Chuyện ghi ở vùng cao Bảo Yên

Những hoạt động thường ngày ở huyện Bảo Yên, tỉnh Lào Cai đang thổi luồng gió mới và mở ra những không gian phát triển kinh tế - xã hội vừa bảo tồn giá trị bản sắc đồng bào vùng cao.

Rót chén trà thơm lừng hương quế, người thanh niên thong thả ngồi đợi những nhóm khách Tây từ những căn nhà trên đồi đi xuống. Gặp khách Pháp nói tiếng Pháp, khách Anh nói tiếng Anh, thậm chí là khách các nước nói tiếng Bồ Đào Nha anh cũng có thể trò chuyện được hết. Gặp lúc bí quá thì gọi vợ ra hỗ trợ. Vợ chồng họ, Nguyễn Văn Giới và Nguyễn Thị Huệ là chủ khu du lịch sinh thái Cinnamon Eco Lodge, cũng là những người đầu tiên mở mô hình du lịch sinh thái ở xã Xuân Hòa, huyện Bảo Yên.

Chúng tôi tình cờ biết vợ chồng Giới qua lời giới thiệu của anh Vũ Thành Công, Chủ tịch UBND xã Xuân Hòa. Trên đường từ trung tâm xã đi vào Cinnamon Eco Lodge đã nghe anh Công kể sơ qua, cả hai vợ chồng trước đây làm hướng dẫn viên du lịch ở trên Sa Pa, thu nhập cũng thuộc dạng khá, nhưng chẳng hiểu nguyên cớ gì mà sáu năm trước thấy dắt nhau về đây mở khu du lịch sinh thái gắn với cộng đồng.

Tự bao đời nay Xuân Hòa là nơi xa xôi, heo hút bậc nhất huyện Bảo Yên. Đời sống đồng bào dân tộc Tày, Nùng, Dao chủ yếu dựa vào những nương quế và một vụ lúa trên những thửa ruộng bậc thang nên còn nhọc nhằn, khốn khó trăm bề. Bù lại, thiên nhiên ở nơi này còn hoang sơ lắm. Con đường độc đạo chạy dọc theo sông Chảy qua xã Xuân Hòa một bên là ruộng một bên là đồi. Màu xanh của nương lúa, rừng đồi quện với màu xanh của dòng sông tạo nên bức tranh thủy mặc rất đẹp.

Anh Công cũng chia sẻ thêm, chỉ vài năm trước thôi rất hiếm gặp người nơi khác đến Xuân Hòa ngoài mấy thầy cô giáo cắm bản hoặc cán bộ địa bàn. Vậy mà kể từ khi vợ chồng Giới mở khu du lịch sinh thái Cinnamon Eco Lodge, Xuân Hòa giờ đây đã trở thành điểm du lịch, dù còn sơ khai nhưng khách Tây đến đây ngày một nhiều, xì xà xì xồ với bà con vui đáo để.

Cinnamon Eco Lodge nằm cách trục đường chính xã Xuân Hòa không xa lắm nhưng khi bước chân đến đây lại có cảm giác tách biệt hoàn toàn với bên ngoài. Bốn bề đều là rừng quế. Những cánh rừng trồng khoảng chừng 6 - 8 năm tuổi mà bố mẹ Huệ trồng ngày trước bây giờ đã bao bọc lấy núi đồi hoang bằng màu xanh ngút mắt. Đón chúng tôi, sau mấy tuần trà đậm hương quế, Giới dẫn đi lên đồi, vừa leo vừa giới thiệu về dự án mà anh bảo mang theo tâm huyết và khát vọng cuộc đời của cả hai vợ chồng.

