'Đất lành chim đậu' ở cù lao không hóa chất

Bỏ sau lưng ồn ào của phố thị, du khách đến đảo Bầu sẽ cảm nhận được không khí trong trẻo mát lành, ngắm đàn cò hàng vạn con ngay gần trung tâm thành phố và trải nghiệm thú vị về cách làm nông nghiệp hữu cơ, sinh thái, thân thiện với môi trường.

 

Tại thành phố cảng Hải Phòng, Khu du lịch sinh thái đảo Bầu là cái tên không còn mới mẻ dành cho những ai yêu thích du lịch sinh thái.

Đảo Bầu nằm cách trung tâm TP Hải Phòng chưa đầy 10km, thuộc địa bàn 2 xã Mỹ Đức và Thái Sơn (huyện An Lão). Trước kia, đây là khu vực đồng hoang, đất bị nhiễm mặn, chua phèn nên người dân không thể canh tác.

Bao quanh đảo là một nhánh sông phụ nên bèo tây dày đặc, để khơi thông dòng chảy phải mất cả tháng trời với hàng chục người làm ngày làm đêm mới có thể hoàn thành.

Hoang sơ, ngổn ngang là vậy nhưng chỉ sau hơn 10 năm cải tạo, với bàn tay khối óc và hàng nghìn tỷ đồng được đầu tư, ông Bùi Minh Họa đã biến khu đầm hoang thành hòn đảo du lịch sinh thái nông nghiệp với diện tích gần 80ha, được quy hoạch bài bản và hiện đại.

Điều độc đáo thú vị mang lại sự tò mò, muốn tìm hiểu và khám phá miền đất mới này chính là cái tên đảo Bầu. Theo ông Họa, cái tên đó bắt nguồn từ hình dạng của khung trang trại, khi nhìn từ trên cao có thể thấy hình mảnh đất giống như một hình quả bầu, có khúc sông bao quanh và điểm đáy của quả bầu sẽ chạy sát ra đường cao tốc Hà Nội - Hải Phòng, có thể nhìn thấy ngay từ trên đường.

Mảnh đất hoang sơ này trước đây chỉ có một con đường độc đạo đi vào trong đảo, sau khi bỏ cả trăm tỷ đồng ra cải tạo và công sức của nhiều thế hệ người lao động mới có con đường uốn lượn đầy hoa trái vòng quanh đảo như hôm nay.

Con đường dẫn vào đảo hôm nay được thiết kế rất độc đáo, tạo ấn tượng từ cách kết hợp màu sắc với gam màu chủ đạo là màu xanh, khiến chúng tôi có cảm giác như được trở về với thiên nhiên, được sống lại những ký ức tuổi thơ với những câu chuyện dường như chỉ có trong cổ tích.

Đến đảo Bầu, chúng tôi bỏ lại sau lưng sự ồn ào náo nhiệt của đô thị, thay vào đó là bầu không khí trong trẻo mát lành của những mái nhà sàn, vườn cây ao cá. Và đặc biệt hơn cả là khúc sông uốn mình quanh đảo, tròn trịa, độc đáo như quả bầu dập.

Dọc theo con đường dẫn đến đảo Bầu, cuộc sống của người dân vẫn toát lên nguyên nét thuần nông, yên bình, đậm chất làng quê của vùng ĐBSH, tạo cảm giác nhẹ nhàng khoan khoái.

Ngay từ bước chân đầu tiên đã khiến tôi thích thú bởi khung cảnh nơi đây bình yên đến kỳ lạ, phảng phất đâu đây mùi thơm dịu mát của hương đồng gió nội như một lời chào ấn tượng.

Theo giới thiệu của ông Bùi Minh Họa, chúng tôi gặp chị Hoàng Diệp – một hướng dẫn viên còn rất trẻ nhưng là người yêu thiên nhiên, yêu du lịch sinh thái và luôn mong muốn có cơ hội cống hiến sức trẻ của mình để mang đến những trải nghiệm tuyệt vời cho những người cùng sở thích.

Chỉ vào khu vườn bưởi Diễn đang bói quả của trang trại, Hoàng Diệp cho hay, toàn bộ cây bưởi ở đây đều được lấy giống từ tận làng Phủ Diễn, huyện Từ Liêm, Hà Nội. Khi đưa về đây trồng, trang trại đã áp dụng một số phương pháp chăm sóc đặc biệt để cây cho ra những quả có hình dáng, màu sắc và hương vị giống với quả bưởi trồng ở địa phương.

Không chờ chúng tôi hỏi, Hoàng Diệp lý giải, sở dĩ trang trại lựa chọn giống bưởi Diễn để trồng vì giống bưởi này có hình dáng và màu sắc rất đẹp, mùi thơm và cho quả nhiều, nhất là vào dịp Tết Nguyên đán mà giá trị cũng rất cao.

