Bộ trưởng Lê Minh Hoan và đôi điều ngẫm nghĩ đường xa

 

 

Ngày giáp Tết, ngẫm nghĩ về chuyến công tác đến các nước châu Âu vào tháng mười hai vừa rồi. Hành trình gấp nhiều lần thời gian bay giữa hai miền đất nước. Lịch trình đôi ngày ở mỗi điểm đến dành trọn cho các buổi trao đổi, tiếp xúc cấp cao, khảo sát, trải nghiệm thực tế, sự kiện kết nối doanh nghiệp, thu hút đầu tư,… Còn bao điều cần tìm hiểu, tiếp cận, xin chia sẻ những cảm nhận thoáng qua, suy nghĩ ban đầu.

Cách nhau 6-7 múi giờ, bên ta dần rạng sáng, bên ấy vừa vào đêm. So sánh theo chiều ngang đều khập khiễng, từ điều kiện địa lý, văn hoá,… đến thu nhập bình quân đầu người, năng lực khoa học công nghệ,… Thôi thì, quan sát theo chiều dọc, ngược dòng lịch sử các nước, cố gắng lý giải trong sự hiểu biết hạn hẹp. Một nhà văn tự sự: “Trước mỗi lần lên đường, tôi cố gắng trút bỏ mọi định kiến, mọi hình dung… Và tôi lên đường như một tờ giấy trắng với niềm khát khao được phủ kín, được lắp đầy, được đổi thay!”. Và đây là đôi điều vừa được viết thêm vào “tờ giấy trắng”.

Những đất nước giàu có hôm nay cũng đi lên từ gian khó ngày xưa. “Không ai giàu ba họ, không ai khó ba đời”, đó là tổng kết của ông bà mình từ ngàn xưa. Lướt qua dòng lịch sử, những đất nước ấy cũng bắt đầu với xuất phát điểm thấp, đi lên từ nông nghiệp, đối mặt thiên nhiên khắc nghiệt, trải qua xung đột, chiến tranh. Hình ảnh những bàn chân quấn vải vài trăm năm trước, khuân đá lấn biển, đắp đập, xây đê, mới thấy ngày xưa họ cũng gian khổ nhường nào.

Những cối xay gió thời xa xưa được sử dụng để chuyển nước tưới cho những mảnh đất khô cằn, ngày nay được xem là những di sản, là niềm tự hào dân tộc. Không chỉ trầm trồ trước sự giàu có, mà cần tìm hiểu điều gì làm nên sự giàu có. Chặng đường đi đến giàu có đâu phải tự nhiên mà có.

Từ quốc gia nông nghiệp, rồi vào nhóm đi đầu trong cuộc cách mạng công nghiệp, để ngày nay, đất nước nằm thấp hơn mực nước biển, được biết đến là cường quốc về hoa, với ngành sô-cô-la, khoai tây hàng đầu thế giới. Từ lợi thế công nghiệp phát triển, họ đã nâng tầm nền nông nghiệp truyền thống thành nền nông nghiệp công nghệ trên đỉnh cao của đổi mới sáng tạo.

Họ đã biến những ngành hàng nông nghiệp trở thành hình ảnh quốc gia, thương hiệu quốc gia. Những tổ hợp, cụm liên kết ngành nông - công nghiệp ngay giữa không gian nông thôn cho thấy hoàn toàn không có sự xung đột, đánh đổi giữa công nghiệp, dịch vụ và nông nghiệp.

Những đất nước thịnh vượng xuất phát từ nền tảng kết cấu xã hội. Ngày xưa, để sinh tồn, những cộng động dân cư tự nguyện liên kết lại với nhau, kết cấu lại, cùng chống chịu sự khắc nghiệt của thiên nhiên, hình thành những vùng và tính liên kết vùng.

Một vị lãnh đạo chia sẻ: “Hàng trăm năm trước, để sinh sống và sản xuất nông nghiệp, mỗi hộ gia đình trên đất nước chúng tôi xây dựng từng tuyến đê riêng, nhưng sau đó nhiều hộ liên kết lại xây đê bao chung, dần dần tinh thần hợp tác tự nguyện hình thành, đó là lý do chúng tôi có nhiều hợp tác xã hùng mạnh. Người dân thấy rằng không thể sống một mình, sản xuất một mình”.

Nhìn lại mình, câu chuyện phá bỏ bờ bao để đồng ruộng quy mô lớn hơn sao vẫn chập chờn. Do tinh thần hợp tác suy yếu ở một mắc xích nào đó, hay do những thủ lĩnh địa phương thiếu quan tâm kết nối?

Những đất nước phát triển dựa trên tam giác: Chính phủ - Doanh nghiệp và khu vực tư nhân - Viện, trường. Khi giới thiệu một không gian Đổi mới sáng tạo trong lĩnh vực nông nghiệp công nghệ, một vị lãnh đạo phát biểu, đây là thành quả ba bên: Chính phủ khởi tạo và đầu tư nguồn lực ban đầu, khu vực tư tiếp nhận và hợp tác với các viện nghiên cứu, trường đào tạo, cùng nghiên cứu phát kiến, thử nghiệm, đưa vào ứng dụng những công nghệ mới.

