"Chỉ khi người tài thực sự được lựa chọn và trao cơ hội để phát huy hết trí lực của họ chúng ta mới có quyền hi vọng", nhà văn Đỗ Chu.
Lúi húi bê mấy bìa đậu, một đĩa rau sống, đĩa bông cải xanh với mấy miếng giò chả Ước Lễ, ông cụ tỉ mẩn lót tập báo cũ làm mâm, vừa sửa soạn vừa cất giọng nhẹ nhàng, đâu cứ mâm cao cỗ đầy mới là sang trọng, quê mùa mà biết hẳn hoi, biết tử tế cũng chẳng phải sợ thua kém gì ai. Nói rồi giục giã vào mâm, bước sang tuổi 80 xem ra đến ăn uống cũng là ngẫm ngợi.
Độ vài năm nay, hễ có cơ hội tôi lại rủ nhà văn Văn Chinh đến hầu chuyện văn tài Đỗ Chu. Cũng có khi về “mảnh vườn xưa hoang vắng” ở bên Thành phố Bắc Ninh nhưng thường là căn hộ chung cư nằm trên phố Đội Nhân, đối diện Nhà tang lễ 354 như hôm nay. Vẫn những câu chuyện không đầu không cuối, thủ thỉ rề rà giữa tiết trời đông giá, lẫn trong tiếng khèn ma cùng lời ai điếu thỉnh thoảng lại réo rắt phía bên kia đường.
Nhà văn Văn Chinh thường nói, tuổi 80 của bậc tiên chỉ làng văn Đỗ Chu bây giờ có thể gọi là bậc lão giả an chi, một mình một cõi, từ lâu đã không màng đến chuyện đời nữa rồi. Sáng sáng làm bát cháo hoa, giỏ tích đầy chè tươi, lại có cả ống điếu thuốc lào mà bà Nhu hay chị Hạnh sẵn sàng để ông chơi với thơ với họa. Ấy là hai người đàn bà lặng lẽ bên ông như hai cái bóng, thảng hoặc mới thấy chuyện trò. Bà Nhu sau những năm tháng ốm đau đến liệt giường cấm khẩu, nhờ một thầy thuốc Đông y mà giờ đây đã có thể đi lại nói năng, dù còn lắm khó nhọc vẫn là phúc lớn. Chị Hạnh, con gái lớn của ông bà, con dâu nhà thơ Chính Hữu, sau khi con cái lớn đã về đây ở hẳn để tiện bề chăm nom bố mẹ.
Ông Chu còn một anh con trai cả tên Hoài, làm chủ một doanh nghiệp nhập khẩu thiết bị, nghe đâu mươi năm trước tài khoản ngân hàng đã có mấy triệu đô, tiền bạc không còn là chuyện phải lăn tăn nên chỉ thấy rong chơi rất an nhàn. Vợ chồng cô con gái út làm việc cho một tổ chức thuộc Liên Hợp quốc, nhà cửa đâu đó trên một hòn đảo Thái Bình Dương ở gần Nhật Bản. Mỗi lần tôi đến hai ông bà kể rất nhiều chuyện về cô gái út này, thi thoảng ông lại quay sang bà hỏi con út nhà mình tên gì em nhỉ. Bà vợ mở miệng khó khăn, tên Hà, là ông hỏi tôi cái Hà tên gì phải không?
“Đấy, cuộc đời này cứ phải nhớ nhớ quên quên thế mới hay, mới có thể tốt đẹp. Anh cậy tài, cậy giỏi nhưng người khác có yêu anh không, có thấy anh được hay không lại là chuyện khác, cụ Nguyễn Du lại chả bảo chữ tài liền với chữ tai một vần đấy là gì”, ông Chu châm nõ kéo một hơi thuốc lào thật dài, ngửa mặt nhìn trần nhà, miệng cười mà mắt ngấn nước, không rõ do cay khói thuốc hay là gì.
Thuốc nước xong xuôi mới kể, gốc gác dòng họ Chu ta xưa làm quan triều Lê, giàu có, sang trọng và không thể bảo là không hiển hách. Đến cái dạo cải cách ruộng đất nhà cửa, ruộng vườn mất hết, bố đi theo Việt Minh cũng không cứu được, cả gia đình ly tán, dắt díu nhau trôi nổi với cái lý lịch dòng giống tiểu tư sản, ra đường ít khi dám ngẩng mặt nhìn ai. Ngày ta đi vào quân đội mẹ già mắt ngấn lệ cầm tay con trai dặn dò, anh ra đấy với các chú, các anh phải biết kính trên nhường dưới, biết mười chỉ nên nói một thôi và đặc biệt phải nằm lòng chuyện gốc gác mình không được “bố làm ruộng, mẹ như trên” thì chớ có ganh đua với ai làm gì kẻo lại rước họa vào thân thì khổ.