Anh kể, những năm tháng làm hướng dẫn viên du lịch trên Sa Pa giúp có những trải nghiệm và đúc kết về sự thay đổi của xu thế du lịch. Vợ chồng em chứng kiến nhiều đoàn khách Tây lần lượt bỏ Sa Pa, hỏi lý do họ trả lời rằng Sa Pa bây giờ xây dựng nhiều quá, sầm uất quá. Người ta ồ ạt xây dựng, đua nhau làm khách sạn, nhà hàng khiến cảnh quan bị phá vỡ đi nhiều, cùng với đó là nét thân thiện và bản sắc văn hóa của cộng đồng cũng bị xâm lấn, làm cho mai một. Có ông du khách người Pháp từng nói với em rằng bản sắc văn hóa kết tinh từ trăm năm, ngàn năm và sự thân thiện của người dân bản địa là những thứ không bao giờ có thể làm giả được.

Đó cũng là những giá trị vô giá của du lịch, những thứ chúng tao tìm đến và trải nghiệm, khám phá Sa Pa, còn nhà cao tầng hay các công trình hiện đại thì bên đất nước chúng tao thiếu gì mà phải tìm đến Việt Nam.

Câu chuyện với ông du khách kia khiến vợ chồng em tỉnh ngộ. Hóa ra lâu nay chúng ta vẫn mơ hồ, không có định hướng, làm du lịch nhưng không hiểu giá trị, lợi thế mình có là gì. Cắm mặt chạy theo lợi nhuận, bất chấp tất cả để có thể kiếm được nhiều khách, bán được nhiều hàng mà không nhận ra những giá trị chúng ta có đang bị mất dần theo những đồng tiền trước mắt đó.

Sau một thời gian suy nghĩ, vợ chồng em mới bàn bạc nhau bỏ việc trên Sa Pa về đây xây dựng mô hình du lịch sinh thái này. Hơn 5 năm sau quyết định nhiều người cho là dại dột, bây giờ em đã thấy là mình đúng. Dù ảnh hưởng dịch bệnh Covid mất hai năm không hoạt động được gì nhưng đến giờ đã có thể khẳng định là thành công. Giá trị đó không chỉ là mỗi ngày đón bao nhiêu khách, thu được bao nhiêu tiền mà cái chính là ngày càng có thêm nhiều người, nhiều cộng đồng kết nối với vợ chồng em để đón du khách quốc tế đến với Xuân Hòa.

Cinnamon Eco Lodge nằm trên diện tích 5ha, nhưng không giống như những dự án du lịch khác, toàn bộ diện tích xây dựng của mô hình này chỉ gói gọn quanh một khu nhà điều hành, 5 căn bungalow biệt lập trên 5 ngọn đồi. Giá trị lớn nhất thu hút khách của Cinnamon Eco Lodge không phải là tiện nghi hiện đại mà chính là những trải nghiệm.

Giới khoe, tất cả các nền tảng du lịch quốc tế khi đánh giá về Cinnamon Eco Lodge đều chấm điểm tuyệt đối. Tôi tò mò vào một trang website vợ chồng Giới giới thiệu, trên đó ghi đại ý rằng: Eco Lodge gần Sa Pa nhưng cách xa đám đông khách du lịch. Ngôi làng cách thành phố Lào Cai khoảng 95km về phía đông bắc. Bạn sẽ trải nghiệm lối sống hàng ngày của miền Bắc Việt Nam và tùy thuộc vào thời gian trong năm, bạn có thể đủ may mắn để trải nghiệm thu hoạch quế, trồng hoặc thu hoạch lúa hoặc nhiều hoạt động theo mùa khác, tạo nên cuộc sống ở nông thôn Việt Nam.

Quan niệm về du lịch của người Tây rất khác ta, Giới tiếp tục trò chuyện. Người Việt mình đa số thường thích đi đến những nơi sầm uất, xô bồ, có nhiều trò chơi và đi theo mùa, kiểu đột xuất chứ không hề có kế hoạch rõ ràng. Nghe kháo nhau chỗ này, chỗ kia thì đi thế chứ nhiều khi cũng chẳng xác định được đi vì cái gì. Trong khi đó khách Tây họ đi du lịch với mong muốn khám phá và trải nghiệm văn hóa, cuộc sống. Mỗi chuyến du lịch của họ hàng tháng, có khi cả hàng năm trời.

