Cây lúa dù không còn thống trị ở 'ngôi vương'…

Dù không còn thống trị ở “ngôi vương” nhưng lúa vẫn là cây trồng quan trọng, cây hàng hóa được nông dân trồng nhiều nhất. Trước nhiều thách thức của biến đổi khí hậu, giá cả vật tư tăng cao, sản xuất lúa vùng ĐBSCL năm 2022 đã vượt qua ngoạn mục.

Ngày 17/11/2017, Thủ tướng Chính phủ ban hành Nghị quyết 120/NQ-CP về phát triển bền vững vùng ĐBSCL thích ứng với biến đổi khí khí hậu đã xoay trục kinh tế, xóa “ngôi vương” đã tồn tại hàng trăm năm của cây lúa ở vùng đất Chín Rồng. Tuy không còn giữ vai trò thống trị nhưng cũng không hoàn toàn bị phế truất, cây lúa vẫn giữ vai trò bộ ba trụ cột kinh tế quan trọng của cả vùng: Thủy sản - Cây ăn quả - Lúa gạo.

Nguyên Thứ trưởng Bộ NN-PTNT Lê Quốc Doanh khẳng định: “Trong ngành trồng trọt của Việt Nam, nhất là tại ĐBSCL, cây lúa vẫn giữa vai trò quan trọng nhất. Trong bối cảnh diện tích gieo trồng lúa liên tục giảm do phải nhường đất cho đầu tư cơ sở hạ tầng, chuyển đổi sản xuất nhưng chúng ta vẫn giữ được sản lượng là cả một kỳ tích.

Suốt thời gian qua, ngành nông nghiệp đã tập trung nhiều giải pháp để nâng cao năng suất lúa, đồng thời nâng cao chất lượng. Mỗi ha đất sản xuất 3 vụ/năm, chúng ta làm ra được 20 tấn lúa, năng suất như vậy là rất cao, không phải quốc gia nào cũng làm được”.

Điểm lại cách đây 5 - 6 năm, ngành trồng trọt chiếm tới 65% GDP của cả ngành nông, lâm, thủy sản. Còn bây giờ trồng trọt chiếm 45% do chúng ta đã cơ cấu lại, ngành thủy sản, lâm nghiệp đã có sự phát triển, lớn mạnh. Tuy nhiên, hiện nay cây lúa vẫn chiếm tỷ trọng 65% trong ngành trồng trọt.

Nguyên Thứ trưởng Lê Quốc Doanh nhấn mạnh, đến thời điểm này nhìn lại kết quả của ngành trồng trọt rất phấn khởi. Bởi chúng ta “đã có một ngành hàng lúa gạo căn cơ, bài bản và phát triển bền vững”.

Trong năm 2022, hoạt động sản xuất lúa luôn phải đối mặt với nhiều khó khăn, thách thức, nhất là hậu quả kéo dài của cơn “siêu bão giá” đã thổi giá cả vật tư đầu vào tăng cao chóng mặt. Tuy nhiên, kết quả đây vẫn là năm thắng lợi của ngành hàng lúa gạo ở ĐBSCL, với diện tích gieo trồng cả năm đạt 3,8 triệu ha, đóng góp vào sản lượng chung hơn 24 triệu tấn lúa hàng hóa.

Là địa phương có diện tích lúa lớn nhất ở ĐBSCL, ông Lê Hữu Toàn, Phó Giám đốc Sở NN-PTNT tỉnh Kiên Giang nhìn nhận, năm 2022 là năm thật sự khó khăn với nông dân sản xuất lúa, nhất là giá vật tư tăng cao đột biến trong vụ hè thu và thu đông. Diện tích lúa gieo sạ sụt giảm nhưng nhờ năng suất tăng nên tỉnh vẫn giữ ổn định sản lượng cả năm đạt 4,4 triệu tấn theo kế hoạch.

