Chiến lược tăng trưởng xanh là chiến lược tổng thể các giải pháp nhằm hoàn thiện thể chế kinh tế theo hướng tích cực sử dụng hiệu quả hơn tài nguyên thiên nhiên, nâng cao sức cạnh tranh của nền kinh tế, thông qua tăng cường đầu tư vào đổi mới công nghệ, đổi mới sáng tạo vốn tự nhiên, công cụ quản lý, từ đó góp phần ứng phó với biến đổi khí hậu, giảm nghèo và đảm bảo phát triển kinh tế bền vững.
Do đó, việc đổi mới mô hình tăng trưởng theo hướng phát triển xanh, hài hòa và bền vững dựa trên nền tảng chuyển đổi số là cần thiết, phù hợp theo xu thế phát triển của thời đại.
Nghị quyết Đại hội Đảng bộ tỉnh Lâm Đồng lần thứ XI cũng đã xác định, phát triển toàn diện, nhanh và bền vững là mục tiêu chiến lược của tỉnh.
Quyết định số 946/QĐ-TTg ngày 15/6/2021 của Thủ tướng Chính phủ cũng đã đặt ra quan điểm phát triển cho tỉnh Lâm Đồng như sau: “Phát triển kinh tế - xã hội tỉnh Lâm Đồng nhanh, toàn diện và bền vững, trên cơ sở tăng cường liên kết vùng, lấy liên kết là nền tảng phát triển; xây dựng Lâm Đồng trở thành một khu vực kinh tế động lực của vùng Tây Nguyên; góp phần tạo tiền đề tái cơ cấu kinh tế gắn với chuyển đổi mô hình tăng trưởng theo hướng phát triển kinh tế - xã hội theo chiều sâu, chú trọng chất lượng tăng trưởng để đảm bảo tính bền vững tăng trưởng xanh. Phát triển hài hòa giữa kinh tế với văn hóa, xã hội, bảo vệ môi trường, thích ứng biến đổi khí hậu”.
Với nhận thức tăng trưởng theo hướng phát triển xanh là nội dung cơ bản không thể tách rời trong các chủ trương, định hướng để phát triển kinh tế xã hội nhanh và bền vững, hỗ trợ tái cơ cấu nền kinh tế của tỉnh để đạt được cơ cấu dịch vụ - nông nghiệp - công nghiệp vào năm 2030 và dịch vụ - công nghiệp - nông nghiệp sau năm 2030.
Chính phủ đã ký Quyết định 1393/QĐ-TTg phê duyệt Chiến lược quốc gia về tăng trưởng xanh thời kỳ 2011-2020 và tầm nhìn đến năm 2050, dựa trên nền tảng công nghệ cao, ít phát thải, chú trọng sử dụng năng lượng tái tạo, thân thiện với môi trường và sử dụng hiệu quả tài nguyên thiên nhiên.
Tỉnh Lâm Đồng đã có những chỉ đạo để xây dựng Kế hoạch hành động tăng trưởng xanh tỉnh Lâm Đồng giai đoạn 2021-2030, tầm nhìn đến năm 2050 trên cơ sở những quan điểm của chiến lược và kế hoạch hành động quốc gia về tăng trưởng xanh đã được ban hành kèm theo Quyết định số 1393/QĐ-TTg ngày 25/09/2012 của Thủ tướng Chính phủ.
Căn cứ vào đặc điểm kinh tế -xã hội của tỉnh, ngày 12/01/2021, UBND tỉnh Lâm Đồng đã ban hành Quyết định số 68/QĐ-UBND phê duyệt kế hoạch hành động tăng trưởng xanh tỉnh Lâm Đồng giai đoạn 2021-2030; trong đó có 06 lĩnh vực chính để tập trung gồm: Nông nghiệp, lâm nghiệp, du lịch, năng lượng, giao thông vận tải và tài nguyên nước.
Bên cạnh những định hướng chung của Trung ương, kế hoạch tăng trưởng xanh tỉnh Lâm Đồng đã triển khai, áp dụng một số công cụ kỹ thuật nhằm lượng hóa chỉ tiêu phát thải khí nhà kính, các chỉ tiêu về xanh hoá sản xuất, xanh hoá lối sống và thúc đẩy tiêu dùng, bảo tồn vốn tự nhiên và các dịch vụ hệ sinh thái.
