Câu chuyện cuối năm của 2 vị Bộ trưởng

Một buổi sáng giáp tết Ất Tỵ, Bộ trưởng Lê Minh Hoan cùng với lãnh đạo Bộ NN-PTNT và một số đơn vị trực thuộc đến thăm nguyên Bộ trưởng Bộ NN-PTNT Lê Huy Ngọ tại nhà riêng ở phố Đội Cấn, Hà Nội.

Vốn dĩ đó là cuộc viếng thăm, chúc tết thường niên của lãnh đạo Bộ NN- PTNT đương nhiệm đến người đã từng chèo lái, dẫn dắt Bộ NN-PTNT vượt qua nhiều thử thách, nhưng rồi câu chuyện của họ cứ dần miên man với chủ đề nông nghiệp, nông dân, nông thôn. Ai cũng trăn trở, đau đáu và đầy nhiệt huyết với lĩnh vực xưa nay vốn được xem là gian khó nhưng cũng đầy truyền thống vẻ vang và tự hào.

Nếu như ông Lê Huy Ngọ, nguyên Bộ trưởng Bộ NN-PTNT vốn mang dấu ấn của “người đi trong bão lũ”, dấu ấn mang tính khởi nguồn của Chương trình mục tiêu Quốc gia xây dựng nông thôn mới thì Bộ trưởng Lê Minh Hoan là người mang tư duy kinh tế nông nghiệp, nông nghiệp tích hợp đa giá trị, đa ngành, đa lĩnh vực. Hai Bộ trưởng ở hai thời kỳ, hai giai đoạn khác nhau nhưng có cảm giác họ cùng chung một “ngọn lửa”, chung suy nghĩ trăn trở về nông nghiệp, nông dân, nông thôn nước nhà. Chuyện lịch sử, chuyện hiện tại, chuyện tương lai, những giá trị truyền thống cũng như tầm vóc, vị thế của nông nghiệp, nông dân, nông thôn Việt Nam nhanh chóng trở thành chủ đề xóa nhòa khoảng cách thế hệ, trở thành chuyện không còn là của riêng ai.

Bộ trưởng Lê Minh Hoan gợi mở: Thưa bác Lê Huy Ngọ. Bác và thế hệ của mình đã góp phần rất lớn đặt nền móng để xây dựng một nền nông nghiệp Việt Nam tập trung sản xuất vượt qua đói nghèo, đồng hành cùng với cộng đồng doanh nghiệp, hợp tác xã, bà con nông dân làm nên những thành tựu lớn lao của nông nghiệp. Cũng chính bác đã có những dấu ấn khởi đầu của phong trào xây dựng nông thôn mới, với mục tiêu cao nhất chính là nâng cao đời sống vật chất, tinh thần cho người nông dân. Giờ đây, tiếp nối truyền thống đó, nhiệm vụ của thế hệ chúng tôi là đưa nông nghiệp bước vào thời kỳ hội nhập, thời kỳ mà nông nghiệp không chỉ sản xuất để đủ ăn, mà phải sản xuất để làm giàu, để tạo ra những giá trị...

Và thực tế, nông nghiệp Việt Nam đang ngày càng trở thành điểm sáng trong hệ thống lương thực thực phẩm thế giới với cách tiếp cận tư duy xây dựng một nền nông nghiệp sinh thái, nông nghiệp tuần hoàn, nông nghiệp đa giá trị, giảm phát thải... Tuy nhiên, tôi vẫn luôn nghĩ rằng, nông nghiệp Việt Nam của chúng ta không chỉ là câu chuyện của cây lúa hay con cá, mà còn là cách chúng ta đối xử với đất, với nước, và với người nông dân.

Nghĩ về nông nghiệp, nông dân, nông thôn của chúng ta hôm nay tôi thường mơ đến một nền nông nghiệp sinh thái, nơi con người sống hài hòa với thiên nhiên. Ở đó, người nông dân không chỉ làm nghề nông mà còn trở thành nông dân thông minh, biết sử dụng công nghệ, biết kể câu chuyện của đất nước mình đến với bạn bè khắp thế giới. Liệu rằng giấc mơ đó, khát vọng đó phải chăng cũng là điều mà thế hệ bác đã từng đau đáu, trăn trở?

Nguyên Bộ trưởng Lê Huy Ngọ: “Anh nói đúng. Đất nước mình không thiếu tiềm năng, lợi thế của một quốc gia “rừng vàng biển bạc”. Nhưng thách thức lớn nhất theo tôi là phải làm sao để người nông dân của chúng ta thấy họ không chỉ là người làm ra hạt gạo, con cá mà còn là những người góp phần định hình tương lai.

Giải quyết thách thức này như thế nào? Tương lai của người nông dân ra sao? Tôi nghĩ rằng chúng ta phải luôn nhắc nhớ nhau rằng: Hãy bắt đầu từ những điều nhỏ bé nhưng thật sự phải chạm được đến trái tim của người nông dân”.

Cuộc gặp gỡ hôm nay tôi muốn kể lại chuyện này. Hồi tôi mới được bầu làm Bộ trưởng, hầu như mọi người chỉ say sưa nói về nông nghiệp, say sưa nói về năng suất và sản lượng. Nghĩa là chủ yếu nói về cái ăn thôi, còn đời sống tinh thần người nông dân, đời sống nông thôn như thế nào còn ít người đề cập đến. Rồi cả chuyện vai trò, vị thế người nông dân sẽ ra sao trong tiến trình phát triển của xã hội, của đất nước. Mối quan hệ giữa nông nghiệp - nông dân - nông thôn trong bối cảnh mới mở cửa, hội nhập sẽ như thế nào… Đó là cả một định hướng, chiến lược và nhận thức mà tôi nghĩ có lẽ không chỉ riêng đối với ngành NN-PTNT của chúng ta thôi đâu.

