Đất đai, nhà cửa, xe cộ và chuyện liêm sỉ, lòng tự trọng của cán bộ

Đối thoại trên Báo Nông nghiệp Việt Nam, nguyên Phó Chủ nhiệm Ủy ban Văn hóa, giáo dục, thanh thiếu niên và nhi đồng Quốc hội, đại biểu Quốc hội Khóa XII, XIII Lê Như Tiến cho rằng: Đừng đổ lỗi cho cơ chế, đừng đổ lỗi cho môi trường, đừng đổ lỗi cho khung pháp lý này nọ...

“Vấn đề ở chỗ, thân làm cán bộ, công chức, viên chức có vượt qua được cám dỗ, vượt qua được “bả” quyền lực và ma lực của đồng tiền hay không mà thôi”.

Thưa ông, liên quan đến tài sản công, thời gian qua có khá nhiều lùm xùm. Từ chuyện hô biến nhà đất công sản, chuyện sử dụng xe công đón người nhà, chuyện chây ỳ trả nhà công vụ... Đó đều là những chuyện gây dư luận không tốt trong xã hội, phản ánh một thực trạng cố tình “biến của công thành của ông”, ông nghĩ gì về thực trạng này?

Trong 2 nhiệm kỳ đại biểu Quốc hội khóa XII và XIII, tôi đã nhiều lần đề cập đến vấn đề đạo đức công vụ trên nhiều diễn đàn. Có thể thấy, đạo đức công vụ là cách hành xử của những người thực hiện nhiệm vụ công nhưng phải có đạo đức của người thì hành công vụ và những quy định đó đã được thể hiện rõ trong Luật Cán bộ công chức, viên chức, Luật Phòng chống tham nhũng, Luật Thực hành tiết kiệm chống lãng phí và một số luật khác...

Nói như thế để khẳng định, các quy định về đạo đức công vụ đã rõ, vấn đề đáng bàn ở đây là việc thi hành như thế nào. Chúng ta không thể nói là chưa có khung pháp lý về đạo đức công vụ, bởi vì trong quy định của Đảng đã có những điều đảng viên không được làm, trong Luật Công chức, viên chức cũng ghi rất rõ những gì được và không được làm. Đi kèm với đó là hàng loạt các luật chuyên ngành như Luật Giáo dục đào tạo, Luật Đấu thầu... những điều luật nghiêm cấm công chức, viên chức không được có những hành vi thông thầu, đi đêm… Theo tôi, cần bàn về thực tiễn của việc thực thi luật hiện nay, đang rất yếu.

Bằng chứng là vẫn có thực trạng công chức, viên chức, cán bộ dùng xe công đưa đón người nhà, đón con cái đi học, đón vợ đi chùa, đưa đón người thân về quê và nhiều công chức ở một số tỉnh còn nườm nượp biển xanh đến nhà sếp mừng sinh nhật người nhà sếp, mừng nhà mới của sếp... Hay mới đây là những trường hợp dùng xe công đến tận chân cầu thang máy bay để đón người nhà.

Cộng với thực trạng có những người thực thi công vụ trong thời gian công tác được nhận nhà, xe công vụ nhưng khi hoàn thành nhiệm vụ đã không trả lại cho nhà nước, gần như là động thái cố tình chiếm đoạt. Lại có những cán bộ, công chức thì lợi dụng chức vụ, quyền hạn để chiếm dụng tài sản công, đất đai, nhà cửa…

Đó là những tiếng chuông cảnh báo không chỉ về đạo đức công vụ mà còn là lương tri của mỗi con người. Khi không còn ở vị trí từng công tác, tài sản cũng không phải là của mình vậy tại sao lại chiếm đoạt? Xe công để làm nhiệm vụ công tại sao lại dùng vào việc riêng? Nhà công vụ lại biến thành nhà riêng, đất công biến thành đất tư?... Từ chuyện ông Bộ trưởng đưa xe công vào tận chân máy bay đón vợ, ông Phó Bí thư Tỉnh ủy cũng có hành động tương tự. Đó là những hành động vụ lợi tài sản công và hành động này cần phải bị lên án. Xét cho cùng, những tài sản công này, nói là của Nhà nước nhưng sâu xa chính là tiền thuế của nhân dân, và chúng ta không thể để lơi lỏng được.

Điều này cũng cho thấy, trong hệ thống công vụ của chúng ta cần có sự chỉnh đốn.

