Đắm chìm trong chốn bồng lai nơi hạ giới

Đó là tiếng hót gọi bạn tình của những chú vượn đen má vàng, một loài linh trưởng thông minh và dễ thương, sống chung thủy một vợ, một chồng. Cùng với tiếng hót của nhiều loài chim khác, và tiếng rì rào, thì thầm của cây rừng…

 

 

Nơi tôi nói đến là Vườn Quốc gia Bù Gia Mập, tỉnh Bình Phước, với cảnh quan thiên nhiên hùng vĩ, với những tuyệt tác thiên nhiên làm mê đắm lòng người. Không chỉ thế, nơi đây có hệ sinh thái phong phú, đa dạng bậc nhất khu vực miền Đông Nam bộ với nhiều loài động, thực vật quý hiếm. Xen giữa cảnh quan ấy là những nền văn hoá đậm đà bản sắc truyền thống của các cộng đồng dân tộc thiểu số như S’tiêng, M’nông... Tất cả hòa quyện vào nhau, tạo thành một điểm đến vô cùng hấp dẫn.

Sau một đêm ngủ rất ngon trong nhà khách của Ban Quản lý VQG Bù Gia Mập, và bị dánh thức sớm bởi bầy vượn ngoài rừng, dù còn ngái ngủ, chưa muốn tung chiếc mền mỏng ra, nhưng tôi vẫn thấy khoan khoái lạ thường. Mở cửa bước ra ngoài hiên, một luồng không khí mát rượi ào đến, phả lên người “thật là dễ chịu”, tôi nghĩ thầm. Còn nhớ ngày hôm trước, trên đường từ TP.HCM lên đây, nắng nóng gay gắt, lên đến 35 độ, oi bức, ngột ngạt. Nhưng khi đến đây, cảm giác khoan khoái, dễ chịu hẳn, như bước vào một thế giới khác. Khi hoà mình vào thiên nhiên ở đây tôi mới hiểu, vì sao những cánh rừng lại được ví là lá phổi xanh.

Sau khi vệ sinh cá nhân, tôi cùng anh bạn đồng nghiệp đi bộ đến nhà ăn phía đầu dãy nhà. Mấy anh cán bộ của Vườn đã đợi sẵn. “Đêm qua tôi dám chắc các ngủ mê mệt, và sáng nay chắc chưa muốn dậy, đúng không?”, Anh Đinh Duy Thắng, cán bộ Phòng Kỹ thuật của Vườn chào chúng tôi kèm câu hỏi. “Chính xác là ngủ 1 giấc tới sáng. Nếu không có bầy vượn hót inh ỏi chắc khó mà lay tôi dậy giờ này”, tôi cười, đáp.

 

Ăn sáng xong, chúng tôi tranh thủ vào rừng trong lúc lá cây, bụi cỏ còn ướt đẫm sương đêm. “Đi vào rừng bây giờ không còn vất vả như xưa nữa, vì phần lớn đường đi đã có sẵn, có thể chạy xe máy, chỉ đi bộ khi vào suối, thác, hoặc một số nơi đặc thù không thể làm đường thôi. Hôm nay em sẽ đưa các anh đến khu vực rừng là “nhà” của các loài thú quý hiếm ngụ cư, Trên đường cũng sẽ đi qua suối, thác, và cả những cây di sản, các anh thỏa sức chiêm ngưỡng, chụp hình”, Thắng nói.

VQG Bù Gia Mập nằm ở điểm cuối dãy Trường Sơn Nam, trên địa phận hành chính huyện Bù Gia Mập, đây là cánh rừng nguyên sinh liền khoảnh lớn nhất của tỉnh Bình Phước với diện tích gần 26.000ha, độ che phủ trên 90%, phần lớn là rừng tự nhiên với hai kiểu rừng chính: rừng kín thường xanh mưa nhiệt đới và rừng kín nửa thường xanh ẩm nhiệt đới. Hai kiểu rừng này tạo nên tính đa dạng của các loài thực vật, từ đó tạo sinh cảnh thuận lợi cho nhiều loài động vật phát triển.