Nghe ông Chu kể đến đây ông Văn Chinh mới nói xen vào, thành ra em thấy cả cuộc đời anh cứ như người đi men, đi men hết gần 10 năm trong quân đội, đi men mấy mươi năm ở Hội nhà văn Việt Nam, chẳng thấy đua chen, kèn cựa với ai, trộm nghĩ hay có khi nhờ thế mà anh lại thành.
Ông cụ lại rề rà, nào ai cắt nghĩa rõ ràng chuyện ấy đâu, thầy ta, anh em bạn bè ta cũng nhiều người thành phần như thế ấy chứ. Có người thành người không, có người vui mà cũng không ít người buồn. Họ tài thì đã đành, không có gì phải bàn cãi nhưng cũng khổ lắm chứ. Cái tài mang theo bên mình cả cuộc đời cứ như gánh nặng, như một cục nợ mà ta nghĩ nó giống với con lợn hạch, dù người ngợm có gầy nhom, có đau ốm suốt mà người ta bảo nhảy phối giống là phải nhảy, họ dùng lúc nào, vào việc gì còn tùy thuộc thái độ ra làm sao. Cũng là những người một đời phải học cách đi men cả đấy chứ. Đôi lúc hóa thành kẻ ngẩn ngơ, không làm gì cả có khi lại được yên, thậm chí là còn được yêu. Bản thân ta đây có chín năm bảy tháng làm anh viết văn trong quân đội, lăn mình vào sống với anh em, cũng nhiều người khen Chu tài giỏi đấy, những lúc như thế chỉ biết vâng biết dạ, em chỉ dăm ba thứ văn hóa văn nghệ thôi. Sau này đã định về bên Bắc Ninh làm anh viết văn làng nhàng, sống làng nhàng rồi lại được các anh yêu đưa ra làm chân Trưởng ban Nhà văn trẻ khóa VI. Cả một nhiệm kỳ công tác gần như ta không ngồi chỗ ấy bận nào, mọi việc phó thác hết cho ông Hữu Ước, đến lúc bàn giao chiếc chìa khóa phòng đã gỉ sét tự lúc nào rồi. Ầu ơ thế nghĩa là còn được chứ biểu hiện mình thật tài giỏi hơn người ta thì lại hỏng, lại vứt đi ngay chứ chẳng đùa.
Vào những lúc nghĩ đến người tài ta vẫn thường thương nhớ anh Nguyễn Minh Châu. Người ấy là thầy ta, người mà ta cho là xuất sắc nhất nền văn học Việt Nam hiện đại từ năm 1945 đến giờ đấy. Người ấy vượt lên tất cả, bỏ rất xa phần còn lại nền văn hóa văn nghệ này phải là người tài đến tầm cỡ nào rồi. Cái thuở ông ấy còn, trong những lúc anh em hàn huyên với nhau ta thừa biết ông từng học hết tú tài toàn phần trong Huế, vậy mà khi bước vào hàng ngũ cách mạng chẳng hiểu cơn cớ gì lại đi nói xằng nói bậy mình mới chỉ học chưa qua lớp bảy. Mãi sau mới đọc mấy dòng trong cuốn Ngồi buồn viết mà chơi người ấy tự nhận xét mình thế này: “Từ lúc còn nhỏ tôi đã là một thằng bé rụt rè và vô cùng nhút nhát. Tôi sợ từ con chuột nhắt cho đến ma quỷ. Sau này lớn lên, đến gần sáu chục tuổi, đến một nơi đông người tôi chỉ muốn lẻn vào một xó khuất và chỉ có như thế mới cảm thấy được yên ổn và bình tâm như con dế đã chui tọt vào lỗ”. Tài kinh, ngẫm ngợi kinh mà men mé cũng không phải dạng vừa. Ẩn mình mà viết được Người đàn bà trên chuyến tàu tốc hành, Con thuyền ngoài xa, Phiên chợ Giát, Cỏ lau…, thứ văn chương không nhiều, độ chỉ mươi cái thôi nhưng lại rất hẳn hoi, ngẫm ngợi và trên hết là viết cho đời, cho người mà chẳng phải cho ai khác.
