Chuyện doanh nhân Nguyễn Hồng Lam dạy nông dân làm nông nghiệp

Ở tuổi 76 nhưng khát vọng, trăn trở và cả sự đau đáu của doanh nhân Nguyễn Hồng Lam với nông dân vẫn luôn hừng hực, ngỡ như một chàng trai trẻ.

Ông Nguyễn Hồng Lam, Chủ tịch HĐQT Tập đoàn Quế Lâm - Chủ tịch Hội Nông nghiệp tuần hoàn Việt Nam.

Ông Nguyễn Hồng Lam, Chủ tịch HĐQT Tập đoàn Quế Lâm - Chủ tịch Hội Nông nghiệp tuần hoàn Việt Nam.

Tôi hẹn gặp ông Nguyễn Hồng Lam, Chủ tịch HĐQT Tập đoàn Quế Lâm - Chủ tịch Hội Nông nghiệp tuần hoàn Việt Nam khi hay tin ông đang chuẩn bị thành lập công ty chuyên về đào tạo nông dân làm kinh tế nông nghiệp và nông nghiệp tuần hoàn.

Thực ra câu chuyện ấy, chuyện đào tạo nông dân với cá nhân ông Nguyễn Hồng Lam và Tập đoàn Quế Lâm không phải là điều gì quá mới mẻ. Những người gắn bó với ông Lam đủ lâu đều biết, cả cuộc đời người đàn ông xuất thân từ một miền quê cơ cực như Hà Tĩnh, sinh ra từ đồng rạ đã chọn con đường đồng hành với nông dân. Có biết bao nhiêu vùng đất, bao nhiêu mô hình nông nghiệp, bao nhiêu sự thay đổi tư duy nông nghiệp gắn với ngọn lửa Nguyễn Hồng Lam…? Thật khó để có câu trả lời chính xác. Nhưng cá nhân người viết bài này từng gặp nhiều đồng bào trồng lúa trên rẻo cao Tây Bắc, bà con lam lũ ở miền Trung hay những xã viên hợp tác xã ở miền Tây Nam bộ…, tất cả đều gọi Chủ tịch Tập đoàn Quế Lâm bằng thầy.

Lại còn chứng kiến những khóa học ngắn ngày của vô số người nông dân được lựa chọn từ khắp mọi miền đất nước về ăn ở tập trung tại Tổ hợp 4F ở Thừa Thiên – Huế để học làm nông nghiệp theo kiểu ông Lam. Ngày ngày cắp sổ sách lên lớp say sưa nghe nhà khoa học của nhà nông Nguyễn Hồng Lam truyền giảng.

Đó thực sự là những lớp học đặc biệt. Có lúc giữa vườn cây, có khi trong khu chuồng trại, có khi giữa ruộng đồng chang chang nắng miền Trung. Giáo cụ trực quan là cây lúa, đàn lợn, vườn bưởi hay cách thức nuôi ruồi lĩnh đen, sử dụng chế phẩm vi sinh vào chăn nuôi, trồng trọt…

 

 

Ông thầy năm nay đã 76 tuổi rồi, vậy mà vẫn cứ tận tụy, cứ hừng hực lửa như thể muốn rút hết gan ruột mình ra mà truyền đạt kiến thức làm nông nghiệp hữu cơ, nông nghiệp tuần hoàn. Càng ngỡ ngàng hơn là những khái niệm mới mẻ như nông nghiệp sinh thái, nông nghiệp tích hợp đa giá trị, nông nghiệp xanh, nông nghiệp số…, qua tư duy ông Lam lại không phải là điều gì quá xa lạ.

Bà con nông dân xưa nay vốn ngại thay đổi, nhất là chuyện học hành, nhưng chính từ những lớp học đặc biệt như thế của ông Nguyễn Hồng Lam, mười người như một, vài tháng sau khi tốt nghiệp đã thấy nói chuyện sinh thái, tuần hoàn say sưa và hào hứng, cứ như thể họ đã trở thành một con người khác rồi vậy.

Ra Tết vừa rồi, tình cờ gặp gỡ tại một cuộc hội thảo về tri thức hóa nông dân, nghe Chủ tịch Tập đoàn Quế Lâm bày tỏ: "Tôi sẽ thành lập công ty chuyên đào tạo nông dân làm kinh tế nông nghiệp, nông nghiệp hữu cơ, nông nghiệp tuần hoàn".