 

 

Mặc dù địa giới liền kề Đắk Nông, 1 trong 5 tỉnh Tây Nguyên, nhưng VQG Bù Gia Mập không thuộc Tây Nguyên. Giải thích điều này, Thắng cho biết: “VQG Bù Gia Mập gần như “liền khoảnh” với rừng núi Đắk Nông, nhưng lại không thuộc dãy Trường Sơn, đỉnh núi cao nhất của Vườn nằm sát Đắk Nông chỉ hơn 700m so với mực nước biển. Trong khi đó, địa hình Tây Nguyên có độ cao từ 1.000m trở lên. Vì thế, giữa 2 nơi này có sự khác biệt rất rõ ràng về thời tiết, khí hậu, thổ nhưỡng. Chính sự khác nhau này đã tạo ra một khu rừng có hệ sinh thái, mang tính đặc trưng của khu vực Đông Nam bộ, đặc tính sinh học khác hẳn với rừng khu vực Tây Nguyên”.

Sau khoảng 2 giờ rong ruổi bằng xe máy trên QL14C xuyên rừng, rồi đi tiếp vào đường nhánh nhỏ, xuyên qua những cánh rừng nguyên sinh cổ kính, những rừng cây cổ thụ ngàn năm tuổi, vượt qua những đám dây leo khổng lồ, cuối cùng chúng tôi rừng lại trước một khu rừng tuyệt đẹp với nhiều tầng tán, đủ màu sắc và nhiều cây gỗ lớn. Thắng cho biết, cánh rừng này chính là “nhà” của nhiều loại động vật rừng quý hiếm. Tại đây, còn có một thác nước 3 tầng, đẹp hút hồn, rộng khoảng 20m, chiều cao chừng 15m. Nước từ tẩng trên đổ xuống nhìn như dải lụa trắng tinh khôi. Một làn sương từ hơi nước bốc lên không trung, tạo nên cảnh mờ ảo, siêu thực.

“Do chuyển tiếp từ cao nguyên xuống đồng bằng nên địa hình của VQG Bù Gia Mập bị chia cắt mạnh, tạo ra những đồi núi, thung lũng, đan xen với khoảng 20 con suối lớn nhỏ và những thác nước rất đẹp như thác Đắk Mai, Đắk Bô, Đắk Kar, Đắk Rốt, Lưu Ly, Đắk Sam...Đây là thác Đắk Bô 3 tầng, mỗi tầng có 1 bãi tắm rộng, đủ cho cả trăm người tắm”, Thắng nói.

 

 

 

 

Kết quả nghiên cứu về đa dạng sinh học tại VQG Bù Gia Mập cho thấy, đây là nơi có hệ sinh thái đặc hữu với nhiều loài động, thực vật quý hiếm bậc nhất tại Việt Nam.

Các nhà khoa học đã công bố có 1.117 loài thực vật bậc cao, 106 loài thú, 248 loài chim, 87 loài bò sát - lưỡng cư, 342 loài côn trùng, 49 loài cá và gần 100 loài nấm lớn. Ngoài ra còn có hàng trăm loài sinh vật đang được nghiên cứu, theo dõi để mô tả công bố. Có cảnh quan vô cùng đặc sắc, gồm nhiều kiểu rừng đặc trưng của hệ sinh thái rừng thường xanh nhiệt đới. Riêng hệ thực vật, có 1.114 loài thuộc 480 chi và 126 họ, với nhiều cây thuộc họ đậu quý hiếm như cẩm lai, gõ đỏ, giáng hương, trầm hương, kim giao. Trong đó có 88 loài nguy cấp quý hiếm, 11 loài nằm trong Sách Đỏ thế giới (IUCN năm 2020), 14 loài trong Sách Đỏ Việt Nam (năm 2007), 76 loài được ghi trong Nghị định số 06/2019/NĐ-CP, có 5 loài được ghi trong Công ước Quốc tế các loài động, thực vật hoang dã nguy cấp (Công ước CITES)…cùng với 278 giống cây dùng làm thuốc.

Về hệ động vật tại Vườn, có 835 loài, gồm 106 loài thú, 248 loài chim, 59 loài bò sát, 28 loài lưỡng cư, 342 loài côn trùng và 49 loài cá. Có 106 loài nguy cấp quý hiếm, 9 loài trong Sách Đỏ thế giới (IUCN năm 2020), 15 loài trong Sách Đỏ Việt Nam năm 2007, 84 loài được ghi trong Nghị định số 06/2019/NĐ-CP và 40 loài được ghi trong danh lục của CITES năm 2019.

Không chỉ có hệ sinh thái đa dạng, VQG Bù Gia Mập còn là nơi bảo tồn chuẩn hệ sinh thái, các nguồn gen quý hiếm của hệ động - thực vật đặc hữu phục vụ nghiên cứu khoa học và phát triển du lịch sinh thái, không chỉ trong nước mà mang tầm quốc tế.

