Đắk Lắk có điều kiện đất đai rộng lớn, đất đỏ bazan màu mỡ, có nhiều vùng chuyên canh công nghiệp, cây ăn quả, phát triển chăn nuôi để thu hút doanh nghiệp đầu tư.
Những năm qua tỉnh Đắk Lắk đã có nhiều chính sách để thu hút các doanh nghiệp đầu tư vào lĩnh vực nông nghiệp. Qua đó đã giúp người nông dân có thu nhập cao hơn, được tiếp cận với các tiến bộ khoa học kỹ thuật, nhất là hình thành ý thức sản xuất hàng hoá chất lượng hướng đến xuất khẩu.
Xung quanh vấn đề này, Báo Nông nghiệp Việt Nam đã phỏng vấn ông Nguyễn Hoài Dương, Ủy viên Ban Thường vụ Tỉnh ủy , Giám đốc Sở NN-PTNT Đắk Lắk.
Với tiềm năng, lợi thế của tỉnh Đắk Lắk phát triển nông nghiệp quy mô lớn, mang lại giá trị kinh tế cao. Vậy đâu là thế mạnh của tỉnh, thưa ông?
Tỉnh Đắk Lắk nằm ở trung tâm Tây Nguyên, có vị thế giao thông thuận lợi để giao thương hàng hóa với các tỉnh, các vùng miền trong cả nước. Đặc biệt với thế mạnh nguồn tài nguyên đất đa dạng, rất thuận lợi cho phát triển sản xuất nông nghiệp, tạo ra nhiều sản phẩm có chất lượng với sự góp mặt hầu hết của các nhóm đất có ở Việt Nam, trong đó đất được hình thành trên đá bazan khoảng 345.000 ha. Đây là loại đất phù hợp với nhiều loại cây công nghiệp dài ngày.
Với lợi thế về đất đai, địa phương chúng tôi là một trong những địa phương có diện tích cây công nghiệp lớn nhất nước như: Cà phê vối đứng đầu cả nước với diện tích 208.000 ha, sản lượng trên 476.000 tấn, xuất khẩu trên 210.000 tấn; Cao su với diện tích khoảng 37.000 ha, sản lượng trên 34.000 tấn/năm; Hồ tiêu đứng đầu cả nước với diện tích khoảng 35.000 ha, sản lượng trên 74.000 tấn; Điều với diện tích trên 23.000 ha, sản lượng khoảng 22.000 tấn; Cây ăn quả như bơ, sầu riêng, chuối, cam, quýt... có chất lượng và giá trị kinh tế cao, với diện tích trên 28.000 ha, sản lượng hàng năm đạt hơn 220.000 tấn...
Trong lĩnh vực chăn nuôi, hiện nay Đắk Lắk có tổng đàn gia súc, gia cầm trên 13,7 triệu con. Ngoài ra Đắk Lắk có khoảng trên 220.000 đàn ong, sản lượng xuất khẩu mật ong trên 15.000 tấn/năm. Đắk Lắk hiện có trên 700 hồ chứa và các hệ thống sông, diện tích mặt nước có khả năng đưa vào nuôi trồng thủy sản trên 42.000 ha, cà phê, hồ tiêu, điều, cao su...
Đặc biệt, hiện Đắk Lăk có diện tích rừng và đất lâm nghiệp 735 ngàn ha. Hiện tỉnh có khoảng 220 ngàn ha đất chưa có rừng, trong đó có khoảng 170 ngàn ha đất rừng sản xuất để phát triển rừng theo hướng thâm canh có kết hợp sản xuất nông nghiệp; có khoảng 200 ngàn ha rừng sản xuất, trong đó có 72 ngàn ha rừng nghèo, nghèo kiệt… cần thu hút đầu tư, thực hiện giải pháp cải tạo làm giàu rừng kết hợp sản xuất nông nghiệp.
Bên cạnh đó, chúng tôi có khoảng 285 ngàn ha rừng đặc dụng, phòng hộ, với sự đa dạng cảnh quan, địa hình, sông suối, thác nước… rất có tiềm năng phát triển dịch vụ du lịch sinh thái.
