Khám phá kho tàng tục ngữ, ca dao Việt Nam, hình như những điều gửi gắm về tình cảm gắn bó, trân quý với cây lúa, hạt gạo nhiều vô kể, đa dạng và sâu sắc. Có vị Đại sứ nước ngoài tại Việt Nam, qua bao lần ngắm cánh đồng lúa thơm, mới phát hiện từ vựng tiếng Việt có đến 11 từ liên quan đến cây lúa: “Lúa - Mạ - Thóc - Gạo - Cơm - Cốm - Nếp - Tấm - Tẻ - Lứt - Mẻ”.
Không biết có phải là do đất nước mình là xứ sở nông nghiệp, khởi thủy từ nền văn minh lúa nước. Không biết có phải là do người Việt trong bữa cơm hàng ngày đều phải có hạt cơm trước khi nghĩ đến món này thức kia. Không biết có phải là do dù có trải nghiệm nhiều món ngon vật lạ bốn phương trời, nhưng chỉ mấy hôm là đã nhớ về bát cơm quê mình.
Người Việt, dù ở đồng bằng màu mỡ hay chót vót non cao, đều có thể trồng lúa. Đồng bằng mênh mông biển lúa. Non cao trồng lúa trên các thửa ruộng bậc thang. Nhà có điều kiện, thì canh tác quy mô lớn, nhà ít đất, thì cũng vài vuông ruộng nhỏ. Nhà có điều kiện, thì máy bơm hiện đại, nhà ít có điều kiện, thì cũng gàu sòng dân dã. Cứ thế, hạt giống gieo xuống, rồi cũng đến ngày lúa trổ bông, chín vàng đồng. Có khó gì lắm đâu, mấy ngàn năm nay vẫn thế. Sau hạt lúa là hạt gạo, sau hạt gạo là hạt cơm trong bữa ăn hàng ngày của người Việt.
Một thời hạt gạo quý đến nỗi có lời ví von: “Buồn như mất sổ gạo”, “Ở đây một hạt cơm rơi. Ngoài kia bao hạt mồ hôi thấm đồng”. Như vậy, hạt gạo không chỉ quý vì giá trị lương thực, dinh dưỡng, mà còn quý vì công sức của bao người nông dân dày công trên những cánh đồng.
Dần theo năm tháng, hạt gạo không chỉ đủ bảo đảm bữa ăn hằng ngày của gần trăm triệu người Việt, hạt gạo đã vươn xa mang theo hình ảnh đất nước bốn ngàn năm.
Hạt gạo Việt đã đến hàng trăm quốc gia. Hạt gạo Việt bước vào thị trường phổ thông, rồi dần tiến đến các thị trường cấp cao, tự tin hiện diện trên các kệ hàng sang trọng, vào thực đơn của chính khách, là sự lựa chọn của các đầu bếp nổi tiếng thế giới.
Hạt gạo, cùng các nông sản khác, góp phần hiện thực hoá giấc mơ: “Việt Nam trở thành bếp ăn của thế giới”. Kết quả đó có thể phần nào tính toán, thống kê qua con số sản lượng, kim ngạch xuất khẩu. Nhưng khó lòng đo đếm hết được công sức đóng góp vào thành quả chung của hàng triệu nông dân, của hàng ngàn doanh nghiệp, của hàng trăm nhà khoa học hàn lâm và nhà khoa học “chân đất”.
Hạt gạo từ giống ST, không chỉ là kết quả qua những năm dài nghiên cứu, mà còn chính là tâm huyết, là sự nung nấu, là khát vọng của một nhà khoa học gắn với tình yêu nông nghiệp, tình yêu nông dân.
Cũng như vậy, những hạt gạo chất lượng cao hãnh diện tiến vào thị trường cao cấp là hành trình nghiên cứu lai tạo của các nhà nông học, là quá trình liên kết, hợp tác, đầu tư của các doanh nghiệp với các hợp tác xã, tổ chức nông dân.
Câu chuyện “4 nhà” đã lặng lẽ và bền bỉ hình thành trên những cánh đồng, bởi những người nông dân, những doanh nghiệp tâm huyết, chứ không dừng lại ở dự định, đề xuất tại các diễn đàn, hội nghị.
Hệ sinh thái gắn kết, bền vững sẽ trở thành nền tảng chủ đạo trong cơ cấu lại ngành hàng lúa gạo, thay cho tư duy sản xuất mùa vụ, mua bán thương vụ, “ăn đong từng bữa”.
Trong hệ sinh thái đó, các thành viên xích lại gần nhau hơn, thu ngắn khoảng cách, thông cảm, thấu hiểu những khác biệt, tiến tới hài hòa lợi ích, san sẻ rủi ro, thay vì toan tính thiệt hơn “mùa này có cơ hội thì tôi ép anh, để biết đâu mùa sau anh lại ép tôi”.
“Tiêu dùng xanh” đang dần trở thành xu hướng chủ đạo trong nền kinh tế xanh. Rồi đây, hạt gạo cũng như những sản phẩm nông nghiệp khác được người tiêu dùng lựa chọn không chỉ do giá cả cạnh tranh, chất lượng cao, mà còn nhờ vào việc tiêu chuẩn môi trường được quan tâm nhiều hơn.