Lại nhớ cụ Nguyễn Tuân, anh Nguyễn Thi và nhiều tên tuổi lẫy lừng khác của nền hóa văn nghệ nước nhà. Cụ Nguyễn trước cách mạng tài hoa, ngông nghênh là nhất còn gì, nhưng phần lớn cuộc đời về sau chỉ thấy phất phơ lười biếng mà không thấy nói năng thêm được câu nào. Ông Nguyễn Thi trước khi vào chiến trường có để lại mấy tập truyện ngắn “Trăng sáng” và “Đôi bạn” quá hay, cuối cùng hi sinh trong mặt trận Sài Gòn. Tài năng và phẩm hạnh của họ nếu đem so ta tự thấy mình còn kém rất xa, tự nhận mình là học trò, đàn em của các ông ấy có khi thấy còn khiên cưỡng. Là vì tài năng văn chương là một nhẽ, là chuyện không phải bàn nhưng nhiều lúc ta tự hỏi lòng là liệu những gì họ để lại cho hậu thế đã phát tiết hết tài năng trong mỗi người hay chưa?
Có những ngày được Hội đồng Nhà nước giao làm chân điếu đóm xét tặng Giải thưởng Hồ Chí Minh về văn học nghệ thuật, xét đến trường hợp anh Nguyễn Minh Châu cùng với nhiều người khác, ông Nguyễn Đình Thi hỏi Chu nghĩ thế nào, vì đợt này anh thấy còn nhiều ông khác, văn chương có thể không bằng anh Châu nhưng lại có nhiều công lao với kháng chiến nên đâm ra khó nghĩ. Thưa, cứ để em nói chuyện với các anh ấy cho, văn chương phải là văn chương, các anh kém người ta thì phải chờ đợt sau, hà cớ làm sao lại sụt sùi. Ông Thi nói lời Chu thật đúng quá. Ông Chế Lan Viên khi xét duyệt Giải thưởng Hồ Chí Minh đối với các cụ Nguyễn Bính, Ngô Tất Tố đã từng nói là trước tiên chúng ta phải nghiêng mình dưới tài năng của họ cái đã. Phải biết rằng người tài dù có ẩn mình đến đầu thì tài năng và phẩm hạnh của họ vẫn cứ tỏa sáng. “Mình không bỏ Sở sang Tề, mình không là kẻ lỗi thề thì thôi”, ấy là hai câu thơ của ông Nguyễn Bính viết khi Thủ tướng Nam Kỳ tự trị Nguyễn Văn Thinh treo giải ai đưa được nhà thơ gốc gác Nam Định vào đây sẽ được thưởng một nghìn đồng Đông Dương.
Giá trị của nhân tài và phẩm hạnh của nhân tài chính là chỗ đó. Có đôi lúc chúng ta nhìn nhận ngày hôm nay tưởng như rất bình thường nhưng càng đi qua năm tháng lại càng thấy phát tiết thêm nhiều giá trị rất đáng trân trọng. Thời gian chính là sử quan và cũng là phán quan sẽ rất công tâm để trả lời tất cả. Những giá trị của tài năng đích thực sẽ vĩnh hằng và hẳn nhiên nó cũng sẽ phơi bày hết mọi thứ giả dối dù đã được sơn son thếp vàng.
Nghĩ đến những người tài ta lại nhớ Hà Nội mùa Đông năm 1946 khi Cụ Hồ dẫn dắt cả đất nước mình, dân tộc mình lên chiến khu Việt Bắc.
Đã có biết bao người dày công nghiền ngẫm làm sao Ông Cụ lại có thể tập hợp được lớp người tài trong bối cảnh đất nước trứng treo đầu gậy như thế? Làm sao có thể hài hòa lớp nhân sĩ trí thức của chế độ cũ với lớp trí thức Việt Kiều và với tầng lớp nhân dân để đồng sức đồng lòng đi theo một con đường của cách mạng. Có lẽ chỉ những người thực tài may ra mới cắt nghĩa được. Và có bao giờ chúng ta tự hỏi, liệu những năm tháng ấy lớp trí thức, tiểu tư sản như các ông Trần Đại Nghĩa, Tôn Thất Tùng, Lương Định Của, Phạm Ngọc Thạch, Đặng Văn Ngữ… hay các cụ Huỳnh Thúc Kháng, Bùi Bằng Đoàn, Nguyễn Văn Tố, Phan Kế Toại… không về với Cụ Hồ thì cách mạng sẽ ra làm sao và liệu chúng ta đã đối đãi với những hi sinh đó như thế nào.