Với những mục tiêu đề ra, Kế hoạch của tỉnh Lâm Đồng đã đưa ra được 80 giải pháp để triển khai theo thứ tự ưu tiên cao, trung bình, thấp, vốn đầu tư dự kiến và các đơn vị đầu mối để thực hiện, tập trung vào các giải pháp về quy hoạch để tạo không gian phát triển mới, thúc đẩy phát triển toàn diện; cơ cấu lại ngành nông nghiệp, chuyển dịch cây trồng, vật nuôi có năng suất, giá trị cao; phát triển nông nghiệp hữu cơ, nông nghiệp công nghệ cao thích ứng với biến đổi khí hậu, hạn chế và đi đến cắt giảm diện tích nhà kính, nhà lưới trên địa bàn tỉnh; xây dựng và thực hiện tốt các cơ chế, chính sách thu hút và sử dụng có hiệu quả các nguồn lực cho đầu tư phát triển, tăng cường hợp tác công tư, chú trọng các doanh nghiệp, tập đoàn lớn trong nước, quốc tế và theo hướng xanh, phát triển bền vững, ứng dụng khoa học công nghệ cao; kêu gọi đầu tư vào các lĩnh vực sản xuất sạch và tiết kiệm năng lượng, phát triển năng lượng tái tạo, giảm thiểu lượng khí thải; đầu tư xây dựng kết cấu hạ tầng kinh tế - xã hội, nhất là hạ tầng giao thông để tạo điều kiện thuận lợi cho việc vận chuyển hàng hóa và du lịch; đẩy mạnh du lịch theo hướng hiện đại, phát huy tiềm năng, lợi thế về danh lam thắng cảnh, điều kiện tự nhiên, môi trường sinh thái và bản sắc văn hóa các dân tộc Tây Nguyên; tăng cường triển khai đề án trồng 50 triệu cây xanh trên địa bàn tỉnh.
Trên cơ sở đó kèm theo 80 phương án giải pháp cụ thể để phát triển, đặc biệt về tài nguyên nước và tập trung phát triển rừng; Lâm Đồng là địa phương thứ 6 cả nước về độ che phủ rừng, đứng thứ 2 trong khu vực Tây Nguyên.
Ngày 3/6/2020, Thủ tướng Chính phủ ban hành Quyết định số 749/QĐ-TTg phê duyệt “Chương trình Chuyển đổi số quốc gia đến năm 2025, định hướng đến năm 2030”.
Tỉnh Lâm Đồng đã ban hành các quyết định, kế hoạch cụ thể hóa việc triển khai các nội dung liên quan đến chuyển đổi số, cụ thể: Kế hoạch số 5731/KH-UBND ngày 03/8/2022 về Chuyển đổi số tỉnh Lâm Đồng đến năm 2025, định hướng đến năm 2030; Kế hoạch số 5961/KH-UBND ngày 10/8/2022 về thực hiện hiện Đề án nâng cao nhận thức, phổ cập kỹ năng và phát triển nguồn nhân lực chuyển đổi số quốc gia đến năm 2025, định hướng đến năm 2030 trên địa bàn tỉnh Lâm Đồng…
Đến năm 2022, công nghệ số đã và đang ứng dụng rộng rãi trong một số ngành, lĩnh vực tại tỉnh như: Triển khai Cổng thông tin du lịch và các ứng dụng cung cấp tiện ích để khách du lịch đăng ký lưu trú, liên hệ với các cơ quan chức năng và hỗ trợ giải quyết các vấn đề phát sinh; sử dụng công nghệ và dữ liệu số làm yếu tố đầu vào để tăng năng suất và giá trị sản xuất kinh doanh; ứng dụng công nghệ cảm biến tự động trong trồng trọt; ứng dụng các công nghệ thông minh trong chăn nuôi; ứng dụng thiết bị không người lái trong kiểm tra giám sát biến động tài nguyên rừng; hạ tầng xã hội số phát triển nhanh, đảm bảo nhu cầu của nhân dân. 100% xã, phường, thị trấn có điểm phục vụ bưu chính có người phục vụ, được phủ sóng mạng băng rộng cáp quang, mạng di động 3G, 4G (độ phủ đạt 99% khu dân cư); đã triển khai thí điểm phát sóng 5G trên địa bàn tỉnh;…
Bộ Chính trị ban hành Nghị quyết số 23-NQ/TW ngày 06/10/2022 về phương hướng phát triển kinh tế - xã hội và bảo đảm quốc phòng, an ninh vùng Tây Nguyên đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2045…
Tây Nguyên trở thành vùng phát triển bền vững, có nền kinh tế xanh, tuần hoàn; một số tỉnh trong vùng thuộc nhóm phát triển khá của cả nước. Hệ sinh thái rừng được bảo tồn và phát triển; hình thành một số khu du lịch chất lượng cao, điểm đến hấp dẫn của du khách trong và ngoài nước.
