Chủ tịch HĐQT kiêm Tổng Giám đốc Công ty Cổ phần Đầu tư Dừa Bến Tre (Beinco) Trần Văn Đức chia sẻ: “Sản phẩm Organic (hữu cơ) là xu hướng của người tiêu dùng trong nước, đặc biệt là các thị trường khó tính như EU, Châu Mỹ và Châu Á. Xu hướng này không thể thay đổi được. Do đó, bất kể doanh nghiệp nào sản xuất thực phẩm muốn phát triển bền vững đều quan tâm xây dựng và phát triển sản phẩm Organic (hữu cơ).
Ròng rã suốt 5 năm qua, ông Đức đeo đuổi mục tiêu xây dựng vùng nguyên liệu dừa hữu cơ đạt chuẩn quốc tế, được nhiều nước trên thế giới công nhận. Một doanh nghiệp mới đi vào hoạt động năm 2017, đứng trước khoản nợ hàng trăm tỷ đồng, đầu ra sản phẩm của nhà máy chưa nhiều, nhưng các buổi hội thảo, tọa đàm về xây dựng vùng nguyên liệu dừa hữu cơ vẫn được tổ chức tại nhiều địa phương của tỉnh Bến Tre.
Trò chuyện với Báo Nông nghiệp Việt Nam, CEO Beinco Trần Văn Đức bảo rằng: “Chỉ khi nào cái đầu của người nông dân được khai mở để tiếp nhận những quy trình sản xuất, quản trị ruộng vườn theo “đơn đặt hàng” của thị trường toàn cầu, thì thực thể của những vùng nguyên liệu đạt chuẩn hữu cơ mới bắt đầu hình thành”.
Đến nay, Beinco đã có 700ha vùng nguyên liệu dừa hữu cơ được tổ chức Control Union Certification chứng nhận. Dự kiến đến cuối năm nay, vùng nguyên liệu này sẽ được mở rộng quy mô lên 1.200ha. Đó chính là “giấy thông hành” để các sản phẩm của nhà máy vươn tới 39 quốc gia, vùng lãnh thổ. Khi con đường đi đã sáng rõ, hành trình xây dựng 5.000ha dừa Organic của ông Trần Văn Đức sẽ giống như đầu tàu được dặt đúng đường ray, băng băng chạy đến đích.
Tiếng xình xịch, lẹt xẹt của dây chuyền chế biến dừa trong nhà máy của Beinco (xã Thanh Tân, huyện Mỏ Cày Bắc, tỉnh Bến Tre) vang khắp ngày đêm và chỉ tạm dừng để vệ sinh hệ thống (CIP) vào 1 ngày cuối tuần.
Thay vì mời khách bằng tách trà, ly cà phê, ông Trần Văn Đức gọi nhân viên rót sữa dừa thiết đãi mọi người. Loại nước uống nguyên chất từ thiên nhiên thơm ngậy, ngọt dịu lan từ đầu lưỡi vào trong khiến cơ thể uể oải sau gần một ngày làm việc của tôi trở nên căng tràn sinh lực. Chẳng thế mà người Mỹ, người châu Âu lại ưa chuộng sản phẩm này như vậy.
Ngắm nhìn khu trưng bày sản phẩm của công ty, chúng tôi nhẩm tính có hơn 20 dòng sản phẩm khác nhau từ sữa dừa, nước cốt dừa, nước dừa, dầu dừa, cơm dừa khô… CEO Beinco Trần Văn Đức chia sẻ, bình quân mỗi ngày nhà máy nhập khoảng 120 tấn nguyên liệu (tương đương 360.000 quả dừa) từ các tỉnh Bến Tre, Trà Vinh, Sóc Trăng. Đơn hàng năm nay tăng gấp đôi so với năm 2021. Sản phẩm được xuất khẩu sang hơn 40 quốc gia, vùng lãnh thổ, trong đó có những thị trường khó tính như Mỹ, châu Âu, Úc, Trung Đông…
Nghe những thành tích đáng nể ấy, thật khó để tưởng tượng nhà máy chế biến sản phẩm từ dừa của Beinco mới đi vào hoạt động từ năm 2017. Chia sẻ bí quyết thành công, ông Trần Văn Đức nói ngắn gọn: “Tại Beinco, chúng tôi ưu tiên và cam kết cho ra đời những sản phẩm chất lượng cao, an toàn cho sức khỏe. Đặc biệt, muốn xuất khẩu sản phẩm sang thị trường nào thì phải chuẩn hóa chất lượng theo tiêu chuẩn của thị trường đó”.
