Bão Yagi - Hồi trống giục cho cuộc 'cách mạng' di dân, tái định cư

Bão số 3 (Yagi) không chỉ để lại những hậu quả nặng nề về vật chất và tính mạng con người, mà nó còn phơi bày những khiếm khuyết trong quản lý rủi ro thiên tai để cảnh tỉnh tất cả chúng ta phải hành động, phải thay đổi và dành nguồn lực thích đáng để kiến tạo những cộng đồng an toàn trước thiên tai.

Những ngày qua, nhóm phóng viên Báo Nông nghiệp Việt Nam đã theo chân đoàn công tác của Bộ NN-PTNT do Thứ trưởng Trần Thanh Nam dẫn đầu, làm việc với các tỉnh Yên Bái, Tuyên Quang, Hà Giang, Lào Cai để khảo sát và đề xuất bố trí ổn định dân cư vùng thiên tai sau bão số 3.

Những trăn trở của người dân bị thiệt hại sau bão lũ. Những đề xuất kiến nghị của chính quyền các cấp, các sở, ngành, nhà khoa học đã gợi mở, làm cơ sở để toàn ngành Nông nghiệp và Phát triển nông thôn xác định những nhiệm vụ cấp bách và lâu dài để giải bài toán hóc búa về bố trí, ổn định dân cư khu vực miền núi phía Bắc, hạn chế rủi ro thiên tai, nhất là các loại hình thiên tai nguy hiểm như bão, lũ, sạt lở đất…

Sau bão lũ, nhiều người dân ở tỉnh Yên Bái không thể trở về nhà vì nhà đã sập đổ. Không ít trường hợp vẫn lang thang ở nhờ, ở trọ vì nhà còn đó nhưng nguy cơ sạt lở rình rập, tính mạng bị đe dọa. Hơn lúc nào hết, họ mong muốn Nhà nước bố trí nơi ở mới đảm bảo an toàn để ổn định lâu dài.

Ngay sau đợt mưa lũ lớn do ảnh hưởng của bão Yagi, ông Triệu Văn Thanh ở xã Tân Phượng, huyện Lục Yên, tỉnh Yên Bái đã thuê thợ tới dỡ nhà bởi ngôi nhà của ông nằm trong khu vực sạt lở, không thể quay lại định cư.

Tại dẻo đất này còn có ba ngôi nhà của các con trai ông Thanh. “Đêm ngày 10/9, sau khi nghe một tiếng nổ lớn, ông phát hiện bếp nhà mình có một đường nứt dài. Trên sàn nhà, vườn tược các vết nứt liên tục xuất hiện. Sau khi lên khảo sát quả đồi phía sau nhà thấy nứt nhiều quá, phải di dời gấp”, ông Thanh bộ bạch.

Sáng ngày 11/9, đại gia đình 3 thế hệ mặc áo mưa, di chuyển xuống khu vực UBND xã. Trời mưa tầm tã, người đi bộ, người đi xe. Sau một đêm mưa lớn, ngôi nhà đã trở thành kỷ niệm của 15 con người.

Gia đình ông Thanh không phải là trường hợp duy nhất không thể sinh sống tại nơi ở cũ, sau hoàn lưa bão số 3, Tân Phượng là một trong những xã chịu ảnh hưởng nặng nề nhất tại huyện Lục Yên. Cả xã có 2 người chết, 10 nhà sập đổ do sạt lở đất, gần 60 hộ dân phải di dời khẩn cấp. Cơn bão đã định vị toàn bộ lại vị trí của thôn Khe Bín trên bản đồ xã Tân Phượng với phần lớn hộ phải di dời vĩnh viễn.

Ông Nông Minh Tuấn, Chủ tịch UBND xã Tân Phượng cho biết, hiện tại xã đang khảo sát hai điểm tái định cư cho khoảng 50 hộ. Tuy nhiên quỹ đất và kinh phí giải phóng mặt bằng vẫn là một vấn đề nan giải trong khi thời gian rất cấp bách.

