Có những thuật ngữ quá quen thuộc nên cứ tưởng là đã tận tường nhưng đôi khi tĩnh tâm kỹ lại phát hiện ra nhiều điều sâu sắc. “Cộng đồng” là một trong những thuật ngữ thường gặp hàng ngày trong đời sống xã hội. Hiểu đơn giản, cộng đồng là tập hợp nhiều người, một nhóm người. Nhưng đó chỉ là nói về lượng, là nghĩa hẹp, quan trọng là chất, là chiều sâu.
Cộng đồng phải có tính “chung”: chung năng khiếu sở thích, chung ước mơ hoài bão, chung mối quan tâm, chung mục đích hướng tới. Cộng đồng phải có tính “cùng”: cùng lập kế hoạch phát triển, cùng thực hiện và quản lý kế hoạch đó. Nói chung, cộng đồng phải “cộng sức” với nhau để đạt mục tiêu chung là có cuộc sống ngày một tốt đẹp hơn.
Đời sống xã hội luôn phong phú, đa dạng, phức tạp. Mọi hoạt động đều diễn ra hàng ngày hàng giờ ở cộng đồng: thiên tai, dịch bệnh, khai thác tài nguyên thiên nhiên, an ninh trật tự, tệ nạn xã hội, bạo lực học đường, bạo hành gia đình, việc làm sinh kế, chuyện ốm đau người già, chuyện học hành con trẻ...
Rồi “chén trong sóng còn khua”, không tránh khỏi những xung đột lợi ích giữa các thành viên với lợi ích công cộng… Với đặc điểm như vậy, mọi sự can thiệp từ bên trên, bên ngoài đều không theo kịp những tình huống phát sinh, “nước xa không cứu được lửa gần”.
“Chỉ có trong chăn mới biết có rận”, hơn ai hết, chỉ có người trong cộng đồng mới biết cách làm thế nào bảo vệ lợi ích riêng và chung, từ đó có cách thức xử lý nhanh và phù hợp hàng ngày.
Bài học từ lịch sử cho thấy, cộng đồng nếu được cố kết chặt chẽ sẽ tạo ra sức mạnh vô cùng to lớn. Điều đó đã được minh chứng trong những cuộc chiến tranh vệ quốc, ứng phó với thiên tai, dịch hoạ như đại dịch Covid-19 vừa qua. Sức mạnh cộng đồng đơn giản là “Một cây làm chẳng nên non. Ba cây chụm lại nên hòn núi cao”.
Sức mạnh cộng đồng được ẩn dụ bằng câu chuyện cổ tích bó đũa. Sức mạnh cộng đồng thông qua câu tục ngữ “Mãnh hổ nan địch quần hồ”. Tuy nhiên, cộng đồng có nhược điểm là tập hợp tương đối lỏng lẻo; càng đông người, khác nhau về năng lực, kiến thức, văn hoá… càng khó thống nhất ý kiến, càng dễ xung đột giữa lợi ích riêng và lợi ích chung.
Ông bà mình đúc kết “Chín người mười ý” là vì vậy. Do đó, thu ngắn khoảng cách giữa các thành viên trong cộng đồng là việc quan tâm đầu tiên của người lãnh đạo cấp cơ sở.
Do tính đa dạng, phức tạp, cộng đồng mạnh hay yếu phụ thuộc vào tính hoà hợp của các thành viên. Vì vậy, “nâng cao năng lực” là việc cần làm trước trước khi nghĩ đến “phát huy sức mạnh” cộng đồng.
Để có những cộng đồng đủ năng lực, nhiều quốc gia thành lập đội ngũ chuyên gia phát triển cộng đồng. Đội ngũ này được đào tạo kiến thức cơ bản về quản trị, xã hội học, tâm lý học, văn hoá học, dân tộc học…
Đội ngũ có kỹ năng nhận dạng sự khác biệt giữa các thành viên để tìm ra cách thức gắn kết mọi người lại với nhau vì mục tiêu chung. Những chuyên gia cộng đồng, chuyên trách hoặc kiêm nhiệm, có đặc điểm chung là phải thực sự tâm huyết với xã hội. Đội ngũ này có thể đến từ các hội viên, đoàn viên các tổ chức chính trị - xã hội, xã hội - nghề nghiệp, cán bộ khuyến nông…
Các chuyên gia tư vấn giúp cho cộng đồng ngồi lại với nhau nhìn ra tiềm năng địa phương, sau đó lập kế hoạch phát huy nội lực bên trong trước khi nghĩ đến sự hỗ trợ từ bên ngoài.