Thứ nhất, chúng ta phải hoàn thiện khuôn khổ pháp lý về đạo đức công vụ. Mặc dù khuôn khổ hiện nay đã tương đối đầy đủ nhưng trong Luật Phòng chống tội phạm, Luật Phòng chống tham nhũng dường như vẫn còn kẽ hở cho những tội danh như chiếm đoạt nhà công vụ, xe công, đất công, tài sản công…

Thứ hai, các cơ quan Thanh tra của Chính phủ, Ủy ban Kiểm tra của Đảng ủy các cấp từ Trung ương xuống cơ sở, các tổ chức giám sát của các cơ quan dân cử như Quốc hội, Hội đồng Nhân dân phải hoạt động mạnh mẽ hơn, Mặt trận Tổ quốc Việt Nam cần giám sát và phản biện xã hội nhiều hơn nữa để phát hiện, chấn chỉnh những hiện tượng trên.

Có cảm giác, dường như chúng ta vẫn còn những khoảng trống hoặc làm chưa đầy đủ chức năng nhiệm vụ của mình. Hiện nay, có rất nhiều kênh là cánh tay nối dài, là tai mắt của Đảng và Nhà nước, như nhân dân hay các cơ quan truyền thông, báo chí cũng là lực lượng phát hiện, phanh phui ra rất nhiều vụ mà chính cơ quan nhà nước không phát hiện được. Vì vậy, chúng ta cần sử dụng, phát huy vai trò của nhân dân, tổ chức xã hội và các cơ quan thông tin đại chúng, tham gia vào việc phòng chống tham nhũng, từ đó mới có thể xử lý được tận gốc vấn đề này.

Do đó, tôi cho rằng các cơ quan cấp trên, Đảng, Chính phủ, các cơ quan kiểm tra, giám sát phải vào cuộc, làm rõ, phanh phui các vụ việc này ra. Dư luận xã hội làm nên sức mạnh rất lớn, một phần nhờ vào các cơ quan truyền thông, báo chí. Từ đó, dần dần dẹp tận gốc các vụ việc vi phạm pháp luật, tạo ra một cuộc sống thân thiện, an lành và vì dân hơn.

Như ông nói, khuôn khổ pháp lý chúng ta có và khá đầy đủ nhưng vẫn có nhiều vụ việc vẫn lặp đi lặp lại đến mức “biết rồi, khổ lắm, nói mãi”. Đến mức những hiện tượng dần trở thành “căn bệnh”. Đến mức có những dư luận đã đánh đồng “cán bộ đều thế cả”... Rõ ràng đây chỉ là bộ phận nhỏ nhưng đang gây ra những tai tiếng lớn cho “người nhà nước”, ông nhận định gì về tình trạng này?

Thực tế không có luật lệ, quy phạm pháp luật nào có thể điều chỉnh được con người khi chính con người không có đạo đức, không hướng thiện, không hướng về quy chuẩn mà xã hội đã thừa nhận. Ví dụ, khi vi phạm dùng tài sản công làm của riêng đó là chiếm đoạt tài sản của Nhà nước, của nhân dân, đó là vi phạm đạo đức của người thi hành công vụ.

Ngoài rung lên tiếng chuông cảnh báo, chúng ta cần phải nói lên tiếng nói của lương tri để thức tỉnh họ, từ đó mới hướng họ và đạo đức, về quy chuẩn còn nếu không thì dù có bao nhiêu quy định thì việc vi phạm vẫn tái diễn từ lần này đến lần khác, từ năm này đến năm khác.

Để xảy ra tình trạng này, có thể nói là do các quy định của chúng ta chưa có những chế tài nghiêm khắc các vi phạm và khi phát hiện ra vi phạm thì vấn đề xử lý cũng chưa nghiêm. Chính vì vậy, nếu là người có lương tri họ sẽ tự mình xin thôi vị trí công tác nếu để xảy ra vi phạm.

Ý thức, sự tự giác của mỗi con người làm nên đạo đức công vụ, vì nếu có bao nhiêu quy định mà con người lờ đi, vẫn làm sai để vụ lợi theo mục đích cá nhân, lợi ích nhóm thì đạo đức công vụ cũng xếp sang một bên.

Cơ quan cấp trên của những cán bộ này cần nghiêm khắc hơn, sẵn sàng rút thẻ đỏ như trong bóng đá nếu đã rút thẻ vàng cảnh cáo nhưng vẫn tái phạm.