Tại huyện Yên Bình, việc tái định cư cho hàng trăm hộ dân cũng là vấn đề cấp thiết, trong đợt mưa lũ lịch sử vừa qua, mưa lớn cùng nước từ thượng nguồn đổ về dẫn đến mực nước hồ Thác Bà lên nhanh, có thời điểm nguy cơ vỡ đập thủy điện rất cao. Việc điều tiết, xả lũ gây ngập úng các xã vùng hạ lưu đã tàn phá nặng nề nhiều hộ dân; nhiều khu vực bị cô lập, chia cắt, khó tiếp cận. Sau khi nước rút, nhiều ngôi nhà ven sông Chảy bị sụt sạt, trôi xuống sông, hiện nhiều ngôi nhà đang trong tình huống nguy hiểm, người dân không thể quay về sinh sống.

Trong chuyến kiểm tra công tác khắc phục hậu quả mưa lũ tại tỉnh Yên Bái, Thứ trưởng Bộ NN-PTNT Trần Thanh Nam đã kiểm tra thực địa một số khu vực ven sông Chảy, nơi đã có 6 ngôi nhà của người dân bị trượt sạt xuống dòng sông. Thứ trưởng đã chia sẽ những mất mát mà người dân và chính quyền tỉnh đã bị ảnh hưởng do đợt mưa lũ lịch sử vừa qua.

Thứ trưởng Trần Thanh Nam đã nhấn mạnh những nhiệm vụ mà địa phương cần chú trọng thực hiện trong thời gian tới. Trong đó, việc bố trí di dân, xây dựng các khu tái định cư đảm bảo an toàn lâu dài là vấn đề cấp bách, đặc biệt quan trọng cần ưu tiên hàng đầu. Bởi hiện nay nhiều hộ dân đã mất nhà ở, họ mong đợi có nơi ở mới an toàn.

Đối với những khu vực không đủ điều kiện xây dựng được khu tái định cư thì bố trí ở xen ghép với khu dân cư an toàn. Bộ NN-PTNT sẽ phối hợp với các địa phương tìm kiếm, lựa chọn các khu vực an toàn để xây dựng các khu tái định cư.

Tại các khu định cư mới sẽ bố trí đầy đủ cơ sở hạ tầng về đường giao thông, nhà văn hóa, chợ, điện, nước sạch và có các khu sản xuất nông nghiệp để người dân yên tâm gắn bó lâu dài.

Chưa bao giờ người dân ở thành phố Yên Bái phải sống trong nỗi ám ảnh như những ngày tháng 9 vừa qua, đã có hàng vạn hộ dân bị ngập sâu trong trận đại hồng thủy, hàng trăm ngôi nhà bị sạt lở, 22 người chết do sạt đất, sập nhà (con số thương vong cao nhất tỉnh Yên Bái).

Ngay trung tâm thành phố, đoạn km2, tuyến đường Điện Biên (nơi sầm uất bậc nhất thành phố) khung cảnh tan hoang vẫn đang hiện hữu. Toàn thành phố có gần 500 điểm sạt lở, 67 điểm có nguy cơ sạt lở, trên 700 hộ dân đã phải di dời do thuộc diện nguy cơ cao.

Thực tiễn tại các tỉnh miền núi Phía Bắc đều có nhiều hộ dân nằm trong vùng nguy hiểm, nguy cơ sạt lở đất rất cao. Điều này đặt ra vấn đề cần một chương trình bài bản, căn cơ để di dời, tái định cư cho người dân, không để tính mạng người dân đặt cược vào sự bất thường của thời tiết.

Theo ông Nguyễn Thế Phước, Phó chủ tịch thường trực UBND tỉnh Yên Bái, do đặc thù địa hình đồi, núi chia cắt, chịu ảnh hưởng nặng nề trước diễn biến phức tạp của biến đổi khí hậu. Bên cạnh đó, do điều kiện địa hình, thói quen, nhiều người dân làm nhà dựa lưng vào đồi, núi, chủ yếu là đồi đất. Khi trời mưa lớn, dài ngày, đất “no nước” sẽ gây sạt lở, vì vậy, nguy cơ mất an toàn là rất cao.

Trong thời gian tới, tỉnh Yên Bái sẽ chỉ đạo các ngành chức năng phối hợp với các địa phương tổ chức rà soát, di dời người dân ra khỏi khu vực nguy hiểm và chưa cho phép các hộ dân trở về nhà khi chưa đảm bảo an toàn; triển khai ngay chính sách hỗ trợ nhà ở, đất ở tái định cư cho người dân.

