| Hotline: 0983.970.780

Câu chuyện về một ngôi miếu

Chủ Nhật 23/10/2022 , 09:32 (GMT+7)

Một ngôi miếu nhỏ, bốn bề lộng gió, bên cạnh những vuông tôm vuông cá, là cả một câu chuyện sâu sắc về lòng trắc ẩn của một người lãnh đạo.

Trong chuyến khảo sát vùng nuôi thuỷ sản ven bờ phá Tam Giang trước khi cơn bão Noru thổi qua, được giới thiệu một ngôi miếu thật đặc biệt. Thường thì ngôi miếu để thờ “thành hoàng làng”, người có công với làng, trong khi ngôi miếu này được người dân vạn đò lập ra để thờ anh Phan Thế Phương, nguyên Giám đốc Sở Thuỷ sản tỉnh Thừa Thiên - Huế. Một lãnh đạo địa phương đứng bên trầm tư đúng cốt cách người cố đô: một ngôi miếu do người dân xây dựng để thờ một “vị quan của lòng dân” là chuyện thật hiếm ngày nay!

Người dân lập đền thờ ông Phan Thế Phương, nguyên Giám đốc Sở Thuỷ sản tỉnh Thừa Thiên - Huế, bên đầm phá Tam Giang.

Người dân lập đền thờ ông Phan Thế Phương, nguyên Giám đốc Sở Thuỷ sản tỉnh Thừa Thiên - Huế, bên đầm phá Tam Giang.

Vùng đất ven đầm phá này, trước đây, bà con sống trên những khoang thuyền lênh đênh, thường xuyên đối mặt với giông bão. Cuộc sống mưu sinh vất vả chỉ nhờ đánh bắt con tôm con cá nhưng luôn đối mặt với thiên tai khắc nghiệt hàng năm.

Rồi trận bão kinh hoàng năm 1985 quét qua vùng đất này gây ra bao tang tóc, cuộc sống của bà con vốn đã nghèo khó, lại càng chồng chất thêm bao nỗi gian truân. Câu thơ buồn lại càng buồn: “Thương em anh cũng muốn vô. Sợ truông Nhà Hồ, sợ phá Tam Giang” phải chăng là gì vậy?

Bỗng khi ấy, một vị “thành hoàng làng”, như cách gọi cung kính của người dân dành cho một người đứng đầu ngành thuỷ sản địa phương, lặn lội đến với vùng đất này. Cũng từ đây, người dân cứ tưởng cuộc đời mình đã an phận, bị trói buộc bởi cái nghèo, cái khó, đã bắt đầu an cư với nghề nuôi trồng thuỷ sản, với những vuông tôm, vuông cá.

Bà con kể lại, vị “thành hoàng làng” thường xuyên dành thời gian lui tới để lắng nghe bà con, chia sẻ với bà con, đồng cảm với bà con, cùng bà con kiên trì thay đổi cách nghĩ, cách làm. Và quan trọng hơn, đồng hành với bà con trên hành trình thay đổi cả cuộc sống một thôn xóm, thay đổi những kiếp người.

Hệ đầm phá Tam Giang - Cầu Hai có diện tích hơn 22.000 ha trải dài 68 km thuộc huyện Phong Điền, Quảng Điền, Phú Vang, Phú Lộc và thị xã Hương Trà. Đây là đầm phá nước lợ lớn nhất Đông Nam Á.

Hệ đầm phá Tam Giang - Cầu Hai có diện tích hơn 22.000 ha trải dài 68 km thuộc huyện Phong Điền, Quảng Điền, Phú Vang, Phú Lộc và thị xã Hương Trà. Đây là đầm phá nước lợ lớn nhất Đông Nam Á.

Có thể mỗi người chúng ta đã quen thuộc vào ra ngôi nhà của mình, nên đôi khi không hiểu hết ước mơ về một tổ ấm, dù có thể chưa đủ rộng, còn thiếu tiện nghi, nhưng với bà con đó là một cuộc đổi đời. Phải chăng điều giản dị đối với đời mỗi người là “sống có nhà, thác có mồ”.

Nhưng ước mơ đó đối với nhiều người, đôi khi cả đời không vươn tới được. Những vần thơ đầy cảm xúc về cuộc sống lênh đênh trên sóng nước của bà con vạn đò như khúc ca buồn: “Cha mẹ ngược dòng. Con sinh ra. Lũ anh em nhung nhúc khoang đầy. Di cư mùa lũ. Ghìm mái chèo rẽ sống. Giang hồ là nguyên sinh”.

Vậy mà từ ngày đấy, chính nhờ vị “thành hoàng làng”, bà con đã được “an cư, lạc nghiệp”, thôn xóm được hình thành, trẻ em được đến trường tìm từng con chữ. Từ một thôn xóm ban đầu, dần dần thôn xóm tiếp nối thôn xóm. Bà con mình hết nỗi đau đáu trong lòng: “Họ hàng nơi mô gốc gác? Mồ mã nơi mô quê nhà?”. Mai này, mức độ tiện ích trong cuộc sống sẽ được cải thiện dần, bước tiếp con đường của vị “thành hoàng làng” đã đặt nền móng đầu tiên.

Một ngôi miếu nhỏ, bốn bề lộng gió, bên cạnh những vuông tôm vuông cá, là cả một câu chuyện sâu sắc về lòng trắc ẩn của một người lãnh đạo. Một người đã đến tận từng khoang thuyền để thấu cảm với thân phận từng gia đình. Và từ thấu cảm đó, sau nhiều đêm không yên giấc, đã tìm ra con đường khai phá mới mẻ.