Giống như nguyên lý truyền động, bánh răng thứ nhất kích hoạt bánh răng thứ hai chuyển động, cứ thế bánh răng thứ ba chuyển động nhờ bánh răng thứ hai. Cách tiếp cận không mới mà vẫn mở ra nhận thức mới. Đó là xác định rõ vai trò và trách nhiệm của mỗi chủ thể trong hệ sinh thái. Đó là tư duy liên kết, hợp tác xuyên suốt: cần nhau, luân chuyển cho nhau những nguồn lực, để rồi nguồn lực lại kích hoạt, tạo ra nguồn lực mới.

Đó là tư duy “đi cùng nhau” trong tiến trình phát triển, chung tay tạo ra giá trị cho đất nước. Tất nhiên, cơ chế chính sách hiện tại cần phải tiếp tục được hiệu chỉnh, khởi tạo đầy đủ điều kiện, tiếp thêm “chất xúc tác” để guồng máy xã hội vận hành một cách nhịp nhàng.

Và nếu mỗi người bớt cân phân hơn giữa “tôi”“chúng ta”, giữa “cá nhân”“cộng đồng”, giữa “trách nhiệm”“bổn phận”, xã hội sẽ được kích hoạt nguồn năng lượng vô tận.

Quan sát thái độ, biểu cảm ở những người được tiếp xúc trong các buổi làm việc, thấy toát lên tính chặt chẽ, khoa học, hiệu quả. Phải chăng chính thái độ vừa nghiêm túc, vừa cởi mở, vừa giàu năng lượng giúp đất nước của họ trở nên giàu có? Đến đây chắc sẽ có người cho rằng do “tiền nào của nấy”, do thu nhập cao, nên thái độ của họ mới được tích cực như vậy.

Thế thì thẳng thắn nhắc nhau về quan điểm đáng suy ngẫm của một nhà giáo dục: “Tiền làm ra mình hay mình làm ra tiền?”, hay đành mắc kẹt trong vòng lặp “Quả trứng có trước hay con gà có trước?”!

Những đất nước được biết đến với đô thị phồn vinh, hiện đại, vẫn luôn gìn giữ Nông thôn như di sản. Bữa ăn trưa bàn công việc tại một khu làng quê nông thôn với vị lãnh đạo tập đoàn xuyên quốc gia mang đến nhiều điều thú vị. Bên trong những mái nhà truyền thống mấy trăm năm trước, là tiện ích hiện đại, vật dụng bày trí chỉn chu, ngăn nắp. Chung quanh vẫn là khung cảnh miền quê quen thuộc: dòng kênh, những cây cầu gỗ, những luống hoa, luống rau dân dã,...

Vẫn ngửi thấy mùi đất, mùi rơm rạ, vẫn cảm nhận được môi trường, không khí trong lành của miền quê. Từ những miền quê được giữ gìn như một di sản, họ tạo thành điểm đến du lịch “Kỳ nghỉ đồng quê”. Những người đô thị từ các thành phố, trung sầm uất vẫn thường xuyên lui tới, đi về với làng quê, cùng với tri thức và sự năng động.

Những gì nhìn thấy bằng mắt thường, đôi khi khiến chúng ta bị “đánh lừa” về khoảng cách giữa biểu hiện bên ngoài và giá trị ẩn chứa bên trong. Trao đổi qua một vài hình ảnh ghi nhận nhanh nơi “xứ khách”, nhiều người ngạc nhiên cảm thán, nông sản nước mình đâu khác gì nước họ, nông nghiệp nước mình cũng đâu thua gì nước họ. Đúng rồi, vẫn hoa này quả kia, xứ mình cũng trồng được mà. Đúng rồi, khoai tây ông bà mình trồng được từ lâu rồi. Đúng rồi, nhà màng, nhà lưới mình cũng đã có từ lâu.

Có câu thường nói vui: “Coi vậy mà không phải vậy!”. Nhìn bên ngoài tưởng giống nhau, nhưng tìm hiểu kỹ sẽ thấy khác xa nhau. Chất lượng khác nhau, giá trị khác nhau, hàm lượng tri thức khác nhau. Tất cả khởi nguồn từ tư duy, cách tiếp cận, sự cải tiến, đổi mới sáng tạo liên tục. Tất cả bắt đầu từ năng lực xã hội, năng lực doanh nghiệp, nhà khoa học và người dân. Tất cả xuất phát từ tinh thần liên kết, hợp tác trong xã hội!

Thế giới quả là rộng lớn, và chúng ta còn rất nhiều việc phải làm.

Lê Minh Hoan
Trương Khánh Thiện
Lê Trung Quân