Khi chiều xuống, tôi cùng cán bộ Trung tâm Khuyến nông Kiên Giang đi thăm cánh đồng canh tác lúa hữu cơ rộng hàng trăm ha của Hợp tác xã Nông nghiệp Nam Quý (xã Đông Thái, huyện An Biên, Kiên Giang). Những hạt mưa rả rích cùng với bóng chiều tà đã kích thích đám ếch, nhái, côn trùng kêu vang cả cánh đồng. Hoàng hôn buông xuống ruộng lúa xanh tốt, vẽ nên bức họa đồng quê ở một vùng nông thôn đáng sống với môi trường, không khí trong lành.
Sau một vòng lội ruộng, anh Phạm Chí Thương, Giám đốc Hợp tác xã Nông nghiệp Nam Quý đốt lò nướng tôm, cua ngay bên cạnh ruộng lúa thiết đãi khách. Mùi tôm nướng hòa quyện với hương lúa thơm nức mũi, lan tỏa khắp không gian mênh mông. Hết nướng lại đến luộc nước dừa. Dù chế biến cách nào thì thịt tôm, cua ở đây cũng thơm, ngọt rất đậm đà khiến người ăn khó có thể quên.
Thấy khách vừa ăn vừa tấm tắc khen ngon, anh Thương giải thích: “Tôm, cua ở đây được nuôi trong môi trường trồng lúa hữu cơ, sống quanh gốc lúa, ăn thức ăn tự nhiên mà lớn lên. Vì vậy khi ăn, thịt sẽ có sự khác biệt rõ rệt so với tôm, cua nuôi theo quy trình thâm canh công nghiệp”.
Ấp Nam Quý có diện tích sản xuất nông nghiệp 678ha, trong đó diện tích của Hợp tác xã Nông nghiệp Nam Quý là 198ha. Trước đây, người dân chuyên sản xuất lúa 2 vụ/năm nhưng đã dần chuyển đổi sang mô hình luân canh một vụ lúa, một vụ tôm (mô hình lúa - tôm) nhằm thích ứng với tác động động của biến đổi khí hậu với khoảng 7 - 8 tháng trong năm bị nước mặn xâm nhập.
Theo Giám đốc Hợp tác xã Nông nghiệp Nam Quý - anh Phạm Chí Thương, mô hình luân canh lúa – tôm chính là môi trường lý tưởng để áp dụng quy trình sản xuất hữu cơ. Sau vụ nuôi tôm, các chất tồn đọng như phân tôm, mùn bã hữu cơ đáy là nguồn dinh dưỡng hiệu quả cho cây lúa. Ở chiều ngược lại, cây lúa sẽ làm sạch môi trường, tạo ra môi trường thuận lợi cho nuôi luân canh lại vụ tôm tiếp theo. Cứ như thế, hình thành vòng tuần hoàn khép kín.
Tận dụng lợi thế này, năm 2017, các thành viên Hợp tác xã Nông nghiệp Nam Quý đã cùng nhau quyết tâm áp dụng quy trình hữu cơ vào sản xuất, được ngành chuyên môn tập huấn kỹ thuật, hỗ trợ chi phí chứng nhận đạt chuẩn hữu cơ và được các doanh nghiệp liên kết đầu tư vật tư đầu vào, ký kết bao tiêu sản phẩm.
Anh Thương cho biết, sau nhiều năm liên tục miệt mài áp dụng quy trình chuyển đổi từ sản xuất vô cơ sang hữu cơ, năm 2019, Hợp tác xã Nông nghiệp Nam Quý đã đạt được chứng nhận hữu cơ đối với cây lúa. Toàn bộ sản lượng lúa làm ra được doanh nghiệp thu mua, chế biến gạo để xuất khẩu sang thị trường châu Âu.
Theo anh Thương, sản xuất hữu cơ có nhiều cái lợi nên các thành viên Hợp tác xã quyết tâm làm cho bằng được. Dễ thấy nhất là lợi ích về môi trường, không ô nhiễm hóa chất độc hại nên tôm, cua, cá sinh sôi, phát triển. Đồng thời mang lại lợi ích về sức khỏe cho chính nông dân và người tiêu dùng.
Về kinh tế, lúa trồng trên nền đất nuôi tôm nên chi phí đầu tư thấp, sản phẩm được ký hợp đồng tiêu thụ với giá cao, mang lại lợi nhuận cao hơn cho nhà nông. Do đó, ngay cả thời kỳ giãn cách xã hội vì dịch Covid-19 gặp khó khăn trong vận chuyển vật tư nhưng Hợp tác xã vẫn quyết duy trì sản xuất bằng được, vì bỏ đứt đoạn làm lại sẽ rất mất thời gian.
