Câu chuyện Quảng Bình

Vậy là đã được về với Quảng Bình - quê hương mẹ Suốt, quê hương của vị Đại tướng đầu tiên của Quân đội nhân dân anh hùng. Quảng Bình, vùng đất của nắng, gió, cát, của những năm tháng khói lửa, là nơi sản sinh ra những người con kiệt xuất trong suốt chiều dài lịch sử dựng nước và giữ nước. Một dãy đất hẹp miền Trung với chiều ngang chưa đến 50 km theo đường chim bay, gánh hai đầu đất nước. Quảng Bình, một bên tựa dãy Trường Sơn, một bên trải dài những đồi cát trắng.

Dù trải qua bao nhiêu biến động, sông Gianh vẫn còn đó, dòng Nhật Lệ vẫn còn kia. Di sản thiên nhiên thế giới Phong Nha - Kẻ Bàng, hệ thống hang động Thiên Đường, Sơn Đoòng, những kỳ quan thiên nhiên hùng vĩ, là điểm đến của thế giới, hình như là sự bù đắp cho những gì tạo hóa khắc nghiệt nhất đối với Quảng Bình. Dù sóng to gió lớn, dù bão giông nắng lửa đến nhường nào thì cảm xúc vẫn đong đầy trong lời hát của người nhạc sĩ nặng tình quê hương: “Thuyền anh ra khơi. Khi chân mây ửng hồng. Thuyền anh ra khơi. Có ngại chi mưa nắng”. Người Quảng Bình là vậy, không sợ sóng to gió lớn, không ngại thời tiết khắc nghiệt, luôn biết cách vượt lên nghịch cảnh không chỉ để sinh tồn mà còn làm rạng danh xứ sở, đất nước.

Năm mươi năm sau ngày bài hát ra đời, hôm nay Quảng Bình phần nào vơi đi hình ảnh “Cá bạc đầy khoang. Để màu da anh rám hồng. Lúa vàng trĩu bông. Cho má em hồng tươi thắm”. Đất đai, đồi núi, biển cả vẫn như bao đời nay, nhưng dân số đã gần tiến đến con số một triệu rồi. Tài nguyên luôn hữu hạn trong khi nhu cầu của con người luôn vô hạn và ngày càng tăng, buộc người Quảng Bình không thể tiếp tục cách nghĩ và cách làm như từ trước đến nay. Cách tiếp cận mới sẽ mở ra chân trời mới. Cấu trúc mới sẽ tạo thế bền vững hơn trên con đường phát triển. Tư duy mới sẽ tạo ra không gian giá trị mới.

Dãy đất hẹp sẽ rộng mở hơn nhờ tư duy kết nối. Chiều ngang hẹp sẽ được kéo rộng nếu biết tạo nhiều điểm dừng chân trải nghiệm. Đồi núi nếu chăm chút từng cơ hội nhỏ bằng tư duy cộng đồng sẽ mang lại sức sống cho bà con các dân tộc, trong đó có người Bru-Vân Kiều. Những đồi cát trắng vẫn tạo cơ hội cho những cây trồng thích ứng như dây khoai lang, một loại dây cho củ làm ra sản phẩm Khoai deo Quảng Bình dẻo như mạch nha. Những đồi cát đó đang ươm mầm cho nghề nuôi cá lóc, rồi đưa thịt cá dai thơm vào bát cháo canh gạo sát dân dã mà thấm đẫm hương đồng gió nội.

Người Quảng Bình, cũng như những người ở khúc ruột miền Trung, luôn có cốt cách cứng rắn, khảng khái, thật thà, có bề dày truyền thống hiếu học. Vùng đất văn vật còn ẩn dấu bên dưới di chỉ Bàu Tró có niên đại năm ngàn năm. Chính tinh thần lạc quan, lấy truyền thống làm điểm tựa để hướng tới tương lai, người Quảng Bình đang trên con đường tạo ra sự khác biệt của mình. Tìm ra niềm tự hào không khó vì đã nằm trong những trang sử sách. Nhưng biến niềm tự hào đó thành của cải cần đến tư duy rộng mở và tình yêu quê hương xứ sở của người Quảng Bình dù đang ở trên mảnh đất chôn nhau cắt rốn hay đang bôn ba khắp bốn phương trời.

