũng đau như thế.

Theo đuổi triết lý nông nghiệp sạch từ gốc, xu thế tất yếu của nông nghiệp Việt Nam, đồng thời lựa chọn hợp tác nhiều với các đối tác nước ngoài, chị nghĩ gì về vị thế, tiềm năng của nông sản Việt Nam?

Sản phẩm nông nghiệp của Việt Nam rất tuyệt vời. Đây là điều tất cả đối tác quốc tế đều nói như vậy. Vấn đề theo tôi còn hạn chế là chúng ta chưa làm đẹp, chưa chú trọng chăm chút cho sản phẩm của chúng ta. Đây là điều mình đang thua so với các nước xuất khẩu nông sản khác như Trung Quốc, Philippines, Thái Lan...

Thổ nhưỡng chúng ta tốt, khí hậu tốt, con người Việt Nam chúng ta bao đời làm nông nghiệp là những điều chúng ta hơn hẳn các nước khác. Ai cũng thấy sản phẩm nông sản của chúng ta rất tốt nhưng ở một mặt nào đó vẫn chưa chiếm được nhiều thị phần tương xứng.

Khi tôi sang Israel, họ phải trồng rau ở trên sa mạc, dĩ nhiên là rau của họ ăn không có vị gì hết nhưng họ vẫn rất phát triển. Trong khi đó rau của chúng ta thơm ngon như thế, tuyệt vời như thế nhưng chúng ta chưa chế biến sâu được nhiều sản phẩm, chưa nâng cao được giá trị sản phẩm của mình.

Tôi sang Đài Loan, tận thấy một doanh nghiệp 100 năm ở Cao Hùng họ chỉ trồng mỗi loại quả chanh thôi nhưng rất giàu có. Một quả chanh họ không bỏ đi thứ gì cả. Vỏ, hạt làm mứt, múi ép nước đóng vỉ rất tiện sử dụng... Thế giới họ đang cần những sản phẩm chế biến sâu và chúng ta chưa làm được điều đó.

Ngay từ đầu đã nhìn nhận nút thắt của nông nghiệp Việt Nam là chế biến, theo chị, tại sao việc đầu tư để giải quyết nút thắt đó vẫn chưa nhiều?

Câu chuyện thanh long kêu cứu vừa rồi là ví dụ điển hình. Ai cũng nhìn thấy thanh long sẽ phải kêu cứu. Diện tích trồng lớn nhưng doanh nghiệp chế biến chưa có, hoàn toàn bị động trong kênh phân phối.

Tôi luôn tự hỏi tại sao Bình Thuận, Ninh Thuận, những địa phương trồng thanh long nhiều như thế mà không có lấy một nhà máy chế biến tầm cỡ. Có lẽ là vì chính sách chưa đủ để doanh nghiệp đầu tư vào.

Chúng ta vừa thiếu chính sách vừa thiếu vùng nguyên liệu. Nếu như bây giờ tôi mở nhà máy chế biến thì phải có vùng nguyên liệu để chế biến quanh năm hay không, hay là mở nhà máy ở  vùng nguyên liệu vải chỉ chế biến trong 3 tháng còn 9 tháng đắp chiếu không biết làm gì?

Doanh nghiệp chúng tôi hiện đang đi thuê nhà máy với giá 60.000/m2. Nếu nhân với 2 ha thì sẽ bao nhiêu, làm sao đủ tiền trang trải chi phí khi không có vùng nguyên liệu để sản xuất được. Cho nên mấu chốt là phải xây dựng được vùng nguyên liệu đủ để nhà máy chế biến có thể phát huy công suất. Vùng nguyên liệu của chúng ta còn rất manh mún, nhỏ lẻ, đi nhà này lấy một ít, sang nhà khác lấy một ít, câu chuyện trường kỳ xưa nay vẫn vậy.

Mặt khác, đường của chúng ta rất nhỏ, không thể nào chở container lớn nên chi phí vận tải rất cao. Chúng tôi từng phải mất 700 đồng để vận chuyển một cân rau từ vùng nguyên liệu vào chợ Long Biên, cho nên tôi nghĩ rằng logistics đắt, vùng nguyên liệu nhỏ lẻ đang là những rào cản cần phải tháo gỡ để phát triển chế biến sâu cho nông sản Việt Nam.

