Câu chuyện hạt muối, vị mặn của biển, vị mặn cho đời

Câu ca dao dân dã thấm đẫm triết lý nhân sinh. Một sự kết hợp, hoà quyện giữa hai sản vật gần gũi, bình dị, dẫn dắt khẩu vị, tích hợp giá trị, tạo ra cảm giác vừa mặn mà vừa nồng ấm như tâm hồn người Việt bao đời. Từ câu ca dao gắn bó bao đời, ngẫm nghĩ về hạt muối, nghề muối và những người làm muối dọc theo bờ biển dài hình chữ S. Chuyện hôm qua, chuyện hôm nay và chuyện ngày mai của hạt tinh thể muối.

Ngoài một số phương pháp làm muối đặc biệt, như muối mỏ, thường thì cách làm muối chỉ đơn giản là phơi nước biển để ánh nắng mặt trời làm nước bay hơi, cho muối kết tinh lại. Nước biển được bơm vào các khu ruộng để cho chất bẩn và thạch cao lắng xuống, sau đó dẫn nước này vào khu lấy muối kết tinh.

Vậy là hạt muối nhỏ đến bữa ăn hàng ngày trong từng bếp ăn mỗi gia đình, tập thể, quán ăn, nhà hàng, vào tận khu dinh dưỡng trong các bệnh viện. Và hạt muối nhỏ đó cũng đã góp phần cho những ngành công nghiệp, chế biến thực phẩm mang giá trị thặng dư cao. Thế mà hiện nay nghề muối vẫn lao đao và người làm ra hạt muối vẫn đối diện muôn vàn khó khăn.

Nước biển chiếm phần lớn diện tích quả địa cầu, nhưng có một thời muối từng là một trong những món hàng độc quyền được săn lùng ráo riết, được xem như biểu tượng của sự giàu có, thậm chí còn được dùng như một đơn vị tiền tệ. Hạt muối nhỏ, mà sức ảnh hưởng lại sâu rộng như vậy. Phải chăng muối là một thực phẩm thiết yếu trong bữa ăn hằng ngày, không có không đậm vị, nhưng nhiều quá cũng không có lợi? Phải chăng thiếu muối dưỡng chất sẽ dẫn đến hệ luỵ về sức khoẻ, nhất là bệnh bướu cổ, căn bệnh phổ biến trong bà con trên vùng cao, vùng còn nhiều khó khăn? Phải chăng, hạt muối nhỏ lại ẩn chứa những giá trị lớn, khi trở thành ngành công nghiệp muối, là đầu vào của nhiều ngành công nghiệp khác?

Trong bộn bề cuộc sống, đôi khi người ta dễ bỏ qua những giá trị tưởng chừng nhỏ bé, để mưu cầu những giá trị lớn hơn. Cũng không có gì là lạ, bởi những điều trước mắt bao giờ cũng dễ nhìn thấy hơn những điều lâu dài, những thứ có thể cân đo được dễ tìm kiếm hơn những thứ vô hình. Những cánh đồng muối bị thu hẹp để chuyển đổi sang mục đích khác, mặc dù vẫn còn đó Đề án phát triển ngành muối được Thủ tướng Chính phủ quyết định. Người làm muối bao năm vẫn loay hoay, trăn trở với mối lo bấp bênh.

Vị mặn đầu đời trong mỗi người đều đã có trong từng giọt nước mắt, những giọt mồ hôi. Có phải vì vậy mà nghề làm muối hiện nay có nhiều giọt mồ hôi trên gương mặt và không thiếu những giọt nước mắt lưng tròng? Một hành trình nghề muối từ quá khứ cho đến hiện tại thì đã rõ, nhưng tương lai sẽ như thế nào do tất cả chúng ta cùng chung tay hành động. Quá khứ không thay đổi được, nhưng tương lai là do chúng ta tự định đoạt.

Hãy bắt đầu từ tư duy lại về muối trong sự tổng hoà chức năng dinh dưỡng cho con người. Muốn vậy, cần mở rộng không gian tư duy về hạt muối, sản phẩm muối, ngành hàng muối. Nhiều địa phương đã đón nhận di sản phi vật thể nghề muối truyền thống. Nhiều địa phương đã khởi tạo hình ảnh “tinh hoa nghề muối”. Nhiều địa phương đã khôi phục lễ dân gian tôn vinh các vị thần muối, tổ nghề muối. Đó là những tín hiệu đáng mừng khi đâu đó đã tỉnh thức về giá trị hạt muối, nghề muối.