Một người không chấp nhận dừng lại ở các nghị quyết, các bản đề án, các câu khẩu hiệu, mà luôn hành động vì thân phận con người. Một người không chỉ nhìn phá Tam Giang, “sông ba cửa”, hệ sinh thái biển cạn nước lợ nhiều tài nguyên, mà quan tâm đến những cảnh đời đang sống chật vật trên nguồn tài nguyên vô giá đó.

Một người không nhìn đầm với hàng trăm loài thuỷ sinh, mà đau đáu trước sự mong manh sinh kế của bao hộ dân vạn đò phiêu dạt. Con người mới thực sự là tài nguyên trung tâm của các loại tài nguyên.

Mưu sinh trên phá Tam Giang.

Mưu sinh trên phá Tam Giang.

Vượt qua những đụn cát ngăn cách phá Tam Giang tiến dần ra biển. Nơi đó, hàng trăm ngàn ngư dân chồng chềnh trên những chiếc thuyền nan, những con tàu mong manh giữa biển khơi, vừa mưu sinh, vừa đem tài nguyên từ “biển bạc” về làm giàu cho bao người trên bờ. Đến với những ruộng muối để phần nào hiểu được nỗi cơ cực của những diêm dân, những hạt muối thấm đẫm vị mặn mồ hôi hoà với vị mặn của nước biển, giúp bữa cơm hàng ngày mỗi gia đình thêm đủ vị.

Ngược lên rừng để đến với những bà con nuôi ong lấy mật ngọt cho đời, nhưng đôi khi đời mình thiếu vị ngọt. Đến với hàng triệu người nông dân trên những cánh đồng lúa, bên trong những khu vườn, những nông dân trầm mình dưới các ao bè, quanh quẩn bên trong các chuồng trại. Đến với con người để hiểu hơn về con người, hiểu để yêu thương, yêu thương để hành động.

Đến ngôi miếu nhỏ do người dân lập ra để hiểu thế nào là “sống trong lòng dân”. Chắc ở đây không có cảnh chen lấn cầu vinh cầu lộc, xin ấn xin danh, mà chỉ có những lời nguyện cầu cho vị “thành hoàng làng” linh thiêng tiếp tục chở che, phù hộ cho dân làng, cho mưa thuận gió hoà, bớt đi bão giông bất trắc.

Một cõi nhân sinh đi về, những so đo được mất, đôi khi làm người lãnh đạo quên đi những giây phút gặp gỡ người dân, tách biệt với đời sống của người nông dân, ngư dân, diêm dân.

Vị “thành hoàng làng” chọn cho mình cách  “đứng bên trong lòng dân” để phụng sự. Suy cho cùng, mỗi chúng ta cũng từ người dân mà ra và rồi một ngày cũng trở lại vị trí người dân.

Trường học mang tên Phan Thế Phương

Trường học mang tên Phan Thế Phương

Mai này, những học sinh trưởng thành từ ngôi trường mang tên Phan Thế Phương sẽ trở thành những chủ nhân vùng đầm phá xinh đẹp này. Các em, các cháu được hấp thu tri thức, kỹ năng, thái độ sống để mai này nhân lên nhiều lần giá trị một đặc ân tạo hoá ban tặng. Các em, các cháu sẽ xây thêm những xóm làng hiện đại hơn, giàu bản sắc hơn, đong đầy tình người hơn. Các em, các cháu luôn ghi lòng tạc dạ một vị “thành hoàng làng” mang tên Phan Thế Phương, Anh hùng lao động thời kỳ đổi mới, một “vị thần” sống mãi trong lòng dân.

“Tiền hiền khai khẩn, hậu hiền khai cơ”. Những con người tiếp nối hành trình “khai cơ” sẽ biến những thôn xóm thành những khu đô thị sáng đèn, sẽ đưa nghề nuôi tôm truyền thống thành ngành thuỷ sản công nghệ cao, tích hợp đa giá trị. Ánh sáng sẽ bừng lên xua tan đi bóng đêm. Vượt qua nỗi ám ảnh “sợ phá Tam Giang”, những con người nơi đây sẽ tự tin chào đón mọi người đến khám phá một miền di sản, những cộng đồng hạnh phúc, đầy khát vọng.

Xin kính cẩn thắp nén tâm hương gửi đến một vị lãnh đạo đầy lòng trắc ẩn với con người!

Xem thêm
Hà Lan tiếp tục hỗ trợ quản lý nước, rủi ro về nước vùng ĐBSCL

Chiều 4/11, Thứ trưởng Bộ NN-PTNT Nguyễn Hoàng Hiệp tiếp và làm việc với bà Meike van Ginneken, Đặc phái viên về nước của Hà Lan. 

Nhận quà khủng, chủ xe VF 6 chốt cọc với mức giá từ 579 triệu đồng

VF 6 đang là mẫu xe đáng mua nhất phân khúc khi chi phí bỏ ra cho chiếc xe chưa đến 600 triệu đồng nhưng giá trị nhận được thì vượt xa con số này.

Hà Nội chuyển rét từ ngày mai

Do ảnh hưởng của không khí lạnh, Hà Nội chuyển rét, nhiệt độ thấp nhất ở mức 18 độ C. Gió Đông Bắc mạnh cấp 2-3, nhiều nơi có mưa rào rải rác.

Người phụ nữ 'biến đổi' vùng đất nghèo thành vườn rau bội thu

SƠN LA Bà Luyến, một nông dân ngụ cư, đã nỗ lực thay đổi bản Tự Nhiên từ vùng đất nghèo khó thành điểm sáng nông nghiệp sạch, mang lại cuộc sống ấm no cho cộng đồng.