Đầu tư sản xuất hữu cơ, Hợp tác xã Nông nghiệp Nam Quý nhiều năm qua chủ yếu canh tác lúa ST25 - giống lúa cho chất lượng gạo ngon nhất thế giới theo hợp đồng đặt hàng của doanh nghiệp. Hiện Hợp tác xã đang liên kết với Doanh nghiệp tư nhân Hồ Quang Trí, Công ty TNHH Lúa gạo Hồng Tân và Công ty Cổ phần Nông nghiệp Plasma Việt Nam để cung cấp vật tư đầu vào, chuyển giao quy trình công nghệ sản xuất lúa hữu cơ và bao tiêu sản phẩm.
Phó Tổng Giám đốc Công ty Cổ phần Nông nghiệp Plasma Việt Nam - ông Ông Nhất Anh cho biết, liên kết với các hợp tác xã sản xuất lúa hữu cơ, đơn vị sẽ đầu tư giống, chuyển giao quy trình kỹ thuật, đáp ứng quy chuẩn hữu cơ khắt khe của các nước như Nhật Bản, Hoa Kỳ và châu Âu. Đặc biệt Công ty hỗ trợ công nghệ, thiết bị để tạo ra nước hoạt hóa plasma phục vụ sản xuất hữu cơ. Nước sau hoạt hóa sẽ được sử dụng để ngâm lúa giống và phun 4 lần/vụ theo chu kỳ phát triển của cây lúa.
Theo ông Ông Nhất Anh, nước hoạt hóa plasma là giải pháp mới trong canh tác hữu cơ, nước có tính chất bù đắp đạm, cung cấp dinh dưỡng cho cây lúa phát triển, giúp giảm lượng phân hữu cơ trong các đợt bón. Đồng thời, phun nước hoạt hóa plasma còn giúp cây lúa kích kháng, chống lại các dịch hại, giảm chi phí phòng trừ sâu bệnh. Nhờ đó, lúa đảm bảo năng suất và tăng chất lượng sản phẩm khi sản xuất theo quy trình hữu cơ.
Để thúc đẩy phát triển nông nghiệp hữu cơ, đưa nông nghiệp hữu cơ vào đồng ruộng, năm 2022, UBND tỉnh Kiên Giang đã ban hành quyết định phê duyệt Đề án phát triển nông nghiệp hữu cơ giai đoạn 2021 - 2030 trên địa bàn tỉnh.
Ông Lê Hữu Toàn, Giám đốc Sở NN-PTNT Kiên Giang cho biết, phát triển nông nghiệp hữu cơ là một trong những nhiệm vụ trọng tâm của tỉnh nhằm phục vụ tái cơ cấu ngành nông nghiệp theo hướng nâng cao giá trị gia tăng và phát triển bền vững. Bên cạnh đó, phát triển nông nghiệp hữu cơ gắn với các mục tiêu bảo vệ môi trường, phát triển đa dạng sinh học. Đồng thời mở đường để khai thác tiềm năng phát triển du lịch sinh thái, du lịch nông nghiệp trải nghiệm và dịch vụ ở nông thôn, tạo điều kiện phát triển kinh tế, tăng thu nhập…
Sau khi Đề án được phê duyệt, Sở NN - PTNT tỉnh Kiên Giang đã chủ trì, phối hợp với các sở, ngành, UBND các huyện, thành phố và các cơ quan đơn vị có liên quan tổ chức triển khai, đưa các nội dung sản xuất nông nghiệp hữu cơ vào thực tế đồng ruộng.
Theo đó, mục tiêu diện tích đất trồng trọt hữu cơ của tỉnh đến năm 2025 là hơn 7.000ha, tập trung trên các cây trồng chủ lực của tỉnh như lúa (diện tích 6.500ha); khóm (diện tích 200ha); cây ăn trái (diện tích 200ha) và rau màu, hồ tiêu, cây dược liệu là 105ha. Bên cạnh đó, Kiên Giang cũng phát triển nuôi trồng thủy sản hữu cơ đến năm 2025 với 100ha.