Với quy mô ngành nông nghiệp rất lớn như trên, nhưng chúng tôi lại có rất ít nhà máy chế biến và bảo quản, đặc biệt đối với rau, củ, quả và những nông sản chủ lực. Sản phẩm qua chế biến, nhất là sản phẩm tinh chế, chế biến sâu còn chiếm tỷ lệ rất thấp, chẳng hạn như cà phê hiện mới đạt 10-20%. Trái cây các loại trên 220.000 tấn/năm nhưng chưa có nhà máy chế biến quy mô lớn, công nghệ hiện đại để tạo ra nhiều sản phẩm đa dạng, phong phú… Đây là tiềm năng rất lớn để đầu tư phát triển chế biến, tiêu thụ sản phẩm nông lâm thủy sản của Đắk Lắk.
Thưa ông, những năm qua, ngành nông nghiệp Đắk Lắk có bước bứt phát ngoạn mục, đặc biệt trong năm 2020 tốc độ tăng trưởng gần 20%, cao nhất nước. Sự tăng trưởng này cũng có đóng góp của các doanh nghiệp?
Trong những năm qua, ngành nông nghiệp Đắk Lắk đã có bước phát triển tốt, bình quân 2016-2020 tăng 8,39%, đặc biệt năm 2020 tăng 19,41%. Có được kết quả này, theo tôi, đó là nhờ sự quan tâm chỉ đạo thường xuyên, quyết liệt của Tỉnh ủy, HĐND, UBND tỉnh; Sự chủ động, bám sát và tập trung thực hiện nghiêm túc, hiệu quả của Sở NN-PTNT; Sự phối hợp đồng bộ và vào cuộc mạnh mẽ của các cấp, các ngành, các doanh nghiệp, hợp tác xã, bà con nông dân.
Một nguyên nhân không thể không nhắc đến, theo tôi đó là các doanh nghiệp đã đóng góp hết sức quan trọng vào kết quả chung của ngành, đặc biệt là các doanh nghiệp xuất khẩu. Các doanh nghiệp này có vai trò quan trọng trong thúc đẩy hoạt động sản xuất, tiêu thụ sản phẩm ngành nông nghiệp.
Năm 2020, mặc dù tình hình dịch bệnh cực kỳ khó khăn cho các doanh nghiệp xuất khẩu, nhưng với sự cố gắng của doanh nghiệp và sự chỉ đạo, hướng dẫn kịp thời của chúng tôi và các Sở, ngành liên quan đã góp sức thúc đẩy nông nghiệp của tỉnh vượt qua khó khăn, mang lại giá trị xuất khẩu cao cho tỉnh nói chung và cho ngành nông nghiệp nói riêng. Năm 2020, kim ngạch xuất khẩu toàn tỉnh đạt trên 600 triệu USD, với các sản phẩm nông nghiệp chủ lực như cà phê, hồ tiêu, mật ong, cao su...
Những năm qua các doanh nghiệp đầu tư vào nông nghiệp trên địa bàn tỉnh nhà ra sao, thưa ông?
Như tôi đã nói ở trên, tỉnh Đắk Lắk nói chung và ngành nông nghiệp nói riêng có nhiều thuận lợi và tiềm năng để phát triển nông nghiệp. Vì vậy, trong những năm qua chúng tôi đã tích cực tham mưu, kêu gọi, thu hút các doanh nghiệp đầu tư trong lĩnh vực nông nghiệp, đặc biệt là đầu tư xây dựng các nhà máy chế biến để thu mua sản phẩm cho người dân, đây là giải pháp tích cực nhằm giải quyết vấn đề dư thừa sản phẩm cho người dân.
Với nhiều cố gắng, đã có một số nhà đầu tư đến với chúng tôi đặt vấn đề xin đầu tư và đã có một số nhà đầu tư về chăn nuôi, chế biến nông sản lớn như: Công ty Sapo đầu tư nhà máy chế biến trái cây, rau, củ quả; Tập đoàn Hùng Nhơn đầu tư dự án chăn nuôi lợn; Tập đoàn Xuân Thiện đầu tư Khu nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao tại huyện Cư Mgar; HTX giảm nghèo Ea Súp đầu tư dự án sản xuất, kinh doanh lúa, gạo tại huyện Ea Súp; Công ty trái cây Daclac Farm đầu tư xây dựng nhà máy chế biến trái cây xuất khẩu, Công ty TNHH Cá tầm Việt Nam đầu tư nuôi cá tầm tại huyện Lắk....
