| Hotline: 0983.970.780

LTS: Hội Kiến trúc sư Việt Nam và Tập đoàn Melia đang cùng với nhiều tổ chức, cá nhân bàn về giải pháp "Phát triển giá trị phế tích của Vườn quốc gia Ba Vì" với quyết tâm rất lớn nhằm đánh thức “người đẹp ngủ giữa rừng Ba Vì” suốt gần một thế kỷ qua.

“Người đẹp” đó là gần 200 công trình nằm rải rác tại các điểm cao 400m, 600m, 700m, 800m, 1.000m tại Vườn Quốc gia Ba Vì được xây dựng từ thời Pháp, hiện đã trở thành những phế tích giữa rừng già. Quả là một sự lãng phí tài nguyên rất lớn, nhất là khi các nhà khoa học, kiến trúc sư, lịch sử và các chuyên gia kinh tế đánh giá những phế tích Pháp giữa rừng Ba Vì không chỉ mang giá trị văn hóa, lịch sử, tâm linh và còn có tiềm năng vô cùng lớn để phát triển du lịch.

Nhân bàn đến câu chuyện bảo tồn và phát triển phế tích ở Ba Vì, hãy cùng Báo Nông nghiệp Việt Nam nhìn nhận lại những di sản người Pháp để lại ở Việt Nam, như một kênh tham khảo nhằm có thêm những giải pháp đánh thức Ba Vì một cách hiệu quả nhất nhưng đồng thời vẫn giữ được sự trân trọng, hài hòa nhất với thiên nhiên.

Đà Lạt được nhìn nhận như một “Bảo tàng kiến trúc Pháp thế kỷ 20 tại Việt Nam”, việc bảo tồn, phát huy giá trị của những di sản đó vẫn còn nhiều thách thức.

Nhà sử học Dương Trung Quốc chia sẻ, bước vào thế kỷ XX, người Pháp tin chắc rằng đất nước này, xứ sở này sẽ mãi mãi là “lãnh thổ hải ngoại” của họ, nên những người cầm quyền cũng như những nhà thực dân đều nhìn nhận Ba Vì như một miền đất hứa, trước hết cho cuộc sống của chính họ, cộng đồng người Châu Âu cần một không gian gần gũi về sinh thái và khí hậu như miền quê Châu Âu xa xôi của họ. Và vẻ đẹp đầy quyến rũ của cảnh quan Ba Vì càng làm cho họ đầu tư nhiều hơn không chỉ tiền bạc mà cả trí lực vào vùng đất này.

Từ hiệu lệnh của viên Toàn quyền khai mở cho công cuộc khai thác thuộc địa là Paul Doumer (1897-1902) đòi hỏi các thuộc cấp của mình trên toàn Đông Dương phải phát hiện ra những không gian cư trú mát mẻ làm nơi nghỉ dưỡng và hàng loạt những địa danh được phát hiện.

Chỉ có đôi nơi gắn với biển như Vũng Tàu (Cap Saint Jacques) hay Đồ Sơn, còn lại phần lớn trên lưng những ngọn núi rải rác từ Nam ra Bắc: Lang Bian (Đà Lạt), Mendel (Kontum), Bà Nà (Quảng Nam), Bạch Mã (Huế), Sapa (Lào Cai), Mẫu Sơn (Lạng Sơn), Tam Đảo (Vĩnh Phúc) và xuống đồng bằng, gần nhất với Hà Nội, thủ phủ quan trọng nhất của Đông Dương khi đó, chính là Ba Vì (trước thuộc Sơn Tây và nay là Hà Nội)…

“Giải quyết câu chuyện giữa bảo tồn và phát triển hay khai thác hợp lý tiềm năng của các di tích Pháp chắc chắn là một bài toán khó. Tuy nhiên trên thế giới bài toán này đã có lời giải rất phổ biến và hiệu quả. Họ đã phát triển, cải tạo các phế tích cũ để thu hút cộng đồng đến hưởng thụ và tìm hiểu trực quan những dấu ấn của lịch sử, văn hóa. Đó là một cách làm thiết thực để quá khứ không còn chỉ nằm trên giấy”, ông Dương Trung Quốc nói.

Theo bài viết của bà Đỗ Hoàng Anh, Trung tâm lưu trữ Quốc gia I, cuối thế kỷ 19, chính xác là năm 1893 bác sĩ Yersin đã khám phá ra cao nguyên Langbian (Lâm Viên) rộng lớn và là người đề xuất xây dựng Đà Lạt. Song không nhiều người biết rằng, trong thời kỳ thuộc địa, người Pháp từng có kế hoạch biến Đà Lạt thành "thủ đô hành chính của Đông Dương" thuộc Pháp.

