Câu chuyện nông dân và chiếc la bàn

“Men” theo “đường dẫn” của Báo Nông nghiệp Việt Nam, gần đến giờ Ngọ một ngày tháng 10 đã về đến Vĩnh Bảo, Hải Phòng, quê hương Trạng Trình Nguyễn Bỉnh Khiêm. Mục đích chuyến thăm là tìm hiểu về một sáng kiến mới, mô hình Câu lạc bộ đại điền, 108 thành viên thuê đất trồng lúa được 3.000ha. Đi để tìm hiểu và tự hỏi có thể làm gì tiếp theo. Câu lạc bộ đã có, RỒI SAO NỮA?

Đứng giữa cánh đồng may mắn không bị ảnh hưởng trực tiếp bởi cơn bão Yagi, trong tiết trời cuối Thu, miên man ngẫm nghĩ tiến trình chuyển đổi nông nghiệp nước nhà còn nhiều thách thức trên từng thửa ruộng, từng địa phương. Mọi sự thay đổi đều gặp phải rủi ro, thay đổi nhỏ rủi ít, thay đổi lớn rủi ro nhiều. Không thể mặc đồng phục một mô hình, cũng như không thể để rủi ro cho những người nông dân trên hành trình thay đổi.

Cuộc gặp gỡ không đầy đủ 108 thành viên Câu lạc bộ, chỉ đôi mươi người quây quần bên bờ ruộng, một bên lúa đã gặt còn trơ gốc rạ, một bên nếp vẫn trĩu bông. Tiếng nói, tiếng cười chia sẻ, bàn luận rộn rã một góc cánh đồng. Thật ấm áp tình đất, tình người, tình quê!

Câu chuyện kể về hành trình ra đời của Câu lạc bộ đại điền đầy chông gai như những người đi mở đường mà chưa biết đích đến ở đâu, khi nào sẽ đến. Chia sẻ với bà con câu danh ngôn để động viên: “Kỳ thực trên mặt đất vốn làm gì có đường. Người ta đi mãi thì thành đường thôi”. Người đặt bước chân trên hành trình vạn dặm luôn gặp vô vàn khó khăn. Người mở đường mà thiếu chiếc la bàn định vị thì còn khó khăn vạn lần. Vừa đi vừa ném đá dò đường, vừa phát quang cỏ dại, vừa lấp hố san gò.

Khó là khó vậy, nhưng bà con vẫn tự tin, nhiệt huyết, khó tới đâu gỡ tới đó, đôi lúc dừng lại nhìn quanh, tìm hướng rồi đi tiếp. “Đường đi khó không phải vì ngăn sông, cách núi. Mà khó vì lòng người ngại núi e sông”.

Thực tế một nền nông nghiệp manh mún, nhỏ lẻ, tự phát, thể hiện rõ ở con số: để có được 3.000ha trở thành những cánh đồng quy mô lớn, thực hiện cơ giới hóa, tự động hóa, số hóa đồng ruộng, những người mở đường phải thuê, mượn từ gần 30.000 chủ thể khác nhau. Tục ngữ có câu “Chín người mười ý” nghĩa là đã khó, nhưng ở đây là 30.000 chủ thể thì khó khăn đến chừng nào. Nghe nói, có hộ phải đàm phán năm lần bảy lượt mới kết thúc bằng bản hợp đồng, “đồng tiền liền khúc ruột” mà!

Hiện nền nông nghiệp đang có nghịch lý. Người không có điều kiện trồng lúa, hoặc trồng hiệu quả thấp do quy mô manh mún, đất xấu thì bỏ ruộng hoang. Ngược lại, người có điều kiện cần mở rộng quy mô sản xuất lại không có đất. Nghịch lý đó tưởng chừng có thể hóa giải bằng mô hình “đại điền” nhưng đâu phải vậy.

Một bài báo đã kết luận “dễ cũng đại điền, khó cũng đại điền”. Cung và cầu gặp nhau rồi, nhưng để gắn kết giữa hai bên còn cần thống nhất mức giá thuê và cho thuê. Hợp đồng chốt mức giá rồi, nhưng đôi khi bị người cho thuê, cho mượn yêu cầu trả lại. Đây là một trong những mấu chốt của vấn đề!

Bất kỳ vấn đề nào cũng cần nghĩ sâu, nghĩ rộng, nhìn thấy cả mặt thuận lợi và khó khăn, cơ hội và thách thức, ngắn hạn và dài hạn. Câu chuyện đại điền không phải chỉ là hợp đồng giữa hai bên, cũng không hẳn chỉ liên quan đến kinh tế.

