Cảm xúc từ xa

Trong một thế giới phẳng, thuật ngữ “từ xa” ngày càng phổ biến: hội họp từ xa, làm việc từ xa, học tập từ xa, chẩn đoán bệnh từ xa,… Bài này nói về “cảm xúc từ xa” cho thêm phần phong phú.

“Đi đâu cũng nhớ quê nhà. Nhớ canh rau muống, nhớ cà dầm tương”. Con người, dù đi khắp bốn phương trời, cũng có sợi dây “cảm xúc từ xa” vô hình, gắn kết với miền đất thân thương, nơi chôn nhau cắt rốn. “Quê hương nếu ai không nhớ. Sẽ không lớn nổi thành người.”.

Con người thường không cảm nhận hết được những cái hay, cái đẹp, cái quý chung quanh mình. Ông bà mình tổng kết, “Bụt nhà” thường “không thiêng”, chắc là do vậy. Mang tâm lý đó, con người thường thấy mảnh đất nơi khác sao có quá nhiều hoa thơm, cỏ lạ, mà không nhìn mảnh đất ngay dưới chân mình cũng đâu thiếu hoa lạ, cỏ thơm.

Mang tâm lý đó, con người thường mơ đến một “miền đất hứa” xa xôi, mà không biết rằng, nơi đó biết đâu đôi khi mình sẽ không hài lòng hoặc phải đánh đổi điều gì đó. Mang tâm lý đó, con người thường quên chăm chút những gì mình đang có. Nếu chưa tốt, tại sao mình không làm gì đấy, thay vì chỉ cứ dòm ngó, phán xét hay chỉ trích.

Mỗi ngày đọc một tờ báo, xem một bản tin trên đài, nhận một dòng tin nhắn liên quan đến quê nhà, bỗng thấy trong lòng lại dâng lên niềm “cảm xúc từ xa”. Cảm xúc đó có khi còn đọng lại cả ngày, cả tuần, cả tháng. Cảm xúc vui cũng có, mà cảm xúc buồn cũng có, mà nửa vui nửa buồn cũng có.

Nơi xa xôi ấy biết bao là con người cùng làng quê, cùng sinh ra, cùng sinh sống, cùng làm việc bên nhau. Người thân thiết đã lâu ngày có, mà người mới chỉ mới thoáng nghe qua cũng có. Người thành công có, mà người thất bại nửa chừng cũng có.

Người trúng mùa trúng giá cũng có, mà người vụ mùa qua bị thất bát cũng có. Mô hình khởi nghiệp được vinh danh có, mà mô hình mới ngày nào được khen ngợi nay lại biến mất cũng có. Rồi tiếc nuối. Rồi trăn trở. Rồi kỳ vọng…

Có dịp đi đây đó, nghe người khác nhắc đến quê hương, lòng bỗng thấy bồi hồi. Nào là“Có một nơi như thế”, nào là “Giấc mơ Sen”. Nào là “Hội quán Nông dân”, nào là “Cà phê Doanh nghiệp”. Nào là “Cây xoài nhà tôi”, nào là “Đàn sếu Khởi nghiệp”,

Tự hào đó mà lại âu lo đó, đằng sau kết quả tốt có tính thời điểm, là bao việc vẫn còn ngổn ngang. Dẫu biết rằng, những thành tích xếp hạng đều có tính tương đối, nhất thời, nhưng khi nhìn vào, vẫn thầm vui khi quê mình được xếp vào nhóm dẫn đầu, ngược lại, thấy nặng lòng khi quê mình nằm ở nhóm thực hiện chưa tốt.

Thấy mô hình hiệu quả đây đó được chuyển giao về quê nhà, lại lo không biết bà con mình có chịu khó tiếp cận không, hay vẫn loay hoay với cái cũ. Thấy mô hình mới thành công, lại trăn trở với bao nhiêu rủi ro, thách thức còn ở phía trước. Thấy mô hình chưa hiệu quả như mong đợi, lại nghĩ ngợi liệu bà con có đủ kiên trì, để không vội bỏ cuộc nửa chừng.

Ngắm nhìn sản phẩm của quê mình đường hoàng hiện diện trên các quầy hàng trang trọng trong các siêu thị, trung tâm thương mại phương xa, cảm xúc trong lòng lại lâng lâng. Sản phẩm nông nghiệp nông thôn Đất Sen Hồng kết tinh từ bàn tay, khối óc, từ khát khao thay đổi của bao người, để trở thành những sản phẩm giá trị cao. Khi tài hoa kết tinh thành giá trị, chính là đây. Thay đổi nhỏ, kết quả lớn, nếu như mỗi người, nhất là lãnh đạo địa phương, nhìn ra giá trị sâu xa, để cùng nhau chăm chút, vun đắp. Không có thành công nào là dễ dàng cả.

Thành công trải khắp hành trình, chứ đâu phải đích đến có thể đạt được trong ngày một ngày hai. Trên hành trình đó, có biết bao là rủi ro, trắc trở, chỉ một chút tự bằng lòng, sản phẩm của quê mình sẽ nhanh chóng bị thay thế bằng sản phẩm khác. Sản phẩm khởi nghiệp đạt danh hiệu đã khó, nhưng để thường xuyên hiện diện trên kệ hàng của các trung tâm thương mại, sự kiện lớn, còn khó hơn nhiều lần.