Cứ tưởng mới chỉ là ý tưởng, còn là chuyện của tương lai xa xôi, vậy mà đùng phát đã thấy rục rịch mời ra mắt. Nghe kể Bộ trưởng Bộ NN- PTNT Lê Minh Hoan và nhiều chính khách, các nhà khoa học và lãnh đạo các địa phương đã rất tâm đắc với dự án này của “Nguyễn Hồng Lam - người tử tế”, danh xưng mà Tư lệnh ngành nông nghiệp vẫn thường dùng thân mật mỗi khi gặp gỡ Chủ tịch Tập đoàn Quế Lâm.

Tôi hỏi ông Lam, phải chăng Chủ tịch Tập đoàn Quế Lâm là doanh nhân đầu tiên mở công ty dạy người dân làm nông nghiệp? Ông cười, giọng đặc sệt miền Trung: "Quan trọng chi hè, tui thấy đó là con đường tất yếu, nhất là trong bối cảnh thúc đẩy tri thức hóa nông dân đang trở thành chương trình hành động của Đảng, Nhà nước và toàn ngành nông nghiệp phát triển nông thôn".

“Làm cho mình, cho xã hội thì không quan trọng ai làm trước, miễn là phải thật. Đồng hành thật, hiệu quả thật”, ông Lam tươi cười.

 

 

 

Nụ cười của ông Lam, tôi đã gặp nhiều trên khuôn mặt những người nông dân liên kết với Quế Lâm ở khắp mọi nẻo miền Tổ quốc. Nó chân chất, giản dị nhưng ẩn chứa thật nhiều hạnh phúc. Như nụ cười của Phạm Hải Thăng, tươi roi rói trên cánh đồng lúa bạt ngàn miền gạo trắng nước trong Đức Thọ (Hà Tĩnh), trong một buổi chiều mà anh nửa xúc động, nửa vui tươi: “Khóa học ông Lam đã thay đổi cuộc đời tôi, anh ạ”.

Ba năm trước, Thăng vẫn đương còn là anh công nhân vất vưởng đâu đó trong các khu công nghiệp của một tỉnh thuộc vùng Đông Nam bộ. Sau đại dịch Covid -19 Thăng trở về quê nhà Bùi La Nhân trong trạng thái chán chường. Trở đi mắc núi, trở về mắc sông, kiếm công ăn việc làm bền vững trong bối cảnh nhiều biến động như thế này thật không hề đơn giản. Đang làm công nhân thì nhà máy đóng cửa, bàn chuyện đi xuất khẩu lao động vợ con lại can ngăn vì lo lắm rủi ro. Tính toán nát nước ra cuối cùng tặc lưỡi, thôi thì trở lại với ruộng đồng, dù trong làng, trong xã bà con đã chán ngấy với cây lúa, củ khoai nhưng Phạm Hải Thăng vẫn cứ tin, người không phụ đất thì đất cũng chẳng phụ người.

Đám ruộng được chia từ ngày xưa vẫn còn đó, lại còn mượn thêm của anh em, xóm làng, bao nhiêu sức lực, khát vọng đổ dồn hết xuống. Nhưng chỉ sau vụ lúa đầu tiên Phạm Hải Thăng đã thấu hiểu vì sao người làng mình lại bỏ xứ đi nhiều đến vậy. Một vụ, bình quân mỗi sào ruộng trên một số trà lúa người Bùi La Nhân sử dụng từ 7 - 8 bình loại 18 - 20 lít thuốc BVTV. Từ thuốc trừ cỏ, trừ ốc bươu vàng, đạo ôn, đục thân, rầy, rồi thuốc chuột...

Thăng lại nghĩ, lượng thuốc bảo vệ thực vật đổ xuống ruộng đồng, nếu nhân với diện tích đất nông nghiệp của xã khoảng tầm hơn 500ha không biết sẽ cho con số khủng khiếp đến nhường nào. Cánh đồng quê hương đã bị đầu độc quá mức, hạt lúa làm ra bán cho người ta là một nhẽ, bản thân, gia đình ăn vào rõ ràng là rước bệnh tật vào người, thành thử muốn gắn bó lâu dài với ruộng bắt buộc phải tìm một hướng đi khác.

