----------------------
PGS.TS Nguyễn Minh Châu, nguyên Viện trưởng Viện Cây ăn quả Miền Nam đã có sự khảo sát, chuẩn bị các bài tham luận sâu về định hướng phát triển nông nghiệp Tây Nguyên, báo cáo tại một số hội thảo quan trọng.
Vì dịch Covid-19, nhiều hội thảo dự kiến tổ chức trong tháng 8 này tại Tây Nguyên đã phải hoãn lại.
Nông nghiệp Việt Nam xin tóm tắt bài của PGS.TS Nguyễn Minh Châu về định hướng phát triển 3 cây ăn trái chủ lực cho Tây Nguyên là bơ, sầu riêng và chanh dây.
----------------------
Cây ăn trái ở Tây Nguyên theo tôi có 3 cây chính là sầu riêng, bơ và chanh dây. Trong 5 - 7 năm tới, nếu làm tốt, chúng ta mới mong tiến kịp các nước tiên tiến, rõ nhất là cây bơ.
Tất nhiên nhiều hộ đang làm rất tốt, đời sống nhiều gia đình nay đã khá cao nhờ trái sầu riêng và chanh dây từ đây đã xuất khẩu khá nhiều. Do vậy, tôi chỉ nêu những điểm còn khác biệt ở Việt Nam khi so với cây bơ và cây chanh dây đang trồng ở các nước tiên tiến, để chúng ta xem lại, khai thác tốt tiềm năng của những cây này trên vùng đất bazan phì nhiêu mà những chuyên gia nhiều kinh nghiệm của nước ngoài khi đến đây đều phải thốt lên: Đất tốt quá, màu đất giống như màu socola!
Phần 1: Cây bơ
Có sự khác biệt rất lớn về nghề trồng bơ giữa người dân Tây Nguyên hiện nay và nông dân ở các nước tiên tiến như Mỹ, Úc, Nam Phi và NewZeland về nhiều điểm như: cách chuẩn bị cây giống, cách trồng, bón phân, thu hoạch, đóng gói, thực hành bản quyền giống quốc tế, và cách ăn bơ của người Việt so với người phương Tây.
Ở Việt Nam, có 2 nhóm bơ chính, cần phân biệt rõ sự khác biệt giữa chúng:
- Nhóm bơ nhiệt đới (thế giới gọi là Tropical avocado) gồm hầu hết các cây bơ mà trước đây bà con Tây Nguyên gieo hạt lên, và các giống mà hơn chục năm gần đây, được nhiều đơn vị/cá nhân tuyển chọn, rồi nhân giống bằng cách ghép cành như các giống 034, 036, MB2, Mã dưỡng, Booth7, TA1, TA40, Tứ Quý Đak farm, MĐ2…, với đặc điểm chung là chịu được khí hậu nhiệt đới; trái thường to (300-800 g/trái); da láng; hầu hết không ngon, do hàm lượng dầu trong trái thấp, từ 5-15%, dầu thấp nhất là bơ nước, dầu khá hơn là bơ mỡ, cao nhất là bơ sáp như TA40 đạt 19%. Bơ thuộc nhóm này trồng được cả ở vùng có khí hậu nóng như ở miền Đông Nam Bộ, Tây Nam Bộ, và vùng có khí hậu mát như Tây Nguyên.
- Nhóm bơ chịu khí hậu mát lạnh (thế giới gọi là Avocado) gồm các giống bơ như: Hass, Lamb Hass, Fuerte, Pinkerton, Reed, Wurtz, Shepard, Gem, Carmen, Zutano, Dusa, Duke7, Sir prize Hass... với đặc điểm chung: thích nhiệt độ mát lạnh, trái nhỏ từ 250-450g tùy giống; da sần sùi, hàm lượng dầu cao, từ 18-25% tùy giống.