Đấy lại là một giá trị khác của người tài. Nghèo khó đi theo và trung thành với cách mạng hẳn nhiên là giá trị nhưng người ta sẵn sàng từ bỏ vinh hoa phú quý, sẵn sàng vứt bỏ giàu sang cá nhân để lên đường cùng với dân tộc, với nhân dân bằng động cơ duy nhất là lòng yêu nước thì nhìn nhận làm sao. Cách mạng cần trung thành và cũng cần trí tuệ, cần sự sáng tạo và nghĩ ngợi để chung vai gánh vác vận mệnh dân tộc. Lòng yêu nước, tinh thần cách mạng liệu rằng có thể phân biệt xuất thân, lý lịch được hay không?
Nhìn vào lịch sử, vào từng số phận các bậc hiền tài quốc gia đôi lúc không tránh khỏi cảm giác hãi hùng. Bạn ta, đạo diễn Đặng Nhật Minh, con trai Giáo sư Đặng Văn Ngữ mới đây đã muốn làm một bộ phim tên là “Huyền nhiệm”, bằng trách nhiệm của người con với cha và với cuộc đời của một thế hệ trí thức tiểu tư sản đi theo cách mạng nhưng lại không được duyệt. Thế là nghĩa làm sao, cơn cớ thế nào không ai cắt nghĩa được. Chỉ biết sau đó anh Minh bèn viết hồi ký, trong đó có những chia sẻ rất xúc động, đại ý rằng: Đợt chỉnh huấn về thành phần giai cấp, tôi chỉ được nghe kể rằng mẹ tôi chỉnh huấn rất thành khẩn, được biểu dương trong lớp, còn cha tôi thì chỉ im lặng, ít nói. Không lâu sau khi tham dự lớp chỉnh huấn đợt một thì mẹ tôi đột ngột qua đời, cha đang tham dự lớp chỉnh huấn đợt hai. Cha tôi nằm bên xác mẹ tôi suốt một đêm, rồi sáng hôm sau chôn mẹ tôi ngay trên nền nhà trước khi rời Việt Bắc để về tiếp quản thủ đô...
Thuở còn sống có một hôm Nguyễn Trần Bạt ghé đây chơi nói với ta rằng em mở lớp học miễn phí mới mong muốn có thêm nhiều đóng góp cho nền giáo dục nước nhà, muốn không chỉ dân trí được nâng lên mà quan trí nó cũng phải khác đi. Ta khuyên chú ấy hãy viết bài rồi lăn vào mấy tòa soạn báo hoặc tiếp tục viết sách thì may ra. Còn cứ mở lớp này lớp nọ, hô hào người ta đến có khi lại chỉ đón mấy thằng ngu lẻn vào ngồi, toàn những thằng lười biếng bố chúng nó đặt vào, chỉ hóng hớt nhăng nhít là giỏi lại thành ra vớ vẩn ngay. Ừ thì chú là con nhà dòng dõi, trí tuệ cao siêu lại có nhiều ngẫm ngợi, nhưng để nói được những điều chúng nó hiểu cũng là rất khó đấy. Một đám đông nếu không có những bậc trí giả dẫn đường thì đó chính là đám đông không phương hướng, nhưng chú nói chắc gì họ đã nghe. Bạt ngồi trầm ngâm bên ta rất lâu rồi lẳng lặng ra về. Một trí giả ghê gớm đến vậy, tài năng đến vậy mà ra đi đột ngột quá chừng, tiếc thương quá chừng.
Ta nhớ mẹ ta. Năm ta 17 tuổi ti toe cầm bút viết văn bà ấy mát mẻ rằng, mẹ nghe chừng anh muốn viết văn, cũng được, nhưng phải viết thế nào để được như nhà chị gì sáng sáng vẫn có lời mở đầu cho Đài tiếng nói Việt Nam thì mới giỏi. “Đây là đài tiếng nói Việt Nam, phát thanh từ Hà Nội, Thủ đô nước Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam”. Thật trang trọng mà lại rất cảm động. Lời dặn của bà theo ta suốt cuộc đời cầm bút, nhắc nhớ ta rằng trang trọng, kiêu hãnh chính là giá trị của sự vững bền.
