Đạo học, đạo nghĩa nhân ở làng Hành Thiện

Làng Hành Thiện (xã Xuân Hồng, huyện Xuân Trường, Nam Định) đã nhiều tiến sĩ, cử nhân, lại lắm giáo sư, viện sỹ. Người Hành Thiện không học để cầu chức vị, nếu làm quan thì nhất định phải là quan thanh bạch.

Ngoài truyền thống khoa bảng, ngôi làng còn nổi tiếng với những người phụ nữ công, dung, ngôn, hạnh. Điển hình là hai gương mặt tài sắc vẹn toàn từng đạt vương miện trong cuộc thi Hoa hậu Việt Nam các năm 1990 và 1994.

Gọi là làng, nhưng Hành Thiện chẳng khác nào một cổ trấn tọa lạc giữa thôn quê. Ở đó có màu thời gian in hằn trên những vách tường vỏ sò rêu phong. Ở đó có những giong xóm lát gạch nghiêng thẳng như kẻ chỉ, cửa nhà san sát.

Mật độ dân số của làng Hành Thiện thuộc loại cao nhất cả nước, nhưng kiến trúc rất quy củ, mực thước. Đất chật, người đông nhưng tuyệt nhiên không ồn ào, lộn xộn. Ruộng ít, nghề nhàn nhưng vẫn sống ung dung.

Nhìn từ trên cao, làng Hành Thiện như một con cá chép, đầu hướng nam vê sông Ninh cơ, đuôi quẫy hướng bắc có sông Hồng đổ về biển lớn. Mắt cá chính là ngôi giếng cổ bên cạnh chợ Hành Thiện, gần miếu Tam Giáp được kè bằng đá xanh. Người dân coi đây là nơi linh thiêng, điểm nhãn cho ngôi làng hưng vượng. Đó là thế “đất cá hóa rồng hướng biển bay”. Truyền thống trọng chữ, trọng hiền tài của làng là cái nôi để đào tạo nhiều nhân tài, chính khách kiệt xuất cho quốc gia.

Trải qua trên 600 năm, truyền thống ấy của làng Hành Thiện được kế thừa và phát triển qua các thế hệ, nên giai đoạn nào của lịch sử đất nước cũng ươm trồng được những người con ưu tú của quốc gia. Câu ngạn ngữ “Đông Cổ Am – Nam Hành Thiện”hay “Bắc Hà Hành Thiện – Hoan Diễn Quỳnh Đôi” nổi tiếng khắp cả nước, như danh son tôn vinh sự học của làng.

Thời nho học (từ năm 1522 đến 1915), so với các làng xã trong cả nước thì Hành Thiện đứng thứ nhất số vị đỗ Hương Cống, đứng thứ nhì về số vị đỗ Đại Khoa (sau làng Cổ Am – nay thuộc xã Cổ Am, huyện Vĩnh Bảo, TP. Hải Phòng) với 7 vị đỗ Đại Khoa, 97 vị đỗ Hương Cống và 248 vị đỗ Sinh Đồ. Đặc biệt, thời nhà Nguyễn, Hành Thiện phát khoa rực rỡ nhất khi tất cả khoa thi Hương ở Thành Nam (Nam Định ngày nay) đều có người làng Hành Thiện đỗ đạt.

“Sự khác biệt của làng Hành Thiện là cả làng cùng học, giàu nghèo cùng học, thông minh sáng dạ, chậm chạp cù mì cũng học. Học không chỉ là một nghề để ấm thân, hạnh mặc mà cao hơn hết là tu thân, sống lương thiện hơn, nhân nghĩa hơn, sống có đạo lý hơn, biết đối nhân xử thế hơn”, nhà giáo Nguyễn Đăng Hùng (83 tuổi), nguyên Hiệu trưởng Trường Năng khiếu huyện Xuân Trường –Chi hội trưởng Chi hội Khuyến học – Khuyến tài làng Hành Thiện, chia sẻ.

