| Hotline: 0983.970.780

Về công tác cán bộ, trong bài viết “Một số vấn đề cần được đặc biệt quan tâm trong công tác chuẩn bị nhân sự Đại hội XIII của Đảng” mới đây, Tổng Bí thư, Chủ tịch nước Nguyễn Phú Trọng yêu cầu không để lọt vào Trung ương khóa mới những người kê khai tài sản không trung thực, có biểu hiện giàu nhanh, nhiều nhà, nhiều đất, nhiều tài sản khác mà không giải trình rõ được nguồn gốc; bản thân hoặc vợ, chồng, con có lối sống thiếu gương mẫu, lợi dụng chức quyền để thu lợi bất chính... Tuy nhiên, có thể nói rằng, sau công cuộc đốt lò, chống tham nhũng, sau những phi vụ triệu đô như cựu Bộ trưởng Nguyễn Bắc Son, những liên minh ma quỷ giữa chính quyền và doanh nghiệp như ở Đà Nẵng, vấn đề tài sản cán bộ được dư luận hết sức quan tâm. Ông đánh giá như thế nào về vấn đề này?

Ông Lê Quang Thưởng, nguyên Phó Trưởng ban Thường trực Ban Tổ chức Trung ương.

Ông Lê Quang Thưởng, nguyên Phó Trưởng ban Thường trực Ban Tổ chức Trung ương.

Theo tôi cần đánh giá ở hai khía cạnh. Điều đầu tiên là dứt khoát cần phải loại bỏ những người thiếu phẩm chất chính trị, những người có tinh thần xã hội chủ nghĩa kém, những người không đồng tình với con đường xây dựng xã hội chủ nghĩa của Việt Nam... Điều này quan trọng hơn cả vấn đề chống tham nhũng.

Thứ hai mới đến vấn đề chống tham nhũng, mà một trong các biểu hiện tham nhũng là yếu tố tài sản. Đây là vấn đề hết sức gian nan. Ví dụ, có những người giàu có nhưng họ tìm cách tẩu tán tài sản, giấu tài sản trong các ngân hàng ở nước ngoài mà chúng ta không biết, hoặc tài sản của họ được chuyển lại cho vợ con, người thân, thậm chí là nhờ đến cả cháu chắt đứng tên chúng ta không thể biết. Gian nan ở chỗ, càng lên vị trí cao thì họ lại càng ít bộc lộ và không dại gì bộc lộ vấn đề nhạy cảm này.

Mặc dù chúng ta đã có cơ chế kê khai tài sản với cán bộ nhưng có thể nói là chưa đầy đủ và đó là một việc rất khó kiểm tra, giám sát. Theo tôi, những người kê khai tài sản trung thực chỉ chiếm khoảng 50 - 60%, số còn lại đã tìm được cách để ẩn đi tài sản của họ khiến cho việc kiểm tra, giám sát hết sức khó khăn. Có những người có đến 4 - 5 biệt thự nhưng họ không đứng tên nên chúng ta vẫn chưa thể bắt bẻ họ được.

Chính vì vậy, tôi đề nghị các cơ quan kiểm tra, giám sát cần làm rõ không chỉ tài sản của cán bộ mà cả những người thân của cán bộ. Con anh làm gì mà có tài sản nhiều như vậy? Vợ anh làm gì mà nhà cửa, xe cộ, bất động sản này nọ như vậy? Rồi cả những mỗi quan hệ thân tín, họ hàng, trước khi bổ nhiệm như thế nào, sau khi bổ nhiệm ra rao? Tôi tin rằng, nếu làm kỹ thì mọi thứ sẽ rõ ràng ngay.

Có những ý kiến cho rằng, vấn đề tham ô, tham nhũng, vấn đề bất minh trong tài sản của một bộ phận cán bộ là sản phẩm của thể chế, ông nghĩ sao?

Nếu nói là sản phẩm cơ chế thì đúng hơn. Một trong những nguyên nhân cốt lõi khiến việc giám sát tài sản cán bộ ở ta khó khăn là cơ chế sử dụng tiền mặt còn quá phổ biến. Cho nên, có thể nói rằng, có một phần ảnh hưởng do cách quản lý xã hội, ảnh hưởng từ việc sử dụng tiền mặt trong chi tiêu. Trong khi ở nhiều nước, chi tiêu được thông qua hệ thống tài khoản ngân hàng, tất tần tật đều được quản lý, theo dõi, tài sản anh có bao nhiêu, biến động như thế nào, trước khi trúng cử có bao nhiêu tiền, sau khi trúng cử có bao nhiêu đều được công khai minh bạch hết, rất rõ ràng.