Con người thường rơi vào hai trạng thái tinh thần: hướng nội và hướng ngoại. Khi rơi vào tinh thần hướng ngoại thường thiếu quan tâm, xem nhẹ những giá trị mình đang có, “Bụt chùa nhà không thiêng”. Khi rơi vào tinh thần hướng nội thường cố định không gian phát triển trong phạm vi hẹp từng cấp địa giới hành chính. Thế giới ngày nay là thế giới mở, chăm chút bên trong, nối kết bên ngoài, tìm kiếm ngoại lực, phát huy nội lực. Thế giới ngày nay là thế giới kết hợp những giá trị văn hóa, truyền thống lịch sử để tạo sức bật cho yếu tố kinh tế. Thế giới ngày nay là thế giới có khả năng biến điều không thể thành điều có thể, mỗi thay đổi nhỏ có thể tạo ra giá trị lớn.

Những củ khoai lang Hải Ninh nho nhỏ cắm trên những đồi cát như sức sống mãnh liệt của bao thế hệ người Quảng Bình trong suốt chiều dài lịch sử, nếu chăm chút thêm sẽ là câu chuyện ẩn dụ cho hình ảnh Quảng Bình. Cũng với củ khoai tương tự, nhiều quốc gia đã biến thành bánh kẹo, bột sữa dinh dưỡng, thành rượu truyền thống. Cũng những bắp cải, nhiều đất nước đã biến thành sản phẩm quốc gia như kim chi. Cũng những củ cải, cà rốt, hành tỏi, người miền Trung đã chế biến thành món mắm muối, dưa cà mặn mòi truyền thống lâu đời. Những sản vật tưởng chừng nhỏ nhoi, đôi khi không nằm trong bảng kế hoạch phát triển địa phương, nhưng có thể thay đổi số phận của những con người và sức sống một cộng đồng. Biến những sản vật địa phương trở thành đặc sản, nối kết vươn xa thị trường sẽ trở thành niềm tự hào chung cho cộng đồng.

Một vùng đất Quảng Bình đã sản sinh ra những con người kiên trung, bền bỉ, bám đất giữ làng. Những con người cố kết thành những cộng đồng bền chặt, tạo nên sức mạnh tinh thần to lớn giúp chiến thắng thiên tai, dịch hoạ, “Sáng chắn bão giông, chiều ngăn nắng lửa”. Từ những cộng đồng mang tính tự phát trở thành tư duy cộng đồng với phương châm tự lực, tự quản, tự phát huy nội lực trước khi nhờ sự hỗ trợ ngoại lực. Những cộng đồng đồng quản lý nguồn lợi thủy sản, cộng đồng bà con làm nghề muối Phú Lộc, nước mắm Đồng Hới… cần được cấu trúc lại ngành hàng thích ứng với sự phát triển bền vững.

Gần đây, nhiều địa phương tiếp cận nền nông nghiệp công nghệ cao, điều đó đúng nhưng chưa vẫn chưa đủ. Nhưng một nền nông nghiệp manh mún, nhỏ lẻ, tự phát không thể cùng một lúc định vị mục tiêu công nghệ cao, nhân lực chất lượng cao. Ngày nay trên thế giới đang tiếp cận tư duy kinh tế vừa đủ, kỹ thuật vừa đủ, công nghệ vừa đủ. Tính vừa đủ chỉ ra rằng, các yếu tố kinh tế, kỹ thuật, công nghệ nếu phù hợp với quy mô sản xuất sẽ phát huy tác dụng và có sức lan tỏa và nối kết rộng. Tạo ra sinh kế bền vững cho người dân đâu chỉ là câu chuyện “con cá” hay “cần câu” mà là hành trình tạo nên cấu trúc cộng đồng, tạo lập niềm tin rằng khi người khác có thể thì người Quảng Bình cũng có thể và làm tốt hơn.

Tư duy không giới hạn chỉ con người tự đặt ra giới hạn. Tư duy về nền nông nghiệp đâu mãi theo diện tích, năng suất, sản lượng. Nền nông nghiệp cần hướng đến tư duy tích hợp đa tầng giá trị hướng tới đa sản phẩm, sinh thái, tuần hoàn kết hợp du lịch trải nghiệm sẽ biến những mảnh đất nhỏ, những đồi cát thành giá trị lớn. Chào tạm biệt Quảng Bình, cảm xúc về hai câu thơ:

Lê Minh Hoan
Trương Khánh Thiện
TL