Với kinh nghiệm làm Tổng Giám đốc điều hành một công ty xuất nhập khẩu top đầu của Bến Tre, ngay từ khi nung nấu ý tưởng thành lập Beinco năm 2015, ông Đức đã lựa chọn hướng đi riêng, đó là xây dựng vùng nguyên liệu dừa hữu cơ đạt tiêu chuẩn quốc tế, và phải được tổ chức chứng nhận hữu cơ hàng đầu thế giới là Control Union Certification kiểm định, phân tích, đánh giá theo quy trình nghiêm ngặt, độc lập và khách quan.
Hiện tại, hơn 700ha dừa sản xuất theo tiêu chuẩn hữu cơ tại huyện Giồng Trôm và Mỏ Cày Bắc được Beinco bao tiêu sản phẩm đã có chứng nhận sản xuất hữu cơ của Control Union Certification. Dự kiến đến cuối năm nay, sẽ có thêm 500ha dừa nguyên liệu đạt tiêu chuẩn Organic.
“Trong 5 năm tới, chúng tôi đặt mục tiêu có 5.000ha dừa ở Bến Tre và Trà Vinh đạt chứng nhận sản xuất hữu cơ của Control Union Certification. Mặc dù chi phí để đạt chứng nhận Organic rất tốn kém, nhưng khó mấy chúng tôi cũng phải làm. Bởi, đó là sự khẳng định chất lượng và sự an toàn tuyệt đối cho sức khỏe của các sản phẩm từ dừa do Beinco sản xuất”, ông Đức chia sẻ.
Cũng theo ông Đức, hiện nay, sản phẩm của Beinco đã đáp ứng các tiêu chuẩn về an toàn thực phẩm của Mỹ, EU…, có các chứng nhận Ha La, Kosher… và được công bố lên hệ thống chất lượng toàn cầu. Bởi vậy, hàng hóa của Công ty được xuất khẩu hầu hết các quốc gia trên thế giới .
Với kinh nghiệm lăn lộn trên thương trường quốc tế, ông Đức bảo rằng, Organic là xu hướng không thể thay đổi được. Hiện nay người tiêu dùng ở nước ngoài rất thích sử dụng sản phẩm hữu cơ. Ông kể: "Tôi đi sang Mỹ và Châu Âu, vào siêu thị thấy có 2 gian hàng riêng biệt, một bên là sản phẩm bình thường, một bên là Organic. Sản phẩm Organic đắt hơn khoảng 15 – 20% nhưng người mua lúc nào cũng đông hơn. Họ hiểu rằng, đã là sản xuất theo tiêu chuẩn hữu cơ thì không được xịt thuốc trừ sâu, không được bỏ phân vô cơ. Sản phẩm không chỉ tốt cho sức khỏe mà còn thân thiện với môi trường.
Thông thường, vườn cây của bà con nông dân thường kết hợp chăn nuôi, phân từ các chuồng trại xả thẳng ra môi trường… Bởi vậy, đối với các hộ tham gia trồng dừa hữu cơ, chúng tôi phải chỉnh đốn lại. Ví dụ, khu chăn nuôi phải tách biệt với khu trồng cây và có biện pháp thu dọn phân chuồng, chất thải từ chuồng nuôi, không để phát tán ra môi trường bên ngoài. Thứ hai, không được bón, xịt, tưới cho cây các sản phẩm có liên quan đến vô cơ.
Để hợp tác với nông dân xây dựng vùng dừa hữu cơ bền vững, chúng tôi luôn xác định người nông dân hưởng lợi trước, và doanh nghiệp phải hỗ trợ để bà con chuyển đổi. Thứ hai là bao tiêu sản phẩm với giá cao hơn thị trường từ 10 – 15%.