Còn ở ta, việc sử dụng và quản lý tài sản qua tài khoản vẫn còn kém. Có những trường hợp mang cả chục tỷ đồng đi giao dịch, hối lộ, nhận hối lộ hàng triệu USD, đi đêm hàng tỷ đồng... Do đó, chúng ta phải tính đến việc hạn chế sử dụng tiền mặt trong giao dịch, nhất là với số tiền lớn, có thể đưa ra mức trần để phải sử dụng qua các tài khoản. Việc sử dụng ngoại tệ để tiêu dùng cũng phải hạn chế lại, chứ ở Việt Nam hiện nay việc mua bán, giao dịch bằng USD vẫn khá dễ dàng và phổ biến. Những điều này có thể được xem là sự lơi lỏng, sơ hở trong quản lý xã hội.

Về công tác cán bộ, chúng ta thấy rằng công cuộc đốt lò thời gian qua khiến rất nhiều cán bộ thuộc diện Trung ương quản lý bị xử lý. Đó là kết quả cần thiết của công tác xây dựng, chỉnh đốn Đảng. Bởi nguyên nhân căn căn cốt của vấn đề tham ô, tham nhũng, như Bác Hồ đã nói, đó là chủ nghĩa cá nhân. Tham vọng cá nhân của những cán bộ muốn leo cao, để có được quyền lực lớn hơn, để sử dụng quyền lực của mình nhằm mưu cầu lợi ích, sử dụng vị trí, cương vị của mình để đưa bà con, gia đình, dòng họ, người thân vào tổ chức.

Nếu những người thân trong họ cùng hướng về một phía, cùng phấn đấu cho sự nghiệp chung thì cộng đồng xã hội được nhờ. Ngày xưa, anh em ruột thịt như ông Lê Đức Thọ, ông Mai Chí Thọ, ông Đinh Đức Thiện, cũng là anh em đấy chứ, họ cùng lớn lên, cùng trưởng thành từ hoạt động cách mạng chứ không phải là dìu dắt nhau, tác động cho nhau. Còn nếu vì lợi ích cá nhân, dòng họ thì xuê xoa, nhân nhượng, che giấu đi khiếm khuyết thì không được.

Điều này, những người xuất phát từ nông thôn đều có thể hiểu được. Ở các làng, các xã, khi một dòng họ nào đó có quy mô, có tiếng nói thì sẽ có sức ảnh hưởng rất lớn, từ đó, đưa người trong họ vào được cấp ủy, có nhiều lãnh đạo. Mặc dù Việt Nam đã có nhiều phát triển nhưng tính cách nông thôn của chúng ta vẫn còn, đã ăn sâu vào suy nghĩ, trở thành một dạng văn hóa.

Ngoài ra còn là yếu tố kinh tế thị trường. Về mặt tích cực, cơ chế thị trường tăng được tính cạnh tranh, tính thi đua của tất cả mọi thành viên trong tổ chức, nhưng mặt tiêu cực của nó là tạo ra lợi ích vật chất xen vào. Càng khó khăn hơn khi cơ chế thị trường không chỉ trong nước nữa mà trên phạm vi toàn thế giới. Vì thế, tôi ví dụ chuyện những cán bộ đi nước ngoài nhiều, thì làm sao để nắm được thông tin các mối quan hệ của họ ở đó, làm sao biết được tài sản họ có ở đó bao nhiêu? Điều này cần đến các tổ chức, của Đảng, của Nhà nước thu thập thông tin để kiểm tra, giám sát.

 

 

 

 

 

 

Ngoài việc không để lọt những người kê khai tài sản không trung thực, có biểu hiện giàu nhanh, nhiều nhà, nhiều đất, nhiều tài sản khác mà không giải trình rõ được nguồn gốc thì vấn đề công tác cán bộ như lời Tổng Bí thư, Chủ tịch nước là nhất quyết không để lọt những người có biểu hiện cơ hội chính trị, tham vọng quyền lực, xu nịnh, chạy chọt, mị dân... Theo ông cần phải làm gì để đấu tranh, phát hiện những biểu hiện này?