Buổi sáng hôm tôi đến nhà ông Chu đúng vào thời khắc Thủ đô Hà Nội và Bộ Quốc phòng tổ chức trọng thể Lễ kỷ niệm 50 năm Chiến thắng Hà Nội “Điện Biên Phủ trên không”. Trên sóng truyền hình đang chiếu bộ phim tài liệu về 12 ngày đêm lịch sử của quân và dân Thủ đô. Ông cụ nhìn tôi hỏi, anh thấy Thủ đô Hà Nội của ta hôm nay như thế nào? Ngẫm nghĩ rồi thưa, chúng con từ chốn quê mùa ra đây, ăn ở với Hà Nội đã được bao nhiêu mà dám mở mồm, có chăng chỉ xin bày tỏ chút cảm nhận là Thủ đô ta càng ngày càng chật chội và lòng người dường như cũng thế. Thành phố đang quyết tâm xây dựng Thủ đô văn hiến, văn minh và hiện đại nhưng xem ra còn lắm bộn bề, còn là hành trình nhiều khó nhọc. Mấy năm nay dân chúng đã bao phen hết hồn với quyết sách của nhiều vị đứng đầu Thủ đô đấy ạ.
Cửu tắc trưng, ông Chu nói mấy chữ Hán tôi nghe chẳng hiểu gì. Đấy là chữ ta đọc được trên bức hoành phi trong một ngôi nhà cổ ở làng Đường Lâm. Nghĩa là lấy lâu bền làm giá trị. Chìm nổi vốn là chuyện thường với mỗi đời người, với Thủ đô hay với một dân tộc cũng vậy. Anh bảo Thủ đô ta, dân tộc ta đã bao phen rơi vào tình thế hiểm nghèo, “xã tắc hai phen chồn ngựa đá” nhưng rồi vẫn cứ “non sông nghìn thuở vững âu vàng” là dựa vào cái gì?
Ấy là nhờ vào những con người quyết tử cho Tổ quốc quyết sinh, những con người mà cái chết rình rập nay còn mai mất, khuôn mặt đói ăn rạc rài nhưng lại luôn biết tỏa sáng trong từng hoàn cảnh. Những con người có dáng đứng vững chãi, dáng đi khoan thai, nói năng khoan hòa, dễ nghe và dễ tin, một tiếng hô cả Thủ đô dậy sóng lên đường. Lại nhớ thời cụ Hồ, cán bộ được giao trọng trách ông nào ông ấy gầy rộc vì mất ăn mất ngủ, vì lo không hoàn thành nhiệm vụ, là “quyết sở dân sinh”, làm cán bộ đạo lý vì dân phải đội lên đầu. Niềm kiêu hãnh toát lên từ mỗi con người như thế đã trở thành niềm kiêu hãnh của Thủ đô, của đất nước. Trong gian khó, thiếu thốn vẫn nghĩ về lâu bền, trong hoàn cảnh ngặt nghèo vẫn lấy lâu bền làm giá trị và cũng cần phải hiểu điều đó không chỉ riêng với đạo làm quan mà còn là đạo làm người. Niềm kiêu hãnh là thứ hun đúc tư cách làm người trước khi làm ông này bà nọ.
Thậm chí ta còn nghe dưới thời ông Ngô Đình Diệm công tác cán bộ còn xem tướng số để chọn người. Tổng thống họ Ngô định bổ nhiệm ai từ cấp tỉnh trưởng trở lên liền cho thầy tướng xem mặt, gặp người có tướng làm phản, hại nước hại dân lập tức loại ngay không cần nghĩ ngợi. Nhắc nhớ chuyện xưa cũng là cách nghĩ thế hệ trước dù ở chế độ nào, phe phái chính trị ra sao thì chọn người tài mang ý nghĩa sống còn, chính là vận mệnh của chế độ, của dân tộc vậy. “Hiền tài là nguyên khí của quốc gia”, “Phi trí bất hưng”, “Chiêu hiền đãi sĩ”, “Tìm lẽ trị bình, lấy tuyển nhân tài làm gốc”… Ta nhớ trên một tấm bia tiến sĩ nằm trong Văn miếu Quốc Tử Giám có ghi thế này: “Các bậc hiền nhân tài giỏi là yếu tố cốt tử đối với một chính thể. Khi yếu tố này dồi dào thì đất nước phồn thịnh. Khi yếu tố này kém cỏi thì đất nước suy yếu. Những người tài giỏi là một sức mạnh đặc biệt quan trọng đối với đất nước”.
