Hơn 500 ha lúa sản xuất theo hướng hữu cơ. Đồng bào Rục được mùa lớn lúa nước. Đăng ký nhu cầu sử dụng cát biển làm đường cao tốc. Cần có bộ tiêu chuẩn quốc gia cho trái sầu riêng.
Thực hiện chủ trương về phát triển nông nghiệp xanh và bền vững, vụ xuân năm 2024, một số địa phương trên địa bàn tỉnh Hà Tĩnh phối hợp với Tập đoàn Quế Lâm mở rộng diện tích sản xuất lúa theo hướng hữu cơ đạt hơn 500 ha. Trong đó, hơn 100 ha sản xuất theo chuỗi giá trị khép kín, áp dụng công nghệ mạ khay, máy cấy, sử dụng giống lúa chất lượng cao DT39, tập trung tại các huyện: Can Lộc, Cẩm Xuyên, Kỳ Anh và Thạch Hà.
Qua đánh giá của ngành chuyên môn, năng suất trung bình đạt từ 60 đến 62 tạ/ha. Toàn bộ sản lượng được doanh nghiệp và thương lái thu mua với mức giá cao hơn sản xuất lúa thông thường từ 10 - 15%, tăng lợi nhuận từ 10 -12 triệu đồng/ha so với sản xuất truyền thống.
Đồng bào Rục được mùa lớn lúa nước
Tâm Phùng – Tâm Đức sx
Hiện, bà con đồng bào Rục có gần 40 hộ sinh sống tại các bản Mò O Ồ Ồ, bản Ón, bản Yên Hợp thuộc xã Thượng Hóa, huyện miền núi Minh Hóa, tỉnh Quảng Bình.
Những năm gần đây, được sự hỗ trợ của lực lượng Đồn Biên phòng Cà Xèng, Bộ đội Biên phòng tỉnh Quảng Bình, bà con đồng bào Rục đã khoanh vùng, đắp đập canh tác được gần 10ha lúa nước.
Vụ đông - xuân năm nay, mặc dù thời tiết không được thuận lợi, nắng nóng gay gắt, hạn hạn kéo dài. Bộ đội Biên phòng Cà Xèng đã hỗ trợ bà con áp dụng kỹ thuật trồng trọt và các loại phân bón phù hợp, bổ sung nguồn nước tưới tiêu nên năng suất lúa đạt 51 tạ/ha. Theo bà con, đây là vụ lúa có năng suất cao nhất từ trước đến nay. Có được vụ mùa bội thu, bà con ổn định được lương thực và thêm hăng say lao động sản xuất.
Đăng ký nhu cầu sử dụng cát biển làm đường cao tốc
Văn Vũ sx
UBND Tỉnh Sóc Trăng vừa có thông báo đến các tỉnh, thành phố về việc đăng ký nhu cầu sử dụng cát biển của tỉnh phục vụ các dự án được áp dụng cơ chế đặc thù theo Nghị quyết của Quốc hội.
Theo Công văn gửi các địa phương, UBND tỉnh Sóc Trăng đề nghị nhà thầu thi công các dự án liên hệ Sở Tài nguyên và Môi trường tỉnh Sóc Trăng để được hướng dẫn về thủ tục đăng ký khai thác theo quy định.
Trước đó các cơ quan chuyên môn của Bộ Tài nguyên và Môi trường đã có kết quả bước đầu đánh giá tài nguyên khoáng sản cát biển khu B1 (thuộc khu vực ven bờ huyện Trần Đề, tỉnh Sóc Trăng có thể đáp ứng nhu cầu nguồn vật liệu xây dựng, san lấp phục vụ phát triển kết cấu hạ tầng, xây dựng các tuyến đường cao tốc vùng ĐBSCL. Kết quả đánh giá tài nguyên khoáng sản cát biển khu B1 có tổng lượng cát khai thác 100 triệu m3, công suất khai thác khoảng 30 đến 50 nghìn m3/ngày. Thời gian khai thác liên tục và phù hợp nhất từ tháng 3 đến tháng 8 hằng năm.
Cần có bộ tiêu chuẩn quốc gia cho trái sầu riêng
Minh Phúc khai thác
Theo các doanh nghiệp, sầu riêng Việt Nam đang thua Thái Lan về chất lượng, đồng thời khó xây dựng được thương hiệu do thiếu quy trình sản xuất đồng bộ, thống nhất.
Bà Ngô Tường Vy, Giám đốc Cty Cổ phần Tập đoàn xuất nhập khẩu trái cây Chánh Thu cho biết, vừa có chuyến thực tế quy trình trồng sầu riêng tại Thái Lan và rất bất ngờ khi được chứng kiến quy trình sản xuất rất nghiêm ngặt tại nước này.
Theo đó, nông dân cắt sầu riêng non có thể bị bắt. Còn nếu mã số vùng trồng vi phạm nhiều lần người chịu trách nhiệm có thể phải ngồi tù. Thái Lan cũng tự nâng cao tiêu chuẩn sầu riêng của mình hơn tiêu chuẩn của nước nhập khẩu, như tự động đưa tiêu chuẩn chất khô trong trái sầu riêng lên đến 32% (trong khi quy định chỉ chiếm 28-29%). Các doanh nghiệp muốn xuất khẩu sầu riêng phải đạt độ khô 32%, khi đó cơ quan quản lý của Thái Lan mới cho phép doanh nghiệp mở tờ khai để xuất khẩu. Ngược lại, Việt Nam đang thả nổi chất lượng nên mỗi doanh nghiệp làm theo mỗi kiểu.