Về yêu cầu khí hậu, giống bơ Hass thuộc nhóm này, ưa nhiệt độ lúc trổ bông vào khoảng 15oC, và trong thời gian 20 ngày thì trái mới đạt kích cỡ 300-350g. Ông Lương Văn Hiệp ở xã Dak Nia, Gia Nghĩa, Đắk Nông cho biết ở Quảng Sơn, Dak Glong nơi có nhiệt độ khoảng 15oC tỷ lệ trái Hass trên 220g chiếm 70%, nhưng giống Pinkerton tỏ ra phù hợp hơn. Điều này chứng tỏ giống Hass có thể cần nhiệt độ thấp hơn 15oC, hay phải chăm sóc tốt hơn nữa thì mới đạt trọng lượng mong muốn của Hass.
Về mặt thương mại:
- Nhóm bơ chịu mát lạnh, cụ thể là giống bơ Hass, Lamb Hass hiện chiếm hầu hết thương mại quốc tế giữa các nước Mỹ, Úc, Nhật, Nam Phi, Châu Âu, Trung Quốc, Mexico, Peru, v.v. Giống Hass - giống xuất khẩu chủ lực trên thế giới, có các đặc điểm sau: hoa nhóm A, trọng lượng 250-350g, hàm lượng dầu 18-20%, da sần sùi, chịu khí hậu mát lạnh. Được rất nhiều nước trên thế giới trồng để xuất khẩu. Gần đây, tham gia xuất khẩu còn có Lamb Hass, nhờ có hình dáng trái như Hass, nhưng trọng lượng lại to hơn Hass, tầm 350-400g.
- Các giống thuộc nhóm bơ chịu nóng chỉ chiếm một tỷ lệ thương mại quốc tế rất nhỏ, chỉ vài ba phần trăm (FRUITrop, số 255, tháng 3/2018).
Hiện trạng trồng bơ ở Tây Nguyên
Có dịp đi lại các tỉnh Tây Nguyên nhiều năm, tôi chỉ thấy 1 mô hình trồng bơ Hass với diện tích vài chục ha ở Di Linh (Lâm Đồng) giống như cách trồng bơ ở Mỹ, Úc, Nam Phi. Còn lại, đều trồng bơ không giống các nước tiên tiến. Hầu hết trồng bơ xen với sầu riêng, hay trồng bơ kiểu vườn tạp với rất nhiều giống bơ khác nhau, hoặc vài cây bơ xen trong vườn cà phê như là cây che mát.
Cây giống của mình cũng không cần phải là cây tốt, cây sạch bệnh như cây giống ở các nước tiên tiến. Tệ hơn, giống làm gốc ghép là bất kỳ giống nào mà vườn ươm có thể mua được (trong lúc, các nước khác đã sử dụng giống kháng bệnh nhất định, tùy theo nước).
Giá thể cũng không có một tỷ lệ đất nơi cây sẽ được trồng sau này như ở các nước. Vệ sinh lúc ghép chưa đạt, nên sau khi trồng một thời gian ở ngay điểm tiếp giáp giữa mắt ghép với gốc ghép có một tỷ lệ cây bị nhiễm nấm, và phần mắt ghép sẽ héo chết.
Cái đáng quan tâm nữa là việc bơ trồng thấp hơn mặt đất và không thấy rễ chùm nổi trên mặt đất. Trong khi đó ở các nước tiên tiến trên thế giới, bơ được trồng trên luống cao chừng 30cm, lúc nào cũng thấy rễ chùm nổi trên mặt luống.
Ở nước ngoài, họ trồng bơ cao hơn mặt đất vì rất sợ cây bị úng nước khi bị mưa liên tục. Đây là việc cần được các cơ quan nghiên cứu hoặc doanh nghiệp hỗ trợ thay đổi được tập quán trồng bơ, không trồng thấp hơn mặt đất, thậm chí còn trồng dưới hố sâu. Nếu trồng không đúng kỹ thuật thì cây bơ dễ bị bệnh xì mủ, tốn tiền chữa bệnh.
Ngoài ra, trong quá trình chăm sóc, nhất là trong mùa khô, nông dân thường tủ các xác bã thực vật vào tận sát gốc cây (lẽ ra chỉ tủ đến cách gốc chừng 20cm) làm cho gốc cây bị ẩm ướt, cũng là nguy cơ gây bệnh xì mủ, dù là trong mùa khô.