Theo ông Toàn, kết quả đó là sự quyết tâm cao của toàn ngành trong tổ chức sản xuất, chuyển đổi cơ cấu giống. Trên 95% diện tích trồng lúa của nông dân Kiên Giang hiện nay là gieo sạ giống chất lượng cao.

Người nông dân đã ý thức rất rõ là cần nâng cao chất lượng lúa gạo thì doanh nghiệp mới tìm đến liên kết tiêu thụ. Năm 2022 cũng là năm mà diện tích cánh đồng lớn tại Kiên Giang tăng đột biến với sự tham gia của 20 doanh nghiệp liên kết tiêu thụ.

Trong đó, những Tập đoàn, công ty lớn trong ngành hàng lúa gạo đều đã chủ động ký kết chương trình hợp tác phát triển lúa gạo tại Kiên Giang như: Lộc Trời, Tân Long, Trung An… Các chương trình hợp tác này là dài hơi, từ năm 2021-2025 và có phân kỳ từng năm về diện tích, sản lượng mục tiêu rất cụ thể.

Tương tự, tại Tiền Giang, nông dân cũng đã có một năm sản xuất lúa thắng lợi khá toàn diện. Ông Nguyễn Văn Mẫn, Giám đốc Sở NN-PTNT tỉnh Tiền Giang đánh giá, năm 2022, ngoài vấn đề giá vật tư tăng cao thì cũng có nhiều yếu tố thuận lợi cho sản xuất lúa. Thời tiết trong năm và lũ mùa nước nổi khá thuận lợi cho cây lúa.

Dịch bệnh được kiểm soát tốt, không xảy ra dịch hại lớn. Tỉnh tập trung phát triển sản xuất sau đại dịch Covid-19. Ngành chuyên môn tăng cường công tác chuyển giao khoa học kỹ thuật cho nông dân. Đây là những yếu tố chính giúp cho tốc độ tăng trưởng của ngành trong năm 2022 đạt 3,5%, cao nhất trong nhiều năm qua.

Riêng về sản xuất lúa, năm 2022 tỉnh Tiền Giang thắng lợi cả về diện tích gieo sạ và năng suất. Trong vụ thu đông 2022, toàn tỉnh gieo sạ 13.623 ha, đạt gần 129% so với kế hoạch, sản lượng 71.126 tấn, diện tích tăng gấp 2 lần so với vụ thu đông năm 2021. Diện tích tăng mạnh là do thời tiết thận lợi, bà con nông dân xuống giống linh hoạt theo điều kiện thực tế của nguồn nước ở vùng ngọt hóa Gò Công.

Tỉnh cũng đã đầu tư, thực hiện các giải pháp thủy lợi có hiệu quả, với việc tích trữ nước trong các ao, kênh, mương… lên đến hơn 1 triệu mét khối, phục vụ cho sản xuất. Cả năm 2022, tỉnh Tiền Giang gieo trồng được 135.920 ha, vượt kế hoạch đề ra, sản lượng đạt 845.233 tấn, tăng so với cùng kỳ nhiều năm.

Nông dân tỉnh Long An không chỉ vững vàng vượt qua bão giá mà còn lập kỳ tích khi đưa sản lượng cả năm vượt  kế hoạch 100.000 tấn lúa hàng hóa. Phó Giám đốc Sở NN-PTNT tỉnh Long An, ông Nguyễn Chí Thiện cho biết, các vụ lúa trong năm 2022 khi triển khai sản xuất đều gặp rất nhiều khó khăn, giá vật tư tăng rất cao đã ảnh hưởng rất lớn đến đầu tư sản xuất của nông dân.

Hơn nữa, trong vụ đông xuân 2021-2022, tỉnh Long An có tới 49% diện tích trồng các giống nếp để phục vụ xuất khẩu sang Trung Quốc nhưng thị trường lại bị đóng băng do ảnh hưởng dịch bệnh Covid-19.