Các chuyên gia đã khuyến cáo về quy trình canh tác lúa gạo nói chung - một trong các tác nhân gây ra biến đổi khí hậu, sẽ gặp bất lợi về thương mại, nếu mô hình sản xuất nông nghiệp tiếp tục “kinh doanh như bình thường”.
Ngành hàng lúa gạo, bên cạnh những thành tích vượt bậc, đáng tự hào, cũng đã ít nhiều bộc lộ những thách thức nội tại. Chi phí đầu vào cao, không chỉ do diễn biến giá cả vật tư, nguyên liệu, mà còn do sự lạm dụng, tiêu tốn nhiều nước trong khi tài nguyên này ngày càng khan hiếm. Chất lượng không đồng đều. An toàn vệ sinh thực phẩm, sức khỏe người nông dân, người trực tiếp sản xuất, chưa được quan tâm, bảo vệ.
Không có gì bất biến trong thế giới vạn biến: biến đổi khí hậu, biến động thị trường, biến chuyển xu thế tiêu dùng. Điều từng là niềm tự hào hôm trước, mùa trước, có thể đảo chiều ngay hôm sau, vụ sau. Nếu say sưa quá mức với những thành tích, thành tựu mang tính thời điểm, sẽ khó nhìn thấy để nhận ra vấn đề. Mà không nhận thấy hay xác định được vấn đề, chính là vấn đề lớn nhất.
Vấn đề ở đây, có lẽ chính là, cùng nhau tư duy lại về hạt gạo, tư duy lại về một ngành hàng, tư duy lại về cả hệ sinh thái. Vấn đề ở đây là biết cách vượt qua mong muốn tìm kiếm lợi ích ngắn hạn, để sẵn lòng hợp tác, liên kết đầu tư cho một ngành hàng trong dài hạn.
Vấn đề ở đây là cùng nhau trân trọng tạo dựng hình ảnh hạt gạo Việt, thành thương hiệu ngành nông nghiệp, thương hiệu quốc gia. Hạt gạo là mục tiêu chung, là niềm tự hào chung cho tất cả mọi người, cho đất nước.
Người xưa từng đúc kết: “Phàm giá gạo mua hai bán mười, thì có hại cho nhà nông. Mua chín bán mười, thì có hại cho nhà buôn. Người buôn bị hại, thì của cải không có. Nhà nông bị hại, thì cỏ dại không trừ… Làm sao nghề nông, nghề buôn đều được lợi, giá cả ổn định, vật dụng đầy đủ, chợ không thiếu hàng”. Lại thêm lời nhắc nhở: “Có đắt hàng tôi, mới trôi hàng bà” - một tư duy “cùng nhau” dựa trên cân bằng lợi ích, san sẻ rủi ro, thay vì chỉ quan tâm đến “được - mất” nhất thời.
Chúng ta tự hào về khởi thủy từ nền văn minh lúa nước, vậy chúng ta có tự hào về văn hóa của những thành viên trong hệ sinh thái ngành hàng lúa gạo không?
Hợp tác, liên kết không chỉ dựa trên lợi ích, mặc dù lợi ích là phần lớn trong sản xuất, kinh doanh. Tinh thần hợp tác, liên kết còn dựa vào văn hóa, cảm xúc, niềm tin của những người tham gia.
Tinh thần hợp tác, liên kết còn dựa trên tư duy cùng nhau kiến tạo một ngành hàng đem lại đời sống ấm no, hạnh phúc cho hàng triệu người dân Việt.
Đất trồng lúa rồi sẽ giảm, nhường chỗ cho các cây trồng, vật nuôi có lợi thế khác, cho các khu vực kinh tế khác. Diện tích giảm, thì không còn cách nào khác là tạo ra giá trị hạt gạo cao hơn, là tạo ra chuỗi giá trị ngành hàng lúa cao gạo bền vững.
Giá trị đó có được từ chất lượng và sự thay đổi, thích ứng không ngừng, phù hợp xu thế của thị trường. Giá trị đó có được nhờ vào hàm lượng tri thức, tích hợp công nghệ, đa tầng giá trị.
Giá trị đó còn có được, từ tổng hoà các giá trị đóng góp của người nông dân, doanh nghiệp, chuyên gia, nhà khoa học, nhà quản lý. Hình ảnh hạt gạo không chỉ nằm ở độ dài, độ tròn, độ ngọt, độ thơm, mà còn ở hình ảnh cộng đồng những người làm ra và trao gửi hạt gạo đến tận tay người tiêu dùng. Hình ảnh đó dần sẽ trở thành thương hiệu “Gạo Việt”. Đó là một hành trình dài, đòi hỏi sự kiên trì, bền bỉ, không ngại cách trở, khó khăn.
Trên hành trình miệt mài đó, có lúc không tránh khỏi những xung đột nhất thời do lợi ích, do quản lý điều hành, do muôn vàn tình huống xảy ra. Khi ấy, thay vì tạo ra xung đột, xa cách lớn hơn, thay vì nghĩ: “Mạnh vì gạo, bạo vì tiền”, thì hãy nhẹ nhàng nhắc nhau: “Cơm sôi nhỏ lửa, biết đời nào khê”. Khó khăn nhất thời rồi cũng sẽ qua, ngành hàng lúa gạo rồi lại “chắc cơm, thơm hạt”, vững vàng tiến bước.