Sau khi bác sỹ Yersin đặt chân lên cao nguyên Lâm Viên, một số công trình đã được xây dựng. Song vì lý do khủng hoảng tài chính và nhiều khó khăn khác nên khu vực này đã bị “quên lãng” trong nhiều năm. Đến năm 1921, Chính quyền Pháp mới khởi động lại kế hoạch xây dựng đường sắt lên cao nguyên Lâm Viên. Tuyến đường sắt răng cưa này hoàn thành vào năm 1931, đánh dấu bước khởi đầu cho phát triển du lịch tại đây. Năm 1923, bản đồ quy hoạch Đà Lạt của kiến trúc sư Hébra được phê duyệt.  Sau đó, rất nhiều công trình xây dựng được thực hiện tại thành phố xinh đẹp, thơ mộng này… Đà Lạt trở thành nơi nghỉ mát lớn nhất Đông Dương thu hút nhiều du khách.

Vào những năm 30 của thế kỷ 19, báo chí đã đề cập rất nhiều về vấn đề đặt thủ đô của Liên bang Đông Dương ở Đà Lạt. Thời điểm đó, trụ sở của Phủ Toàn quyền Đông Dương đặt tại Hà Nội. Tuy nhiên trên thực tế, Toàn quyền Đông Dương vẫn thường làm việc tại cả 3 thành phố (Sài Gòn, Hà Nội và Đà Lạt).

Trong bản đồ quy hoạch và mở rộng Đà Lạt năm 1932 đã có kế hoạch biến Đà Lạt thành thủ đô hành chính của Đông Dương. Tuy nhiên, vào mùa hè năm 1932, để từ bỏ ý định trên, một chương trình quy hoạch mở rộng giới hạn ở việc chỉnh trang khu nghỉ mát trên núi đã được thực hiện.

Ý tưởng lập thủ đô tại Đà Lạt không hề bị người Pháp lãng quên. Trong bài viết của Pineau, tác giả đề cập đến các điều kiện để lựa chọn thủ đô như chế độ tập trung, an ninh, đường ra biển, điều kiện vệ sinh, vị trí địa lý: “Về vị trí, Đà Lạt nằm giữa Nam Kỳ và Nam Trung Kỳ, gần Cao Miên (Cambodge) và Bắc Lào và chỉ cách biển 150 km theo đường chim bay. Từ Sài Gòn lên Đà Lạt chỉ mất 5 giờ đi ô tô… Giao thông từ Đà Lạt lên cao nguyên Lâm Viên, sang Campuchia, Lào, xuống sông Mê Kông đều thuận lợi. Chỉ duy có Bắc Kỳ là nằm xa Đà Lạt”.

Đến năm 1945, Đà Lạt đã trở thành một thành phố tuyệt đẹp của vùng Viễn Đông lúc bấy giờ. Cách mạng Tháng Tám thành công, chấm dứt thời kỳ đô hộ của người Pháp ở đây. Mặc dù sau đó, người Pháp có chiếm đóng lại Đà Lạt nhưng họ không đủ can đảm để thực hiện giấc mơ của mình.

Chưa thể biến Đà Lạt thành Thủ đô hành chính Đông Dương, tuy nhiên có thể nói rằng người Pháp đã để lại cho Đà Lạt cả một di sản lớn nhiều ý nghĩa. Vấn đề hiện tại là phát huy giá trị di sản đó như thế nào.

Theo thống kê, từ ngôi nhà tranh đầu tiên, đến 10 ngôi nhà gỗ theo kiểu vùng miền núi nước Pháp, năm 1930, Đà Lạt đã có đến 398 ngôi biệt thự đồ sộ bằng bê tông cốt thép. Đến năm 1949, toàn thành phố đã có trên 1500 công trình, trong đó có hơn 1000 biệt thự, dinh thự, trường học, nhà ga, thánh đường được xem là mẫu hình tiêu biểu của nền kiến trúc Pháp cuối thế kỷ 19.