Mặc dù số lượng nhà đầu tư lớn vào tỉnh còn ít, nhưng đây là tín hiệu tốt để chúng tôi tiếp tục tham mưu tỉnh ban hành các chính sách hỗ trợ, ưu đãi hơn nữa để kêu gọi nhiều hơn các nhà đầu tư đến đầu tư trong hoạt động nông nghiệp của tỉnh, giúp cho ngành nông nghiệp tạo sự chuyển biến, phát triển hơn, nhất là tạo ra các sản phẩm nông lâm thủy sản có giá trị gia tăng cao, đáp ứng nhu cầu của thị trường trong và ngoài nước. Ngoài ra trên địa bàn tỉnh có 54 doanh nghiệp ngoài Nhà nước đầu tư 64 dự án phát triển nông lâm nghiệp trên đất lâm nghiệp.
Những doanh nghiệp đầu tư vào nông nghiệp thời gian qua đã mang lại những lợi ích gì cho tỉnh và cho người nông dân, thưa ông?
Tỉnh Đắk Lắk nói chung và ngành nông nghiệp nói riêng hiện nay rất cần và rất quan tâm kêu gọi, thu hút các nhà đầu tư đến Đắk Lắk đầu tư cho vào nông nghiệp. Vì vậy, những nhà đầu tư đến Đắk Lắk xin chủ trương đầu tư rất được chúng tôi quan tâm, tạo mọi điều kiện thuận lợi nhất. Do đó, việc kêu gọi, thu hút được nhiều nhà đầu tư đến đầu tư vào nông nghiệp rất quan trọng và có nhiều lợi ích cho ngành, cho tỉnh.
Theo tôi, những doanh nghiệp đầu tư vào nông nghiệp thời gian qua đã mang lại những lợi ích quan trọng, bởi các doanh nghiệp đã thu mua nguyên liệu cho người dân, cho các hợp tác xã, tổ hợp tác trồng trọt, chăn nuôi. Họ đã tạo ra chuỗi liên kết sản xuất-chế biến-tiêu thụ bền vững.
Đồng thời, giúp kiểm soát được chất lượng nguyên liệu đầu vào bởi nhà đầu tư sẽ có hợp đồng với người dân về quy trình canh tác, hướng dẫn kỹ thuật theo các tiêu chuẩn để tạo ra sản phẩm đầu vào đảm bảo chất lượng để chế biến.
Đồng thời tạo ra được sản phẩm có chất lượng cao hơn, sản phẩm chế biến sâu, tinh chế, đa dạng mẫu mã, chủng loại sản phẩm để canh tranh trên thị trường. Mang lại nguồn thu ngân sách cho tỉnh thông qua nguồn thu thuế từ doanh nghiệp.
Mặt khác, các dự án triển khai đã giải quyết việc làm cho người dân địa phương, đặc biệt là đồng bào dân tộc thiểu số tại chỗ, qua đó đã góp phần tạo nguồn thu nhập, ổn định đời sống cho người dân địa phương.
Từ những kết quả đạt được, trong thời gian tới ngành nông nghiệp Đắk Lắk xác định đâu là trọng tâm để thu hút các doanh nghiệp đầu tư, thưa ông?
Thế mạnh của chúng tôi là sản xuất nông nghiệp, với các hàng nông sản chủ lực như cà phê, điều, hồ tiêu, cao su, ca cao, trái cây… với tổng diện tích trên 340.000 ha. Trong thời gian đến, chúng tôi xác định trọng tâm, mấu chốt là kêu gọi các doanh nghiệp tham gia đầu tư trong chuỗi sản xuất - chế biến - tiêu thụ sản phẩm, đặc biệt là khâu chế biến.
Theo đó, chúng tôi sẽ tiếp tục và tích cực tham mưu, kêu gọi, thu hút các doanh nghiệp đầu tư xây dựng các nhà máy chế biến để thu mua sản phẩm cho người dân, đây là giải pháp tích cực nhằm giải quyết vấn đề dư thừa sản phẩm cho người dân.
