Cảm xúc nhân sự kiện hội chợ OCOPEX

Ngược dòng lịch sử trở lại những năm 60 của thế kỷ trước. Nhật Bản khi ấy đối mặt với tình trạng thiếu lương thực nghiêm trọng. Thanh niên trẻ muốn di cư lên các thành phố lớn kiếm sống. Tại một vùng quê nghèo Oyama có rất ít đất nông nghiệp có thể canh tác do địa hình chủ yếu là đồi núi. Chính phủ khuyến khích nông dân trồng lúa để cứu đói, nhưng người dân ở đây lại lựa chọn cây mận, một loại cây phù hợp hơn. Để rồi những thành công ngoài mong đợi tới vào những năm tiếp theo.

Đó là một hành trình dài để hôm nay họ tự hào về một chương trình được đưa vào sách giáo khoa và lan tỏa ra nhiều nơi trên thế giới, “Nhất thôn Nhất phẩm - Mỗi làng một sản phẩm”. Phong trào như một điển hình của việc phát triển ngành nghề nông thôn trên cơ sở tận dụng tài nguyên và nguồn lực địa phương. Phong trào đã lan tỏa trên khắp đất nước, là một trong những nhân tố quan trọng góp phần vào sự phát triển thần kỳ của ngành nông nghiệp nói riêng và nền kinh tế Nhật Bản nói chung. Chúng ta có niềm tin rằng, thế giới sẽ biết đến Việt Nam nhờ sản phẩm OCOP không?

Đất nước nông nghiệp có lịch sử trên 4.000 năm, Việt Nam tự hào là một trong cái nôi của nền văn minh lúa nước, những sản phẩm nông nghiệp trải dài theo đất nước hình chữ S. Hệ sinh thái riêng biệt từng vùng miền, 53 dân tộc anh em với bản sắc văn hóa phong phú, đa dạng. Đó chính là điều kiện tuyệt vời để tạo ra OCOP mà yếu tố khác biệt là quan trọng. Người Việt Nam được biết đến với tinh thần cần cù, thông minh, sáng tạo, lại càng thuận lợi khi tiếp cận mô hình “Một làng một sản phẩm”.

Nhìn không gian trưng bày cảm nhận được hành trình đầy khó khăn khi các chủ thể OCOP đạt được thành công như hôm nay. Các bạn đã biến cái không thể thành cái có thể. Khi nhìn những sản phẩm chất lượng cao, bao bì mẫu mã đẹp, những thông điệp giàu cảm xúc, càng hiểu hơn về tựa đề 2 quyển sách: “Không có sông quá dài”  Không có đỉnh quá cao”. Các bạn đã dấn thân vào con đường khởi nghiệp, tạo ra giá trị cho mình, cho cộng đồng, cho làng quê và đất nước. Các bạn tự tin đưa hình ảnh Việt Nam gói trọn trong từng sản phẩm vượt trùng khơi vươn ra biển lớn.

So với tài nguyên phong phú của đất nước, tinh thần năng động của người Việt Nam, những gì chúng ta đạt được còn khiêm tốn. Chúng ta phải làm được nhiều hơn thế và tốt hơn thế, lợi nhuận mang về cho các chủ thể phải nhiều hơn và bền vững hơn. Không mở rộng được thị trường sẽ không kích hoạt tạo ra nhiều sản phẩm vượt trội. Không chỉ hỗ trợ đầu vào mà còn phải dẫn dắt đầu ra, các sản phẩm phải được hỗ trợ kết nối đến người tiêu dùng. “Thành công là cả một hành trình chứ không phải là đích đến”.

Gần đây được chia sẻ hình ảnh một không gian dành riêng cho sản phẩm OCOP tại một vài trung tâm thương mại, siêu thị. Mong rằng và tin rằng sẽ còn nhiều hình ảnh như vậy. Sản phẩm OCOP không chỉ hướng đến xuất khẩu mà còn kích hoạt thị trường trong nước 100 triệu dân. Khi và chỉ khi người Việt Nam tin yêu và tin dùng sẽ có nhiều hơn những sản phẩm xuất khẩu. Suy cho cùng, những sản phẩm chưa xuất khẩu không phải không có giá trị, không có thị trường riêng. Chúng ta cần tư vấn hỗ trợ để hoàn thiện dần.