Họ đến Cinnamon Eco Lodge để trồng rau, nuôi cá, để đi bộ qua những bản làng khám phá bản sắc văn hóa đồng bào Mông, Dao, Tày, Nùng, Phù Lá... Họ hòa mình với những làn điệu hát then của người Tày, vẽ hoa văn bằng sáp ong của người Mông hay đơn giản hơn là cùng tham gia trồng lúa, bóc vỏ quế, nấu rượu với người dân bản địa… Chuyện đang đượm thì có hai du khách cưỡi xe máy trở về. Ricardo là một người Bồ Đào Nha, bạn gái anh là Karina, người Pháp. Hai người họ vừa có chuyến trải nghiệm mấy ngày cùng với đồng bào ở xã Xuân Hòa và Nghĩa Đô. Hết đan lát lại thu hoạch quế, hết trồng lúa lại hát then, dệt vải, thậm chí là đào đất lật cỏ, đánh bắt cá, hái rau…

Ricardo tiết lộ, ở đất nước anh làm công việc nào chỉ biết công việc đó, không biết làm nhiều nghề như người Việt Nam. Những ngày trải nghiệm cuộc sống với đồng bào nơi đây khiến hai người cảm thấy vô cùng thích thú. Thành thử kế hoạch ban đầu chỉ khoảng 2 tuần lễ nhưng bây giờ họ quyết định ở lại thêm một tháng. Cả hai người cũng sẽ viết những bài giới thiệu chi tiết đăng trên nền tảng mạng xã hội và giới thiệu trên các tạp chí dành cho cộng đồng những người đam mê du lịch trải nghiệm. Chia sẻ, cảm nhận của những người như Ricardo chính là cơ sở để vợ chồng Giới và Huệ tin rằng nếu “đánh” mạnh vào du lịch trải nghiệm sẽ thành công.

***

Xã Xuân Hòa có hơn 1.900 hộ dân với 7 dân tộc anh em sinh sống dựa chủ yếu vào 2.700ha quế. Chủ tịch UBND xã Vũ Thành Công nói, kể từ khi có mô hình Cinnamon Eco Lodge của vợ chồng Giới, không những lãnh đạo xã mà người dân địa phương cũng dần hiểu nhiều hơn về giá trị của quê hương mình. Hóa ra trước giờ mình nghèo là bởi vì chưa biết phát huy hết lợi thế về điều kiện tự nhiên, khí hậu, chưa biết phát huy giá trị bản sắc văn hóa của các đồng bào.

Nhờ có Cinnamon Eco Lodge mà người Tày khôi phục lại các nghề truyền thống như dệt, đan lát hay những làn điệu hát then để “bán” cho du khách. Nhờ có Cinnamon Eco Lodge mà người Mông, người Nùng, người Phù Lá giờ đây đã hiểu trồng quế không chỉ đơn thuần là chờ đến kỳ thu hoạch bóc vỏ, chặt cành bán lấy tiền. Họ mở những tuyến đường đi bộ, đi xe đạp, xe máy khám phá rừng quế, mở các dịch vụ thu hoạch, chế biến các sản phẩm từ quế để “bán” cho du khách… Trăm nghe không bằng một thấy, trăm thấy không bằng một sờ, những sinh hoạt thường nhật của bà còn tưởng chừng đơn giản bây giờ lại có thể kiếm tiền được mới hay.

 

 

Trong bữa cơm tối ở trung tâm huyện Bảo Yên với Bí thư Huyện ủy Bảo Yên Nguyễn Anh Chuyên, ông bảo, nhà báo nhất định phải về quê tôi một chuyến, có nhiều cái hay để viết lắm. Năm vừa rồi Bộ NN-PTNT đã chọn quê tôi là một trong 12 mô hình thí điểm của cả nước để thực hiện Chương trình phát triển du lịch nông thôn trong xây dựng nông thôn mới giai đoạn 2021 - 2025 đấy.