Đi trên vỉa hè Hà Nội hôm nay, ngồi dưới gốc sấu cổ thụ để uống chén trà của một hàng quán ven bờ Hồ Gươm ngẫm ra có vui, có buồn nhưng không hiểu có phải do tuổi già hay không mà lại thấy buồn nhiều hơn vui thì phải. Vỉa hè, đường sá cứ đào rồi lại lấp là cớ làm sao, hay là họ không còn muốn ăn ở lâu bền với chúng ta nữa? Rồi chuyện nước sông Tô Lịch, chuyện bay giải cứu, chuyện đất đai, xây dựng… cứ cốc láo, bát nháo hết cả lên. Nó là lát cắt nhắc nhở chúng ta rằng vẫn còn có không ít đường lối chính sách, không ít cách khu xử khiến những người còn nhân cách, phẩm hạnh không khỏi cảm thấy ngượng ngùng. Thành ra ta nghĩ, Thủ đô ta muốn ra dáng anh hùng thì mỗi người Hà Nội phải tỏ ra từ trong bản chất đang có phẩm chất anh hùng.
Anh hùng ở đây cần phải hiểu là không phải đánh nhau giỏi hay to mồm biến báo. Khi xưa cụ Khổng Tử chả dạy đám học trò anh hùng nghĩa là tự hiểu mình, thắng bản thân mình. Lẽ tất nhiên hiểu được là một chuyện, có tu thân suốt đời để chiến thắng bản thân mình không lại là chuyện khác.
Năm nào cũng vậy, cứ vào những thời khắc như thế này ta nhớ ông Kim Lân. Ông cụ ấy nom bề ngoài khắc khổ nhưng thực chất lại là người kỹ lưỡng, sang trọng và nghĩ ngợi khó ai bì.
Tết đến xuân về ông Kim Lân kiếm đâu một vài lọ gốm, khi ở Thổ Hà, Chu Đậu, khi Phù Lãng, Lò Chum, mỗi thứ một màu men nhưng tất cả đều có chung vẻ mộc mạc, quê mùa. Năm trước cắm vào đấy một nhành mai có thế dáng dấp người quân tử, năm sau lại chơi cành đào phai sắc đỏ dáng anh hùng. Ông cụ thường bảo, chính cái quê mùa ấy mới là gốc gác xa xưa giúp những kẻ nương náu thị thành như chúng ta nhớ đến người thân nơi quê nhà còn lam lũ, nhớ đến những lầm than dân tộc đã nếm trải cũng như nhìn vào đó mà nâng niu nét tài hoa không thua kém một ai của ông cha mình.
Nông thôn Việt Nam chúng ta chính là cái nôi đẻ ra tất cả. Muốn sang trọng hay tử tế được như người ta cũng phải bắt đầu từ gốc gác, từ truyền thống chứ không phải từ dăm ba thứ lọc lõi, xập xí xập ngầu. Sự sang trọng không đến từ vẻ ngoài hào nhoáng mà chính từ cốt cách bên trong. Đông mà không mạnh, giàu mà không sang cũng là vứt đi. Xưa nay sự sang trọng chỉ quen đồng hành với những gì mộc nhã, nó luôn nhạy cảm và biết cách quay lưng với tất thảy những gì thớ lợ, không lương thiện.
Chúng ta có quyền tự hào rằng dân tộc mình có một nền văn hiến lâu đời, có quyền tự hào những thành tựu đã đạt được trên đường hội nhập với bạn bè quốc tế. Nghĩ về những năm tháng này hẳn nhiên còn nhiều lộn xộn, ngổn ngang nhưng ta nghĩ thời đại nào, dân tộc nào cũng vậy, cũng lúc chìm lúc nổi. Và đang có một sự sắp xếp lại để hẳn hoi, tử tế đấy. Bởi chỉ khi nào giá trị truyền thống, bản sắc văn hóa của dân tộc được nuôi dưỡng, trao truyền, người tài thực sự được lựa chọn và trao cơ hội để phát huy hết trí lực của họ chúng ta mới có quyền hi vọng.
Tết năm nay ta sẽ lại học ông cụ Kim Lân, chơi một nhành chi mai trắng dáng trực, trong bất cứ tình cảnh nào vẫn cứ phải sang trọng, vững chãi và hiên ngang.