“Đưa bưởi Diễn về trồng trước hết là phục vụ người dân TP Hải Phòng và xa hơn nữa là người dân ở các tỉnh lân cận. Khách đến tham quan đảo Bầu ngoài ngắm cảnh sẽ được thưởng thức đặc sản bưởi Diễn của đất Hà Thành ngay tại An Lão”, Hoàng Diệp nói.

Sải bước trên con đường đầy hoa, trái vòng quanh đảo, một người trong đoàn bỗng sững lại khi phát hiện có nhiều ong mật. Hoàng Diệp giải thích, do trên đảo có nhiều cây trái, hoa quả nên đã tận dụng để nuôi 30 tổ ong để lấy mật.

Đây chủ yếu là giống ong nội, nguồn hoa chủ yếu để ong hút mật là hoa vải và hoa nhãn. Vào chính vụ, sản lượng mật ong thu được rất cao, cứ 7 đến 10 ngày là có thể thu hoạch được một lần. Còn khi đã vãn mùa hoa thì thời gian lấy mật chậm hơn, có thể kéo dài hơn khoảng 1 tháng và khi đến mùa đông hết hoa, trang trại sẽ sử dụng lại chính mật non của con ong để nuôi lại mà không sử dụng nước đường như một số nơi khác.

Đi qua khu vực đồi nuôi ong, chúng tôi tiếp tục được tham quan trải nghiệm tại những vườn cây ăn trái sai trĩu quả.

Đưa mắt nhìn về phía cuối rặng dừa, chúng tôi tiếp tục bị ấn tượng mạnh bởi khung cảnh đẹp rực rỡ của hoa, trái. Trải dài 2 bên đường vòng quanh đảo là hàng cây hoa muồng hoàng yến vàng ruộm, rất đẹp và mỹ lệ.

Men theo con đường hoa muồng hoàng yến vàng rực, bước chân đưa chúng tôi đến khu trải nghiệm vườn cây ăn quả đặc sản với tiêu chuẩn VietGAP rộng khoảng 5ha, là khu vực thu hút được nhiều du khách khi đến đảo Bầu.

Những vườn ổi, vườn mít trĩu quả như mời gọi khách tham quan thỏa sức thu hoạch mang về làm quà. “Hoa quả rất sạch, nếu muốn có thể hái xuống và thưởng thức ngay tại gốc cây hoặc có thể tự tay xuống hái những trái ổi tươi ngon mang về để làm quà cho gia đình”, Hoàng Diệp gợi ý.

Qua khu nuôi ong, sẽ đến hồ nuôi cá Koi với hơn 5.000 con đủ màu sắc. Ông Họa chia sẻ, nguồn nước sạch cùng môi trường tự nhiên trong lành là điều kiện lý tưởng để nuôi cá, vừa để phục vụ nhu cầu ẩm thực của du khách, vừa để giúp du khách có những trải nghiệm thực tế.

“Khách du lịch tới đảo có thể cho cá ăn rồi vừa ngắm đàn cá đua nhau ăn mồi, vừa được chiêm ngưỡng bức tranh đồng quê vừa bình dị, đẹp mắt khi những đàn cò trắng muốt hàng vạn con bay lượn, kêu râm ran rồi đậu trên ngọn cây”, ông Họa nói.

Bước lên du thuyền và tham gia chuyến hành trình trên sông nước, chúng tôi không chỉ được chiêm ngưỡng toàn cảnh vẻ đẹp của khu du lịch sinh thái này, và điểm nhấn là khu rừng tre Bát Độ, nơi đây vào mỗi chiều tối sẽ có hàng vạn chú cò trắng trú ngụ và sinh sản.

Ông Bùi Minh Họa mỉm cười nhìn xa xăm nói, để có được điều này là cả một quá trình bền bỉ, lâu dài khi bắt tay xây cải tạo đầm hoang và hơn hết, nhận thức được món quà mà thiên nhiên ban tặng cho mình.

Theo ông Họa, trước đây đàn cò chưa nhiều nhưng do có môi trường sống lý tưởng nên những đàn cò khắp nơi kéo về ngày càng đông. Có nhiều lý do để cò bay về đảo Bầu. Trước hết đây là khu vực cách xa khu dân cư, yên tĩnh, và sau đó chính là do nguồn thức ăn ở đảo đầu Bầu rất dồi dào, ở khu vực sông rất nhiều tôm tép và khu vực những cánh đồng ở phía bên ngoài cũng rất nhiều tôm cá cò có thể đi kiếm ăn.

Mặt khác, khi phát triển hoạt động du lịch, những đàn cò và đàn chim tự nhiên tại đây đã được ông Họa lên kế hoạch bảo tồn, xung quanh khu vực đảo Bầu được giữ vệ sinh sạch sẽ.

Do đó, dù hoạt động du lịch tại đảo Bầu diễn ra đã nhiều năm nhưng khu vực dưới dòng sông lại rất sạch, gần như không có rác.