Ngành nông nghiệp tỉnh Kiên Giang phấn đấu phát triển diện tích đất trồng trọt hữu cơ đến năm 2030 là 28.630ha, gồm lúa (25.000ha); khóm (2.500ha); cây ăn quả (800ha); các loại rau màu, hồ tiêu, cây được liệu (330ha). Tăng diện tích diện tích nuôi thủy sản hữu cơ đạt 800ha, tỷ lệ sản phẩm chăn nuôi hữu cơ chiếm trên 2% tổng sản phẩm chăn nuôi của tỉnh.
Cùng với đề án phát triển nông nghiệp hữu cơ, UBND tỉnh Kiên Giang đã công bố, ban hành vùng canh tác hữu cơ trên địa bàn tỉnh và quy định canh tác trên vùng sản xuất hữu cơ. Cụ thể, vùng trồng trọt hữu cơ tập trung phát triển trên các loại cây trồng chủ lực, có lợi thế của tỉnh gồm lúa gạo, khóm, rau màu, một số loại cây ăn trái như xoài, chuối, cây có múi, hồ tiêu, cây dược liệu.
Đối với vùng sản xuất lúa hữu cơ, được quy hoạch phát triển ở địa bàn các huyện An Minh, An Biên, Vĩnh Thuận, U Minh Thượng, Gò Quao và Hòn Đất. Cây khóm phát triển tập trung ở địa bàn các huyện Châu Thành, Gò Quao, Vĩnh Thuận và vùng đệm Vườn quốc gia U Minh Thượng. Trồng các loại rau màu hữu cơ ở địa bàn các huyện Châu Thành, thành phố Rạch Giá, Phú Quốc và vùng đệm Vườn Quốc gia U Minh Thượng.
Cây ăn trái canh tác hữu cơ tập trung ở vùng đệm Vườn Quốc gia U Minh Thượng, khu vực ven sông Cái Bé ở các huyện Gò Quao, Giồng Riềng. Trồng hồ tiêu hữu cơ ở các huyện, thành phố gồm Kiên Lương, Hà Tiên và Phú Quốc. Phát triển một số cây dược liệu gồm đinh lăng, sâm bố chính, cà gai leo, chùm ngây… tập trung ở vùng đệm Vườn Quốc gia U Minh Thượng và khu vực vùng núi xã Thổ Sơn (huyện Hòn Đất).
Vùng nuôi trồng thủy sản hữu cơ với đối tượng chủ lực là con tôm được nuôi sinh thái theo mô hình tôm - lúa, nuôi hữu cơ dưới tán rừng phòng hộ ven biển, tập trung phát triển mạnh ở các huyện vùng U Minh Thượng gồm An Biên, An Minh, U Minh Thượng và Vĩnh Thuận.
Vùng chăn nuôi hữu cơ được chọn đối tượng chính là heo hữu cơ, tập trung ở huyện Gò Quao, Châu Thành, Hòn Đất, Tân Hiệp, Giang Thành. Chăn nuôi gia cầm phát triển đàn gà hữu cơ là chủ đạo, tập trung ở các huyện Giồng Riềng, An Minh. Nuôi ong mật hữu cơ tập trung chủ yếu ở khu vực vùng đệm Vườn Quốc gia U Minh Thượng, các khu vực rừng tràm ở huyện Giồng Riềng.
Theo ông Lê Hữu Toàn - Giám đốc Sở NN-PTNT Kiên Giang, trên cơ sở bản đồ định hướng các vùng canh tác nông nghiệp hữu cơ mà Đề án đã xác định, các huyện, thành phố trong tỉnh cần tiến hành rà soát, xác định lựa chọn thứ tự ưu tiên thực hiện các vùng canh tác, đối tượng sản xuất nông nghiệp hữu cơ trên địa bàn thuộc thẩm quyền quản lý. Chủ trì xây dựng, thực hiện nhân rộng các mô hình hữu cơ và hướng dẫn chứng nhận sản phẩm hữu cơ trên địa bàn.
Tổ chức tập huấn, tuyên truyền, hướng dẫn các tổ chức, cá nhân và người dân trên địa bàn tham gia thực hiện sản xuất nông nghiệp hữu cơ. Tạo điều kiện để các tổ chức, cá nhân đầu tư cơ sở sản xuất, tiêu thụ sản phẩm hữu cơ, tham gia các chương trình xúc tiến thương mại trong và ngoài nước. Bố trí nguồn ngân sách địa phương, lồng ghép các nguồn vốn hợp pháp khác trên địa bàn để đầu tư, hỗ trợ sản xuất, kinh doanh các sản phẩm hữu cơ…
Sau gần 2 năm triển khai, Đề án phát triển nông nghiệp hữu cơ tỉnh Kiên Giang giai đoạn 2022 - 2025, định hướng đến năm 2030 đã có rất nhiều hoạt động hỗ trợ và được liên kết, đồng bộ giữa các hợp phần. Trong đó, các đơn vị chuyên môn trực thuộc Sở NN-PTNT đã tập trung đẩy mạnh công tác tuyên truyền, tập huấn nâng cao nhận thức và phát triển nguồn nhân lực để phát triển nông nghiệp hữu cơ.