Sản phẩm làm ra không tiêu thụ được, điều này đã ảnh hưởng dây truyền đến việc đầu tư của nông dân ở các vụ tiếp theo. Cụ thể là diện tích lúa hè thu 2022 của tỉnh nông dân xuống giống giảm 5.000 ha.

Mặc dù khó khăn là vậy, nhưng với sự vào cuộc quyết liệt của ngành chức năng, sự chuyển đổi mạnh mẽ, nhạy bén và nhanh chóng của nhà nông, đã giúp tỉnh Long An không những giữ vững được sản lượng lúa mà còn vượt 100.000 tấn so với kế hoạch. Đây không chỉ là niềm vui, phấn khởi mà còn được xem như kỳ tích của ngành lúa gạo khi vượt qua “bão giá”.

Ông Lê Thanh Tùng, Phó Cục trưởng Cục Trồng trọt (Bộ NN-PTNT) cho rằng ĐBSCL là vùng đất trù phú đã quen với sự an bình nhưng có những thời điểm phải ứng phó với thời tiết, khí hậu bất thường tưởng chừng không thể vượt qua.

Ngành trồng trọt đã phải bố trí lại lịch thời vụ, mùa vụ linh hoạt, thích ứng với những bất lợi. Sự đồng thuận của người nông dân và cả xã hội đã giúp ngành trồng trọt vượt qua những khó khăn, thách thức cả về chủ quan, lẫn khách quan, để có một năm sản xuất lương thực thắng lợi khá toàn diện.

Vụ đông xuân 2021-2022, vùng ĐBSCL gieo trồng được hơn 1,5 triệu ha lúa, sản lượng thu hoạch gần 11 triệu tấn. Vụ hè thu là 1,49 triệu ha, sản lượng gần 9 triệu tấn và thu đông 2022 xuống giống hơn 700.000 ha, sản lượng hơn 4 triệu tấn.

 

Từ lâu, nông dân vùng ĐBSCL đã hình thành tập quán gieo sạ rất dày, với lượng lúa giống sử dụng quá nhiều trong canh tác, không chỉ làm tăng chi phí sản xuất mà còn ảnh hưởng trực tiếp đến chất lượng gạo. Từ năm 2016, Bộ NN - PTNT đã ban hành văn bản chỉ đạo (số: 1334/BNN-TT) về giảm lượng giống gieo sạ tại các tỉnh ĐBSCL và phát động Chương trình giảm khối lượng giống lúa gieo sạ/ha diễn ra trong toàn khu vực.

Tiếp đến, Cục Trồng trọt đã ban hành Quyết định số 73/QĐ-TT-VPPN ngày 25/4/2022 về việc công nhận “Quy trình kỹ thuật canh tác lúa giảm chi phí và nâng cao hiệu quả tại vùng ĐBSCL”.  

Kết quả cho lượng giống lúa gieo sạ dưới 100 kg/ha đang có chuyển biến tích cực, lượng giống gieo sạ trên 150 kg/ha có chiều hướng giảm, xu hướng 120 - 130 kg/ha đang được triển khai nhiều tại các tỉnh. Ngoài ra, nhiều mô hình giảm lượng giống gieo sạ xuống còn 80 kg/ha có kết quả tốt và đang được tuyên truyền nhân rộng trong sản xuất.

Tại Kiên Giang, Chương trình giảm lượng lúa giống gieo sạ cũng đang được ngành nông nghiệp triển khai thực hiện khá tốt, nông dân hưởng ứng rất tích cực. Theo Phó Giám Sở NN-PTNT Kiên Giang Lê Hữu Toàn, hiện nay, lượng giống gieo sạ dưới 100 kg/ha chiếm khoảng 15% diện tích gieo trồng toàn tỉnh.