Gần đây, người ta tiếp cận muối không chỉ là một gia vị trong tổng hòa các loại gia vị, không chỉ đem đến cái ngon, mà hơn hết là cân bằng dinh dưỡng, bảo đảm sức khỏe cho con người, cả về thể chất lẫn tâm hồn. Hạt muối sẽ tăng thêm giá trị, nếu biết cách áp dụng công nghệ phù hợp. Hạt muối sẽ tăng thêm giá trị, nếu kết nối thành chuỗi giá trị ngành hàng: sản xuất, bảo quản, chế biến, xây dựng thương hiệu, tiếp thị… Nhưng như vậy mới chỉ dừng lại ở tư duy đơn giá trị, nghĩa là muối trở thành chuỗi ngành hàng muối.

Câu ca dao “muối gừng” liên tưởng đến sự kết hợp muối với nhiều loại gia vị, thảo dược khác để tích hợp thành sản phẩm dinh dưỡng. Không chỉ dừng lại sản phẩm dinh dưỡng từ muối, mà kết hợp các khoáng chất khác sẽ có dòng sản phẩm, mỹ phẩm từ muối, dược phẩm từ muối. Đó là tư duy đa ngành, đa sản phẩm sẽ tích hợp đa giá trị. Muốn vậy, phải vượt qua rào cản vì tư duy đơn ngành, đơn chức năng, ngay khi đặt chân vào hành trình đưa đến sự bền vững.

Một hồ nước mặn mang tên Biển Chết mà vẫn tạo ra hàng ngàn sản phẩm từ muối để trở thành đặc sản lưu niệm, để khách du lịch trên thế giới trải nghiệm, tìm hiểu về ý chí và sự sáng tạo của một dân tộc. Một khu bảo tồn rừng quốc gia ở một đất nước dẫn đầu về chỉ số hạnh phúc, vẫn trưng bày hàng trăm lọ muối từ biển, kết hợp với những thảo dược từ rừng.

Phải chăng một trong những yếu tố làm nên hạnh phúc là nước bạn cân bằng được cảm xúc từ thiên nhiên, từ biển và rừng? Một cánh đồng muối ở một quốc gia khác, những trang trại muối đã trở thành điểm đến cho hàng trăm ngàn du khách đến khám phá vẻ đẹp của màu trắng của muối và màu xanh thẫm của biển.

Đó chính là sự kết hợp tuyệt vời, tích hợp đa giá trị, nhân giá trị hạt muối lên nhiều lần so với chuỗi giá trị riêng một ngành hàng. Sự trải nghiệm đang là nấc thang giá trị cao nhất trong nền kinh tế, trong khi sản xuất mới chỉ là nấc thang ban đầu, gắn với chế biến, thương mại. Nếu biết chăm chút, sự trải nghiệm về muối có thể là một trong những liệu pháp chữa lành cho cơ thể và cho cả tâm hồn con người khi được thấm đẫm đời muối, đời người. Khi ấy, mỗi người sẽ thầm biết ơn và trân quý giá trị từng hạt muối nhỏ và công sức của những người làm muối còn lắm nỗi nhọc nhằn. Khi ấy, mỗi người sẽ hiểu vì sao nhiều địa phương, nhiều đất nước luôn trân quý muối như một loại vàng trắng.

Và khi ấy, người làm muối sẽ tự hào là những “diêm dân” khá giả trong sự phát triển chung của một đất nước đang tiến tới thịnh vượng.

Vẫn là hạt muối, lát gừng, đi vào ca dao là tổng hòa các giá trị, kết hợp sự chiêm nghiệm với tính sáng tạo của con người Việt Nam. Và con đường mới mở ra đa tầng giá trị, từ cách tiếp cận, cách nghĩ, cách làm. Để mỗi người thêm trân trọng và biết ơn, từ “hạt muối của biển” đến “hạt muối của đời”.

Lê Minh Hoan
Trương Khánh Thiện
TL