Có thể nói rằng, hệ lụy nếu chúng ta để lọt những cán bộ có những biểu hiện trên vào bộ máy là hết sức ghê gớm. Đó là họ nói một đằng, làm một nẻo, không hết lòng vì sự nghiệp của Đảng. Họ dễ dao động khi gặp khó khăn và không kiên định với con đường đi của mình. Đó là biểu hiện của những người cán bộ có phẩm chất chính trị kém. Nhiều cán bộ từ trung ương đến địa phương bị xử lý trong thời gian qua là minh chứng cụ thể.

Cái khó ở chỗ, những biểu hiện xu nịnh, chạy chọt, lươn lẹo thường khó phát hiện hơn bởi nó không phải là câu chuyện hoàn thành nhiệm vụ hay không hoàn thành nhiệm vụ, không phải là câu chuyện tham nhũng hay không tham nhũng. Đó là những kẻ nay nói thế này mai nói thế khác. Nếu để lọt họ vào bộ máy thì họ chỉ vì lợi ích nhân của họ, của dòng họ, của gia đình họ mà thôi. Hệ lụy trước hết, họ sẽ tạo thành phe nhóm, tập hợp những người ủng hộ nhau trong tổ chức. Điều này sẽ gây khó dễ cho công tác cán bộ, họ tập hợp lực lượng để ủng hộ một vấn đề gì đem lại lợi ích hoặc cũng có thể để hạ bệ người họ cần hạ bệ. Để lọt những kẻ như thế vào là khiếm khuyết của công tác cán bộ.

Vì vậy, đối với công tác cán bộ, theo tôi có hai yếu tố quan trọng, đó là dân chủ và công khai. Trong đó, công tác nhân sự phải hết sức dân chủ để các thành viên trong tổ chức có quyền phát biểu và nói ra hết được ý kiến của mình. Từ đó, họ có thể tiến cử những người xứng đáng vào cấp ủy, thậm chí là phải hỏi ý kiến của quần chúng nhân dân để xem những người đã được tiến cử có xứng đáng không.

Cụ thể là quần chúng nhân dân nơi cán bộ đó sinh hoạt, công tác rồi quần chúng nhân dân ở nơi cán bộ đó cư trú. Cán bộ đó đối xử với nhân dân thế nào, có hống hách với người dưới quyền không. Để có được những ý kiến đó, chúng ta cần sự dân chủ, để tất cả mọi người có tâm huyết với Đảng được quyền phát biểu ý kiến.

Yếu tố thứ hai là phải công khai, bao gồm công khai trong tổ chức Đảng, công khai trong cấp ủy, công khai trong các cơ quan mà những cán bộ được tiến cử công tác và sinh hoạt, chứ không được giấu giếm.

Ngày xưa thì có chuyện làm công tác cán bộ một cách bí mật, đó là đến đại hội mới đưa ra một danh sách để bầu nhưng bây giờ không thể làm như vậy được nữa. Phải công khai. Hiện nay, cần thông báo cho các thành viên trong tổ chức biết, kỳ này sẽ bầu bao nhiêu, giới thiệu danh sách bao nhiêu và phải giới thiệu nhiều hơn số được bầu. Ví dụ, cần bầu 100 cán bộ thì phải giới thiệu 150, thậm chí 200 người rồi từ đó sàng lọc dần, đến khi bầu còn khoảng 120 - 130 là vừa. Như vậy chúng ta sẽ có quyền lựa chọn.

'Phải công khai công tác cán bộ để tăng cường sự giám sát', ông Lê Quang Thưởng. 

"Phải công khai công tác cán bộ để tăng cường sự giám sát", ông Lê Quang Thưởng. 

Thưa ông, rõ ràng, những yêu cầu cấp bách về công tác cán bộ đòi hỏi hội tụ cả đức lẫn tài là hết sức cần thiết. Tuy nhiên, sau công cuộc "đốt lò", rất nhiều cán bộ bị xử lý nên ở một số nơi đã xuất hiện tâm lý sợ sai, sợ vào lò dẫn đến công việc ít nhiều bị đình trệ, ông nghĩ gì về vấn đề này? Liệu tâm lý đó có thành rào cản trong việc lựa chọn người tài hay không?