Gắn bó với nông nghiệp, nông dân, nông thôn suốt cả cuộc đời và tôi luôn có suy nghĩ thế này: Phải chăng chúng ta đã quá quen với sự hi sinh của người nông dân, quen với “thóc không thiếu một cân, quân không thiếu một người” từ trong các cuộc kháng chiến, quen với sự trung thành và hy sinh của người nông dân đối với sự nghiệp cách mạng, với Tổ quốc rồi hay không? Và liệu có phải chúng ta vẫn đang còn tâm lý đòi hỏi người nông dân tiếp tục hy sinh nhiều hơn nữa, để “món nợ” ngày một nhiều thêm, thay vì suy nghĩ một cách thực sự nghiêm túc rằng chúng ta đã và đang làm gì để có thể nâng cao đời sống vật chất lẫn tinh thần cho bà con nông dân?

Như anh Lê Minh Hoan nói, người nông dân của chúng ta hôm nay không còn đơn thuần là chuyện làm ra hạt lúa, củ khoai, không chỉ đơn giản mỗi chuyện mùa màng. Ngoài những yếu tố mang tính vật chất, nông nghiệp, nông dân, nông thôn chúng ta hôm nay còn mang nhiều giá trị văn hóa, tinh thần khác nữa. Nhất là trong bối cảnh hội nhập quốc tế ngày càng sâu rộng thì chiến lược phát triển nông nghiệp, bức tranh nông thôn và thân phận người nông dân như thế nào chắc chắn là vấn đề rất lớn, cần phải đặc biệt quan tâm sâu sắc.

Theo tôi nghĩ thì cả ba thành tố nông nghiệp, nông dân, nông thôn trong “tam nông” của chúng ta cần phải có sự gắn kết chặt chẽ hơn nữa. Gắn kết không thể tách rời. Nghĩa là làm sao người nông dân của chúng ta vừa có cái ăn nhưng đồng thời cũng phải có niềm vui, niềm hạnh phúc. Cần phải xác định rõ mục tiêu này không phải là nhiệm vụ trong mỗi nhiệm kỳ của Bộ trưởng Lê Huy Ngọ hay nhiệm kỳ của Bộ trưởng Lê Minh Hoan mà có lẽ phải xem là câu chuyện nhận thức tư duy xuyên suốt. Người nông dân Việt Nam thực sự phải là chủ thể, trung tâm trong tiến trình phát triển của đất nước, của sự nghiệp xây dựng nông nghiệp sinh thái, nông thôn hiện đại, nông dân văn minh.

Không gian buổi trò chuyện cứ thế mở rộng dần. Lúc hào hứng, sôi nổi, lúc thâm trầm, lắng đọng. Nguyên Bộ trưởng Lê Huy Ngọ nói thêm với Bộ trưởng Lê Minh Hoan: “Anh đang đi đúng hướng. Nông nghiệp của chúng ta sẽ luôn là lợi thế, trụ đỡ của quốc gia. Nông thôn Việt Nam sẽ luôn là nền tảng. Nông dân giữ vai trò trung tâm. Nhưng hãy nhớ rằng, nông nghiệp, nông dân, nông thôn của chúng ta phải luôn luôn là một. Nông thôn Việt Nam không chỉ là nơi sản xuất, mà còn là nơi giữ gìn văn hóa, là nơi khơi nguồn cho những giá trị bền vững của dân tộc. Một nông thôn hiện đại không chỉ là những con đường bê tông, không chỉ là nơi làm ra của cải vật chất mà còn là nơi của những con người biết sống hài hòa với truyền thống và đổi mới”.

Bộ trưởng Lê Minh Hoan cảm nhận rõ sức nặng của những lời khuyên ấy của bậc tiền bối. Ông tiếp thu không chỉ bằng tâm thế của một người kế thừa, tiếp nối mà còn mang trách nhiệm chuyển mình cho một nền nông nghiệp bền vững và tự hào.

“Bác yên tâm, tôi sẽ cố gắng hết sức để làm được điều đó. Tôi tin rằng, khi nông nghiệp được làm với cả trái tim, thì mọi thách thức đều có thể vượt qua”, Bộ trưởng Lê Minh Hoan chia sẻ.

Buổi sáng gặp gỡ giữa hai Bộ trưởng kết thúc trong sự an nhiên và lạc quan. Chuyến thăm không chỉ là sự tri ân mà còn là sự tiếp nối tinh thần. Hai thế hệ lãnh đạo, hai tâm hồn cùng chung lý tưởng, đã để lại trong nhau những giá trị sâu sắc.

Đối với Bộ trưởng Lê Minh Hoan, ông chia sẻ, cuộc gặp gỡ này không chỉ là một lời nhắc nhở, mà còn là ngọn lửa tiếp thêm niềm tin rằng sự nghiệp xây dựng nông nghiệp sinh thái, nông thôn hiện đại, nông dân văn minh sẽ là tương lai của Việt Nam.

Hoàng Anh (lược ghi)
Tiến Thành
Trần Tuấn Việt