Ông Chuyên là người Tày ở xã Nghĩa Đô, cách trung tâm huyện tầm 30 cây số. Đó là một vùng lòng chảo bốn bề là núi, làn sương sớm mỏng tang vờn trên những cánh rừng, nương quế, dòng suối Nậm Luông uốn lượn qua cánh đồng bằng phẳng như một nét vẽ điểm xuyết vào bức tranh sơn thủy hữu tình tuyệt sắc. Quả nhiên có đến đây rồi mới thấy, Nghĩa Đô đúng là một một trong những vùng nông thôn miền núi đẹp và yên bình bậc nhất Tây Bắc.

Chả thế mà suốt dọc đường đi, ông Chuyên không ngừng khoe với chúng tôi, người ta gọi Nghĩa Đô quê tôi là “ngũ cực” bao gồm, cực xanh, cực sạch, cực đẹp, cực ngon và cực hay. Xanh màu xanh của núi rừng, sông suối, của những rừng cọ, đồng lúa, nương dâu. Sạch đẹp bởi nề nếp sinh hoạt, phong tục tập quán của cộng đồng người Tày sinh sống lâu đời dưới những mái nhà sàn truyền thống lợp bằng lá cọ. Thơm ngon những món ăn làm từ sản vật địa phương và và hay bởi những phong tục tập quán, những nét văn hóa đồng bào còn lưu giữ, trao truyền.

Cộng đồng người Tày ở Nghĩa Đô sống quần tụ dưới những mái nhà sàn lúp xúp, cổ kính, nhuốm màu của thời gian. Khác với nhiều đồng bào ở Tây Bắc vốn quen với du canh du cư, người Tày ở Nghĩa Đô rất coi trọng sự ổn định. Mái nhà sàn lợp cọ trở thành nét văn hóa lâu đời, vừa là nơi cư trú vừa mang nét văn hóa đậm bản sắc đồng bào. Cả xã hiện có hơn 1.000 ngôi nhà sàn cổ hàng mấy trăm năm của hơn 1.000 hộ đồng bào dân tộc Tày qua nhiều thế hệ.

Những căn nhà truyền thống được dựng bằng vật liệu sẵn có, mái lợp bằng lá cọ hoặc cỏ gianh, sàn được lát bằng tre hoặc gỗ. Giàu hay nghèo cũng là nhà năm gian, lưng tựa vào núi, mặt quay ra dòng suối Nậm Luông chảy qua cánh đồng của bản. Thoáng đãng vô cùng. Ông Chuyên dẫn tôi đi thăm mấy gia đình trong bản như gia đình nghệ nhân ưu tú Ma Thanh Sợi, pho sử sống đồng thời là người lưu giữ, trao truyền những câu tục ngữ, chuyện cổ và làn điệu hát ru của người Tày. Nghe đâu ông cụ còn là người xuất bản sách nhiều nhất ở huyện Bảo Yên, chủ yếu là các cuốn sách để dạy thế hệ sau về bản sắc văn hóa, phong tục tập quán của đồng bào.

Cụ Sợi chia sẻ, xã người Tày Nghĩa Đô là cộng đồng dân cư sinh sống lâu đời nhất nơi đây nên đã tạo dựng nên những giá trị văn hóa phi vật thể mang đậm nét riêng, đặc trưng không một địa phương nào có được. Đó là nhưng giá trị về tập quán xã hội tín ngưỡng, nghệ thuật trình diễn dân gian, tri thức dân gian, nghề thủ công và lễ hội truyền thống.