Nói đi cũng phải nói lại. Nhân vô thập toàn. Điều chúng ta mong muốn là tất cả đều tốt nhưng điều đó khó xảy ra, chỉ mong đạt được khoảng 80 - 90% đã là tốt rồi.

Tôi nghĩ rằng một cái khó nữa của công tác cán bộ là không phải ai khi được bầu vào vị trí cấp cao mới bộc lộ khuyết điểm, vi phạm. Tôi có theo dõi một số đồng chí lãnh đạo ngay từ khi còn là anh cán bộ đoàn ở một tổng công ty. Từ lúc đó, họ đã có những bộc lộ, những mầm mống, những thiếu sót, khuyết điểm... Nói như thế để thấy rằng, công tác cán bộ khó khăn ở chỗ, phải trải qua một quá trình dài con người ta mới bộc lộ hết khuyết điểm của mình. Điều quan trọng là khi xuất hiện những mầm mống, nếu chúng ta không đề phòng, không phát hiện sớm thì cán bộ sẽ dẫn đến vi phạm.

“Qua các kỳ đại hội, chúng ta vẫn có thêm những sáng kiến, những biện pháp để thực hiện cho tốt công tác cán bộ. Điều đó phụ thuộc vào người đứng đầu, từ các cấp ủy cho đến Trung ương là Tổng Bí thư, nếu người đứng dầu dân chủ, thì sẽ nhận được nhiều ý kiến góp ý còn nếu thiếu dân chủ, ý kiến của người đứng đầu là ý kiến cuối cùng thì sẽ gặp khó khăn trong việc đóng góp ý kiến”, ông Lê Quang Thưởng.

Cái khó ở đây là nếu chúng ta quá dè chừng, thì cũng có thể sẽ kiềm chế những người giỏi. Bởi lẽ thường những con người hành động thì hay có khuyết điểm, những con người hăng hái tích cực, thường hay nóng nảy, vội vàng... Ta vẫn hay gọi là có tài có tật đấy. Họ là những người không biết giấu mình. Tuy nhiên xã hội lại cần những con người như thế. Xã hội cần phải có những người hành động, những người làm việc chứ không phải những người nói giỏi. Vì vậy, công tác cán bộ cần đánh giá con người có trước, có sau và toàn diện, nếu chỉ nhìn một chiều thì sẽ không ra được người tốt.

Tôi luôn nghĩ, thà chọn những người hành động, theo dõi và điều chỉnh, uốn nắn khiếm khuyết của họ còn hơn là những kẻ chỉ biết giấu mình. Phải là những con người dám bộc lộ, dám hành động, dám chịu trách nhiệm. Còn đối với những người giấu mình, chúng ta không thể nắm bắt được suy nghĩ, tham vọng, thủ đoạn của họ bởi vì chỉ khi có thời cơ mới họ mới bộc lộ ra. Họ thường lựa chọn đứng về phía số đông để được an toàn. Còn với những người tích cực, hành động thì mọi thứ đều được bộc lộ ra hết, từ tính cách cho đến quan hệ xã hội của họ, rất dễ nắm bắt. Nếu họ có khuyết điểm thì chúng ta uốn nắn, hạn chế, giúp họ sửa chữa, còn hơn là chọn những người không bộc lộ gì.

Theo quy luật tự nhiên và xã hội, tôi theo dõi trong 10 phần của một tổ chức, sẽ có khoảng 1/3 những người tích cực, 1/3 là các thành viên ở mức trung bình và 1/3 còn lại là những người yếu.

Để sử dụng được những người giỏi, tích cực hành động nhưng vẫn có khuyết điểm, theo tôi, người lãnh đạo hay tập thể lãnh đạo phải duy trì được sự dân chủ. Khi đó, những người có năng lực sẽ được nói, được hành động, bộc lộ được ưu điểm của họ.

Để làm được điều đó, theo tôi, đầu tiên là phải tăng cường giáo dục, nâng cao nhận thức của mọi người để cảnh giác với tư tưởng cá nhân, hành động cá nhân. Ngoài ra, cần bồi dưỡng tinh thần yêu nước chân chính của mọi người, bồi dưỡng tinh thần trách nhiệm của tất cả các thành viên tham gia vào tổ chức. Thứ hai, phải khen thưởng và kỷ luật đúng mức, ai làm tốt thì cần phải biểu dương kịp thời, ai vi phạm thì phải xử lý. Thứ ba là dựa vào nhân dân, nhờ nhân dân làm tai mắt cho Đảng. Nhân dân sẽ phát biểu ý kiến, qua nhiều kênh khác nhau, từ truyền thông cho đến các cuộc họp như ở làng, ở xã, từ đó sẽ có được ý kiến của nhân dân...