Tuy nhiên, tập trung nhiều nhất vẫn chủ yếu là từ 100 - 150 kg lúa giống/ha, chiếm khoảng 65% diện tích gieo trồng. Các phương tiện cơ giới hóa khâu gieo, cấy lúa cũng đang được triển khai, hỗ trợ nông dân đầu tư nhân rộng trong sản xuất, như máy cấy mạ khay, máy sạ cụm, máy phun hạt…

Tương tự, tỉnh Tiền Giang cũng tiếp tục triển khai việc chuyển giao các tiến bộ khoa học kỹ thuật, công nghệ mới và được nông dân ứng dụng mang lại hiệu quả tích cực. Sử dụng giống lúa cấp nguyên chủng, xác nhận để gieo sạ chiếm tới 95,8% diện tích. Lượng lúa giống gieo sạ dưới 100 kg/ha có chuyển biến tích cực, chiếm 22,8% và tăng 6% so với cùng kỳ. Lượng giống gieo sạ từ 100 - 130 kg/ha chiếm 75,6%. Tỷ lệ giống lúa chất lượng cao, lúa thơm chiếm tỷ lệ cao trong sản xuất. lên tới 93,3%.

 

Canh tác lúa tại ĐBSCL thời giam qua đã có sự chuyển biến tích cực trong việc áp dụng những tiến bộ kỹ thuật mới vào sản xuất, liên kết xây dựng chuỗi giá trị ngành hàng lúa gạo bền vững.

Kết quả vượt ngoài mong đợi của Dự án chuyển đổi sản xuất nông nghiệp bền vững tại Việt Nam - VnSAT đã thổi làn gió mới, lan tỏa những tiến bộ kỹ thuật vào đồng ruộng, nâng cao vai trò của tổ chức nông dân, góp phần thay đổi bộ mặt nông thôn với hạ tầng được đầu tư khá đồng bộ.

Đặc biệt là sự vào cuộc mạnh mẽ của các doanh nghiệp kinh doanh trong ngành nông nghiệp, với vai trò đầu tàu dẫn dắt, liên kết sản xuất đã đưa ngành hàng lúa gạo phát triển ngày càng bền vững hơn.

Phó Giám đốc Sở NN-PTNT Kiên Giang, ông Lê Hữu Toàn phấn khởi chia sẻ, đến nay tỉnh Kiên Giang đã có 109.000 ha diện tích trồng lúa được các doanh nghiệp liên kết sản xuất, tiêu thụ, đồng thời có gần 25% diện tích sản xuất lúa đã được liên kết tiêu thụ với các công ty.

Doanh nghiệp khi tham gia vào chuỗi giá trị lúa gạo sẽ đầu tư lúa giống, phân bón, thuốc bảo vệ thực vật và hỗ trợ tập huấn cho nông dân về quy trình sản xuất đạt chuẩn.

Chính điều này đã góp phần rất lớn, có tác động tích cực tới chuyển đổi cơ cấu giống, nâng cao năng suất, chất lượng lúa gạo. Nhờ đó mà dù diện tích gieo trồng lúa giảm nhưng ngành nông nghiệp Kiên Giang vẫn đảm bảo giữ vững được sản lượng.

Cùng với đó, Kiên Giang cũng đẩy mạnh việc cấp mã số vùng trồng để đáp ứng nhu cầu xuất khẩu. Ông Toàn khẳng định: “Năm 2022 là một trong những năm tỉnh đề xuất mạnh nhất về việc đề nghị Cục Trồng trọt cấp mã số vùng trồng. Từ đầu năm đến nay, đã có 148 hồ sơ được đề xuất để cấp mã số vùng trồng, trong đó tập trung chủ yếu là cây lúa. Và trong 9 tháng đầu năm, đã có 75 hồ sơ được ngành chức năng chấp thuận cấp mã số vùng trồng, riêng cây lúa chiếm 68 mã vùng trồng lúa đã được cấp”.