Các lĩnh vực chủ chốt chúng tôi đã xác định, đó là phát triển ứng dụng công nghệ cao trong nông nghiệp nói chung, lâm nghiệp nói riêng; gắn nông nghiệp với phát triển lâm nghiệp bền vững. Tập trung phát triển công nghiệp chế biến sâu, công nghiệp có lợi thế cạnh tranh như chế biến sản phẩm nông lâm nghiệp.
Các nghiên cứu ứng dụng, chuyển giao công nghệ, ưu tiên các nghiên cứu cải thiện giống cây trồng và thâm canh rừng; Nghiên cứu triển khai các mô hình canh tác nông lâm kết hợp phù hợp với địa phương; xây dựng và nhân rộng các mô hình lâm sản ngoài gỗ, trồng dược liệu dưới tán rừng; mô hình kết hợp du lịch với sinh thái nông lâm nghiệp mang bản sắc các dân tộc tại địa phương.
Đầu tư phát triển nuôi cá nước lạnh, nuôi lồng bè trên sông và hồ chứa. Đầu tư, phát triển các dự án bổ trợ để phát triển chăn nuôi như: nhà máy sản xuất thức ăn chăn nuôi, nhà máy giết mổ, sơ chế, chế biến sản phẩm chăn nuôi, xây dựng thương hiệu sản phẩm chăn nuôi của tỉnh, tạo tiền đề cho việc mở rộng thị trường tiêu thụ trong nước và hướng tới xuất khẩu.
Thời gian qua, trên địa bàn tỉnh Đắk Lắk đã hình thành nhiều vùng chuyên canh lớn. Tuy nhiên hiện khâu chế biến, nhất là chế biến sâu để hình thành chuỗi giá trị vẫn còn nhiều hạn chế. Ông đánh giá sao về vấn đề này?
Từ khi chúng tôi triển khai Đề án tái cơ cấu ngành nông nghiệp theo hướng nâng cao giá trị gia tăng và phát triển bền vững đến năm 2020, định hướng đến năm 2030 được UBND tỉnh phê duyệt năm 2016, ngành nông nghiệp chúng tôi đã định hướng phát triển theo hướng chuyên canh và đã hình thành nhiều vùng sản xuất tập trung, đã có nhiều doanh nghiệp bỏ vốn đầu tư hệ thống dây chuyền chế biến.
Đồng thời chúng tôi cũng đã kêu gọi thu hút được một số nhà đầu tư đến tỉnh để xây dựng các nhà máy chế biến trong lĩnh vực nông nghiệp. Trong khoảng 500 cơ sở sản xuất, kinh doanh sản phẩm nông sản đang hoạt động hiện nay ở Đắk Lắk thì số lượng các cơ sở chế biến chủ yếu là cà phê, với 220 cơ sở, còn lại là chế biến ca cao, macca, trái cây...
Việc hình thành các chuỗi liên kết từ sản xuất đến tiêu thụ trong thời gian qua cũng đã triển khai và có sự chuyển biến. Tuy nhiên, trên trên bàn tỉnh hiện có rất ít doanh nghiệp đầu tàu, doanh nghiệp lớn có thể đứng ra bao tiêu sản phẩm cho người dân, hợp tác xã, ngoại trừ một số doanh nghiệp chế biến cà phê như: Cà phê Trung Nguyên, cà phê An Thái… thì trên địa bàn tỉnh cũng đã có một số doanh nghiệp chế biến Macca, trái cây đã bao tiêu được sản phẩm cho người dân một số vùng.
Còn lại các doanh nghiệp lĩnh vực chế biến chủ yếu là doanh nghiệp vừa và nhỏ, sử dụng công nghệ, máy móc lạc hậu, chưa có sự liên kết sản xuất theo chuỗi giá trị để hình thành vùng nguyên liệu quy mô lớn, ổn định; chưa có nhiều doanh nghiệp đầu tư chế biến sâu, để tạo ra nhiều sản phẩm có giá trị gia tăng cao, thu mua sản phẩm nông sản cho người dân nên việc hình thành chuỗi liên kết cũng gặp khó khăn, hạn chế. Có thể khẳng định, đây là khâu yếu trong sản xuất nông nghiệp hiện nay của tỉnh.