Những chuyên gia này làm cách nào đó khuyến khích tinh thần tự lực, tự quản thay cho tâm lý phó thác mọi chuyện cho cấp uỷ, chính quyền, từ đó dần hình thành tinh thần hợp tác, tự lực, chia sẻ. Cộng đồng mạnh sẽ có các thành viên thay vì chỉ bám lấy cái tôi nhỏ bé để hướng đến tinh thần hợp tác mang đến sức mạnh to lớn trong cuộc sống, trong sản xuất kinh doanh, trong bảo vệ lợi ích chung, nguồn lợi chung.
Cộng đồng mạnh sẽ là cánh tay nối dài, không gian mở cho quản trị địa phương. Khi ấy, lãnh đạo địa phương tìm đến để đối thoại, chia sẻ với cộng đồng dân cư để cùng nhau thay đổi nhận thức và cùng nhau hành động. Như vậy lãnh đạo thực sự sống trong lòng dân, trao quyền cho người dân. Muốn trao quyền thì phải tin tưởng người dân có thể tham gia vào quản trị xã hội.
Bác Hồ luôn thể hiện tinh thần tin dân, trọng dân. Bác từng nhắc nhở: "Làm việc gì cũng phải có quần chúng. Không có quần chúng thì không thể làm được... Việc gì có quần chúng tham gia bàn bạc, khó mấy cũng trở nên dễ dàng và làm được tốt". "Dễ trăm lần không dân cũng chịu. Khó vạn lần dân liệu cũng xong".
Một khi cộng đồng xem những việc trong xóm làng là “việc của mình” chứ không phải “việc của người khác” thì sẽ cùng nhau hoạch định kế hoạch phát triển từ nội lực trước khi kêu gọi trợ lực từ bên ngoài. Con người luôn có hai xu hướng đôi khi đối lập với nhau: vừa muốn dựa vào sự hỗ trợ của người khác, vừa lại muốn đứng riêng một mình, sự xung đột giữa cái chung và cái riêng luôn tồn tại trong xã hội.
Trong cộng đồng không thiếu cách nghĩ “đèn nhà ai nấy sáng, ruộng nhà ai nấy làm”. Đó là điểm nghẽn lớn làm suy yếu sức mạnh cộng đồng dân cư nông thôn. Muốn vượt qua điểm nghẽn đó phải cùng nhau nghĩ rằng: “Muốn người khác giúp mình thì bản thân phải giúp người khác. Muốn cộng đồng quan tâm tới mình thì bản thân mình phải quan tâm đến cộng đồng”.
Phát triển cộng đồng hướng tới mục tiêu hướng tới những làng thông minh, làng hạnh phúc. Với nhiều ý nghĩa sâu xa như vậy, phát triển cộng đồng cần được triển khai trong thời gian tới. Mô hình Cộng đồng quản lý trong bảo về nguồn lợi thuỷ sản ở các tỉnh ven biển miền Trung, Tổ Khuyến nông cộng đồng ở Kiên Giang, các mô hình đồng quản lý trồng dược liệu dưới tán rừng ở một số tỉnh miền núi,… cần được đúc kết và chính thức hoá, để lan toả, vận dụng trong trồng trọt, lâm nghiệp, chăn nuôi, thuỷ sản, quản lý mã vùng trồng, vùng nuôi, truy xuất nguồn gốc, an toàn thực phẩm…
Cơ chế “Cộng đồng đồng quản lý” đã được khẳng định từ lý thuyết đến thực tiễn trên thế giới và Việt Nam. Mục tiêu sâu xa là thay đổi tư duy quản trị địa phương, phát huy sức mạnh xã hội. Hội đồng ngư dân quản lý nguồn lợi thủy sản các tỉnh ven biển miền Trung, Hội quán ở Đồng Tháp và một vài địa phương, Nông hội ở Gia Lai, Ngôi nhà trí tuệ ở Hà Tĩnh… đó không phải là mô hình mà là một thiết chế quản trị địa phương. Nhiều quốc gia cũng đã thành công và lan toả đến Việt Nam như Không gian cộng đồng theo mô hình Saemaul Udong, còn gọi là Làng Mới của Hàn Quốc cần được tiếp thu và nhân rộng.
Ngay trong lịch sử xa xưa, cha ông chúng ta cũng đã sử dụng không gian đình làng làm nơi người dân luận bàn chuyện công, phân xử chuyện tư, là cầu nối giữa “nhà” và “nước”.
Một thiết chế mới hình thành cần tìm hiểu mục tiêu, ý nghĩa, triết lý để nhìn ra giá trị to lớn từ những mô hình được xem là nhỏ. Càng hiểu được chiều sâu giá trị càng quyết tâm hành động theo tư duy tích cực “khó quá, nhưng có thể” thay vì than vãn “có thể, nhưng khó quá”!