Theo nguyên Thứ trưởng Bộ NN-PTNT Lê Quốc Doanh, sản xuất lúa gạo đang phải đối mặt với nhưng khó khăn mới phát sinh, cần có giải pháp căn cơ để vượt qua. Hiện nay, tác động của biến đổi khí hậu ảnh hưởng trực tiếp đến ĐBSCL, rõ nhất là lượng phù sa từ thượng nguồn đổ về đang giảm rất nhanh và cường độ hạn mặn xảy ra nhiều, lấn sâu vào nội đồng nhưng vùng đã vượt qua được. Diện tích lúa giảm rất nhanh do chuyển đổi mục đích sử dụng đất từ đất trồng lúa sang phi nông nghiệp để xây dựng nhà máy, công trình giao thông.

Thứ hai là chuyển đổi sang cây trồng khác hoặc nuôi thủy sản. Mặc dù khó khăn là vậy nhưng vùng ĐBSCL vẫn giữ được sản lượng, đảm bảo vững chắc an ninh lương thực cho 100 triệu dân và dành từ 6 - 6,5 triệu tấn để xuất khẩu. Đặc biệt hơn là chất lượng lúa gạo của vùng ĐBSCL hiện đã được nâng cao, với nhiều giống lúa thơm chất lượng, xuất khẩu đi nhiều thị trường khó tính.

Bây giờ lúa gạo là hàng hóa phải cạnh tranh, năng suất lúa ở ĐBSCL như vậy là đụng trần rồi, muốn tăng nữa cũng không phải dễ. Năng suất bình quân đạt 6 - 7 tấn/ha là đáng ngưỡng mộ. Vì vậy, đừng nghĩ việc nâng cao năng suất nữa mà nên tập trung vào nâng cao chất lượng và giảm giá thành sản xuất.

Mấy năm vừa qua, giá phân bón tăng cao, ở rất nhiều địa phương bà con nông dân đã áp dụng nhiều biện pháp giúp giảm được 1/3 chi phí đầu tư nhưng không hề giảm năng suất, sâu bệnh giảm, thuốc bảo vệ thực vật cũng sử dụng ít hơn. Các nhà khoa học chỉ ra hiện nay hiệu suất sử dụng đạm mới chỉ đạt 60-65%, kể cả lân và kali cũng bón quá nhiều, dẫn đến dư thừa. Nên cần có giải pháp để nâng cao hiệu quả sử dụng phân bón, hạn chế thất thoát, kéo giá thành sản xuất giảm hơn nữa để tăng lợi nhuận cho nông dân.

Hiện nay, hoạt động sản xuất lúa tại vựa lúa ĐBSCL đã có nhiều thay đổi để thích ứng với thời cuộc, với biến đổi khí hậu. Trước đây, nông dân sản xuất lúa với mục đích chính là tự cung tự cấp, để no cái bụng. Trong nhà lúc nào cũng phải có thóc lúa đầy bồ mới an tâm. Ngoại trừ lấy lúa đi xay gạo, nhà nông rất dè sẻn khi phải chiết ra một vài giạ lúa để đổi chác, mua bán thứ gì đó cho nhu cầu tiêu dùng. Vì dốc bồ là lâm cảnh ăn đong ngay.

Nhưng hiện nay, sản xuất lúa là hoạt động kinh tế. Nhà nông phải đắn do suy nghĩ, tính tính toán lời lỗ. Họ không còn sản xuất lúa bằng mọi giá. Những vùng, khu vực sản xuất lúa không hiệu quả, thậm chí ngay trong cơ cấu mùa vụ mà điều kiện thời tiết, giá cả bất lợi là nông dân mạnh dạn chuyển đổi sang cây trồng cạn, rau màu, nuôi trồng thủy sản.

Tại Hội nghị sơ kết sản xuất lúa vụ thu đông 2022, triển khai kế hoạch sản xuất vụ đông xuân 2022-2023 tại các tỉnh, thành Đông Nam bộ và ĐBSCL, do Bộ NN-PTNT tổ chức tại TP. Cần Thơ, nhiều đại biểu đã nêu kiến nghị cần cơ cấu lại mùa vụ sản xuất linh hoạt, thích ứng với thay đổi hiện nay. Theo đó, cần cắt giảm diện tích lúa hè thu, chuyển dịch để tăng diện tích lúa thu đông. Vì sản xuất lúa thu đông điều kiện thời tiết sẽ thuận lợi hơn, nhất là khi thu hoạch ít gặp mưa bão và là thời điểm tiêu thụ lúa khá tốt trong năm, thường bán được giá cao.

