Các mô hình nông nghiệp tuần hoàn đang giúp người nông dân Sơn La giảm sự lệ thuộc vào phân bón vô cơ, giảm chi phí đầu vào và gia tăng giá trị sản phẩm.
Tận dụng phụ phẩm nông nghiệp làm phân hữu cơ cho sản xuất
Những năm gần đây, nhiều nông dân Sơn La đã áp dụng phương pháp chăn nuôi kết hợp trồng trọt theo mô hình kinh tế tuần hoàn, tận dụng phế, phụ phẩm trồng trọt làm thức ăn chăn nuôi; chất thải chăn nuôi lại trở thành phân bón hữu cơ cho cây trồng góp phần giảm chi phí đầu vào, tăng cao giá trị sản xuất. Như tại HTX Phương Nam ở huyện Yên Châu,với quy mô đàn lợn trên 500 con, lượng phân hàng ngày thải ra sẽ được thu gom tiến hành ủ cùng với chế phẩm sinh học. Phân sau khi xử lý sẽ dùng đề bón cho trên 50 ha cây ăn quả. Nhờ dùng phân hữu cơ mà chất lượng cây trồng cũng được nâng lên, không những giảm chi phí đầu vào mà còn gia tăng giá trị sản phẩm.
Anh CÙ QUỐC MINH - Thành viên HTX Phương Nam, huyện Yên Châu, tỉnhSơn La
HTX của chúng tôi đang triển khai mô hình nông nghiệp tuần hoàn, dùng phụ phẩm trong chăn nuôi để chăm bón cho cây trồng, thứ nhất là tiết kiệm chi phí đầu tư cho cây trồng, thứ hai là bảo vệ môi trường.
Còn tại HTX Thành Cường ở xã Cò Nòi huyện Mai Sơn, mô hình canh tác mận bằng chế phẩm hữu cơ đang cho những kết quả bước đầu. Canh tác theo lối truyền thống, thường thì cỏ sẽ được bị tận diệt. Tuy nhiên, đối với HTX này, cỏ chính là nguồn dinh dưỡng tái sinh cho cây trồng. Tầng đất được xử lý hoàn toàn theo hướng hữu cơ, lấy xác cỏ, rơm làm thức ăn vi sinh, tái tạo môi trường cho vi sinh vật tạo thảm thực vật cho đất. Phân bón cho diện tích cây trồng ở đây cũng được chế tạo từ mùn cây, kết hợp với phân chuồng và men vi sinh, có tác dụng tốt cho cây trồng phát triển.
Ông LÈO VĂN LẾCH - Giám đốc HTX Thành Cường, huyện Mai Sơn, tỉnhSơn La
Không áp dụng biện pháp phun trừ cỏ và sấy cỏ. Chỉ áp dụng phát cỏ để tăng độ phì nhiêu cho đất. Bước 2 là mình áp dụng nguồn phế phẩm nông nghiệp như cành cây cắt tỉa mình băm, ủ hoặc phân trâu, bò chất đống để ủ, đưa men vi sinh vào ủ để tăng tỷ lệ phân hủy nhanh.
Hiện, mô hình tuần hoàn khép kín, tận dụng tối đa phụ phẩm nông nghiệp, nói không với thuốc bảo vệ thực vật có nguồn gốc hoá học, tác động của thuốc diệt cỏ, kích thích tăng trưởng, đang được triển khai ở nhiều vùng sản xuất chuyên canh trên địa bàn tỉnh Sơn La với mong muốn thay đổi tư duy sản xuất, tạo ra những sản phẩm sạch thân thiện với môi trường, hướng tới sản xuất bền vững.
Ông CÔNG XUÂN NGỌC - Giám đốc Trung tâm khuyến nông tỉnh Sơn La
Tiếp tục thay đổi tư duy, từ sản xuất nông nghiệp sang kinh tế nông nghiệp, chuyển đổi các mô hình nông nghiệp tuần hoàn theo hướng từ mô hình kinh tế nông nghiệp tuyến tính sang kinh tế tuần hoàn, kinh tế chia sẻ để giảm thiểu tối đa chi phí đầu vào, gia tăng giá trị đầu ra của sản phẩm gắn với bảo vệ môi trường sinh thái.
Thời gian tới, tỉnh Sơn La xác định tiếp tục đẩy mạnh phát triển nông nghiệp tuần hoàn một cách toàn diện thông qua các giải pháp như: tái cơ cấu theo hướng nâng cao giá trị gia tăng, phát triển bền vững, thực hiện các chuỗi liên kết trong sản xuất tiêu thụ. Đẩy mạnh chuyển giao tiến bộ kỹ thuật, xây dựng và triển khai các dự án, mô hình trình diễn nông nghiệp theo hướng ứng dụng công nghệ cao, an toàn sinh học, sử dụng phế phụ phẩm sau thu hoạch. Cùng với đó là hoàn thiện và phát triển các mô hình kinh tế tuần hoàn, quay vòng tuần hoàn trả lại hữu cơ cho đất, không đốt rơm rạ, thúc đẩy sử dụng các sản phẩm thân thiện với môi trường…