Tìm hiểu qua sách báo rồi đi lên xã, lên huyện hỏi cán bộ địa phương, Phạm Hải Thăng được giới thiệu tham gia khóa học làm nông nghiệp ở Tổ hợp 4F của Tập đoàn Quế Lâm ở Thừa Thiên – Huế. Chỉ mới đầu năm ngoái còn là anh nông dân gói ghém hành lý đi học làm nông nghiệp dạng vỡ lòng, vậy mà bây giờ Phạm Hải Thăng đã là giám đốc của Hợp tác xã Nông nghiệp hữu cơ Thần Nông HT, đang thực hiện mô hình sản xuất lúa hữu cơ trên ruộng rươi, cáy, diện tích gần 15ha.

“Làm cùng ông Lam mà không thành công nữa thì thôi”, Phạm Hải Thăng tươi cười bên cánh đồng hữu cơ của hợp tác xã - nơi các loài rươi, cáy đã dần xuất hiện trở lại sau khi ông giám đốc ứng dụng kiến thức đã học được trong những chuyến đi về giữa Hà Tĩnh và Thừa Thiên – Huế. Thăng còn hào hứng bảo rằng tới đây Hợp tác xã Nông nghiệp hữu cơ Thần Nông sẽ phối hợp với Tập đoàn Quế Lâm xây dựng mô hình lúa - rươi - cáy, kết hợp với trồng hoa ở các bờ thửa để phát triển mô hình du lịch nông nghiệp.

“Xưa nay bà con mình ai cũng biết, cũng nhìn thấy đồng ruộng bị đầu độc, đất đai chai cằn, ai cũng chăn nuôi trong trạng thái âu lo, thấp thỏm vì dịch bệnh, nhưng nói tìm giải pháp thì cứ nghĩ khó. Thực ra do cách làm. 15 mô hình đi học làm nông nghiệp hữu cơ ở Tổ hợp 4F của huyện Đức Thọ đều đã thành công. Với phương pháp đào tạo kết hợp giữa lý thuyết và thực tiễn của ông Nguyễn Hồng Lam, vừa học vừa triển khai xây dựng mô hình, ai cũng nhận ra rằng không thể không thành công được”, Phạm Hải Thăng đúc kết.

Bây giờ, Phạm Hải Thăng, giống như 15 chủ mô hình trồng trọt, chăn nuôi thí điểm của huyện Đức Thọ đang đứng lớp trò chuyện trong những cuộc hội nghị hội thảo bàn về thay đổi tư duy, phát triển nông nghiệp hữu cơ, nông nghiệp tuần hoàn. Như hàng vạn người nông dân trên khắp mọi miền đất nước thường nhận mình là “nông dân của Quế Lâm”, tất cả họ đều gọi ông Nguyễn Hồng Lam bằng thầy.

Đó là những nông dân như ông Huỳnh Ngọc Tây, ông Đỗ Thế Lực ở huyện Định Quán, những người đầu tiên của tỉnh Đồng Nai “tốt nghiệp” khóa đào tạo chăn nuôi lợn hữu cơ an toàn sinh học của ông Nguyễn Hồng Lam, vẫn luôn tiếc rẻ: Nếu biết mô hình này sớm hơn thì người chăn nuôi heo ở Định Quán đã không phải lao đao đến như thế.

Từ thay đổi tư duy đến thay đổi thực tiễn, có những mô hình phát triển thành hợp tác xã, thành doanh nghiệp mang đậm phong cách ông Lam. Nói đi đôi với làm. Học đi đôi với hành. Như ông Nguyễn Văn Lịch, nguyên Chủ tịch UBND xã Phong Thu, hiện đang là Giám đốc HTX Thanh trà Phong Thu ở huyện Phong Điền, tỉnh Thừa Thiên – Huế, cũng là một người tiên phong tham gia liên kết chuỗi giá trị sản xuất nông nghiệp  với Tập đoàn Quế Lâm. Từ một vùng cát trắng bời bời mà giờ đây hợp tác xã của ông Lịch đã trở thành mô hình nông nghiệp tuần hoàn, khép kín giữa trồng trọt và chăn nuôi theo tiêu chuẩn hữu cơ. Phế thải chăn nuôi lợn được xử lý thành phân bón cho thanh trà. Vào những dịp lễ tết, nguyên Chủ tịch xã Phong Thu vẫn thường lựa chọn những quả thanh trà hữu cơ ngon nhất mang đến biếu “thầy Lam” như một sự tri ân.