Ngoài công tác bảo vệ rừng, tập thể lãnh đạo VQG Bù Gia Mập còn thực hiện công tác bảo tồn, trồng rừng, cứu hộ động vật hoang dã. Từ năm 2005 đến nay, thông qua nguồn ngân sách nhà nước từ các dự án trồng mới 5 triệu ha (DA 661) và dự án Bảo vệ và phát triển rừng, Vườn đã thực hiện trồng rừng ở những nơi đất còn trống, trên những diện tích rừng nghèo và trên toàn bộ diện tích đất xâm canh của người dân trong lâm phần của Vườn. Tính đến nay Vườn đã trồng rừng được 197ha bằng các loài cây bản địa, cây quí hiếm, cây có giá trị kinh tế cao. Ngoài ra, Vườn còn thực hiện trồng rừng phân tán dọc tuyến đường phía Nam, phía Đông Nam của Vườn nhằm tạo đường băng xanh phòng chống cháy rừng, gieo giống làm giàu rừng và cải tạo cảnh quan phục vụ cho phát triển du lịch sinh thái...

“Về công tác bảo vệ, từ 11 năm nay, Vườn đã giao khoán bảo vệ rừng cho các tổ cộng đồng và các lực lượng vũ trang đóng chân trên địa bàn. Tính đến nay, hơn 90% diện tích rừng đã giao cho 15 đơn vị nhận khoán với gần 600 hộ dân tham gia. Bình quân mỗi hộ tham gia nhận khoán bảo vệ rừng nhận được khoảng 2,5 triệu đồng/tháng. Đây là nguồn thu nhập ổn định đáng kể, ngoài tăng thu nhập cho người dân, còn góp phần giảm áp lực vào rừng, nâng cao ý thức của các cộng đồng dân cư trong việc bảo vệ rừng, bảo tồn đa dạng sinh học”, ông Hoà nói.

Nói về tiềm năng phát triển, công tác bảo vệ, Tiến sĩ Vương Đức Hòa, Giám đốc VQG Bù Gia Mập cho biết, từ lâu nay, VQG Bù Gia Mập đã được du khách xa gần biết đến, trở thành một điểm đến hấp dẫn, được nhiều người chọn. Ngoài việc có hệ sinh thái đặc trưng với cảnh quan đẹp, trong Vườn có 2 cộng đồng dân cư bản địa sống lâu đời, với những nét văn hoá bản địa đặc trưng, đó là cộng đồng người S’tiêng và M’nông. Họ có những “đặc sản” ẩm thực truyền thống như rượu cần, canh thụt, canh bồi, cơm lam, bên cạnh đó là nét văn hóa bản địa đặc trưng như lễ hội cồng chiêng, các lễ cúng như cúng thần rừng, cơm mới… Các cộng đồng thiểu số này đã góp phần giúp loại hình du lịch sinh thái phát triển mạnh, khởi sắc. Ngoài ra, Vườn còn là điểm đến của sinh viên, học sinh, các nhà khoa học trong và ngoài nước tìm đến học tập, nhiên cứu.

 

 

 

 

Ông Vương Đức Hòa, Giám đốc VQG Bù Gia Mập cho biết, hiện Vườn có 11 trạm kiểm lâm, trạm xa nhất giáp huyện Tuy Đức (Đắk Nông), 1 tổ kiểm lâm cơ động, với tổng số cán bộ, nhân viên của Hạt kiểm lâm 60 người. Ngoài ra, còn có gần 600 hộ người dân vùng đệm tham gia nhận khoán bảo vệ rừng đóng ở 12 chốt bảo vệ. Trang thiết bị phục vụ tuần tra phòng, chống cháy rừng đã được đầu tư khá đầy đủ như: máy định vị, xe chữa cháy rừng, hồ chứa nước. Hệ thống đường giao thông phục vụ tuần tra bảo vệ rừng được xây dựng khá hoàn chỉnh. Đường ranh giới của toàn bộ rừng cấm đã được xác lập rõ ràng, góp phần thuận lợi cho tuần tra, bảo vệ. Vườn đã xây dựng dự án di dời và ổn định dân trong vùng lõi. Từ dự án này, đã tạo điều kiện ổn định về đất canh tác cho 212 hộ đồng bào dân tộc thiểu số, với diện tích gần 300ha. Nhờ vậy, số vụ vi phạm về khai thác lâm sản, săn bắt động vật hoang dã ở VQG năm sau giảm so với năm trước cả về số vụ và mức độ vi phạm. Các vụ vi phạm về lâm luật chỉ nhỏ lẻ.