Tại tỉnh Tuyên Quang, nơi đón đoàn công tác của Bộ NN-PTNT do Thứ trưởng Trần Thanh Nam về khảo sát và đề xuất bố trí ổn định dân cư vùng thiên tai sau bão số 3 là sảnh ra vào UBND xã Tri Phú, huyện Chiêm Hóa. Từ nơi làm việc như thế, những câu chuyên về lũ lụt, những kiến nghị đề xuất về chính sách được bàn bạc mạch lạc, rõ ràng.

Trong cơn bão số 3, xã Tri Phú, huyện Chiêm Hóa có 8 nhà bị nước lũ cuốn trôi, sập đổ; 19 nhà bị ngập lụt, 74 nhà bị sạt lở đất gây nguy hiểm; có 36ha lúa, 39ha ngô bị ngập úng, đất đá vùi lấp…

Tại buổi làm việc, các đại biểu cho rằng hiện nay, khó khăn nhất trong việc bố trí sắp xếp ổn định dân cư là quỹ đất eo hẹp. Các địa phương cần lồng ghép quy hoạch khu dân cư với các quy hoạch khác, đảm bảo mỗi khu dân cư nằm trong vùng an toàn.

Thứ trưởng Trần Thanh Nam cho biết, tỉnh Tuyên Quang cần thực hiện tốt việc xây dựng phương án tổng thể bố trí ổn định dân cư và đề xuất các giải pháp bố trí ổn định dân cư phòng, tránh thiên tai; xây dựng phương án khôi phục, phát triển sản xuất nông nghiệp, ổn định đời sống sau bão lũ.

Lãnh đạo Bộ NN-PTNT đề nghị tỉnh Tuyên Quang và huyện Chiêm Hóa huy động mọi nguồn lực, sớm ổn định cho 140 hộ dân đang khó khăn về nhà ở tại huyện Chiêm Hóa. Bộ sẽ phối hợp và hỗ trợ tỉnh Tuyên Quang đề xuất với Chính phủ giải quyết sớm nhất những vấn đề liên quan đến bố trí ổn định dân cư vùng thiên tai sau bão số 3.

Về vấn đề ổn định sản xuất, Bộ NN-PTNT, các doanh nghiệp, nhà tài trợ sẽ tiếp tục hỗ trợ người dân về giống cây trồng, vật nuôi, phân bón, hóa chất tiêu độc khử trùng, đồng thời bố trí các lớp tập huấn cho người dân có kiến thức khôi phục sản xuất hiệu quả.

Còn tại Hà Giang, mặt trời đã vượt qua ngọn núi cả tuần nay. Bản Đồng Tâm, xã Yên Thành, huyện Quang Bình, tỉnh Hà Giang vẫn xác xơ, chẳng có tiếng người. Chỉ thấy mấy con gà con đang quanh quẩn dưới gầm nhà sàn, kêu thất thanh gọi mẹ, những lúc mưa lũ vội quá người ta không kịp mang chúng chạy theo.

 Những ngôi nhà sập tan hoang, chỉ còn lại dấu tích của nền đất, những chiếc xe đạp của bọn trẻ dính đầy bùn đất bỏ bơ vơ nơi góc vườn, những ngôi nhà còn xót lại sau bão, cửa mở toang hoang, chẳng còn hơi người.

Lúc chúng tôi đến bà Phàn Thị Nguyên vừa đi rừng về, lưng đeo 1 chiếc gùi to hơn cả dáng người nhỏ bé của bà. Chiếc gùi chứa vài củ sắn, một ít rau rừng. Không còn nhà, không còn tiền trong tay, chỗ sắn ấy là tài sản quý giúp bà và các con, các cháu của mình được ấm bụng sau những ngày dông bão. Qua bão lũ, người dân mới thấy lương thực quý như vàng.