Đây là câu chuyện sử dụng đất nông nghiệp hiệu quả, không để tình trạng người có đất bỏ hoang, trong khi đó người yêu đất, yêu nông nghiệp, có điều kiện mở rộng quy mô để làm tốt hơn lại không có đất. Đây là câu chuyện làm sao để người nông dân không bị bỏ lại phía sau trên con đường phát triển. Đây là câu chuyện cuộc sống nông thôn khi thực hiện chủ trương tập trung đất đai sản xuất nông nghiệp. Đây là câu chuyện của con người, thuộc về con người.

Giải bài toán đất đai thì bằng các phép cộng trừ, nhân chia, nhưng giải bài toán con người lại phức tạp hơn nhiều. Đất có thể vô tri nhưng con người có lý trí, lý lẽ riêng. Đất không biết lo xa, nhưng con người vừa lo xa lẫn lo gần: giông bão, dịch bệnh, giá cả lên xuống, cơ sở hạ tầng,... Đất không thể nói chuyện với nhau nhưng con người dùng lời lẽ để giao tiếp hằng ngày. Vậy mới có câu “Hòn đất mà biết nói năng. Thì thầy địa lý hàm răng chẳng còn”. Trong giao tiếp cũng không dễ hiểu tâm ý lẫn nhau, khi đồng thuận, lúc ngờ vực. Vậy là cần giấy trắng mực đen ghi lại cùng với chữ ký xác nhận của người liên quan, trong trường hợp Câu lạc bộ đại điền gọi là Hợp đồng thuê quyền sử dụng đất.

Chủ trương, pháp luật đã có, tuy nhiên, để đi vào cuộc sống cần có sự tham gia của nhiều bên liên quan. Đại điền là câu chuyện của địa phương, của ngành nông nghiệp, chứ không riêng của những người nông dân. Chuyện địa phương thì địa phương cùng vào cuộc, chuyện liên quan đến nông nghiệp thì cả bộ máy nông nghiệp từ Trung ương đến địa phương cùng chung vai. Chuỗi ngành hàng lúa gạo còn liên quan đến nhiều lĩnh vực: thương mại, chế biến, khoa học công nghệ, ngân hàng,…

Đại điền, không chỉ là mảnh ghép những vuông ruộng nhỏ thành những cánh đồng quy mô lớn để sản xuất lớn hơn. Đại điền, khi sản lượng nhiều hơn, sẽ chuyển sang tư duy kinh tế theo chuỗi ngành hàng. Khi ấy, giá trị hạt gạo tăng nhiều lần hơn, bền vững hơn. Khi ấy, người nông dân an tâm đối mặt rủi ro thiên tai, dịch bệnh nhờ chính sách bảo hiểm nông nghiệp. Câu lạc bộ đại điền hôm nay sẽ trở thành Liên hiệp Hợp tác xã, Tập đoàn lúa gạo trong tương lai. Đó là mục tiêu hướng tới trong Chiến lược nông nghiệp, nông thôn.

Đất đai và vốn liếng không thể thiếu khi thực hiện chủ trương tập trung đất đai quy mô lớn hơn. Tuy nhiên, “lớn thuyền lớn sóng”. Những nông dân có điều kiện, sản xuất giỏi, vừa canh tác trên mảnh ruộng gia đình rồi làm dịch vụ cho người khác, giờ thì trở thành những người chủ nhỏ không phải lúc nào cũng xuôi chèo mát mái. “Trật con toán, bán con trâu”, phương án kinh doanh, hạch toán chi phí, lợi nhuận đâu phải ngày một ngày hai bà con biết tất cả, làm đúng tất cả. Khi mất phương hướng, tiến thoái lưỡng nan, nản lòng, bà con sẽ dừng lại và bỏ cuộc. Vậy là, bà con cần “chiếc la bàn” chỉ lối, tìm đường!

Đi đường ngắn thì hành trang mang theo đơn giản, nhưng đi đường dài phải chuẩn bị thật nghiêm túc. Câu lạc bộ đại điền thuê, mượn đất là một hành trình dài, phải chuẩn bị đề án, kế hoạch, phương án sản xuất kinh doanh, tiến đến có chiến lược nghiêm túc.