Hình thành các vùng sản xuất lớn về cây công nghiệp, cây ăn quả, rau, hoa và trung tâm năng lượng tái tạo của cả nước. Hệ thống kết cấu hạ tầng hiện đại, đồng bộ. Phát triển hài hoà giữa kinh tế với văn hóa, xã hội, bảo vệ môi trường và quốc phòng, an ninh; người dân có cuộc sống ấm no, hạnh phúc.
Bản sắc văn hóa được phát huy và trở thành nền tảng để phát triển. Quốc phòng, an ninh, trật tự, an toàn xã hội được bảo đảm vững chắc; biên giới hòa bình, hữu nghị, hợp tác cùng phát triển; tổ chức đảng và hệ thống chính trị trong sạch, vững mạnh toàn diện; khối đại đoàn kết toàn dân tộc được tăng cường…
Nhằm thực hiện Chiến lược quốc gia về tăng trưởng xanh và Chương trình Chuyển đổi số quốc gia, tỉnh Lâm Đồng đã tập trung đồng bộ chuyển đổi kép xanh và chuyển đổi số trên tất cả các lĩnh vực trong quá trình phát triển kinh tế xã hội, đảm bảo an ninh quốc phòng, trong đó ngành nông nghiệp là một trong ngành có lợi thế tiềm năng.
Lâm Đồng đã xây dựng kế hoạch phát triển các mô hình canh tác theo hướng cảnh quan bền vững nhằm giảm thiểu ảnh hưởng của sản xuất tới môi trường, gồm: Trồng cây che bóng, sản xuất nông nghiệp hữu cơ, ứng dụng công nghệ sinh học trong quản lý dịch hại, hạn chế sử dụng hóa chất, thuốc bảo vệ thực vật; phát triển nông nghiệp theo hướng nông nghiệp công nghệ cao, nông nghiệp thông minh, nông nghiệp hữu cơ và nông nghiệp tái sinh.
Trong 20 năm qua Lâm Đồng tập trung ứng dụng công nghệ cao tạo doanh thu lớn, với 63.000 ha ứng dụng công nghệ cao chiếm tỷ lệ 21% diện tích đất canh tác nông nghiệp trên 300.000 ha.
Trên cơ sở nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao, Lâm Đồng tiến hành nông nghiệp thông minh 4.0 trong quản trị sản xuất; đa số ứng dụng giải pháp công nghệ IoT, do đó chủ trang trại có thể ngồi từ xa cũng điều chỉnh được vi khí hậu, nhiệt độ, tưới tiêu ở trang trại của mình; hiện nay Lâm Đồng có 26 trang trại ứng dụng công nghệ thông minh chiếm tỷ lệ 50% cả nước.
Thông qua nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao thu nhập bình quân đất nông nghiệp đạt 9.000 USD/ha, nhiều diện tích canh tác/ nuôi trồng đạt doanh thu 200.000 USD/ha, ngang tầm một số quốc gia trong khu vực và thế giới.
Các lĩnh vực công nghệ cao ứng dụng như: công nghệ sinh học, công nghệ thông tin, công nghệ xử lý môi trường, bảo vệ tài nguyên nước, giải pháp thủy canh, khí canh, ứng dụng công nghệ canh tác nhà kính… đồng thời phát triển nông nghiệp hữu cơ, nông nghiệp tuần hoàn, thông minh, nông nghiệp tái sinh...
Nông nghiệp hữu cơ trên thế giới chiếm tỷ lệ 1% nhưng nhu cầu khoảng 11%. Hiện nay trên thế giới có khoảng 8 tỷ người thì từ năm 2018 về trước có khoảng 10% dân số thiếu đói, mất an ninh lương thực nhưng sau 2019, 2021 do đại dịch toàn cầu Covid-19 dân số không đảm bảo an ninh lương thực tăng lên 12% tương ứng với khoảng 1,1 tỷ người; có khoảng 50% dân số đảm bảo an ninh lương thực và thực hiện vấn đề về nông sản phổ biến, nhưng đồng thời có 38% nhu cầu lương thực hữu cơ an toàn thực phẩm, do đó việc tổ chức canh tác hữu cơ là xu hướng tất yếu; thời điểm hiện nay (tháng 3/2023) tình hình giá thực phẩm biến động cao kỷ lục trên toàn cầu, đặc biệt ở khu vực Trung Đông và Bắc Phi giá thực phẩm biến động từ 60 - 140%; như vậy xu hướng nhiều nước trên thế giới tập trung vào nông nghiệp hữu cơ, nông nghiệp tuần hoàn, nông nghiệp tái sinh là mục tiêu nông nghiệp trong tương lai.