Hay cách bón phân cho bơ, cần được xem lại, vì trên cây bơ khác về mục tiêu cần đạt được so với cây ăn trái khác, trái bơ cần phát triển dầu, trong lúc cây ăn trái khác cần phát triển độ ngọt, nên cách bón phân phải khác nhau. Việc này, đã được các chuyên gia bơ người Úc, Nam Phi lưu ý.
Theo Bruce, Nigel và Anthony, 2012, là tác giả của quyển sách Bơ Avocado, cách bón phân cho bơ như sau:
1. Không bón P trước và trong lúc trổ, nhưng bón sau trổ 50% và 50% sau thu hoạch.
2. Bón 20% K trước trổ và 20% trong khi trổ, 60% sau khi đã đậu trái.
3. 25% N ngay trước trổ và 75% N sau khi đậu trái.
Cách thu hoạch bơ ở Tây Nguyên cũng khác với các nước tiên tiến, làm cho người tiêu dùng Việt Nam gặp nhiều may rủi, có khi mua về, rất lâu mới ăn được, hoặc thậm chí không ăn được. Sở dĩ có điều này vì nông dân mình chưa quan tâm đến thời điểm chính xác để thu hoạch bơ như nông dân ở các nước. Nông dân ở Úc, Mỹ, Nam Phi sẽ làm một khảo sát để xem lượng chất khô (TDM production) đã đạt đến trị số TDM mong muốn chưa, thì mới thu bơ. Tony, 2020, khuyến cáo trên tất cả các giống bơ chịu mát khi TDM đạt 21% thì thu được. Để xác định trọng lượng TDM rất đơn giản, chỉ cần 1 tủ sấy loại nhỏ và 1 cân tiểu ly.
Trái bơ sau khi thu hoạch ở mình, vì chưa có nhà đóng gói nên không qua các khâu rửa, phân loại, đóng thùng, dán nhãn hiệu, rồi đưa vô kho mát bảo quản như ở các nước. Dẫn đến tỷ lệ hỏng, do các bệnh sau thu hoạch cao hơn các nước có nhà đóng gói.
Trái bơ ở mình, sau khi thu hoạch và được bảo quản, không qua công đoạn đem vào phòng để ủ chín trước khi đem ra bán ở siêu thị như ở các nước.
Hai việc sau thu hoạch trên, nếu có nhà đầu tư, thì có thể khắc phục rất nhanh, vì nhà đóng gói và phòng ủ chín có thể hợp đồng với các công ty quốc tế đến lắp đặt là có.
Cách ăn bơ cũng khác nhau, nên ảnh hưởng lớn đến việc chọn giống trồng. Ở Việt Nam, ăn bơ chủ yếu ở dạng sinh tố, còn ở các nước chủ yếu là cắt đôi trái ra, nặn chút chanh, rải thêm chút muối tiêu, rồi múc ăn như người Việt ăn đu đủ. Hoặc họ ăn bơ cắt thành lát, xếp chung với các loại rau salad, cho chút dấm, rồi ăn trước khi ăn các món chính. Do cách ăn của người phương Tây như vậy, nên nếu gặp giống bơ nước hay bơ mỡ như ở mình, thì họ sẽ nhận biết ngay bơ kém chất lượng.
Như vậy, nhu cầu thay giống cũ bằng giống mới ngon, đặc biệt là giống có hàm lượng dầu cao như Hass là rất cấp bách ở nước ta, nếu muốn trở thành nước xuất khẩu bơ. Tất nhiên, là chỉ nên thay giống, trồng mới giống bơ Hass, Lamb Hass ở những nơi có khí hậu mát lạnh.
Đề xuất cải tiến
Theo tôi cần có các hỗ trợ sau đây để thay đổi sản xuất bơ trong 5, 7 năm tới, để ngành bơ đầy tiềm năng của Tây Nguyên đuổi kịp thế giới hiện nay:
- Xây dựng 1, 2 vườn ươm mẫu sản xuất cây giống bơ tốt hơn, và sạch bệnh. Để có cây giống tốt chúng ta phải thay đổi cách xây dựng vườn ươm và thay đổi cách làm như các nước: không để cây giống tiếp xúc với mặt đất, giá thể và nước tưới phải được vô trùng, chấm dứt việc giống gốc ghép là bất cứ hạt nào mua được, mà phải là một giống nhất định nào đó như ở các nước tiên tiến.