Dừa Bến Tre có mùi vị đặc trưng, thơm nhẹ, béo ngậy, độ ngọt trong nước dừa, hàm lượng dầu cao vượt trội so với các loại dừa của các nước trong khu vực, tạo ra sản phẩm đặc thù. Chỉ trong khoảng 10 năm vừa qua, diện tích dừa của Bến Tre đã tăng từ hơn 37.000ha lên 77.000ha. Các tỉnh miền Tây như Trà Vinh, Tiền Giang cũng tăng diện tích dừa từ 10.000ha lên hơn 22.000ha.
Ngày nay, từ Bến Tre và các tỉnh duyên hải của ĐBSCL, mọi người đều thấy những cây dừa đứng chân trên đất lúa. Vì trồng dừa bà con rất an nhàn, ít tốn công chăm sóc chăm sóc, chỉ cần làm sạch cỏ dại, bồi đất, thỉnh thoảng bón phân. Tới tháng thì hái trái, thành ra nông nhàn rất khỏe”.
Theo vị Chủ tịch HĐQT Beinco, đặc thù đất sản xuất của Bến Tre nói riêng và ĐBSCL nói chung là manh mún do lịch sử để lại nên rất khó quy vùng tập trung 5 - 10 ha. Trong khi đó, tổng diện tích trồng dừa của Indonesia là hơn 3,2 triệu ha; Philippine là 3,1 triệu ha…, có những hộ sở hữu trên 1.000ha dừa.
Mặc dù không cạnh tranh được về mặt sản lượng, tuy nhiên năng suất dừa của ĐBSCL lại vượt trội, tại Bến Tre bình quân mỗi ha cho thu hoạch từ 8.500 – 11.000 trái (cao nhất thế giới); xếp sau là Ấn Độ với năng suất bình quân khoảng 8.000 trái/ha; đứng thứ 3 là Thái Lan. Còn năng suất dừa bình quân của Indonesia và Philippine chỉ khoảng 4.500 trái/ha.
Hiện nay, Bộ NN-PTNT khuyến nghị các tỉnh ven biển ĐBSCL phát triển trồng dừa để thay thế cho các loại cây kém hiệu quả, vì đây là cây thích ứng biến đổi khí hậu và phù hợp với điều kiện thổ nhưỡng của các tỉnh Bến Tre, Trà Vinh, Sóc Trăng, Tiền Giang... Tại Bến Tre, hiện nay có trên 10 nhà máy chế biến dừa lớn, đảm đương đầu ra cho bà con nông dân.
Vừa qua, khi Hiệp định thương mại tự do giữa Việt Nam và Liên minh châu Âu (EVFTA) được ký kết, rất nhiều doanh nghiệp lớn của châu Âu dịch chuyển từ các thị trường khu vực Đông Nam Á qua Việt Nam, và Beinco cũng được lợi rất lớn nhờ đón nhiều “cá mập” là các tập đoàn kinh tế lớn.
Hiện nay, gần như hệ thống các siêu thị của châu Âu đều có sản phẩm dừa của Bến Tre, trong đó sản phẩm do nhà máy của Beinco sản xuất có mặt trên kệ hàng rất nhiều. Nhưng, điều mà ông Trần Văn Đức trăn trở, là sản phẩm của nhà máy làm ra chưa gắn tên thương hiệu của Beinco nhiều trên nhãn mác, vì doanh nghiệp mới thành lập, vẫn phải dựa vào các thương hiệu mạnh toàn cầu để bán đến tay người tiêu dùng.
“Chúng tôi có chiến lược kinh doanh rõ ràng, từng bước phát triển thị trường trong và ngoài nước. Với thị trường nước ngoài, vừa đi song hành phát triển thương hiệu riêng của Beinco, vừa bán qua nhãn hàng riêng để ổn định sản xuất. Chúng tôi tự kết nối với các chuỗi siêu thị của châu Âu để từng bước bán sản phẩm bằng thương hiệu của công ty mình. Sau khi năng lực canh tranh tốt, sẽ đẩy mạnh xây dựng và phát triển thương hiệu riêng”, ông Đức nói.