Vậy ngành nông nghiệp tỉnh Đắk Lắk xác định thu hút doanh nghiệp đầu tư vào lĩnh vực này như thế nào, thưa ông?
Như tôi đã nói ở trên, việc chế biến, bảo quản sau thu hoạch có vài trò vô cùng quan trọng, nhất là chế biến sâu. Do vậy, để thu hút doanh nghiệp đầu tư vào chế biến sau thu hoạch, ngành nông nghiệp tỉnh Đắk Lắk chúng tôi đã xác định cụ thể hai vấn đề chính để triển khai.
Thứ nhất, để kêu gọi được các nhà đầu tư vào đầu tư lĩnh vực nông nghiệp nói chung, trong đó có lĩnh vực chế biến nông sản, trước hết chúng tôi phải giới thiệu được tiềm năng, lợi thế và nhu cầu thu hút của ngành. Có như vậy nhà đầu tư mới có thể biết được thế mạnh của ngành nông nghiệp và nhà đầu tư sẽ chọn được cái họ cần đầu tư là lĩnh vực nào, sản phẩm nào.
Thứ hai là phải cải thiện môi trường đầu tư thông thoáng cho các doanh nghiệp đầu tư đầu, đặc biệt triển khai thực hiện có hiệu quả những ưu đãi, chính sách hỗ trợ thiết thực, cụ thể. Lồng ghép triển khai thực hiện có hiệu quả các chính sách của Trung ương để hỗ trợ cho doanh nghiệp đầu tư vào nông nghiệp trên địa bàn tỉnh theo Nghị định của Chính phủ; các chính sách hỗ trợ, thu hút doanh nghiệp đầu tư vào nông nghiệp của tỉnh đã ban hành.
Để thu hút các doanh nghiệp nhất là các doanh nghiệp “đại bàng” đầu tư vào nông nghiệp trong thời gian tới nhiều hơn nữa thì quy hoạch vùng sản xuất, chăn nuôi, các chính sách thu hút đầu tư được tỉnh Đắk Lắk triển khai như thế nào thưa ông?
Về các vấn đề tỉnh triển khai để thu hút các doanh nghiệp lớn hay còn gọi là “đại bàng” đầu tư vào nông nghiệp, chúng tôi đã xác định một số vấn đề để triển khai. Đó là tăng cường công tác tuyên truyền, quảng bá, giới thiệu về tiềm năng, lợi thế phát triển nông nghiệp của tỉnh đến các doanh nghiệp, nhà đầu tư để biết, tìm kiếm cơ hội để đầu tư, đặc biệt ưu tiên các doanh nghiệp “đại bàng” hay “doanh nghiệp đầu tàu” đến đầu tư tại tỉnh.
Chúng tôi cũng tập trung triển khai có hiệu quả các chính sách hỗ trợ trong nông nghiệp để thu hút được nhiều đầu tư đến tỉnh đầu tư là rất cần thiết. Vấn đề này, chúng tôi đã quán triệt đến các đơn vị chuyên ngành thuộc Sở, các công chức, viên chức luôn luôn nêu cao tinh thần hỗ trợ, hướng dẫn mọi tổ chức, cá nhân có nhu cầu tìm hiểu, hướng dẫn công tác hành chính, thủ tục xin đầu tư vào ngành nông nghiệp.
Nâng cao năng lực kết nối của doanh nghiệp, tạo mọi điều kiện thuận lợi nhất để thu hút nhà đầu tư đến với tỉnh nói chung và ngành nông nghiệp nói riêng, có được nhà đầu tư vào ngành nông nghiệp. Đặc biệt là lĩnh vực chế biến nông sản sẽ giúp cho người dân, hợp tác xã, tổ hợp tác tiêu thụ được sản phẩm, giải quyết được bài toán được mùa mất giá, tạo ra nhiều sản phẩm nông sản có chất lượng, có giá trị gia tăng cao hơn, góp phần phát triển kinh tế của tỉnh.
Đồng thời tiếp tục thực hiện cải cách hành chính, đơn giản gọn nhẹ các thủ tục đầu tư dự án; tạo hành lang pháp lý minh bạch, rõ ràng để thu hút các doanh nghiệp, đặc biệt là các doanh nghiệp lớn có tiềm lực mạnh tham gia đầu tư vào lĩnh vực nông nghiệp.