- Còn để có cây giống kháng bệnh xì mủ chúng ta phải nhập giống gốc ghép kháng bệnh xì mủ mà thế giới đang dùng như Dusa (họ sẵn sàng cho nhập theo thông lệ quốc tế, nhưng chúng ta phải tôn trọng luật quốc tế về bản quyền).
- Xây dựng mô hình trồng bơ đúng kỹ thuật, để hạn chế được bệnh xì mủ theo quy trình trồng bơ ở các nước tiên tiến.
- Xây dựng mô hình ghép cải tạo các giống bơ cũ, bằng các giống bơ ngon để nhanh chóng có trái Hass xuất khẩu, và giống Lamb Hass, có kích thước to 300-350g.
- Thí nghiệm so sánh cách bón phân hiện nay của nông dân ở Tây Nguyên, với quy trình trồng bơ của quốc tế để tăng được cả hàm lượng dầu và kích cỡ trái Hass.
- Xây dựng nhà đóng gói ở các vùng trồng bơ.
- Xây dựng phòng ủ chín bơ.
- Tổ chức các lớp tập huấn và xây dựng các mô hình về phòng trừ bệnh xì mủ, thối rễ cho bơ, sầu riêng theo IPM. Quy trình phòng trừ này có thể áp dụng luôn cho các cây khác trong vùng như cây macca, ca cao, mít, cao su...
- Xây dựng phòng thí nghiệm bệnh cây và đào tạo cán bộ có chuyên môn sâu về nấm Phytophthora để có thể thanh lọc/ tìm được các giống gốc ghép kháng được bệnh xì mủ, thối rễ trên nhiều cây trồng ở Tây Nguyên.
Phần 2: Cây sầu riêng
Là cây ăn trái thứ 2 nên phát huy ở Tây Nguyên. Vì sầu riêng được trồng rất phù hợp ở Đắk Nông, Đăk Lăk, Gia Lai, Kon Tum và Lâm Đồng. Thời vụ cho trái ở Tây Nguyên rơi vào tháng 7 đến tháng 10 nên nghịch vụ với miền Tây là tháng 5, 6, và ở miền Đông là tháng 6, 7. Đây là một lợi thế lớn cho sầu riêng ở Tây Nguyên khi xuất khẩu.
Nhu cầu tiêu dùng sầu riêng hiện rất cao ngay cả ở trong nước, đặc biệt ở miền Bắc Việt Nam không thể trồng được, và Trung Quốc cũng không trồng được.
Hiện trạng
Bên cạnh ưu thế này, sầu riêng Tây Nguyên có vài hạn chế cần được khắc phục, như:
1. Cây giống cũng không sạch bệnh như cây bơ. Hầu hết là lấy từ Chợ Lách, Bến Tre về. Khi trồng, bà con cần kiểm tra lại từng cây xem bộ rễ có phát triển bình thường không, rễ bị đen, bị quấn không, rồi mới trồng.
2. Cách trồng: Cũng như bơ, sầu riêng là cây dễ bị nhiễm nấm Phytophthora, nhưng bà con cũng trồng sâu dưới mặt đất như bơ, do vậy, tôi thấy cây sầu riêng bị bệnh xì mủ ở rất nhiều nơi tại Tây Nguyên, cây lớn, cây nhỏ đều bị. Điều này, khiến nhà vườn tốn tiền mua thuốc trị bệnh cho cây hàng năm. Bệnh này gây hại chẳng những trên rễ, thân, mà cả trên trái sau khi thu. Để phòng trị, tham khảo Quy trình phòng trừ bệnh xì mủ trên sầu riêng theo IPM đã được Bộ NN-PTNT công nhận năm 2000.
3. Về cách đóng gói thì khá hơn bơ, do là trái xuất khẩu lâu nay, nên đã có các doanh nghiệp về vùng nguyên liệu xây dựng nhà đóng gói, phân loại, dán nhãn, vô thùng. Rất tiếc các thùng này còn phải mặc áo Thái Lan hay Trung Quốc, mới xuất đi được.