Hằng ngày, cứ từ 17h trở đi, khi hoàng hôn bắt đầu buông xuống, khu đảo Bầu lại trở nên huyên náo khi hàng ngàn, hàng vạn con chim lũ lượt bay về, có những đàn lớn hàng nghìn con trông như đám mây sà xuống những hàng tre, bụi chuối trên đảo để trú ngụ, tạo nên cảnh tượng đẹp mắt, một nét độc đáo hiếm có.

Có lẽ cũng chính nhờ những điều độc đáo ấy, từ ý tưởng xây dựng tâm huyết đam mê với môi trường sinh thái cùng với mong muốn gìn giữ và bảo vệ đàn chim tự nhiên mà khu đảo Bầu đã được TP Hải Phòng đưa vào quy hoạch du lịch sinh thái để sớm trở thành điểm đến lý tưởng và hấp dẫn, thu hút đông đảo du khách bốn phương.

Chúng tôi đến đảo Bầu vào thời điểm mùa hè, lại mất điện nhưng những câu chuyện, sẻ chia say sưa, vô tiền khoáng hậu và cảnh vật thiên nhiên quá đẹp đã làm quên đi cái nóng, cái oi ả.

Tại đảo Bầu còn có khu trải nghiệm vườn cây ăn quả, là đặc sản của các vùng miền và nhiều trò chơi dân gian dành cho trẻ nhỏ để các thế hệ mầm non tương lai của đất nước ở phố thị được hòa mình khám phá thiên nhiên và tìm hiểu cuộc sống làng quê các thời kỳ và những sáng tạo trong các hoạt động sản xuất nông nghiệp.

Sải bước dẫn chúng tôi tham quan đảo, ông Họa say sưa chia sẻ, nếu tính đường chim bay, nơi đây chỉ cách dãy núi Voi của huyện An Lão khoảng 3km và cách núi Cột Cờ, khu đồi Thiên Văn của quận Kiến An chưa đầy 2km.

Dẫn chúng tôi vào khu trải nghiệm, ông Họa tiết lộ, ngoài những đặc thù đã chia sẻ, tại đảo Bầu có chương trình trải nghiệm “một ngày làm nông dân nhí” dành cho học sinh.

Các em sẽ được hóa thân thành nông dân thực thụ với các hoạt động như bắt cá, bắt vịt, thu hoạch nông sản và được đi du thuyền, hoạt náo thiên nhiên tại sân khấu… nếu có nhu cầu.

Để các em nhỏ có trải nghiệm thực tế, tại khu vực bảo tàng nông nghiệp được bố trí thành 2 khu tách biệt, một bên là những nông cụ sản xuất thô sơ ngày xưa được sưu tầm và trưng bày cẩn thận, một bên là những máy móc hiện đại ngày nay.

Qua đây, rất dễ để các em nhỏ phân biệt được sản xuất nông nghiệp trước đây và bây giờ khác nhau thế nào; để tạo ra sản phẩm nông nghiệp, nông dân phải vất vả ra sao…

Sau chuyến trải nghiệm tại đảo Bầu, các em nhỏ sẽ học hỏi những kiến thức về nông nghiệp mà trước đây chỉ được nhìn thấy qua các thiết bị điện tử và đôi khi các bạn nhỏ lớn lên mà không thể hình dung được rằng đời sống ngày xưa của cha ông ta đã gắn bó với nông nghiệp như thế nào.

Chị Mai Thị Nhung, một khách du lịch chia sẻ, tại đảo Bầu, còn có không gian để các em nhỏ được hòa mình khám phá thiên nhiên, tìm hiểu cuộc sống làng quê thời xưa và thời nay, cũng như những sáng tạo với những hoạt động trong sản xuất nông nghiệp như lội nước, bắt cá, giã gạo, chiết cành, ghép cây…, đây vốn là những công việc rất quen thuộc với nông dân nhưng lại mới mẻ với những người thành thị.

Đây chính là tiền đề giúp các em phát triển kỹ năng sống, kỹ năng ứng xử với môi trường tự nhiên và bổ sung kiến thức thực tiễn như những hoạt động ngoại khóa, những minh họa sinh động thực tế nhất cho các môn học trong sách vở.

“Lầu tiên đến đảo Bầu, tôi cảm thấy rất thích thú, ấn tượng bởi thiên nhiên rất gần gũi và tôi như được hòa mình với cỏ cây, sông nước, hoa lá…

Chúng tôi được tham gia các trò chơi dân gian, được xem múa rối nước, được thử giã gạo bằng cối xay… Các cháu được hái rau, được cho chim ăn, được hòa mình vào với thiên nhiên giống như được về với nông thôn.

Chúng tôi mong có nhiều hơn nữa những mô hình như đảo Bầu để con em được tiếp cận với thiên nhiên, được sống những ngày hè bổ ích và các con rời xa được điện thoại, rời xa được mạng internet. Đó là điều khiến chúng tôi cảm thấy rất vui khi đưa các con đến đây”, chị Nhung bộc bạch.

Đinh Mười – Võ Việt
Trọng Toàn
Tùng Đinh - Võ Việt
Đinh Mười