Tất cả những câu chuyện đó đều được ông Nguyễn Hồng Lam kiến giải bằng hai chữ nông dân. Xuyên suốt cuộc đời ông mặc định, hành trình của Quế Lâm gắn với người nông dân và người nông dân quyết định sự tồn vong của Tập đoàn. Người nông dân thành công Quế Lâm sẽ thành công và ngược lại, họ thất bại thì Quế Lâm cũng không thể tồn tại được. Thành thử, đào tạo người nông dân trở thành “nông dân của Quế Lâm” chính là sứ mệnh, cho cả hai.

Sứ mệnh vì người nông dân, Chủ tịch Quế Lâm thường nói, được xây bằng giá trị xuyên suốt công nghệ vi sinh là bảo bối, giá trị cốt lõi là mục tiêu góp phần xây dựng nền nông nghiệp vì nông dân, vì người tiêu dùng, vì sức khỏe cộng đồng. Nhiều người gọi ông Nguyễn Hồng Lam đang cùng với hàng triệu nông dân làm nông nghiệp hữu cơ, nông nghiệp tuần hoàn cũng là vì thế.

 

 

Ông Nguyễn Hồng Lam kể: Mới rồi có một tập đoàn Nhật Bản vốn là đối tác lâu năm của Tập đoàn Quế Lâm khi đến thăm đã bày tỏ sự ngưỡng mộ, thán phục đối Tổ hợp 4F (farm – food – feed - fertilizer) của Quế Lâm ở Thừa Thiên – Huế. Không hẳn vì quy mô và sự hiện đại của một tổ hợp nông nghiệp tiên tiến nhất Việt Nam. Cũng không hoàn toàn là một dự án mà nguyên Bộ trưởng Bộ NN – PTNT Nguyễn Xuân Cường từng gọi là sẽ mở ra cục diện mới của ngành nông nghiệp. Sự ngưỡng mộ của người Nhật dành cho 4F còn đến từ dấu ấn rõ nét của một người từng là lính cụ Hồ, đến từ mỗi nhành cây, ngọn cỏ và những đóa hoa đang nở ngay chính trong trường học dành cho nông dân.

Cảm xúc khiến vị doanh nhân đến từ quốc gia trọng nông nghiệp, trọng người nông dân và có nhiều thành tựu về nông nghiệp hàng đầu thế giới phải thốt lên rằng: 4F có nhiều điều mà chính người Nhật cũng chưa làm được.

Nó nhắc nhớ ông Lam về một kỷ niệm, cũng với người Nhật, từ cái thuở ông còn làm chủ một doanh nghiệp nhà nước khoảng mấy mươi năm trước. Trong một lần hợp tác với một công ty đến từ xứ sở mặt trời mọc để cung cấp thủy sản làm món sushi, ngày đầu tiên gặp gỡ, ông giám đốc công ty kia mới tươi cười đưa một miếng sushi bảo ông Lam ăn thử.

Ông Lam ngần ngại bảo rằng: Tôi chỉ quen ăn chín uống sôi, món tươi sống này tuyệt đối không dám. Nghe xong, đối tác người Nhật lập tức thay đổi sắc mặt, giận dữ như thể muốn lao vào đánh nhau đến nơi, liền sau đó quyết định hủy bỏ hết hợp đồng kèm theo lời giải thích: Ông không ăn sao bảo chúng tôi ăn?

Một bài học mà ông Lam gọi là xương máu cuộc đời. Nó theo suốt hành trang làm nông nghiệp của Chủ tịch Quế Lâm sau này và cũng là bài học vỡ lòng ông thường truyền giảng trong những khóa học đào tạo người nông dân ở Tổ hợp 4F hay trong những buổi trò chuyện bên những cánh đồng hay trong những khu chuồng trại.