Giáo sư – Anh hùng lao động Vũ Khiêu (người làng Hành Thiện) từng mô tả không khí học tập ở làng quê mình rằng: “Buổi sáng sớm ở làng quê ấy đã vang lên tiếng đọc sách của con trai, tiếng đạp vải của con gái xen lẫn với tiếng sáo diều réo rắt suốt đêm dài”. Còn nhà thơ Sóng Hồng (bút danh của cố Tổng Bí thư Trường Chinh) cũng có những vần thơ thật đẹp về nơi mình chôn nhau cắt rốn: “Sáng trăng trải chiếu hai hàng / Chiếu anh đọc sách, chiếu nàng quay tơ”.

Hiệu trưởng Trường Năng Khiếu huyện Xuân Trường nay là Trường Trung tâm chất lượng cao Hành Thiện. Chi hội trưởng chi hội khuyến học - kh

Người Hành Thiện cũng bộc lộ tài năng sớm, nổi bật hơn cả là thần đồng Đặng Xuân Bảng (ông nội của cố Tổng Bí thư Trường Chinh), vì nhà nghèo không có tiền theo học thầy, chỉ ở nhà đọc sách và học cha mình là cụ Đặng Viết Hòe mà đỗ tiến sĩ năm 29 tuổi. Vua Tự Đức ban khen cho cha con cụ 5 chữ: “Phụ giáo tử đăng khoa” (cha dạy con thi đỗ đại khoa). Cụ Đặng Xuân Bảng cũng là người đầu tiên ở Bắc Kỳ thiết lập được một thư viện tư nhân mang tên thư viện Hy Long với số lượng sách chứa đầy sáu gian nhà ngói tại làng Hành Thiện.

Người Hành Thiện học không để làm quan, nhưng đã làm quan thì nhất định phải là quan thanh bạch. Bởi bất cứ người nào đỗ đạt, đều được dân làng căn dặn “một đời tham lại, vạn đại ăn mày”, tức người làm việc công, phục vụ dân chúng mà tham nhũng, nhận hối lộ thì con cháu đời sau của người ấy chỉ sống kiếp ăn mày.

Cụ Nguyễn Đăng Hùng chia sẻ, để tránh gặp phải cảnh con ông cháu cha, thân hữu anh em nhờ vả, đồng thời giữ cho mình sự liêm chính, nên hầu hết người làng Hành Thiện sau khi đỗ đạt, thường chọn các tỉnh khác để làm quan huyện, quan tỉnh như ở Hải Dương, Thái Bình, Tuyên Quang, Bình Định…).

Sau này, để chống bè phái, vây cánh trong hệ thống chính trị, năm 2017, Bộ Chính trị ban hành Quy định số 98-QĐ/TW về “luân chuyển cán bộ”. Theo đó, Bí thư Tỉnh ủy, Huyện ủy và tương đương không phải là người địa phương.

Đất đai của làng Hành Thiện chật chội, chẳng đủ cầy ruộng thì phải cầy sách, “bất ly tổ phụ bất giàu sang”, người Hành Thiện luôn có ý chí hướng ngoại. Tính cách ấy đã tạo nên những người tài như Kỹ sư hóa học, vật lý Nguyễn Thế Truyền, thành viên nhóm Ngũ long (gồm: Phan Chu Trinh, Nguyễn Ái Quốc, Phan Văn Trường, Nguyễn An Ninh, Nguyễn Thế Truyền) người Việt Nam ở Paris cùng phối hợp hoạt động chống ách đô hộ của thực dân Pháp. Ông đã từng viết bài báo phản ứng hoặc góp nhiều ý kiến với Ngô Đình Diệm và được mời làm Bộ trưởng nhưng ông từ chối.

Hay bác sĩ Đặng Vũ Lạc là người đầu tiên ở Bắc Kỳ đậu cử nhân y khoa năm 1927 tại Paris; Giáo sư – Bác sỹ Đặng Vũ Hỷ là người Việt Nam đầu tiên đậu nội trú bệnh viện danh tiếng lớn nhất ở Paris, (được nhận Giải thưởng Hồ Chí Minh). Đặc biệt, ông Trường Chinh (tên thật là Đặng Xuân Khu), con cụ Đặng Xuân Viện và cháu nội cụ Tiến sĩ Tuần phủ Đặng Xuân Bảng là nhà lãnh tụ xuất sắc của đất nước.