Trước hết là tổ chức tuyên truyền, phổ biến, hướng dẫn và thực thi chính sách pháp luật, các tiêu chuẩn nông nghiệp hữu cơ để tạo niềm tin cho người sản xuất và người tiêu dùng trong sử dụng. Nâng cao nhận thức cho các doanh nghiệp, người sản xuất và nhà quản lý về việc tuân thủ nghiêm ngặt quy trình sản xuất, giám sát, chứng nhận nhằm thúc đẩy phát triển nông nghiệp hữu cơ.
Qua đó, đã lồng ghép các nội dung tập huấn vào các chương trình sự nghiệp của đơn vị, các chương trình hợp tác tổ chức tuyên truyền, tập huấn. Đến nay, đã thực hiện được 28 lớp tập huấn nâng cao nhận thức về nông nghiệp hữu cơ cho cán bộ quản lý nông nghiệp cấp tỉnh và huyện với gần 1.850 lượt người tham dự. Đã mở 620 lớp tập huấn về nông nghiệp hữu cơ cho nông dân, hợp tác xã, doanh nghiệp với gần 21.100 lượt người tham dự.
Ngoài ra còn tổ chức được 10 chuyến tham quan học tập về mô hình sản xuất áp dụng tiêu chuẩn hữu cơ ở các địa phương với 280 người tham dự. Tổ chức được 66 lớp tập huấn về quy trình ủ phân hữu cơ từ chất thải, phế phụ phẩm nông nghiệp với trên 2.900 thành viên tham gia mô hình sản xuất hữu cơ tham dự.
Để hoàn thành các mục tiêu cụ thể về phát triển sản xuất nông nghiệp hữu cơ, Sở NN-PTNT Kiên Giang đã xây dựng kế hoạch thực hiện theo lộ trình, chủ trì xây dựng các mô hình thí điểm và các dự án phát triển nông nghiệp hữu cơ có quy mô liên kết sản xuất liên vùng, liên huyện, xây dựng kế hoạch triển khai và từng bước nhân rộng mô hình.
TS Trần Quang Giàu, Chi cục trưởng Chi cục Trồng trọt – BVTV tỉnh Kiên Giang cho biết, thời gian qua, đơn vị đã xây dựng các mô hình sản xuất lúa đạt chứng nhận hữu cơ gắn với chế biến, tiêu thụ. Đến nay, đã xây dựng và phát triển 10 mô hình sản xuất lúa đạt chứng nhận hữu cơ gắn với chế biến, tiêu thụ và cấp mà số vùng trồng phục vụ xuất khẩu sang các nước châu Âu, Nhật Bản. Tổng diện tích sản xuất lúa theo quy trình hữu cơ trên 250ha, sản lượng lúa thu hoạch hàng năm đạt khoảng 1.400 tấn, đáp ứng nhu cầu nguyên liệu cho doanh nghiệp chế biến xuất khẩu.
Hỗ trợ chi phí vật vật tư đầu vào như phân bón hữu cơ, thuốc sinh học, giống lúa… để thực hiện 122 mô hình sản xuất lúa, cây ăn trái, cây công nghiệp theo hướng hữu cơ, đồng thời tư vấn, hướng dẫn, đánh giá chứng nhận khi chuyển sang áp dụng quy trình sản xuất đáp ứng theo tiêu chuẩn hữu cơ. Qua đó, hình thành các vùng sản xuất nông nghiệp hữu cơ, thân thiện với môi trường và từng bước tăng dần tỷ lệ sản phẩm hữu cơ được chứng nhận theo yêu cầu của thị trường trong nước và thế giới.
Bên cạnh đó, tuyên truyền, tập huấn, hướng dẫn các địa phương và các cơ sở sản xuất, kinh doanh nông, lâm, thủy sản trên địa bàn tỉnh áp dụng các quy trình kỹ thuật, các tiêu chuẩn, quy chuẩn về nông nghiệp hữu cơ vào sản xuất, đáp ứng nhu cầu thị trường, truy xuất nguồn gốc khi xuất khẩu.