“Có một thực tế xưa nay là người nông dân mình có cái gì ngon, sạch thì mang đi bán hết, còn những cái hư hỏng, xiên xẹo giữ lại để ăn, Quế Lâm đặt mục tiêu phải thay đổi tư duy đó”, ông Lam khẳng định. Người nông dân Quế Lâm phải là những người đầu tiên thụ hưởng thành quả từ mồ hôi, công sức dãi nắng dầm sương. Ăn để thưởng thức sản phẩm mình làm ra, ăn để bảo vệ sức khỏe bản thân và gia đình, và ăn để cam kết với người tiêu dùng sản phẩm của tôi đạt chuẩn, nhất là trong bối cảnh lòng tin vào nông sản đang còn xập xí xập ngầu.

Lấy người nông dân làm trung tâm là ở chỗ đó – một lãnh đạo cấp cao khi đến thăm mô hình của Quế Lâm đã khảng khái thốt lên như vậy. Mỗi khóa đào tạo căn bản của "lớp học ông Lam” thường chỉ học tập trung khoảng 2 tuần. Phần lớn thời gian đó dành cho việc truyền lửa để nông dân thay đổi tư duy. Bởi, triết lý của Chủ tịch Quế Lâm thật đơn giản: Muốn làm nông nghiệp tử tế trước tiên phải hiểu nông nghiệp hữu cơ, nông nghiệp sinh thái, du lịch, nông nghiệp công nghệ cao là gì.

Kết hợp giữa lý thuyết và thực tiễn, mỗi một học viên được ông Chủ tịch Tập đoàn phát 2 bộ giáo trình trồng trọt và chăn nuôi do đích thân đội ngũ các nhà khoa học của Quế Lâm soạn thảo. Sau khi đả thông tư tưởng sẽ là chương trình học ở các mô hình thực tế do chính nông dân làm chủ. Lẽ tất nhiên đó là cả một hành trình gian nan.

Ngoài chuyện cử tổ công tác, thành lập các ban chỉ đạo để hỗ trợ các mô hình liên kết, ông Nguyễn Hồng Lam còn gầy dựng Quỹ an toàn trong chuỗi giá trị của Tập đoàn Quế Lâm nhằm hỗ trợ bà con mỗi khi gặp rủi ro. Ngay vụ xuân vừa rồi, có một hợp tác xã ở Thừa Thiên – Huế chịu ảnh hưởng của dông lốc mất toi hơn 10ha lúa, chính nhờ Quỹ an toàn mà các xã viên mới có thể vực dậy để tiếp tục đồng hành. Có lẽ vì thế mà không ít nông dân ở các mô hình liên kết xem Quế Lâm là một đại gia đình.

Lòng tin, đức hi sinh, sự chia sẻ. Ba bài học lớn mà ông Lam đúc rút trong cả cuộc đời đồng hành với nông dân. Cũng chính là đạo đức và văn hóa mà Quế Lâm đeo đuổi. Đó đồng thời là giáo án quan trọng nhất với nông dân, như lời ông Nguyễn Quốc Trịnh, Chủ tịch Hiệp hội thanh long tỉnh Long An: Khóa học ông Lam giúp đất đai được phục hồi, nông dân thấy khỏe, chất lượng cây trái đảm bảo và vườn tược, ruộng đồng được hồi sinh.

Trở lại với câu chuyện thành lập công ty đào tạo người nông dân làm nông nghiệp, ông Nguyễn Hồng Lam khoe: Trong hệ sinh thái của Quế Lâm bây giờ có nhiều người dân có thể đứng lớp để nói chuyện về nông nghiệp hữu cơ, nông nghiệp tuần hoàn. Họ đang cùng với các giáo sư, tiến sĩ, các nhà khoa học trong đại gia đình Quế Lâm ngày ngày đi dạy bà con làm nông nghiệp.

Một triết lý mới mẻ của doanh nhân đã xấp xỉ tuổi 80. Chủ tịch Tập đoàn Quế Lâm cũng chia sẻ rất thật là suốt một thời gian dài ông đã tìm đến các trường đại học, các cơ sở đào tạo nguồn nhân lực ngành nông nghiệp để hợp tác, liên kết nhưng thất bại. Có nơi thất bại bởi thiếu tiền. Nơi khác lại vì lý thuyết quá xa rời thực tiễn.