Gắn bó với cây dừa 34 năm, ông Đức chứng kiến ngành công nghiệp chế biến dừa của tỉnh Bến Tre từ trình độ rất thô sơ, bà con thu hoạch, sơ chế, phơi khô cơm dừa, bán cho các nhà máy ép dầu, hoặc xuất thô cơm dừa khô, toàn bộ nước dừa bỏ đi.
Từ đó, ông Đức bắt đầu học hỏi công nghệ chế biến các sản phẩm nước dừa, sữa dừa, nước cốt dừa… để cho ra đời các sản phẩm có hàm lượng công nghệ và giá trị gia tăng cao từ dừa.
Các sản phẩm của Beinco tạo ấn tượng mạnh mẽ tại hội chợ chuyên ngành thực phẩm và đồ uống tại Mỹ, Đức vừa qua và ThaiFex Anuga 2022 tổ chức tại Thái Lan với dòng sữa dừa uống (béo thấp); cơm dừa sấy các loại; nước cốt dừa các loại béo; sữa dừa, nước dừa uống không gas, có gas và dầu dừa nguyên chất (VCO). 5 nhóm sản phẩm này đều đạt tiêu chuẩn Organic của Hoa Kỳ, châu Âu và Nhật Bản.
Đặc biệt, thương hiệu độc quyền “Delta Coco” của Beinco có mặt ở châu Mỹ, châu Âu, Trung Đông… đang giao dịch trên sàn thương mại điện tử Amazon, Alibaba, Tiki, Lazada, Shopee, Bến Tre Trade…
Tuy nhiên, ông Trần Văn Đức vẫn chưa hài lòng với thành công hiện có và cho rằng: “Một số Sản phẩm của công ty vẫn còn ở dạng bán thành phẩm. Phòng nghiên cứu phát triển sản phẩm (R&D) của chúng tôi đang ấp ủ những ý tưởng chế biến sâu hơn nữa và chỉ trong thời gian ngắn sẽ tung ra sản phẩm mới".
Ông Đức chia sẻ: "Để đầu tư xây dựng nhà máy chế biến dừa, ngoài vốn góp của các thành viên trong HĐQT, chúng tôi cần vay thêm. Khi biết công ty có nhu cầu vay vốn, Agribank chi nhánh tỉnh Bến Tre đã cử cán bộ chuyên môn đến thẩm định, đánh giá và quyết định cho vay rất nhanh chóng. Nhờ vậy, tiến độ dự án được đảm bảo đúng theo kế hoạch.
Đặc biệt, vào những giai đoạn cực kỳ khó khăn do ảnh hưởng của dịch bệnh Covid-19, đội ngũ cán bộ, công nhân viên, người lao động của công ty hơn 400 người phải thay phiên nhau làm việc và duy trì "3 tại chỗ" suốt 4 tháng. Lúc đó, chuỗi cung ứng gần như bị đứt gãy, việc tham gia thị trường rất khó nhưng vẫn phải sản xuất theo đơn đặt hàng (dù chấp nhận tồn kho). Chi phí tăng lên rất cao do vừa phải lo bữa ăn, nơi ở cho công nhân, vừa phải mua thuốc, kít test Covid-19 rất tốn kém. Khi nhớ lại những ngày tháng ấy, ai nấy đều cảm thấy ớn lạnh.
Tới giờ này, tôi rất cảm ơn Agribank - một ngân hàng luôn đồng hành và hơp tác với Beinco. Qua từng giai đoạn, khi nhà nước có các chính sách ưu đãi tín dụng thì Agribank luôn kịp thời điều chỉnh để doanh nghiệp giảm bớt khó khăn, duy trì năng lực cạnh tranh. Qua đó, doanh nghiệp vừa giảm được chi phí sản xuất, vừa có thêm động lực để duy trì và đẩy mạnh hoạt động sản xuất, kinh doanh...".