Lẽ thường, dòng đời êm dịu thì không bộc lộ ra cái gì cả, phải những thời điểm gay cấn trong xã hội mới xuất hiện những người tài. Công tác cán bộ phải chọn ra những người sạch sẽ, có đầu óc, chịu hành động vì sự nghiệp của nhân dân. Tiêu chuẩn về cán bộ có nhiều, nhưng nhất quyết phải là người hành động chứ không phải người xu nịnh; phải sạch sẽ, bản thân và gia đình phải sạch sẽ thì dân họ mới chịu.

Ông Lê Quang Thưởng: 'Cần phải phát hiện khuyết điểm cán bộ từ mầm mống'. 

Ông Lê Quang Thưởng: "Cần phải phát hiện khuyết điểm cán bộ từ mầm mống". 

“Công tác quy hoạch cán bộ ở ta vẫn nặng tính chủ quan của người lãnh đạo. Người lãnh đạo muốn chủ động thì làm công tác quy hoạch. Nhưng không loại trừ có những người đứng ngoài quy hoạch rất giỏi nhưng không được lòng tập thể lựa chọn quy hoạch nên văng ra. Người lãnh đạo cao phải nhìn thấy điều đó để chỉ đạo hướng dẫn chớ để sót những người giỏi, người tài. Còn nếu theo nếp cứng nhắc thì không thế có người tốt và hoàn toàn là môi trường nẩy sinh các vấn đề tiêu cực”, ông Lê Quang Thưởng.

Thưa ông, chúng ta nói nhiều về vai trò giám sát của nhân dân, về vai trò dân chủ, Tổng Bí thư, Chủ tịch nước Nguyễn Phú Trọng cũng đã nói rằng “đừng tưởng đỏ là đã là chín, mã của nó nhiều khi che giấu bản chất bên trong nhưng người dân người ta biết cả”. Đại ý, cán bộ tốt hay xấu, tài sản như thế nào cứ hỏi dân là ra hết... Theo ông cần làm gì để tăng cường hơn nữa vai trò giám sát của nhân dân, đặc biệt là đối với công tác cán bộ?

Việc giám sát cần thông qua nhiều kênh, trong đó có các cuộc họp hay các phương tiện thông tin đại chúng, ngoài ra, cần làm cho các đoàn thể nhân dân có tiếng nói, ví dụ như Mặt trận Tổ quốc, Đoàn thanh niên, Hội phụ nữ, Hội cựu chiến binh… Họ hết sức khách quan, mạnh dạn và trở thành tai, mắt của Đảng. Nói cách khác, khi Đảng dựa vào những tổ chức này sẽ có được nhiều ý kiến tốt.

Về vai trò giám sát của nhân dân, có thể nói rằng, vẫn còn những hạn chế bởi ý kiến của nhân dân đa phần chỉ dừng ở mức dư luận, do đó các cơ quan chức năng của Đảng, Nhà nước phải trở thành nòng cốt. Ví dụ, từ những thông tin phản ánh của nhân dân, các cơ quan kiểm tra ở từng cấp ủy phải hoạt động tích cực, để nắm được thông tin và đưa ra được những quyết định khách quan. Đó chính là các công cụ để giám sát cán bộ các cấp.

Ngoài ra, còn các cơ quan chuyên trách của Đảng về vấn đề giám sát, ví dụ như Ủy ban Kiểm tra Trung ương có trách nhiệm đi rà soát về nhân sự, tiếp theo là Thanh tra Chính phủ và những đơn vị được giao nhiệm vụ rà soát thông tin về nhân sự. Từ thông tin nhân dân, những cơ quan này cần phải vào cuộc quyết liệt, công tâm, khách quan thì chắc chắn vai trò giám sát của nhân dân sẽ tiếp tục được phát huy, nâng cao.

Xin cảm ơn ông!

Hoàng Anh
Trần Anh
Tùng Đinh