Đặc biệt, vào năm 2019, đích thân Bộ trưởng Bộ NN – PTNT lúc đó là ông Nguyễn Xuân Cường sau khi thị sát mô hình chăn nuôi an toàn sinh học của Tập đoàn Quế Lâm vững vàng giữa dịch tả lợn châu Phi đã mai mối nhiều nhà khoa học ở các trường đến hợp tác, trao đổi kinh nghiệm, đẩy mạnh hợp tác công tư… nhưng cũng không thành. Chủ tịch Tập đoàn Quế Lâm mới nghĩ: Mình phải tự đào tạo lấy. Trước hết là giải quyết vấn đề nội tại của Quế Lâm, sau đó sẽ lan tỏa và đóng góp nguồn nhân lực cho xã hội.

Từ Tổ hợp 4F, thông qua các chương trình hợp tác liên kết với các cơ quan của Bộ NN – PTNT như Trung tâm Khuyến nông Quốc gia, Cục Chăn nuôi, Cục Trồng trọt, thông qua các chương trình hợp tác với các địa phương trên mọi miền đất nước, những lớp học, mô hình nông nghiệp hữu cơ, kinh tế tuần hoàn của Tập đoàn Quế Lâm ngày càng chứng minh hiệu quả và nhân rộng.

Một thành mười, mười thành trăm, dần dà thành hàng vạn hộ gia đình tham gia chuỗi liên kết. Triết lý làm nông nghiệp tử tế bắt đầu từ những việc nhỏ, mô hình nhỏ và dần trở thành hướng đi, thành phong trào ở nhiều tỉnh, thành khắp cả nước. Thừa Thiên – Huế, Vĩnh Phúc, Đồng Tháp, Sóc Trăng, Hà Tĩnh…, từ miền núi cao Tây Bắc đến miền Trung nắng gió, đại ngàn Tây Nguyên đến đồng bằng Nam bộ. Một hệ sinh thái Quế Lâm trải dài khắp đất nước đã và đang ngày một vững vàng.

Đều đặn hàng tuần ông Nguyễn Hồng Lam vẫn đứng lớp hoặc đi đến nói chuyện với bà con, khi miền Bắc, khi miền Trung, miền Nam. Với một suy nghĩ đơn giản: Để người ta thấy tôi ở tuổi này rồi mà vẫn miệt mài cống hiến cho ngành nông nghiệp, vì người nông dân, đó là trách nhiệm lớn với cộng đồng. Còn nếu các vị thấy Quế Lâm không giúp được gì cho người dân ở chỗ nào xin hãy chỉ cho tôi, tôi sẽ chịu hoàn toàn trách nhiệm. Đó là lời thề danh dự của một người năm nay đã sắp đến gần tuổi xưa nay hiếm.

Có lẽ vì niềm tin đó mà không chỉ trong nước, các quốc gia như Lào, Venezuela, Cuba cũng đã tìm đến với Quế lâm, mong mỏi Quế Lâm hợp tác, hỗ trợ làm nông nghiệp hữu cơ, kinh tế tuần hoàn. Và trong bối cảnh nông nghiệp hữu cơ, nông nghiệp tuần hoàn đang trở thành đạo của những người làm nông nghiệp thì sự tử tế là giá trị bất cứ ai cũng phải học vỡ lòng.

Xin được kết thúc bài viết này bằng lời của ông Phan Xuân Dũng, nguyên Chủ nhiệm Ủy ban Khoa học, Công nghệ và Môi trường của Quốc hội. Ông Dũng đã nhiều lần bày tỏ: Ông Nguyễn Hồng Lam đã làm chúng tôi ngạc nhiên bởi tình yêu vô bờ bến với nông nghiệp Việt Nam bằng cách làm khoa học, tôn trọng khoa học, sát với thực tiễn, phù hợp với thời đại.

Một người lính cụ Hồ, một doanh nhân, một nhà khoa học, một người thầy của nông dân…, tất cả đều có ở ông Nguyễn Hồng Lam.

Hoàng Anh
Trương Khánh Thiện
Hoàng Anh
Hoàng Anh