Sau 2 nhiệm kỳ Đại biểu Quốc hội, tôi thấy rất đau lòng khi thấy người dân đánh giá rằng “cán bộ đều thế cả”. Thực ra, đó là hiện tượng “con sâu làm rầu nồi canh”, bởi vì trong đội ngũ cán bộ của chúng ta còn rất nhiều người tốt. Nếu như cán bộ công chức không tốt mà chủ yếu tha hóa thì mọi chuyện đã khác, sự thật là có một tỷ lệ nhỏ đã “làm hỏng cả nồi canh”.

Vì vậy, chúng ta phải tìm cách tránh, làm sao đừng để “một con sâu làm hỏng nồi canh”, một hai người làm ảnh hưởng đến cả đội ngũ cán bộ. Có thể thấy, những lãnh đạo chiếm đoạt  tài sản, những lãnh đạo lợi dụng tài sản công không nhiều, một vài phần thôi nhưng vẫn làm ảnh hưởng đến tất cả đội ngũ.

Sở dĩ có điều này, bởi vì mỗi cán bộ đều có thể được xem như hình mẫu để nhân dân nhìn vào học tập. Nếu có người vi phạm, sẽ khiến nhân dân nghĩ rằng cả hệ thống có vấn đề. Vì vậy tôi cho rằng, bản thân mỗi cán bộ, nhất là những cán bộ cấp cao phải tự rèn luyện, tu dưỡng, nhìn lại mình và hiểu rằng mỗi hành vi của mình sẽ ảnh hưởng đến toàn xã hội.

Một mặt, các cán bộ phải tự sửa mình như Bác Hồ từng nói trong Thư gửi Ủy ban Nhân dân các kỳ, tỉnh, huyện và làng: Chúng ta không sợ sai lầm, nhưng đã nhận biết sai lầm thì phải ra sức sửa chữa. Mặt khác, tôi nghĩ người dân, công luận cũng không nên đánh đồng cả đội ngũ cán bộ tốt với một vài “con sâu”. Đó là cách nhìn nhân bản, khách quan, biện chứng giữa cái xấu và cái tốt, không nên đánh đồng.

Chúng ta vẫn thường ví rằng, những người thực thi công vụ phải là đầy tớ của nhân dân, nhưng thực tế cho thấy, những “đầy tớ nhân dân” nắm trong tay quyền lực xã hội trao cho họ. Điều đó đã tạo ra hiện tượng tha hóa quyền lực, tham ô, lợi ích nhóm... Theo ông, đạo đức công vụ liệu có phải là căn cơ giải quyết những vấn đề này hay không?

Khi còn công tác trong Quốc hội, tôi đã từng cảnh báo rất nhiều lần về việc chúng ta phải kiểm soát quyền lực. Bởi vì nếu không bị kiểm soát, quyền lực sẽ tha hóa. Tất cả các nước trên thế giới đều có kiểm soát quyền lực và việc kiểm soát quyền lực sẽ khiến những người có quyền lực không dám lộng quyền, không dám tham nhũng, không dám làm những điều vượt lên trên chức năng, nhiệm vụ, quyền hạn của anh.

Phải kiểm soát quyền lực bằng nhiều cơ chế, chính sách pháp luật khác nhau, không để những người có chức có quyền trở thành những kẻ lộng quyền, chuyên quyền, độc đoán... Những thói xấu khiến họ nghĩ trên trời chỉ có mình họ thôi. Tôi cũng từng nghe chuyện, có một người tự vỗ ngực thách thức người khiếu kiện. Ngông nghênh đến mức như thế thì phải có cơ quan kiểm soát quyền lực chứ.

Nhưng những cái yếu, những vấn đề còn tồn tại của chúng ta trong việc thực thi quyền giám sát, kiểm soát quyền lực đã để cho một bộ phận cán bộ, công chức, viên chức, những người thực thi công vụ lộng hành, coi thường luật pháp, tham ô, tham nhũng, lợi ích nhóm...

Theo tôi, cái yếu nhất của công tác cán bộ hiện nay là kiểm soát quyền lực, còn cái yếu của kiểm soát quyền lực là công tác thanh tra, kiểm tra. Nếu một cán bộ đứng đầu địa phương công tác trong môi trường chịu sự thanh tra, kiểm tra, giám sát thường xuyên thì anh ta sẽ không dám làm liều. Chắc chắn thế.

Ngoài ra, một vấn đề yếu nữa là người dân chưa thực sự giám sát các hoạt động của các cơ quan nhà nước. Các tổ chức chính trị xã hội chưa tham gia nhiều vào việc giám sát và phản biện xã hội. Các cơ quan truyền thông chưa được quyền thực sự để tìm hiểu, phanh phui những điểm yếu của cơ quan nhà nước...