Người Hành Thiện nhất mực tôn sư trọng đạo. Các thầy, cô giáo được dân làng kính nể tôn trọng, từ cách xưng hô và hành xử đều lễ độ đúng phép tắc. Vào những ngày lễ tết, cha mẹ cùng con đến nhà thầy chúc mừng. Khi thầy mất học trò đến an táng như đối với bố mẹ mình. Nhiều khi học trò góp tiền cùng nhau để làm giỗ thầy, tu bổ từ đường và mộ thầy. Điển hình như học trò cụ cử giáo thụ Đặng Ngọc Toản góp tiền làm nhà thờ cho cụ.

Để khuyến học, xưa kia làng Hành Thiện dùng hoa lợi hàng năm thu được từ học điền cho thuê làm quỹ học bổng cấp cho các học sỹ học giỏi. Về sau, khi ruộng đồng không còn nữa, năm 1994, một số con em đồng hương làng Hành Thiện ở Hà Nội cùng thầy giáo Nguyễn Chi đã thành lập Hội Khuyến học làm cầu nối phát thưởng cho học sinh giỏi đạt giải nhất, nhì, ba cấp tỉnh.

Theo năm tháng, số học sinh giỏi cấp tỉnh, huyện của làng không chỉ dừng lại ở hàng chục mà lên tới hàng trăm. Thế nên, khi về quê và biết được khó khăn đó, TS Đặng Vũ Chư – nguyên Bộ trưởng Bộ Công nghiệp cùng với PGS. TSKH Nguyễn Bích Đạt và doanh nhân Nguyễn Minh Hải lập Quỹ khuyến học Hành Thiện vào tháng 3/2012. Được sự hưởng ứng, đồng thuận của đồng hương, đến nay quỹ sắp đạt 2 tỷ đồng. Số tiền hơn 100 triệu gửi tiết kiệm hàng năm sẽ được Quỹ sử dụng để tặng học bổng cho các tân sinh viên của làng có hoàn cảnh khó khăn và các cháu học sinh giỏi.

Cụ Nguyễn Đăng Hùng kể, trong gần 30 năm phụ trách Hội Khuyến học Hành Thiện, trung bình mỗi năm có khoảng 50 – 70 học sinh đỗ đại học, cao đẳng. Tuy nhiên, gần như không có ai sau khi học xong trở về làng mà đều ở lại các thành phố lớn làm việc. Trong số đó, rất nhiều người trở thành tiến sĩ khi tuổi đời còn rất trẻ như TS Công nghệ Sinh học Đặng Hoàng Lâm ở giong 13, làng Hành Thiện (Singapor cấp bằng tiến sĩ năm 2013, 28 tuổi); TS Công nghệ Thông tin Phạm Thị Minh Trang ở giong 10 (Australia cấp bằng năm 2019, 27 tuổi); TS Khoa học kinh tế Phạm Thành Vinh ở giong 7 (Hoa Kỳ cấp bằng năm 2018, 28 tuổi); TS Địa kỹ thuật Phạm Minh Tuấn ở giong 6 (Cộng hòa Pháp cấp bằng năm 2019, 32 tuổi)…

Thống kê của Hội Khuyến học – Khuyến tài làng Hành Thiện cho thấy, từ thế kỷ XX đến nay làng có 211 giáo sư, phó giáo sư và tiến sĩ. Trong đó nhiều giáo sư, tiến sĩ về y khoa, xã hội học, vật lý, sinh học, địa chất, kinh tế, năng lượng, hàng không vũ trụ, công nghệ thông tin, khoa học quân sự, luật, cơ khí…; 8 Nhà giáo nhân dân (điển hình là cố Giáo sư xã hội học – Anh hùng lao động Đặng Vũ Khiêu ở giong 9 (được trao tặng Giải thưởng Hồ Chí Minh); 18 Nhà giáo ưu tú; 6 Thầy thuốc nhân dân; 5 Thầy thuốc ưu tú; 11 tướng lĩnh quân đội; 1 Nghệ sỹ nhân dân (Đặng Xuân Hải) và 1 Nghệ sỹ ưu tú (Đặng Đức Hiền). Đặc biệt, nguyên Tổng Bí thư Trường Chinh và Trung tướng Đặng Quân Thụy (nguyên Phó Chủ tịch Quốc hội) được trao tặng Huân chương Sao vàng.