4. Chưa có các cơ sở chế biến, dù là đơn giản như chỉ đông lạnh.
Đề xuất cải tiến
- Vườn ươm, sử dụng giống kháng bệnh đã có sẵn ở miền Tây là các giống sầu riêng lá quéo, Tứ quý, Chanee để làm gốc ghép chống chịu bệnh xì mủ.
- Mô hình trồng sầu riêng cao hơn mặt đất một chút để phòng bệnh.
- Mô hình phòng ngừa cơm sầu riêng bị sượng, mà quy trình đã có (Trần Văn Hâu, Xử lý ra hoa sầu riêng, Nhà xuất bản Nông nghiệp, 2020).
- Từng bước xây dựng thương hiệu sầu riêng Buôn Ma Thuột, như cà phê Buôn Ma Thuột.
- Xây dựng mô hình ăn sầu riêng chín cây, rụng tại vườn ở gần các thành phố như Gia Nghĩa, Ban Ma Thuột, Pleiku.
Phần 3: Cây chanh dây
Hiện trạng
Vấn đề tồn tại trên chanh dây ở Tây Nguyên cũng giống trên bơ và sầu riêng, đó là cây giống, phương pháp trồng, và cách thu hoạch khác hẳn với cách trồng, thu hoạch ở Đài Loan.
1. Vấn đề cây giống trên cây chanh dây, còn cần phải quan tâm hơn cây giống bơ, vì cây chanh dây có nhiều bệnh do virus lây lan qua cây giống (bệnh cứng trái, khảm), nhiều bệnh do nấm, vi khuẩn như Đốm dầu.
Cây giống "sạch bệnh", được nhập từ Đài Loan, từ Nghệ An, từ Viện Cây ăn quả Miền Nam, hay được sản xuất tại chỗ cũng có. Nhưng chưa có đơn vị hay phòng thí nghiệm nào ở Tây Nguyên kiểm tra lại xem các cây chanh dây này có thật sự sạch bệnh như người bán cho biết hay không? Thực tế là hầu hết vườn sau khi trồng mới cho trái đợt 2 thì bệnh virus đã thấy hiện ra, sớm quá. Rồi từ lúc đó, bắt đầu lan ra rất nhanh chóng. Người trồng vỡ mộng làm giàu sau vài tháng xuống giống.
2. Vấn đề thời vụ xuống giống: Các vườn trồng chanh dây ở đây không tập trung, và thời gian thu trái kéo dài đến 1,5 năm là 2 vấn đề tiếp theo. Bên Đài Loan, họ trồng rất tập trung, xuống giống cùng một lúc tất cả các vườn trong 1 vùng vào tháng 1 DL, đến cuối tháng 12 DL thì tất cả cùng chặt bỏ để trồng mới, dù trái vẫn còn có thể thu thêm đợt nữa. Làm như vậy, họ cắt đứt chu kỳ bệnh, không để lây lan bệnh như cách làm ở mình.
3. Họ cũng không trồng dày như nông dân ở Gia Nghĩa (Đắk Nông), và không đặt mục tiêu về năng suất cao như ở Gia Nghĩa nơi có nhiều vườn đặt mục tiêu đạt đến 80 tấn/ha (phải dùng nhiều thuốc BVTV, phân bón, khó tiêu thụ).
4. Về thu hoạch, trái được thu cũng khác mình: Họ để trái chín tự nhiên, rụng xuống 1 cái lưới giăng sẵn bên dưới giàn chanh dây, nhằm bảo đảm chất lượng trái sẽ tốt nhất. Còn ở mình, nông dân bẻ trái trên cây, lúc trái vẫn còn xanh. Thật là khác nhau.
Vài vấn đề cần được hỗ trợ trên cây chanh dây ở Tây Nguyên
- Xây dựng 1 phòng lab giám định các bệnh do virus gây ra trên cây chanh dây.