Với trách nhiệm xã hội, các doanh nghiệp trong và ngoài nước, các trung tâm phân phối lớn hãy tạo điều kiện hỗ trợ sản phẩm OCOP. Dù là doanh nghiệp Việt Nam hay doanh nghiệp nước ngoài kinh doanh ở Việt Nam đều có thể tham gia dẫn dắt thị trường, hình thành hệ sinh thái sản phẩm OCOP. Kinh doanh không chỉ có một mục tiêu duy nhất là tìm kiếm lợi nhuận mà còn vì trách nhiệm với cộng đồng, xã hội. Một tập đoàn có vốn đầu tư nước ngoài đưa ra thông điệp: “Phẩm hạnh cao quý nhất của mỗi con người là sự biết ơn và đền ơn. Một đất nước phát triển phải bao gồm nhiều cá nhân, doanh nghiệp, tổ chức luôn có lòng biết ơn và sẵn sàng đền ơn”. Triệu triệu con tim người Việt sẽ dành sự trân quý, biết ơn đối với những doanh nghiệp vì cộng đồng.

Xin gửi mọi người câu chuyện đáng suy ngẫm ở một đất nước không xa. Ở xứ sở này, mọi người không kể vị trí xã hội đều quan niệm: “Nếu người tiêu dùng không ủng hộ sản phẩm nhem nhuốc của thời khởi nghiệp, thì doanh nghiệp còn tồn tại đâu mà có sản phẩm tinh xảo sau này?”. Ở đất nước ấy “Mỗi người trong xã hội được ngầm phân công cụ thể, ai đi học thì phải học chăm chỉ, ai sản xuất thì sản xuất cho tốt, ai bán hàng thì phải bán cho được hàng, ai tiêu dùng thì phải mua đồ trong nước. Nghĩa vụ của một công dân đối với nền kinh tế đất nước chỉ có vậy thôi, âm thầm làm và làm, không nhìn ngó và chỉ trích”.

Thế giới ngày nay thay đổi không ngừng, khởi nghiệp và đổi mới sáng tạo luôn song hành, sản xuất và thị trường quan hệ hữu cơ với nhau. Chúng ta không thể mãi tự hào cái đang có, đang làm. Triết lý: “Muốn đi nhanh thì đi một mình, muốn đi xa phải đi cùng nhau” cần được xem là kim chỉ nam hành động cho các doanh nghiệp. Sẽ có những diễn đàn trực tiếp và trực tuyến tư vấn, huấn luyện chủ thể OCOP thích ứng với xu thế tiêu dùng xanh, những đặc định từng loại thị trường, quản trị doanh nghiệp, kiến thức văn hóa, xã hội. Đó sẽ là môi trường giúp các chủ thể học làm người, học làm ăn, lập thân, lập nghiệp.

Không gian giá trị cho sản phẩm còn rất lớn cả về số lượng lẫn chất lượng nếu chúng ta cùng nhau tư duy lại. OCOP không phải là một phong trào tự phát mà là một chương trình quốc gia, hướng đến mục tiêu kích hoạt sự năng động của cộng đồng dân cư nông thôn và kiến tạo thế hệ doanh nhân dân tộc trong tương lai. Chúng ta có đủ dũng khí để sản phẩm OCOP sánh vai với cường quốc năm châu như Bác Hồ hằng mong đợi không?

Đất nước chúng ta đa dạng hệ sinh thái tự nhiên, dồi dào thực vật bản địa, phong phú bản sắc văn hóa vùng miền. Sự tích con Lạc cháu Hồng, 50 người con cùng Mẹ lên rừng, 50 người con theo Cha xuống biển, đã để lại biết bao huyền tích hào hùng, thi vị gắn với hồn núi rừng, hồn sông suối, hồn cỏ cây. Gành đá, bờ biển, bờ suối, trầm tích núi lửa, họa tiết thổ cẩm, bánh trái dân gian, ẩm thực. Những câu chuyện nhân văn bao đời: sự tích bánh giầy bánh chưng, sự tích trầu cau,… Đó chính là gia sản ông cha để lại cho thế hệ chúng ta làm giàu bằng những sản phẩm OCOP. Tất cả sẽ là câu chuyện đầy cảm xúc, làm tăng giá trị cho những sản phẩm gói trọn tình yêu quê hương xứ sở, yêu thương con người.

Cùng với kỷ nguyên vươn mình của dân tộc, các chủ thể OCOP cũng phải vươn mình trong kỷ nguyên mới, điều đó bắt đầu từ hôm nay. Các bạn không nên lủi thủi một mình mà hãy tạo ra những vòng tròn các mối quan hệ, giúp đỡ nhau, học hỏi nhau, chia sẻ nhau, hạnh phúc bên nhau. “Người đi trước rước người đi sau!”.

Đường lớn đã mở hướng đến tương lai!

Ngày mai bắt đầu từ ngày hôm nay!

Lê Minh Hoan
Tiến Thành
Tùng Đinh - Lê Hoàng Vũ