Một vài chuyến tham dự hội chợ thì dễ, nhưng để sản phẩm vươn xa, chạm đến cảm xúc, được người tiêu dùng ưa chuộng, mới khó khăn hơn trăm lần. Vun đắp cho các doanh nghiệp khởi sự lập nghiệp, khi chỉ mới là ý tưởng manh nha, là tạo nền cho tương lai. Trên hành trình đến tương lai đó, cần những người cần mẫn xây tổ, giữ ấm cho những chú sếu bé nhỏ, để mai này sải cánh thành những con sếu đầu đàn. Khởi nghiệp hôm nay là để khởi tạo ngày mai.

Trên vùng rẻo cao, đồi núi chập chùng, bà con chí thú tham gia du lịch cộng đồng. Du lịch giúp cộng đồng đoàn kết, hợp tác, yêu thương nhau. Du lịch giúp tăng thêm giá trị cho luống rau, mảnh vườn, thửa ruộng bậc thang. Du lịch giúp thổi thêm sức sống cho những làng nghề trăm năm tưởng chừng như mai một. Du lịch giúp bừng sáng không gian làng quê với những làng điệu truyền thống. Rồi lại “cảm xúc từ xa”, không biết các điểm du lịch ở quê nhà điểm nào còn, điểm nào mất, điểm nào lay lắt? Câu phương châm ngày nào: “Phát triển du lịch không chỉ vì lợi ích kinh tế, mà còn là trách nhiệm và vì lòng tự hào với quê hương, xứ sở”, ai còn nhớ hay ai đã quên?

Đến thăm các hợp tác xã nơi này nơi khác, cũng lại “cảm xúc từ xa”. Bà con trồng trọt theo hướng hữu cơ, sử dụng phụ phẩm để ủ phân giúp giảm chi phí đầu vào, tạo ra sản phẩm sạch. Nông sản có bao bì mã vạch tươm tất, dễ truy xuất nguồn gốc, nhờ đó, nhận được niềm tin của các đối tác để liên kết lâu dài. Chợt nghĩ, quê mình có bao nhiêu hợp tác xã được như vậy? Chắc là có, có nhiều và có thể còn làm tốt hơn, nhưng cũng chạnh lòng khi nghe hợp tác xã này, tổ hợp tác kia, thành viên quay lưng lại với đội ngũ lãnh đạo và quay lưng lẫn nhau, cơ sở vật chất còn đó, mà hình như phần chất, phần hồn đã mất đi rồi.

Đi thăm một vài không gian sinh hoạt cộng đồng ở các địa phương, nghe chia sẻ rằng có được mô hình này là nhờ cấp uỷ, chính quyền đi học tập mô hình Hội quán của Đồng Tháp. Từ ý tưởng của Hội quán, bà con đã đưa thêm những giá trị mới, như: không gian học tập, huấn luyện nghề nông theo hướng hữu cơ, giới thiệu lịch sử hình thành làng xã, kết nối internet đến từng nhà… Lại chợt nghĩ, không biết giờ này các Hội quán quê mình sinh hoạt có đều đặn không, nội dung có phong phú, thiết thực đối với bà con mình hay loay hoay để rồi nguội lạnh dần. Nhóm lửa đã khó mà giữ lửa và thổi cho đốm lửa bùng lên là càng khó, đòi hỏi sự kiên trì, sát sao của lãnh đạo địa phương.

Dẫu biết, cuộc sống còn bao bộn bề, lo toan, quê nhà còn biết bao việc phải làm, còn biết bao việc cần nguồn lực để phân bổ. Ai mà không khỏi có lúc phải đắn đo giữa cái hơn cái thiệt, giữa mục tiêu trước mắt và chiến lược lâu dài, giữa vật chất và tinh thần. Rồi dịch bệnh Covid-19 như cơn bão quét qua, bao nhiêu người ra đi mãi mãi, bao nhiêu người ở lại ít nhiều bị sang chấn tâm lý, di chứng sau nhiễm bệnh. Dòng người rồng rắn ra đi, bươn chải nơi xa xôi, rồi lại ồ ạt trở về khi đại dịch xảy đến. Giờ đã về rồi, ai lại tiếp tục ra đi, ai chọn ở lại quê nhà? Ở lại thì làm gì, khi đất đai teo tóp, không còn? Bao nhiêu người mạnh mẽ vượt qua, bao nhiêu người bị cuốn vào vòng xoáy, rồi rơi xuống miệng hố cuộc đời.

Nhưng nói gì thì nói, ưu tư gì thì ưu tư, “cảm xúc từ xa” vẫn trọn vẹn một niềm tin mạnh mẽ, niềm tin về một tương lai tươi sáng trên vùng đất nghĩa tình, hào sảng này. Niềm tin về người người nhà nhà vẫn luôn chung tay tạo dựng “Đồng Tháp - Thuần khiết như hồn Sen”!

Xích Lô
Trọng Toàn
Lê Hoàng Vũ