Đề thúc đẩy phát triển nông nghiệp hữu cơ, tỉnh Kiên Giang không chỉ xây dựng đề án trên giấy, hô hào suông mà tập trung nguồn lực, hỗ trợ nông dân thực hiện hiệu quả. Theo người đúng đầu ngành nông nghiệp tỉnh Kiên Giang - ông Lê Hữu Toàn, nhu cầu vốn để triển khai phát triển nông nghiệp hữu cơ trên địa bàn tỉnh theo Đề án đến năm 2023 là trên 1.938 tỷ đồng. Trong đó giai đoạn 2023 - 2025 cần khoảng 379 tỷ đồng và còn lại là phân bổ cho giai đoạn 2026 -2030.
Nguồn lực đầu tư cho phát triển nông nghiệp hữu cơ tại tỉnh Kiên Giang được huy động từ nhiều nguồn khác nhau. Trong đó, vốn đầu tư từ ngân sách trên 220 tỷ đồng, gồm vốn từ trung ương hơn 75 tỷ đồng và vốn từ ngân sách tỉnh gần 145 tỷ đồng, phục vụ đầu tư công và hộ trợ sự nghiệp nông nghiệp.
Đặc biệt là nguồn vốn huy động từ các doanh nghiệp, tổ chức nông dân và nông dân trực tiếp tham gia Đề án và thực hiện chuỗi giá trị sản xuất nông nghiệp hữu cơ khoảng hơn 1.588 tỷ đồng. Đây được xác định là nguồn lực chủ yếu thúc đẩy phát triển nông nghiệp hữu cơ trên địa bàn tỉnh.
Nhu cầu vốn phân theo các hạng mục đầu tư như sau: Xây dựng quy trình, hướng dẫn, đào tạo, tấp huấn 24,5 tỷ đồng; hỗ trợ kinh phí triển khai như kinh phí xác định đủ điều kiện sản xuất hữu cơ, hỗ trợ xây dựng hạ tầng vùng nguyên liệu... 549 tỷ đồng; các hộ gia đình, doanh nghiệp đầu tư chuyển đổi sang sản xuất hữu cơ, triển khai vùng sản xuất hữu cơ khoảng 1.142 tỷ đồng.
Hỗ trợ giống và vật tư thiết yếu, bao bì nhãn mác sản phẩm thông qua các dịch vụ tập trung của hợp tác xã, hỗ trợ chi phí cấp giấy chứng nhận hữu cơ hơn 70,5 tỷ đồng. Hỗ trợ sau đầu tư cho các doanh nghiệp tham gia sản xuất, liên kết sản xuất, chế biến, tiêu thụ sản phẩm hữu cơ và các ngành phụ trợ cho sản xuất hữu cơ là 133 tỷ đồng. Hỗ trợ tuyên truyền, quảng bá sản phẩm và chi phí khác khoảng 19 tỷ đồng.
Ngành nông nghiệp Kiên Giang đã nghiên cứu, rà soát và thực hiện hiệu quả cơ chế chính sách đã ban hành, tiếp tục rà soát, điều chỉnh bổ sung chính sách, đề xuất cơ chế chính sách mới nhằm thúc đẩy phát triển các sản phẩm nông nghiệp hữu cơ trên địa bàn tỉnh. Thực hiện cơ chế chính sách đặc thù hỗ trợ doanh nghiệp nhỏ, hợp tác xã, trang trại, hộ gia đình, nhóm hộ sản xuất sản phẩm hữu cơ theo quy định (Nghị định 109/2018/NĐ-CP ngày 29/8/2018 của Chính phủ).
Hướng dẫn và huy động nguồn vốn ban đầu để tổ chức sản xuất, trong đó huy động vốn trong các chủ thể đầu tư từ các hộ gia đình, doanh nghiệp là nguồn vốn chủ yếu. Hợp tác xã, doanh nghiệp tiếp cận với các ngân hàng thương mại và tổ chức tín dụng hoạt động trong địa bàn tỉnh để giới thiệu phạm vi dự án và tạo các mối quan hệ giữa hợp tác xã, doanh nghiệp cộng đồng với các ngân hàng và tổ chức tín dụng. Từ đó, xây dựng các hợp đồng vay vốn dài hạn với lãi suất ưu đãi, nguồn vốn từ ngân sách nhà nước hàng năm theo phân cấp ngân sách nhà nước hiện hành để phát triển nông nghiệp hữu cơ.