Nhưng, để có một khu rừng đẹp và bình yên như hiện nay, cả tập thể cán bộ, nhân viên Vườn, Hạt kiểm lâm, đã phải đánh đổi rất nhiều, kể cả đổ máu. Trong khi đó, đời sống của những người giữ rừng nơi đây còn nhiều khó khăn. Họ thường xuyên phải sống và làm việc trong rừng nên bệnh sốt rét và các bệnh do côn trùng xâm hại vẫn còn, ảnh hưởng đến sức khỏe rất lớn.

Đinh Duy Thắng cho biết, một trong những nỗi khó chịu nhất chính là bị ve rừng cắn. Những con ve rừng nhỏ như đầu mũi kim khâu, khó nhìn thấy bằng mắt thường, vết cắn ban đầu cũng chỉ nhỏ bằng đầu kim, nhưng ngứa kinh khủng. Thắng nói rồi vén áo cho tôi xem hàng chục vết ve cắn trên lưng, bụng ngực. “Nếu gặp trúng một ổ ve cám cắn thì ít nhất từ 6 tháng đến 1 năm may ra mới khỏi ngứa. Vùng da bị ve cắn không thể nào lành, thỉnh thoảng lại tái phát ngứa ngáy rất khó chịu”, Thắng nói.

Gặp gỡ, trò chuyện với những cán bộ, nhân viên, kiểm lâm viên ở VQG Bù Gia Mập, tôi mới thấy, họ đều là những người có tình yêu rừng rất lớn. Làm việc với tinh thần trách nhiệm cao. Không chỉ bảo vệ rừng an toàn, mà còn xây dựng nơi đây thành một điểm đến hấp dẫn cho cộng đồng.

Về phát triển du lịch sinh thái, nâng cao thu nhập cho Vườn, ông Vương Đức Hòa cho biết, những năm gần đây, du lịch sinh thái tại Vườn đã dần được cải thiện, có nhiều đoàn khách đã tới tham quan du lịch sinh thái tìm hiểu về giá trị đa dạng sinh học, giá trị cảnh quan thiên nhiên của Vườn. Du lịch mạo hiểm, tìm hiểu đời sống và văn hóa của người dân tộc bản địa. Góp phần tác động tích cực vào việc nâng cao hiểu biết và giá trị đa dạng sinh học cho các tầng lớp nhân dân thông qua các hình thức du lịch.

 

 

Ngoài những nỗ lực của tập thể cán bộ, công nhân viên, thì VQG Bù Gia Mập còn có sẵn những lợi thế trong phát triển du lịch, đó là hệ sinh đa dạng, là cảnh quan đẹp khiến bất cứ ai đến cũng phải trầm trồ. Và nơi đây còn ghi dấu những chứng tích lịch sử trong cuộc kháng chiến chống Mỹ cứu nước. Đó là tuyến đường huyết mạch QL14C nối Tây Nguyên với khu vực Đông Nam bộ, phục vụ vận chuyển quân lương. Điểm đặc biệt của con đường này là mặc dù dài hơn 20km, uốn lượn trên địa hình đồi núi bị chia cắt bởi nhiều sông suối, nhưng không có cây cầu nào. Theo giải thích của Thắng thì con đường không có cầu, để nếu lỡ bị địch phá, thì công tác khắc phục 1 cây cầu khó khăn hơn nhiều lần lấp một hố bom.

Ngoài ra, trong lõi rừng còn có một Di tích lịch sử Quốc gia đặc biệt. Đó là điểm cuối đường ống dẫn xăng dầu VK96. Cùng với Di tích Bồn xăng - Kho nhiên liệu VK98 tại xã Lộc Quang, huyện Lộc Ninh, là 2 di tích thuộc mạng lưới di tích đường Trường Sơn – Hồ Chí Minh.

Tạo hoá đã ban cho nơi này một vùng thiên nhiên hoang dã đẹp như chốn bồng lai tiên cảnh. Những cánh rừng, dòng suối, con thác đẹp tưởng chỉ có trong tranh vẽ, những vạt hoa dại, những đàn bướm đầy màu sắc, hay những cây cổ thụ sừng sững uy nghi…tất cả như một thỏi nam châm khổng lồ, khiến chúng tôi như không thể dứt ra, cứ muốn chìm đắm mãi trong cái không gian này.

 

 

Hồng Thủy – Minh Sáng
Trương Khánh Thiện
Hồng Thủy – Minh Sáng
Minh Sáng