Điều độc đáo là không có biệt thự nào giống biệt thự nào, mỗi công trình là một tác phẩm kiến trúc hoàn mỹ, hoàn thiện. Qua thăng trầm lịch sử, dù có rất nhiều công trình mới ra đời nhưng những công trình xây dựng buổi đầu vẫn không thể lẫn vào đâu được. Đặc điểm chung: Nhà - biệt thự, dinh thự và các công trình công cộng luôn có vườn hoa, cách xa nhau, có tầm nhìn rất thoáng và hướng đẹp, nhìn ra rừng thông. Các công trình kiến trúc ẩn mình giữa đồi thông và chiều cao của công trình không vượt quá ba tầng bởi không muốn che khuất rừng cây và không gian đô thị… 

Ngày nay, Đà Lạt được nhìn nhận như một “Bảo tàng kiến trúc Pháp thế kỷ 20 tại Việt Nam”, với các công trình kiến trúc thời Pháp thuộc có giá trị cao. Trong số này, chiếm tỉ lệ lớn là hàng trăm biệt thự nghỉ dưỡng duyên dáng, ẩn mình kín đáo trong khung cảnh rừng thông, núi đồi đầy mê hoặc của thành phố. Có thể nhận định rằng, với hơn 120 năm lịch sử, Đà Lạt không hẳn là một đô thị cổ, nhưng cũng đã xây dựng được cho mình không ít những công trình kiến trúc độc đáo, đa dạng về thể loại và phong phú về phong cách. Ở Việt Nam, quỹ di sản kiến trúc Pháp của Đà Lạt có lẽ chỉ đứng sau Hà Nội, Sài Gòn, trội hơn Hải Phòng ở quỹ công trình biệt thự.

Theo thống kê trong Quyết định số 47/2017/QĐ-UBND về việc “Ban hành Quy định bảo tồn, quản lý, sử dụng quỹ biệt thự thuộc sở hữu Nhà nước trên địa bàn thành phố Đà Lạt của UBND tỉnh Lâm Đồng”, có 5 biệt thự nhóm 1, 74 biệt thự nhóm 2 và 83 biệt thự nhóm 3 thuộc sở hữu Nhà nước cần được bảo tồn, khai thác đúng quy định.

Tuy nhiên, còn hàng trăm biệt thự khác thuộc sở hữu tư nhân, mà trong số này có nhiều công trình có giá trị, vẫn chưa được thống kê, phân loại, để xác lập danh mục công trình có giá trị cần được quản lý, bảo tồn thích hợp. Ngoài việc phạm vi tác động chưa bao trùm toàn bộ quỹ biệt thự Đà Lạt, thì khối lượng công việc cần thực hiện theo quyết định 47 cũng chưa thật sự đầy đủ, hướng nhiều về công tác quản lý nhà nước mà chưa đề cập sâu đến quy trình bảo tồn vốn đòi hỏi nhiều công đoạn, tài chính và nhân lực.

Thời gian qua, nhiều nhà đầu tư trong nước và quốc tế đã tham gia vào các dự án nhằm khôi phục, bảo tồn và khai thác hệ thống biệt thự cổ, trong đó một số dự án đã hoàn thành và đi vào hoạt động hiệu quả như: Dự án của Tập đoàn Six Senses cải tạo 15 ngôi biệt thự cổ xây dựng từ những năm 1920 tại khu Lê Lai thành khu resort nghỉ dưỡng 4 sao; dự án 16 biệt thự Đường Trần Hưng Đạo của công ty Cadasa; khu biệt thự đường Nguyễn Du của Tập đoàn Hoàng Anh-Gia Lai, dự án biệt thự Phi Ánh của Công ty Trách nhiệm hữu hạn Hoài Nam….Tuy vậy, số lượng các công trình đã và đang được bảo tồn và cải tạo là còn rất nhỏ so với tổng số với các công trình công cộng và hơn 1.500 ngôi biệt thự cổ của Đà Lạt.

Rất cần những tổ chức có tâm, có tầm, có thực lực thực sự để phát huy những giá trị mà người Pháp đã để lại cho Đà Lạt.

Từ những câu chuyện ở Đà Lạt, những bài học trên thế giới, trở lại Ba Vì, ông Dương Trung Quốc cho rằng: Những bước đi đầu tiên của các nhà đầu tư trong dự án bảo tồn và khai thác các phế tích cũ tại Ba Vì, với tiêu chí giữ được các dấu tích của dự án nguyên bản của người Pháp, đồng thời khai thác đúng với mục tiêu quy hoạch ban đầu của nó là phục vụ nhu cầu nghỉ dưỡng. Giải pháp kiến trúc hài hòa với thiên nhiên và cảnh quan núi rừng, đã phần nào khơi dậy một giải pháp khả thi cho việc bảo tồn và phát triển, phải chăng đó cũng là một cơ sở cho cơ quan quản lý nhà nước đánh giá, vận dụng, khơi nguồn cho những bước phát triển tiếp theo để có được đáp án khả thi cho bài toán bảo tồn và phát triển.

Hoàng Anh
Trọng Toàn
CTV