Mọi người phải biết mình đang đứng ở đâu? Sẽ đi đến đâu? Đi bằng cách nào? Những ai cùng tham gia hành trình?,… Mọi người phải đánh giá được điểm mạnh và điểm yếu, cơ hội và thách thức, những rủi ro có thể gặp phải. Mọi người phải biết cách thuyết phục cấp ủy, chính quyền, ngành chuyên môn, thuyết phục nội bộ 108 thành viên và 30.000 chủ thể. Trong hành trình đó cần sự sát sao của địa phương. Vậy là, bà con lại cần “chiếc la bàn” chỉ lối, dẫn đường!

Chủ trương tích tụ, tập trung đất đai để nâng cao hiệu quả sử dụng đất nông nghiệp đã được quy định trong Luật và các nghị định. Nhưng đây không chỉ là câu chuyện cơ chế, chính sách hỗ trợ, chuyện tiền nong, mà là câu chuyện tạo dựng niềm tin. Không có niềm tin sẽ không đi xa được. Quan hệ giữa 108 thành viên như thế nào, quan hệ giữa người thuê, mượn và người cho thuê, mượn như thế nào? Để tránh “cái sảy nảy cái ung”, tất cả đều công khai, minh bạch để tạo dựng lòng tin. Vậy là, bà con lại cần “chiếc la bàn” chỉ lối, tìm đường!

“Chiếc la bàn” đó phải có kim nam châm có độ nhạy và chuẩn xác, không thể mỗi người sử dụng lại chỉ một hướng khác nhau. Vậy bà con tìm những “chiếc la bàn” đó ở đâu? “Chiếc la bàn” đó chính là cấp ủy, chính quyền địa phương, bộ máy ngành nông nghiệp, hội nông dân, Liên minh HTX Việt Nam. “Chiếc la bàn” đó theo chân người nông dân ra đồng ruộng hằng ngày và có thể kết nối với bà con qua các kênh truyền thông đa phương tiện.

“Ở đâu có nông dân, ở đó có khuyến nông”, khẩu hiệu đó sẽ được chứng minh từ mô hình mở đường này. Khuyến nông là chiếc cầu nối các bên liên quan, phát hiện và giải quyết vấn đề cùng bà con nông dân ngay trên bờ ruộng, cánh đồng. Bộ máy ngành nông nghiệp không chỉ có chức năng quản lý mà còn là những người tư vấn giúp bà con vượt qua những rào cản thể chế và những rủi ro chực chờ. Bà con nông dân đang trông chờ “chiếc la bàn” để đi đúng quỹ đạo.

Cách nay hơn 500 năm, Nguyễn Bỉnh Khiêm đã luận bàn về “học hỏi” và “tư duy”. Giờ đây, trên quê hương của cụ, mọi người đang học hỏi để thay đổi tư duy. Tư duy lại mô hình đại điền không chỉ nhằm mở rộng quy mô sản xuất, mà sâu xa hơn là tái cấu trúc ngành nông nghiệp. Chuỗi ngành hàng lúa gạo là hành trình hợp tác, liên kết, thị trường, giảm chi phí, tăng chất lượng, chế biến sâu. Chuỗi ngành hàng tạo giá trị gia tăng bằng khoa học công nghệ, chế biến sâu, kết nối với thị trường. Chuỗi ngành hàng gắn với trồng lúa sinh thái, tuần hoàn, giảm phát thải, và tạo dựng thương hiệu “Hạt gạo quê hương Trạng Trình”.

Hơn 40 năm trước, từ “khoán chui” ở Đoàn Xá, Kiến Thuỵ, Trung ương đã tổng kết và đổi mới tư duy về nông nghiệp, từ đó có khoán 10, khoán 100, như những luồng gió mới thổi mát trên những cánh đồng. Hôm nay lại miên man nghĩ về ngọn gió đang thay đổi. Cây lúa, hạt gạo không chỉ có giá trị kinh tế mà còn là văn hóa phi vật thể ngàn đời nay. Cây lúa, hạt gạo làm sao phát triển bền vững, giúp nâng cao đời sống vật chất và tinh thần cho hàng chục triệu người nông dân. Thịnh vượng khởi đầu từ người trồng lúa!

Lê Minh Hoan - Lê Đức Thịnh - Nguyễn Thị Thu Hương - Lê Minh Lịnh - Nguyễn Anh Phong - Nguyễn Ngọc Đam
Tiến Thành
Dương Đình Tường - Trung Quân - Đinh Mười