Đê biển Gò Công là một tuyến đê biển quan trọng ở tỉnh Tiền Giang. Tuyến đê này vừa hoàn thành nâng cấp giai đoạn 2, qua đó tăng cường khả năng phòng chống thiên tai, bảo vệ sản xuất nông nghiệp, bảo vệ tính mạng, tài sản của hàng chục nghìn hộ dân.
Cuối tháng 12/2021, UBND tỉnh Tiền Giang ban hành Quyết định số 3869/QĐ-UBND phê duyệt Dự án Nâng cấp đê biển Gò Công (giai đoạn 2). Dự án có tổng vốn đầu tư gần 200 tỷ đồng từ nguồn vốn ngân sách Trung ương và địa phương.
Mục tiêu của dự án là nhằm chống sạt lở bờ biển, bảo vệ đê biển, khôi phục diện tích đất đã bị xói lở, đảm bảo an toàn phòng chống thiên tai, bảo vệ tính mạng và tài sản cho hàng chục nghìn hộ dân vùng Gò Công, tỉnh Tiền Giang.
Với mục tiêu đó, Dự án Nâng cấp đê biển Gò Công (giai đoạn 2) có 3 hạng mục đầu tư xây dựng. Hạng mục đầu tiên là công trình đê giảm sóng có chiều dài hơn 5.400m, cao độ tường đỉnh đê giảm sóng dương 2,3m. Cấu kiện bê tông cốt thép kết hợp với đá hộc được bố trí trước và sau đê có tác dụng chống xói chân đê.
Hạng mục thứ hai là công trình nâng cấp đoạn kè rọ đá bảo vệ bãi rác Kiểng Phước sẽ gia cố kè bằng đá hộc, nâng cao trình đỉnh kè lên dương 2,8m. Hạng mục thứ ba là nâng cấp, sửa chữa phần cống dưới đê nhánh 2 và nhánh 3.
Ban Quản lý Dự án Đầu tư xây dựng công trình Nông nghiệp và Phát triển nông thôn Tiền Giang, cho biết, đến nay, Dự án Nâng cấp đê biển Gò Công (giai đoạn 2) đã hoàn thành và đưa vào hoạt động theo đúng tiến độ đề ra.
Hạng mục đáng chú nhất trong Dự án Nâng cấp đê biển Gò Công (giai đoạn 2) là đê giảm sóng kết cấu rỗng với tổng chiều dài 5.400m.
Trước khi phê duyệt Dự án Nâng cấp đê biển Gò Công (giai đoạn 2), các công trình thử nghiệm đê giảm sóng kết cấu rỗng đã được tỉnh Tiền Giang thực hiện ở nhiều nơi tại các huyện Tân Phú Đông, Gò Công Đông, và đều mang lại kết quả khả quan.
Tại xã Phú Tân, huyện Tân Phú Đông, 1.606m đê giảm sóng kết cấu rỗng (10 đê giảm sóng và 3 mỏ hàn) đã được xây dựng ở bờ biển Cồn Cống, công trình được đưa vào sử dụng từ tháng 12/2019. Đây là đoạn đê giảm sóng đầu tiên ở Đồng bằng sông Cửu Long.
Kết quả kiểm tra sau khi công trình đê giảm sóng Cồn Cống đưa vào sử dụng cho thấy, sau 4 tháng gió mùa đông bắc, công trình ổn định, cho hiệu quả chống sạt lở bờ rõ rệt, bãi biển sau đê được bồi lắng. Trong đợt khảo sát vào tháng 4/2020, các chuyên gia nhận thấy, với những đoạn đê đã hoàn thành 5 tháng trước, chiều dày bồi lắng lớn nhất đạt 0,8 m (trung bình 0,5 m). Đặc biệt, sau khi xây dựng công trình, nhiều cây mắm, cây bần đã mọc lên ở bãi bồi phía sau đê. Đây là dấu hiệu tốt để khôi phục rừng ngập mặn và thảm phủ thực vật ven bờ, vốn đã bị mất đi khá nhiều ở ven biển Gò Công trong thời gian qua.