Trong hệ thống các giá trị di sản văn hóa của cộng đồng dân tộc Tày vùng đất Nghĩa Đô đến nay được thể hiện nhiều nhất là tri thức dân gian, nghệ thuật trình diễn dân gian, nghề thủ công và lễ hội truyền thống. Xã người Tày Nghĩa Đô hiện nay vẫn duy trì các công thức ẩm thực độc đáo; các giá trị về dân ca, dân vũ và dân nhạc, các nghề thủ công và lễ hội dân gian…

Chúng tôi ghé thăm bà Nguyễn Thị San ở bản Nà Khương. Ở tuổi 62 bà San hiện đang là giám đốc hợp tác xã nghề truyền thống của xã. Nghĩa Đô nổi tiếng với các nghề đan lát, dệt thổ cẩm, qua thời gian từng bị mai một ít nhiều, nay đang được tập trung khôi phục để giữ gìn văn hóa và phát triển du lịch. Ở Nghĩa Đô từ mấy năm nay, người dân, cán bộ, học sinh đều mặc trang phục truyền thống của đồng bào. Trò chuyện với những người như ông Sợi, bà San không những có thêm thông tin về đời sống lại còn học được nhiều phong tục tập quán thú vị của người Tày ở Nghĩa Đô.

Nâng chén rượu ngô men lá trong vắt như thể mắt mèo, ông Chuyên cao hứng: So với những ngôi làng cổ nức tiếng trên thế giới như Giethoorn của Hà Lan hay Ainokura của Nhật Bản thì giá trị văn hóa, bản sắc của bản làng người Tày ở đây không thua kém gì, thậm chí còn có những nét đặc sắc riêng. 1.091 ngôi nhà ở các bản Mường Kem, Nà Luông, Bản Hốc, Bản Đon, Pác Bó, Nậm Cằn, Thâm Mạ được cộng đồng bảo tồn gần như nguyên vẹn cả về kiến trúc lẫn cảnh quan. Chúng tôi đang cùng với cộng đồng tìm cách xây dựng, phát huy tiềm năng lợi thế riêng có để làm nên một Nghĩa Đô xanh, điểm đến hấp dẫn không chỉ với du khách trong nước mà cả với cộng đồng quốc tế.

 

***

Lướt qua đề án Bảo tồn hệ sinh thái và không gian văn hóa dân tộc Tày Tây Bắc ở xã Nghĩa Đô phần nào có thể mường tượng về một hệ sinh thái Nghĩa Đô xanh sẽ sớm hình thành. Nhất là khi Đảng bộ, chính quyền địa phương đã nhận thức được đường hướng phát triển trong đó đề cao vai trò chủ thể của người dân và cộng đồng. Bảo tàng sinh thái của cộng đồng dân tộc Tày đầu tiên của Việt Nam đang dần được hình thành.

Cuối năm 2021, quy hoạch chung xây dựng xã người Tày Nghĩa Đô xác định các mục tiêu phát triển rõ ràng. Trong đó, khu bảo tồn có diện tích 816ha sẽ là khu vực được bảo vệ đặc biệt về di sản thiên nhiên và tài nguyên sinh thái như những cánh đồng lúa, thác nước, nhà sàn và các di sản văn hóa truyền thống tốt đẹp hiện có. Khu vực phát triển thương mại, dịch vụ và du lịch hơn 359ha sẽ là hạt nhân phát triển với trung tâm hành chính, chính trị, dịch vụ, văn hóa, thương mại dịch vụ chất lượng cao. Hơn 2.659ha với phần lớn địa hình đồi núi cao, phù hợp phát triển nông, lâm nghiệp, tiểu thủ công nghiệp.

Ông Chuyên nói, cái khác biệt Nghĩa Đô làm so với nhiều nơi khác đó là xây dựng bảo tàng sinh thái nhằm thực hiện việc bảo tồn các di sản văn hóa và thiên nhiên ngay tại chỗ. Sự tham gia tự nguyện và chủ động của người dân sẽ giữ vai trò nòng cốt. Chính người dân sẽ gắn việc xây dựng bảo tàng sinh thái với phát triển du lịch cộng đồng, tạo lập và duy trì sinh kế, phát triển cộng đồng một cách bền vững. Thông qua việc bảo tồn, nâng tầm các giá trị văn hóa, nghề thủ công truyền thống người dân sẽ được hưởng lợi từ việc làm dịch vụ du lịch.

Hoàng Anh - Thanh Hải
Trương Khánh Thiện
Hoàng Anh - Thanh Hải