- Xây dựng 1 vườn ươm sản xuất cây giống sạch bệnh tại chỗ, để hạ được giá bán cây giống, thay vì phải nhập từ Đài Loan, từ Nghệ An, hay mua từ Viện Cây ăn quả Miền Nam. Việc này không phải là quá sức để phải tiếp tục nhập cây giống về trồng như hiện nay.
- Quy hoạch vùng trồng chanh dây đạt chất lượng cao.
- Hỗ trợ xây dựng mô hình sản xuất tập trung vài chục ha, theo kiểu Đài Loan, trồng tập trung tháng 1, chấm dứt vụ mùa trong tháng 12, nhằm phát triển bền vững, hạn chế sự lây lan các bệnh virus từ vườn này sang vườn khác.
- Xây dựng mô hình sản xuất theo hướng chất lượng, năng suất chỉ tầm 40 tấn/ha, nhưng trái an toàn.
- Thay đổi cách thu trái như bên Đài Loan để có chất lượng cao nhất.
- Xây dựng mô hình sản xuất theo phương pháp hữu cơ, vì Châu Âu rất cần.
- Kêu gọi doanh nghiệp phát triển các sản phẩm chế biến từ chanh dây, ngoài nước uống, thêm các loại bánh ngọt, kem...
Phần 4:
Đề xuất một số nội dung cần hỗ trợ phát triển bơ, sầu riêng và chanh dây
* GIAI ĐOẠN 2020-2025:
1. Lập kế hoạch/quy hoạch sản xuất cho từng cây chính đã nói trên đến năm 2025, nhất là bơ Hass, Lamb Hass... sẽ được trồng ở đâu, để đạt chất lượng cao nhất, cạnh tranh xuất khẩu. Phối hợp với dự án Nzaid đang thực hiện với Công ty SAM ở Đắk Nông.
2. Kêu gọi doanh nghiệp đầu tư trồng bơ xuất khẩu: Xây dựng vườn ươm và vườn trồng kiểu mới, kho bảo quản, phòng ủ chín bơ.
3. Đào tạo cán bộ có chuyên môn sâu về bệnh cây nói chung, và bệnh do nấm Phytophthora gây bệnh xì mủ nói riêng, vì hầu hết các loại cây ăn trái chính ở Tây Nguyên, cây macca, cây tiêu đều bị nấm này tấn công.
4. Riêng chanh dây, nên xây dựng phòng thí nghiệm giám định được các bệnh virus, để chủ động giám định cây đầu dòng, giúp sản xuất cây giống sạch bệnh tại chỗ.
* GIAI ĐOẠN 2026- 2030:
- Sản xuất cây giống bơ với gốc ghép kháng bệnh, thậm chí giống gốc ghép kháng bệnh và vô tính (Clonal rootstock) như các nước tiên tiến đang làm.
- Tăng cường các sản phẩm chế biến từ bơ, sầu riêng, chanh dây.
- Có kế hoạch đến năm 2030, Tây Nguyên sẽ có một vài thương hiệu tư nhân lo việc xuất khẩu bơ, sầu riêng, chanh dây đi các nước, như nhiều thương hiệu xuất khẩu cà phê hiện nay.
Theo tôi, chừng 10 năm tới, sản xuất và xuất khẩu sầu riêng, bơ và chanh dây ở Tây Nguyên sẽ khác xa hiện nay, vì chúng có tiềm năng rất lớn. Hiện nay, có thể nói chúng ta chỉ mới bắt đầu trên cây bơ và cây chanh dây, chưa có sự hỗ trợ rõ về khoa học cho sản xuất như đã làm cho cây cà phê.
Cần xây dựng kế hoạch thật tốt để nhanh chóng đem nhiều thành tựu khoa học hơn vào sản xuất bơ, sầu riêng, và chanh dây trong những năm tới. Kêu gọi cho được nhiều doanh nghiệp về đây, cùng biến tiềm năng to lớn của chúng sớm thành hiện thực, làm cho nông dân giàu có hơn, biến tiềm năng của 3 cây ăn trái này trên vùng đất bazan sớm thành hiện thực.
PGS.TS Nguyễn Minh Châu - Trần Cao - Ngọc Khanh - Minh Hậu