Trận bão vừa qua đã cuốn đi của gia đình bà Nguyên đám ruộng lúa đang vào giai đoạn trỗ bông. Đám ruộng ấy đầu vụ, bà cấy hết 7kg thóc giống; cả 2 ao cá to sắp đến ngày thu hoạch cũng mất theo dòng lũ. Hôm trước, mải chạy lũ bà chỉ kịp dắt 2 đứa cháu ra khỏi nhà. Đứa con trai và con dâu bà cũng chỉ kịp dắt theo con trâu và một số vật dụng cần thiết. Còn lợn, gà cùng nhiều tài sản bà phó mặc cho dòng lũ.

Một tuần sau lũ đi qua, bà Nguyên quay trở lại mảnh nương quen thuộc gắn bó với cuộc đời mình. Ngọn núi xưa với bốn bề cao vời vợi, nay nhiều chỗ há hốc miệng vì sạt trượt, để lộ những cái hố thật to và nguy hiểm. Dưới đáy những cái hố ấy trôn vùi bao nhiêu bắp ngô, bao nhiêu cây quế, cây tre của gia đình bà và dân bản. Bà Nguyên đứng như chết lặng, dưới 2 hốc mắt nước ào ạt chảy như dòng lũ.

Anh Phàn Văn Canh, Trưởng thôn Đồng Tâm, xã Yên Thành, huyện Quang Bình quay về bản khi đất đã yên ắng trở lại. Anh bảo: “Lũ đã qua, cứ buồn rồi nhìn nhau mãi cũng không thể đẻ ra được ngô, sắn, cây lúa làm ấm bụng người làng. Hiện thực không thể giấu mãi vào hai lỗ tai được, phải đứng lên, phải vực dậy bản làng.

Qua mấy ngày lũ đi, bà con dân bản Đồng Tâm đã biết gượng dậy cùng giúp nhau tay xẻng, tay cuốc khắc phục lại những đoạn mương bị nứt vỡ, chỉnh lại cho cây lúa biết tỉnh dậy đón ánh mặt trời; nhặt nhạnh những đồ dùng còn xót lại sau lũ mang ra suối rửa để dùng. Sự sống dần trở lại bản Đồng Tâm…

Bản Đồng Tâm của anh Canh có 86 hộ dân, gồm 65 hộ đồng bào dân tộc Dao và 21 hộ người Mông. Trận lũ vừa rồi đã khiến 37 hộ dân bị ảnh hưởng phải di dời, trong đó có 5 hộ nhà bị sập đổ hoàn toàn. Cùng với thiệt hại về nhà thì 6,8ha cây lúa, hoa màu, 12ha cây lâm nghiệp… cũng bị bão lũ làm hư hỏng.

Trưởng thôn Phàn Văn Canh chia sẻ rằng, trong khi chờ được Nhà nước có các chính sách hỗ trợ, bà con phải tự mình đứng lên. Bởi trong cơn bão dữ ở miền Bắc, đâu chỉ có mỗi làng Đồng Tâm thiệt hại, nhiều vùng khác còn mất mát nhiều hơn, còn khổ cực nhiều hơn.

Nhưng nhiều việc chỉ sức dân nỗ lực thôi là chưa đủ, như các công trình thủy lợi hỏng quá lớn hay nhiều hộ tái định cư chưa có quỹ đất thì không phải các hộ trong bản muốn là làm được. Phải nhờ vào Nhà nước.

Đoàn công tác của Bộ NN-PTNT do Thứ trưởng Trần Thanh Nam làm trưởng đoàn đã lên thăm hỏi động viên và tặng quà cho bà con, người làng Đồng Tâm ai cũng mừng. Họ mong Bộ NN-PTNT và chính quyền các cấp quan tâm đến đời sống của bà con, làm điểm tựa để người dân vượt qua lúc khó khăn, bão lũ.

Thứ trưởng Trần Thanh Nam cho biết, sau bão lũ chính quyền tỉnh Hà Giang và các huyện, thành phố cần chủ động hỗ trợ người dân đến nơi ở mới an toàn, tái thiết lại sản xuất, dần ổn định cuộc sống. Với những hộ không còn nhà ở phải bố trí xen ghép ổn định sớm cuộc sống cho bà con. Địa phương cần rà soát số liệu cụ thể thiệt hại về nhà ở, tài sản, hoa màu và định hướng xây dựng khu dân cư tái định cư để báo cáo, kiến nghị tới Chính phủ và các bộ ngành liên quan.