Theo Cục Trồng trọt, vụ đông xuân 2022-2023, toàn vùng Nam bộ có kế hoạch gieo trồng 1,58 triệu ha lúa, sản lượng thu hoạch dự kiến ước đạt 11,2 triệu tấn lúa hàng hóa. Trong đó, vùng ĐBSCL xuống giống 1,5 triệu ha, đóng góp vào sản lượng chung 10,7 triệu tấn.

Ngành chuyên môn khuyến cáo, các địa phương cần tập trung xuống giống sớm trong tháng 10/2022, sẽ có nhiều cơ hội tận dụng nguồn nước cho sản xuất lúa và không bị hạn cuối vụ, nhất là đối với các tỉnh ven biển, những vùng dễ bị thiệt hại do hạn mặn.

Tuy nhiên, việc xuống giống lúa đông xuân trong tháng 10 sẽ có một số bất lợi ở giai đoạn đòng trổ của cây lúa và thường cho năng suất không cao. Nhưng bù lại khá an toàn đối với vùng bị ảnh hưởng của hạn, mặn do vậy đây là sự lựa chọn an toàn trong giai đoạn hiện nay.

Về lâu dài vùng khó khăn này cần được chuyển sang cơ cấu 2 lúa - 1 màu. Hơn nữa, việc xuống giống lúa đông xuân sớm sẽ có ảnh hưởng đến việc tiêu thụ lúa hàng hóa cho nông dân. Lúa thu hoạch vào tháng 1, 2 và 3 nằm trong thời kỳ khô, nắng sẽ cho chất lượng ổn định.

Sở NN-PTNT các tỉnh, thành trong vùng khẩn trương xây dựng và triển khai chi tiết kế hoạch sản xuất trồng trọt vụ đông xuân 2022-2023. Xây dựng các phương án và huy động lực lượng ứng phó khi có các tình trạng tiêu cực xảy ra đối với sản xuất.

Khuyến cáo nông dân tuân thủ lịch thời vụ và cơ cấu giống do cơ quan chuyên môn đề xuất. Phương châm sản xuất an toàn được chú trọng bên cạnh việc linh hoạt triển khai các giải pháp phục vụ sản xuất một cách đồng bộ, kiên quyết, không để xảy ra tình trạng thiệt hại do chủ quan đối với tình hình hạn, mặn hiện nay.

Tập trung đẩy mạnh thực hiện Đề án Phát triển nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao gắn với tái cơ cấu ngành nông nghiệp. Nhân rộng các mô hình hiệu quả cao trong sản xuất như: “Cánh đồng lớn”; “3 giảm, 3 tăng”, “1 phải, 5 giảm”, “Quản lý dịch hại bằng công nghệ sinh thái”, “Quản lý rầy nâu, bệnh vàng lùn - lùn xoắn lá”... Tăng cường công tác nghiên cứu, ứng dụng và chuyển giao khoa học kỹ thuật góp phần nâng cao năng suất, chất lượng và hiệu quả sản xuất.

Phát triển các vùng sản xuất nông nghiệp hàng hóa tập trung, quy mô lớn, tổ chức sản xuất theo chuỗi đối với các sản phẩm chủ lực quốc gia. Đồng thời, khuyến khích phát triển nông nghiệp sạch, nông nghiệp hữu cơ, gắn với chế biến tiêu thụ, xây dựng thương hiệu các nông sản chủ lực nhằm nâng cao giá trị gia tăng và phát triển bền vững.

Đào Trung Chánh
Trọng Toàn
Lê Hoàng Vũ
Văn Vũ - Kim Anh