Để thúc đẩy phát triển nông nghiệp bền vững, trong thời gian tới tỉnh Lâm Đồng sẽ tiếp tục thực hiện đồng bộ chuyển đổi kép xanh và chuyển đổi số các giải pháp cơ bản sau đây:
Tăng cường công tác tập huấn cho các thành phần kinh tế thấy được giá trị và ý nghĩa chuyển đổi kép xanh và chuyển đổi số, đây là xu hướng tất yếu của thời đại để từng bước chủ động ứng dụng trong quá trình tổ chức sản xuất;
Đẩy mạnh công tác tạo lập dữ liệu, số hóa, chuẩn hóa cơ sở dữ liệu hướng đến đồng bộ các công cụ quản lý về đất đai nông nghiệp, cây trồng, vật nuôi, thủy sản, thủy lợi, phòng chống thiên tai, dịch bệnh; kết nối, chia sẻ cơ sở dữ liệu quốc gia, cơ sở dữ liệu ngành, lĩnh vực phục vụ chỉ đạo, điều hành của các cơ quan nhà nước và sản xuất, kinh doanh của người dân, doanh nghiệp; ứng dụng vào quản lý, giám sát tài nguyên rừng; quản lý hồ đập, phòng chống và cảnh báo thiên tai.
Chọn lựa, ứng dụng phù hợp các loại công nghệ mới hiệu quả, thân thiện với môi trường, phát triển sản xuất hữu cơ, nông nghiệp tái sinh, chăn nuôi an toàn sinh học, an toàn dịch bệnh; nâng cao trình độ cơ giới hóa, tự động hóa từ sản xuất đến thu hoạch bảo quản, chế biến theo chuỗi giá trị. Chuyển dần diện tích nhà kính ở vùng nội ô Đà Lạt theo lộ trình và có giải pháp canh tác phù hợp, hiệu quả cao; quản lý chặt chẽ việc san gạt đất sản xuất nông nghiệp làm mất cảnh quan môi trường;
Thúc đẩy nghiên cứu chuyển giao tiến bộ và ứng dụng khoa học công nghệ trong toàn bộ các khâu của chuỗi giá trị sản xuất nông nghiệp. Ưu tiên nhập nội, chọn tạo các các giống mới (đặc biệt là giống rau, hoa, cây công nghiệp, dược liệu và thủy sản), đẩy mạnh ứng dụng công nghệ sinh học, công nghệ số trong sản xuất nông nghiệp;
Tiếp tục triển khai có hiệu quả các biện pháp, giải pháp phòng chống phá rừng, suy thoái chất lượng rừng; khai thác hiệu quả tiềm năng, lợi thế của rừng phù hợp với quy hoạch phát triển kinh tế - xã hội; đẩy mạnh công tác phát triển rừng bền vững, đầu tư trồng các loại cây lâm nghiệp, cây đa mục đích phù hợp với điều kiện từng vùng;
Phát triển các nền tảng số phục vụ nhu cầu người nông dân; xây dựng và nhân rộng mô hình nông nghiệp thông minh ứng dụng công nghệ số; quản lý chuỗi cung ứng nông sản theo ứng dụng IoT, blockchai, bigdata…; hệ thống quản lý nông sản từ quá trình sản xuất, thu hoạch, sơ chế, bảo quản, vận chuyển, chế biến và tiêu thụ sản phẩm tạo sự minh bạch thông tin, đảm bảo truy xuất nguồn gốc sản phẩm;
Xác định tiềm năng lợi thế so sánh, dưới sự chỉ đạo quyết liệt của Tỉnh ủy; sự vào cuộc trách nhiệm và linh hoạt của hệ thống chính trị; sự đồng hành của cộng đồng doanh nghiệp cùng với tinh thần lao động sáng tạo của người dân tiến hành đồng bộ chuyển đổi kép xanh và công nghệ số, hy vọng ngành nông nghiệp Lâm Đồng tạo chuyển biến mới, có tính đột phá trong quá trình hội nhập quốc tế và thích ứng với biến đổi khí hậu.