Khi triển khai xây dựng khu dân cư trên địa bàn tỉnh Hà Giang, ngoài tập trung về vấn đề hạ tầng thiết yếu, xây dựng nhà ở, địa phương cần trao đổi với các nhà khoa học để có định hướng đảm bảo an toàn, ổn định lâu dài, phát triển bền vững. Các khu dân cư nên xây dựng hệ thống quan trắc để cảnh báo thiên tai.

Liên quan đến việc phục hồi sản xuất, Thứ trưởng Trần Thanh Nam cho biết, về giống, Bộ NN-PTNT sẽ cân đối và hỗ trợ cho các địa phương của tỉnh Hà Giang bị thiệt hại. Bộ sẽ bố trí hỗ trợ giống lúa, ngô, đậu tương để khôi phục sản xuất.

Tham gia cùng đoàn công tác, ông Lê Quốc Thanh – Giám đốc Trung tâm Khuyến nông Quốc gia cho biết, nhận nhiệm vụ lãnh đạo Bộ NN-PTNT giao, thời gian tới Trung tâm Khuyến nông Quốc gia sẽ triển khai thực hiện các mô hình sản xuất nhằm nâng cao kiến thức, kỹ thuật cho người nông dân… Tỉnh Hà Giang cũng cần chú trọng việc chuyển đổi phương thức sản xuất, lựa chọn nuôi, trồng những cây, con có giá trị và hiệu quả kinh tế cao hơn.

Nhân dịp này, Thứ trưởng Trần Thanh Nam đã trao tặng tiền của Bộ NN-PTNT cho xã Tri Phú, huyện Chiêm Hóa, tỉnh Tuyên Quang và xã Yên Thành, huyện Quang Bình, tỉnh Hà Giang để khắc phục hậu quả do bão số 3 gây ra, mỗi xã 200 triệu đồng. Trung tâm Khuyến nông Quốc gia hỗ trợ hóa chất và các loại thuốc tiêu độc khử trùng giúp người dân cải tạo đất, khôi phục sản xuất do thiên tai, bão lũ gây ra.

Bão số 3 đã gây hư hỏng nhiều công trình thủy lợi, trong đó tỉnh Lào Cai là một trong những địa phương chịu thiệt hại nặng nề nhất. Đặc biệt, huyện Văn Bàn có nhiều tuyến kênh mương, đập đầu mối bị đứt gãy, hư hỏng nặng.

Tại xã Liêm Phú của huyện Văn Bàn, trong số hơn 80ha canh tác của bà con nông dân thì có hơn 16ha lúa bị thiệt hại nặng, nhiều diện tích đất ruộng bị sạt lở vùi lấp. Tuyến kênh Tạng nằm trên địa bàn thôn Liêm của xã này dẫn nước cho cánh đồng chính phục vụ sản xuất cho bà con đã bị gãy vai phải, không còn khả năng dẫn nước.

Trong khi, nhiều diện tích lúa của bà con đang trổ đòng, rất cần nước. Chính quyền địa phương huy động bà con nhân dân khơi thông dòng chảy, dọn bùn, cát, đất đá các tuyến kênh mương; đồng thời xếp đá nắn dòng nước chảy về ruộng. Biện pháp khắc phục tạm thời này nhằm cứu những diện tích lúa sắp tới vụ thu hoạch. Tuy nhiên, nó chỉ có tác dụng khi mực nước vẫn còn cao. Chỉ vài tháng nữa, khi mùa khô đến thì khả năng thiếu nước đã hiện hữu rất rõ.

Ông La Văn Chinh, Phó Chủ tịch UBND xã Liêm Phú (huyện Văn Bàn) cho hay, sau bão, UBND xã chỉ đạo người dân khắc phục với phương châm “4 tại chỗ”, dùng sức dân khơi hót dọn kênh mương có thể tưới tiêu được cho một số diện tích, cứu vớt một số hoa màu của người dân.