Sau đê giảm sóng ở Cồn Cống, 7 đê giảm sóng kết cấu rỗng với tổng chiều dài 1.535m được đưa vào sử dụng từ 31/12/2020 ở phía nam khu du lịch Tân Thành (xã Tân Thành, huyện Gò Công Đông). Cũng ở xã Tân Thành, 2 đê giảm sóng kết cấu rỗng với tổng chiều dài 260m đã được đưa vào sử dụng từ tháng 2/2021.
Tại khu vực Vàm Láng (huyện Gò Công Đông), đê giảm sóng kết cấu rỗng với chiều dài 250m đã được đưa vào sử dụng từ tháng 12/2021.
Với những kết quả khả quan từ những công trình thử nghiệm nói trên, tỉnh Tiền Giang đã phê duyệt công trình thử nghiệm đê giảm sóng Gò Công 2, thuộc Dự án Nâng cấp đê biển Gò Công (giai đoạn 2). Bên cạnh đó, tại khu vực bờ biển Cồn Ngang (xã Phú Tân, huyện Tân Phú Đông), công trình thử nghiệm đê giảm sóng khu vực Cồn Ngang với tổng chiều dài 2.300m cũng bắt đầu được thi công từ tháng 3/2022.
Việc xây dựng các đê giảm sóng ở khu vực Gò Công đã giúp cho người dân địa phương yên tâm hơn trong sinh hoạt, sản xuất nông nghiệp hàng ngày. Ông Trần Văn Tròn, nông dân xã Tân Thành, huyện Gò Công Đông, chia sẻ, suốt mấy chục năm trước đây, gia đình ông và các hộ hàng xóm ngủ không ngon giấc vì mỗi khi nghe tiếng sóng lớn vào ban đêm, người dân ở đây lại thấp thỏm lo âu sóng đánh sạt lở nhà cửa, đất đai. Nhưng từ khi có đê giảm sóng, tình trạng sạt lở đã chấm dứt, gia đình ông và các gia đình hàng xóm đã có giấc ngủ ngon.
Đê giảm sóng kết cấu rỗng là một sản phẩm khoa học thuộc Đề tài cấp quốc gia “Nghiên cứu giải pháp hợp lý và công nghệ thích hợp phòng, chống xói lở, ổn định dải bờ biển và các cửa sông Cửu Long, đoạn từ Tiền Giang đến Sóc Trăng”. Đề tài này được Bộ Khoa học và Công nghệ giao Viện Khoa học Thủy lợi Việt Nam thực hiện từ tháng 1/2017 đến tháng 6/2020, gia hạn đến tháng 6/2022.
Theo các tác giả đề tài “Nghiên cứu giải pháp hợp lý và công nghệ thích hợp phòng, chống xói lở, ổn định dải bờ biển và các cửa sông Cửu Long, đoạn từ Tiền Giang đến Sóc Trăng”, đê giảm sóng kết cấu rỗng có ưu điểm là giảm sóng tác động vào bờ biển, tiêu tán năng lượng sóng nhờ vào độ rỗng bề mặt cấu kiện, giảm sóng phản xạ và áp lực lên thân đê.
Chia sẻ với báo giới, Thạc sĩ Lê Xuân Tú, Chủ nhiệm đề tài “Nghiên cứu giải pháp hợp lý và công nghệ thích hợp phòng, chống xói lở, ổn định dải bờ biển và các cửa sông Cửu Long, đoạn từ Tiền Giang đến Sóc Trăng”, cho biết, đê giảm sóng kết cấu rỗng được thiết kế cách bờ khoảng từ 100-150m. Khi tác động vào đê này, sóng sẽ bị tiêu tán năng lượng từ 60-70%.
Bên cạnh đó, cấu kiện với kết cấu rỗng và có lỗ ở bề mặt cho phép bùn cát từ bên ngoài đê vận chuyển qua thân tạo bồi lắng ở phía sau, đồng thời che chắn cho cây non sinh trưởng và phục hồi nhanh chóng. Đê giảm sóng kết cấu rỗng ít cản trở đến quá trình di chuyển của động thực vật dưới nước, tạo điều kiện thuận lợi cho trao đổi môi trường trước và sau đê.