Nhiều người con của làng Hành Thiện cũng giữ chức vụ cao trong các cơ quan Trung ương như PGS. TS Đặng Quốc Bảo  - Trưởng ban Khoa giáo Trung ương; GS Đặng Xuân Kỳ (1931 – 2010) - Chủ nhiệm Ủy ban Khoa học Xã hội; GS. TSKH, Viện sĩ Đặng Vũ Minh – Chủ nhiệm Ủy ban Khoa học và Xã hội của Quốc hội. Ngoài ra còn có ông Đặng Vũ Chư - Bộ trưởng Bộ Công nghiệp và ông Đặng Hồi Xuân - Bộ trưởng Bộ Y tế…

Lý giải về mảnh đất “đã nhiều tiến sĩ, cử nhân, lại lắm giáo sư, viện sỹ”, thầy Nguyễn Đăng Hùng chia sẻ rằng, truyền thống hiếu học được tích lũy qua nhiều đời đã trở thành dòng gen trí tuệ, thấm sâu vào trong dòng máu của người Hành Thiện.

“Chúng tôi luôn nói với các trò giỏi, thi đỗ đạt cao phải nhớ đến tiên tổ đã di truyền cho các cháu dòng máu trọng chữ, trong nhân tài ấy. Bởi vậy, sau khi đạt được vinh quang trong sự nghiệp, mọi người đều trở về quê hương “vinh quy bái tổ”, cụ giáo Hùng giải thích thêm rằng, “bái tổ” không phải là trở về nhà thờ họ để bái lạy ông bà, tổ tiên, mà là dâng lễ ra đình làng để tạ ơn các vị khoa bảng, tiền liệt qua nhiều thế hệ đã xây dựng truyền thống giáo dục cho dân làng.

Làng Hành Thiện có nhiều tập tục đẹp về đời sống, tâm linh, văn hóa, xã hội nên được vua Tự Đức ban khen biển đề 4 chữ “Mỹ tục khả phong” sơn son thếp vàng năm 1863, được lưu giữ tại đình làng.

Có lẽ, đặc sắc nhất là tục mừng thọ 3 năm mới tổ chức một lần vào các năm Dần, Thân, Tị, Hợi. Những năm còn lại, người trong làng không tổ chức mừng thọ dù tuổi đã 60 trở lên. Cụ Nguyễn Đăng Hùng cho biết, không kể giàu nghèo, cấp bậc, chức tước, tất cả các cụ cao niên đều được người dân rước kiệu lên chùa. Người cao tuổi hơn được ngồi hàng trên. Các cụ bà được làng mừng thọ vào ngày 14/2 âm lịch, còn cụ ông được làng mừng thọ vào ngày 15/2 âm lịch.

Mùa xuân năm Kỷ Hợi 2019, cụ Hùng đến tuổi thượng thọ cũng là lần thứ ba hội cựu học sinh (hơn 300 người) từ mọi miền đất nước tề tựu về ngôi nhà cổ của cụ. Họ góp tiền, dựng phông bạt, nấu ăn tổ chức lễ mừng thọ thầy. Trong đó, có rất nhiều học trò thành đạt như PGS. TS Nguyễn Bích Đạt – nguyên Thứ trưởng Bộ Kế hoạch và Đầu tư; Thiếu tướng, GS. TS, Thầy thuốc nhân dân Nguyễn Việt Tiến – nguyên Phó Giám đốc Bệnh viện Trung ương Quân đội 108; PGS. TS Y khoa  Đặng Đức Nhu và nhiều giáo sư, tiến sỹ khác. Họ đã tặng người thầy của mình những vần thơ thật đẹp: “Kỷ Hợi thầy cô đón bát tuần / Song đôi cánh hạc giữa trời xuân / Trải đời giáo chức luôn thanh bạch / Tới thuở nghỉ hưu vẫn kiệm cần / Dốc sức trọng tài, tâm đỏ thắm / Dầy công khuyến học, đức trong ngần…”. Đối với thầy giáo Hùng, đó là hạnh phúc thiêng liêng nhất.