Khu vực thôn Nà Lặc và suối Tùng Chỉn của xã Trịnh Tường, lũ ập bất ngờ cuốn trôi mọi vật trên đường đi. Chưa đầy 2 giờ đồng hồ, nước và đá đầu nguồn đổ về lấp toàn bộ lòng suối và ruộng của bà con nhân dân. Lũ cuốn trôi toàn bộ nhà cửa, tài sản của những hộ dân sinh sống dọc bờ suối, rất may không thiệt hại về con người. Đất đá vùi lấp ruộng có đoạn dày tới hơn 5m, hệ thống giao thông bị đứt gãy.

"Cuộc sống của bà con rất khó khăn đặc biệt là về chỗ ở, tư liệu sản xuất, đường sá...", ông Nguyễn Văn Lực - Chủ tịch UBND xã Trịnh Tường.

Trước mắt, xã chủ động sử dụng nội lực cơ sở, quan tâm hộ khó khăn, mất nhiều tài sản để bà con nhân dân ổn định tư tưởng. Đặc biệt, 47 hộ phải di chuyển cấp bách, xã đã đề nghị huyện, tỉnh sớm quy hoạch khu dân cư làng thanh niên lập nghiệp ở thôn Bản Lầu, đưa các hộ dân về ở và mở rộng thêm 212 hộ khác nằm trong vùng nguy cơ sạt lở.

Đối với 45ha lúa 2 vụ bị vùi lấp không thể khắc phục sẽ định hướng chuyển đổi đất rừng sản xuất để bà con khắc phục vấn đề lương thực; chuyển đổi nghề nghiệp với hộ dân không còn tư liệu sản xuất. Khôi phục sớm hệ thống thủy lợi và nước sinh hoạt, đường liên thôn để bà con ổn định cuộc sống, canh tác trở lại.

Theo Sở NN-PTNT Lào Cai, tính đến ngày 21/9, mưa lũ trên địa bàn tỉnh Lào Cai làm 130 người chết, 21 người mất tích và 50 người bị thương. Có 6.761 căn nhà ở bị ngập nước, sạt lở, lũ cuốn trôi.

Mưa lũ cũng gây thiệt hại lớn về sản xuất nông nghiệp. Cụ thể, hơn 2.436ha lúa, 1.480ha ngô và rau màu, 416ha cây trồng hàng năm như sắn, dứa, trên 1.500ha cây công nghiệp dược liệu và cây lâm nghiệp bị vùi lấp, ngập úng, gãy đổ.

Trong số đó, diện tích ruộng lúa bị sạt lở mất đất, không có khả năng khôi phục lại sản xuất 361ha và diện tích ruộng lúa bị đất đá vùi lấp, phải cải tạo mới tiếp tục sản xuất được 131ha. Ước tổng thiệt hại toàn tỉnh Lào Cai gần 6.000 tỷ đồng.

Qua kiểm tra thực trạng và công tác khắc phục tại Lào Cai, Thứ trưởng Trần Thanh Nam cho rằng, cần bố trí tạm thời nơi ở cho nhân dân khi chưa bố trí được điểm dân cư tập trung.

Việc bố trí các điểm tái định cư tới đây phải bảo đảm hành lang an toàn, cảnh báo sớm thiên tai; bố trí nhà sinh hoạt cộng đồng để khi có thiên tai bà con có nơi để tránh trú.

Về khôi phục sản xuất, phải đánh giá kỹ diện tích bị thiệt hại để cơ cấu sản xuất cho phù hợp; tái sản xuất theo định hướng mới, cơ cấu cây con có giá trị kinh tế cao, phù hợp điều kiện địa phương. Hộ dân không còn đất sản xuất thì phải chuyển đổi, đào tạo nghề để người dân có thu nhập. Quan tâm việc khôi phục, sửa chữa hệ thống nước sạch vệ sinh môi trường nông thôn, hệ thống thủy lợi bị hư hỏng sau mưa lũ để có thể cung cấp nước phục vụ tái sản xuất.

Vấn đề xây dựng nông thôn mới, những tiêu chí nội lực của người dân gần như bị xóa hoàn toàn như thu nhập, hộ nghèo, nhà ở… song vẫn phải lên phương án để tiếp tục phấn đấu xây dựng nông thôn mới.

Đào Thanh, Thanh Tiến, Hải Đăng
Trọng Toàn
Đào Thanh, Thanh Tiến, Đăng Hải
Thanh Tiến