Công nghệ đê giảm sóng kết cấu rỗng do các nhà khoa học thuộc Viện Khoa học Thủy lợi miền Nam nghiên cứu sản xuất. Theo đó, các cấu kiện được sản xuất hàng loạt trong nhà máy từ bê tông mác cao (M40-M60 Mpa), sử dụng ván khuôn đặc thù được chế tạo bằng thép. Công nghệ này giúp đảm bảo độ chính xác về kích thước, chất lượng sản phẩm, đồng thời giúp quá trình thi công đơn giản, nhanh chóng (cấu kiện được chuyển đến vị trí công trình bằng xà lan sau đó được lắp đặt bằng cần cẩu 35 tấn đặt trên boong). Điều này có ý nghĩa rất quan trọng vì các công trình biển, trong đó có đê biển, chỉ có thể thi công trong mùa biển lặng.
Từ nhiều năm nay, bãi biển Tân Thành (xã Tân Thành, huyện Gò Công Đông) luôn là một trong những điểm du lịch nổi tiếng nhất của tỉnh Tiền Giang. Với vị trí địa lý thuận lợi khi chỉ cách TP.HCM 80km và Thành phố Mỹ Tho (Tiền Giang) 50km, biển Tân Thành thu hút sự quan tâm của du khách trong và ngoài tỉnh Tiền Giang nhờ vẻ đẹp hoang sơ, khung cảnh thanh bình … rất đặc trưng của một bãi biển Đồng bằng sông Cửu Long. Biển Tân Thành còn thu hút du khách nhờ một bãi cát đen dài khoảng 7km. Ở đây lại có nhiều hải sản phong phú, hấp dẫn.
Với những ưu điểm như trên, du khách đến với biển Tân Thành đang có xu hướng tăng lên. 6 tháng đầu năm 2023, đã có trên 125 nghìn lượt khách đến với biển Tân Thành, tăng mạnh so với cùng kỳ năm 2022.
Nhận thấy tiềm năng lớn của biển Tân Thành, UBND tỉnh Tiền Giang đang đầu tư, biến bãi biển này thành một khu du lịch sinh thái lớn để thúc đẩy phát triển kinh tế của các huyện ven biển thuộc vùng Gò Công. Khu Du lịch Sinh thái biển Tân Thành với diện tích 80 ha đã được UBND tỉnh Tiền Giang phê duyệt. Trong đó, đã có 1 dự án với diện tích 11,6 ha do Công ty TNHH MTV Vạn Bình An đầu tư, hiện đã cơ bản hoàn thành các hạng mục chính và đưa vào hoạt động.
Dọc tuyến đê biển thuộc xã Tân Thành, Tân Điền và Kiểng Phước, hiện đã mọc lên nhiều điểm du lịch sinh thái, thu hút nhiều du khách, nhất là vào những ngày cuối tuần.
Bên cạnh đó, tuyến đê biển Gò Công còn là nơi mà nhiều du khách, người dân địa phương thường xuyên tới để ngắm biển, hóng gió, thả diều, hay tham quan, trải nghiệm các hoạt động khai thác thủy sản như cào nghêu, bắt cua, ốc …
Hệ thống đê giảm sóng đã và đang được đầu tư xây dựng, về lâu dài sẽ giúp hình thành các bãi bồi, tạo điều kiện để phát triển trở lại hệ thống rừng ngập mặn ven biển Gò Công. Khi rừng ngập mặn phát triển trở lại, cũng sẽ góp phần quan trọng vào việc bảo vệ bờ biển, tạo cảnh quan, qua đó thu hút thêm nhiều du khách đến với biển Gò Công.
Đê biển Gò Công đã bắt đầu hình thành từ khoảng 70 năm trước. Ban đầu, đê biển Gò Công được đắp bằng đất với nhiệm vụ duy nhất là ngăn không cho nước mặn tràn vào đồng ruộng. Vì vậy, ngày xưa, đê biển Gò Công khá nhỏ hẹp.