Chính sách cũng chưa cho phép doanh nghiệp thuê đất với diện tích đủ lớn để đầu tư. Năm vừa rồi tôi rất ao ước mở một nhà máy chế biến rau, củ, quả ở Hải Dương, chỉ cần diện tích 2 ha thôi, để đảm bảo rằng dân trong khu vực đó sẽ sản xuất theo tiêu chuẩn, toàn bộ hàng hóa sẽ bao tiêu hết. Nhưng cuối cùng không xin được quỹ đất và cứ đến tết rau lại bán kiểu 2 nghìn đồng một cái bắp cải 8kg hoặc vứt đầy trên các cánh đồng.

 

 

 

Trở lại cuộc hành trình với nông nghiệp của bản thân, chị nghĩ mình đang ở đâu trên cuộc hành trình đó? Từ mục đích ban đầu khi đầu tư vào nông nghiệp là để giải quyết vấn đề gốc rễ của bệnh tật, cho đến bây giờ là những tham vọng kết nối giữa nông nghiệp, y tế, khoa học công nghệ, giáo dục... liệu có phải chị mong muốn xây dựng nên một hệ sinh thái mà ở đó cốt lõi vẫn là nông nghiệp hay không?

Ngày trước, tôi miệt mài tìm hướng xuất khẩu là vì thấu cảm nỗi đau của vấn đề giải cứu. Khi đã thành công rồi lại tự đặt ra rất nhiều câu hỏi: Tại sao hàng Việt Nam rất tốt mà dân mình vẫn phải dùng hàng ngoại? Tại sao trái cây Việt Nam kêu cứu nhưng sao người Việt lại đi ăn táo Nhật với giá 400 nghìn đồng/kg? Nông sản Việt Nam sẽ bán ở đâu khi hầu hết tất cả các chuỗi bán lẻ lớn trong nước đang bị người nước ngoài chiếm lĩnh?...

Tôi từng đưa khoảng 30 mã hàng của mình vào các siêu thị của người nước ngoài quản lý và hiểu được nỗi khổ, hiểu được khó khăn của nông sản mình bị chèn ép, phân biệt đối xử. Cho nên chắc chắn tôi sẽ xây dựng được một kênh siêu thị mà 100% là hàng Việt Nam, do người Việt Nam làm chủ.

Ở đó, các doanh nghiệp Việt sẽ có một sân chơi trên chính thị trường mình. Những người yêu ngành nông nghiệp gắn kết với nhau và trao cho nhau những chuỗi giá trị để cùng nhau phát triển. Tôi vẫn thường nói với các doanh nghiệp liên kết rằng, nếu chúng ta không cùng là một thể thống nhất thì không thể nào phát triển được.

Ngoài ra chúng tôi cũng sẽ sử dụng các giải pháp công nghệ để đưa đến cho khách hàng những lựa chọn tối ưu, khoa học nhất, được chăm sóc sức khỏe khi sử dụng các sản phẩm nông sản của chúng ta. Chúng tôi xây dựng các chương trình giáo dục miễn phí, mong muốn góp phần giáo dục trẻ em Việt Nam có nhận thức về các sản phẩm nông sản Việt Nam, nông sản của chúng ta tốt như thế, chúng ta phải dùng hàng Việt Nam.

Thực tế đến bây giờ người Việt đã nhìn nhận sản phẩm của chúng tôi theo chiều hướng rất tích cực. Sau cần tây, nhiều sản phẩm khác đã thực sự được tin dùng, đó là điều tuyệt vời vì tôi đã xây dựng được lòng tin cho họ.

Kế hoạch của tôi từ năm 2015 có vẽ ra một bức tranh cuộc đời rất là rõ ràng rằng bao nhiêu năm chinh chiến ở thị trường nước ngoài, bao nhiêu năm sẽ thay đổi tư duy của người Việt với hàng Việt, bao nhiêu năm xây dựng kênh phân phối hàng Việt tại Việt Nam, bao nhiêu dành cho giáo dục... Bức tranh đó được vẽ bằng niềm tin trong tương lai người Việt sẽ sử dụng sản phẩm Việt hàng ngày chứ không phải như bây giờ.

Hoàng Anh - Minh Phúc
Báo Nông nghiệp Việt Nam
Bá Thắng - Đinh Tùng
Minh Phúc - Quang Dũng