Nhân đề cập đến câu chuyện giám sát, thưa ông, mới đây nhất, hàng loạt cựu lãnh đạo Bộ Công thương, lãnh đạo, cán bộ UBND Thành phố Hồ Chí Minh bị khởi tố đều liên quan đến đất công, có những người đương chức, có những người đã “hạ cánh”, có những sai phạm xẩy ra từ lâu, trải qua một giai đoạn dài khiến dư luận mong mỏi, chờ đợi kết quả xử lý. Ông nghĩ gì về vấn đề này?

Trước hết phải khẳng định, nếu chúng ta thanh tra, kiểm tra, giám sát kịp thời thì đã không để tới mức ông Vũ Huy Hoàng, bà Hồ Thị Kim Thoa và nhiều cán bộ từ trung ương đến địa phương xẩy ra những vi phạm nghiêm trọng từ đất đai đến công tác cán bộ...

Nếu chúng ta kiểm tra, giám sát tốt sẽ không có chuyện 12 đại dự án nghìn tỷ của Bộ Công thương nằm đắp chiếu, đất đai sử dụng không đúng mục đích, gây hậu quả nghiêm trọng, thất thoát tài sản nhà nước... Nếu chúng ta thanh tra, kiểm tra kịp thời thì không đến nỗi các vị ấy hạ cánh rồi mới bị phanh phui...

Nếu chúng ta thanh tra, kiểm tra kịp thời thì đã không để các sai phạm tích tụ trở thành ung nhọt như thế này rồi mới bị xử lý.

Nếu chúng ta thanh tra, kiểm tra, xử lý tốt thì đã không có việc có những đồng chí lên đến Ủy viên Bộ Chính trị rồi mới bị xử lý. Đó là vấn đề đang yếu của chúng ta trong việc thực thi pháp luật, thực hành pháp luật. Tức là cần phải có những cảnh báo trong việc thực thi công vụ hàng ngày, hàng giờ

Tất nhiên, nhìn nhận ở mặt khác, điều này cũng có những mặt tích cực, đó là không có vùng cấm, không có ngoại lệ, không có chuyện nghỉ hưu là hạ cánh an toàn mà vẫn phải chịu trách nhiệm trước pháp luật.

 

 

Thưa ông, từ những vấn đề mất cán bộ, những điểm nóng, đã có nhiều ý kiến phân tích về mặt trái của cơ chế thị trường, tức là cám dỗ đồng tiền chi phối quá lớn vào đạo đức công vụ, ông nghĩ sao?

Tôi thấy có cả vấn đề về đạo đức lẫn vấn đề cơ chế thị trường. Cơ chế thị trường là đồng tiền đã làm lu mờ chức năng công vụ. Nếu công bộc của dân không vượt lên, không chiến thắng được ma lực của đồng tiền, không chiến thắng được cám dỗ rất lớn thì sẽ hỏng.

Thứ hai, nếu anh có đạo đức công vụ, có bản lĩnh của người thực hành công vụ thì đồng tiền không cám dỗ được anh. Hai vấn đề này gắn kết với nhau, quyện vào với nhau. Cơ chế thị trường vào với đồng tiền thống trị, không có nghĩa là tất cả. Đồng tiền là ma lực, có sức hút mạnh mẽ làm nhiều cán bộ đảng viên không chống đỡ nổi, nhưng nếu những người thực thi công vụ có bản lĩnh tốt, tay không nhúng chàm thì hoàn toàn có thể vượt qua được, phẩm chất đạo đức anh tốt, bản lĩnh anh tốt, không ai làm gì được anh.

Tức là vấn đề không chỉ ở cơ chế thị trường mà phải nâng cao bản lĩnh của người thi hành công vụ. Nếu bản lĩnh người thi hành công vụ có đạo đức công vụ đi kèm thì họ sẽ chiến thắng. Ngược lại, họ sẽ bị tham nhũng đẩy lùi. Điều này rất tai hại, bởi khi quốc nạn càng mạnh thì quốc sách phải đầu hàng.

Và khi vật chất chi phối quyền lực, chi phối đạo đức công vụ đồng nghĩa với việc những người thực thi công vụ mất hết lòng tự trọng, thưa ông?