Từ năm 1998, đê biển Gò Công đã nhiều lần được đầu tư nâng cấp, cải tạo. Đặc biệt, từ năm 2009 đến nay, hoạt động nâng cấp, cải tạo đê biển Gò Công đã được thực hiện một cách bài bản nhờ có chương trình củng cố, nâng cấp hệ thống đê biển phía Nam.
Năm 2009, Thủ tướng Chính phủ đã phê duyệt Chương trình củng cố, nâng cấp hệ thống đê biển từ Quảng Ngãi đến Kiên Giang. Theo đó, quan điểm chỉ đạo là xây dựng hệ thống đê biển từ Quảng Ngãi đến Kiên Giang thành một hệ thống khép kín, đảm bảo việc ngăn mặn, thoát lũ, phục vụ cấp thoát nước và các mục tiêu liên quan khác, đảm bảo an sinh và phát triển kinh tế - xã hội của từng địa phương ven biển.
Mục tiêu của Chương trình là hoàn thiện hệ thống đê biển khép kín từ Quảng Ngãi đến Kiên Giang để phòng tránh những tác động bất lợi từ biển, bảo vệ dân sinh và phát triển kinh tế - xã hội bền vững của các địa phương ven biển. Góp phần tạo cơ sở hạ tầng phù hợp với quy hoạch phát triển kinh tế - xã hội, bảo vệ môi trường và an ninh quốc phòng của từng địa phương, trước hết là những vùng có nhu cầu cấp bách.
Về lâu dài, hệ thống đê biển từ Quảng Ngãi đến Kiên Giang đảm bảo an toàn cho dân sinh, phát triển kinh tế, bảo vệ môi trường sinh thái vùng ven biển, thích ứng với nguy cơ nước biển dâng và những tác động xấu của biến đổi khí hậu; đồng thời từng bước hình thành trục giao thông ven biển phục vụ phát triển kinh tế - xã hội và an ninh quốc phòng vùng ven biển.
Để thực hiện mục tiêu của “Chương trình củng cố, nâng cấp hệ thống đê biển từ Quảng Ngãi đến Kiên Giang”, từ năm 2009 đến nay, với nguồn vốn Trung ương và ngân sách địa phương, tỉnh Tiền Giang đã đầu tư nhiều nguồn lực cho việc nâng cấp đê biển Gò Công, với nhiều hạng mục quan trọng như xây dựng tuyến đê dự phòng; làm kè chắn sóng bảo vệ mái đê đoạn xung yếu; bắc cầu qua cống Rạch Bùn; trải nhựa mặt đường trên chiều dài toàn tuyến đê biển; xử lý xói lở, sụp lún; xây dựng mới cống Rạch Gốc, cống Vàm Kênh…
Hiện tuyến đê biển Gò Công đã được khép kín với tổng chiều dài khoảng 21 km, chạy dài từ xã Tân Thành đến thị trấn Vàm Láng của huyện Gò Công Đông. Đê biển Gò Công hiện có khả năng chống chịu bão cấp 8-9, ngăn chặn ảnh hưởng của triều cường, gió biển trong mùa gió chướng, bảo vệ an toàn hàng chục nghìn ha đất sản xuất lúa và an toàn tính mạng cho hàng chục nghìn hộ dân vùng ngọt hóa Gò Công của tỉnh Tiền Giang.
Từ khi hoàn thiện công tác nâng cấp, ở vùng Gò Công, đã không còn tình trạng nước biển tràn vào đồng ruộng. Nhờ vậy, nông dân trồng lúa, rau màu hay nuôi tôm ven biển Gò Công đều đã yên tâm đầu tư sản xuất.
Bên cạnh đó, đê biển Gò Công đã được nâng cấp mở rộng, được trải nhựa mặt đường trên toàn bộ chiều dài, tạo thành tuyến đường giao thông ven biển kết nối với tuyến đường trong khu vực, đồng thời từng bước hình thành trục giao thông ven biển phục vụ phát triển kinh tế, xã hội, an ninh, quốc phòng vùng ven biển.