Ngoài những tập tục đẹp, ít người biết làng Hành Thiện có 2 Hoa hậu Việt Nam. Đó là Hoa hậu Nguyễn Diệu Hoa sinh năm 1969 (có mẹ là bà Đặng Nguyệt Bính), đăng quang năm 1990 khi đang là sinh viên năm thứ 5 khoa tiếng Nga tại Đại học Ngoại ngữ Hà Nội.

Sau khi tốt nghiệp, cô học thêm bằng cử nhân tiếng Anh, học thạc sĩ Quản trị kinh doanh tại Thái Lan đạt xuất sắc và được Công chúa Thái Lan trao bằng. Ngoài ra, cô còn thông thạo tiếng Nga, Pháp và Ấn nên được Niên giám Kỷ lục Việt Nam ghi nhận là “Hoa hậu thông thạo nhiều ngoại ngữ nhất” vào năm 2006. Năm 2008, cô tham gia thi Hoa hậu Quý bà tổ chức tại Nga và lọt bào top 5.

Người trong làng Hành Thiện đã sáng tác bài thơ để tôn vinh Hoa hậu Nguyễn Diệu Hoa: “Làng ta phái đẹp mở sang trang / Lần đầu Hoa hậu được đăng quang / Bằng đại học xong rồi thạc sĩ / Công chúa trao bằng tại Thái Lan / Tài năng thông thạo 5 ngoại ngữ / Quý bà Thế giới đứng trong hàng”.

Hoa hậu thứ 2 là Nguyễn Thu Thủy (1976 – 2021), đạt vương miện Hoa hậu Việt Nam và giải trả lời ứng xử hay nhất năm 1994 khi 18 tuổi, lúc đang là sinh viên Học viện Quan hệ quốc tế khóa 22. Cô từng du học ở Mỹ, ưa đọc sách, viết văn, du lịch và mở quỹ từ thiện của Công ty do mình là Chủ tịch kiêm Tổng giám đốc để giúp đỡ bệnh nhân hiểm nghèo.

Ngoài hoa hậu Nguyễn Diệu Hoa và Hoa hậu Nguyễn Thu Thủy, làng Hành Thiện còn có Á hậu 2 tại cuộc thi Hoa hậu thế giới người Việt năm 2007 là Đặng Minh Thu (sinh năm 1988, có bố họ Đặng Xuân người Hành Thiện).

Theo cụ Nguyễn Đăng Hùng, khi xưa bà Nguyễn Thị Thuấn vợ cử nhân Lý Thản (làng Hành Thiện) cũng được vua Khải Định ban tặng 4 chữ “Tiết hạnh khả phong”. Mặc dù chồng mất sớm khi bà mới 20 tuổi, có 1 con trai cũng mất khi còn nhỏ, bà Thuấn ở vậy thờ chồng con, phụng dưỡng cha mẹ đến trọn đời.

Một tấm gương phụ nữ hiếu học nổi tiếng là bà Vũ Thị Uyển. Chồng bà là Đặng Văn Tường, lấy bà được gần 10 năm, chịu khó học tập và đỗ cử nhân. Bà có 4 con trai đều đỗ cử nhân. Dân làng gọi là gia đình “Tứ tử đăng khoa”. Bà bắt các con gái phải khuyến khích chồng học tập nên các con rể của bà, một người là Nguyễn Ngọc Liên đỗ tiến sỹ đệ nhất danh, một người là Đặng Đức Cường đỗ cử nhân làm Tổng đốc.

Ngày nay, có nhiều gia đình, nhiều dòng họ trong làng giàu chữ, giàu lòng hiếu nghĩa thảo hiền, hạnh phúc ấm no, luôn biết tu luyện gìn giữ chữ đạo, chữ tâm trong sáng.

Minh Phúc
Trọng Toàn
Minh Phúc