Đúng. Điều đó là đúng. Quyền lợi, lợi ích vật chất, tiền bạc có thể làm tha hóa quyền lực. Quyền lực lúc đó không vì nhân dân, không vì đất nước nữa mà vì lợi ích cá nhân, lợi ích nhóm. Thời gian qua chúng ta biết rồi, ông Vũ Huy Hoàng, bà Hồ Thị Kim Thoa và một số ông Bộ trưởng, quan chức khác, đó chính là tha hóa quyền lực, sa sút phẩm chất, không giữ được bản lĩnh của mình, suy cho cùng vẫn là không giữ được đạo đức công vụ.

Tôi nghĩ rằng có nhiều yếu tố để rèn giũa cán bộ. Đó có thể là giáo dục, truyền thống gia đình, môi trường công tác... Nhưng quan trọng nhất vẫn là bản thân tự rèn luyện. Có những người khi mới được lựa chọn vào một vị trí nào đó họ rất tốt, nhưng khi chức vụ lên càng cao thì dường như càng xa dân, xa sự quản lý, lãnh đạo, nẩy sinh tự kiêu, tự phụ, tự đại... Cộng với việc không đưa họ vào những môi trường rèn lyện khắc nghiệt để thử thách họ, để bản lĩnh họ tỏa sáng mà đã vội đẻ non chín ép.

Không ai dạy mình phải làm sao cho đúng, chỉ có chính bản thân mình tự nhận thức, rèn giũa để có thể nhận thức được việc này mình không thể làm được vì nó sai pháp luật, việc này không thể làm được vì vi phạm điều cấm của Đảng, việc này không thể làm được vì nhân dân đang nhìn vào mình... Có nghĩa là với lòng tự trọng, tự nhận thức của cán bộ, đảng viên thì phải tự biết điều đó, chứ không ai dạy được điều đó. Có chăng, những người đó đã được dạy dỗ qua nhiều môi trường công tác, phải biết cái gì được làm, không được làm. Đừng nói cơ chế, đừng nói môi trường không tạo điều kiện, tại sao cùng môi trường ấy lại có rất nhiều người tiến bộ tốt, trong khi nhiều người khác lại thui chột...

 

 

Nhân nói đến chuyện xa dân, thưa ông, thời gian qua nhiều cán bộ lãnh đạo bị nhắc nhở do “lười tiếp dân”. Thực tiễn cũng cho thấy, ở nhiều nơi, khoảng cách giữa dân và cán bộ như thể có một bức tường vô hình ngăn cách. Theo ông, liệu có phải là nguyên nhân khiến việc giám sát quyền lực bị hạn chế, nguyên nhân khiến những bức xúc trong xã hội chưa được giải quyết triệt để, thậm chí là xẩy ra những hậu quả đáng tiếc?

Chúng ta đã đã thông qua Luật Khiếu nại tố cáo trong đó có hẳn một chương về quy định tiếp dân. Nhưng tôi nghĩ rằng vấn đề này đang còn hời hợt. Vẫn còn tình trạng tiếp dân theo kiểu cho xong, nhận đơn rồi chuyển chứ không phải với tâm thế tiếp dân để tìm hiểu xem tâm tư, nguyện vọng của dân thế nào, khó khăn ra sao, bản chất vụ việc người dân khiếu nại đến mức độ nào để cùng với các cơ quan chức năng giải quyết. Vẫn còn tình trạng đôi khi cán bộ tiếp dân giống như người bưu tá, nhận đơn xong chuyển cho người khác.

Lại có những người tiếp dân với thái độ vô cảm, nghe rồi để đấy thôi, không thẩm thấu được nỗi đau của dân vào chính mình. Đó chính là điều còn yếu. Chúng ta đã quy định người đứng đầu trực tiếp tiếp dân nhưng phần lớn đã giao lại cho văn phòng, nhân viên tiếp dân. Họ là những người không có thẩm quyền, không giải quyết được vấn đề, cho nên tiếp rồi để đó thôi. Tiếp dân như thế không còn ý nghĩa nữa.

Tiếp dân phải thẩm thấu nỗi đau của dân. Chứ cái kiểu “ông đến làm gì đấy, đưa đơn đây”, xong đuổi họ về sẽ nẩy sinh các hệ lụy rất lớn. Chúng ta thấy Thủ Thiêm, Đồng Tâm, Văn Giang... rồi, những vụ việc nhiều năm không được giải quyết triệt để,  bức xúc tích tụ lại thành những nỗi đau lớn. Việc tiếp dân lỏng lẻo, hạn chế cũng trở thành những tiếng chuông cảnh báo cơ quan hành chính nhà nước.

Hoàng Anh
Trọng Toàn
Tùng Đinh