| Hotline: 0983.970.780

Sản xuất nông nghiệp Tây Nguyên – nguy cơ thiếu tính bền vững

Thứ Ba 07/07/2020 , 08:35 (GMT+7)

Những năm qua, việc canh tác quá mức và không khoa học cùng với biến đổi khí hậu đã đặt ra cho ngành nông nghiệp Tây Nguyên rất nhiều thách thức.

Cà phê trồng ngoài quy hoạch do thiếu nước tưới đã bị chết khô. Ảnh: Mai Phương.

Cà phê trồng ngoài quy hoạch do thiếu nước tưới đã bị chết khô. Ảnh: Mai Phương.

Tây Nguyên có diện tích tự nhiên khoảng 54.700 km2; trong đó đất nông nghiệp chiếm tới 36%; là vùng trồng cà phê, hồ tiêu chủ lực của Việt Nam với diện tích lần lượt là 588.000 ha và 85.000 ha.

Đây là 2 loại cây công nghiệp dài ngày có giá trị xuất khẩu trên 1 tỷ USD của Việt Nam; trong đó sản lượng xuất khẩu hồ tiêu Việt Nam đứng đầu; cà phê đứng thứ hai trên thế giới.

Trong những thập kỷ qua sản xuất cà phê, hồ tiêu đã góp phần rất quan trọng trong xóa đói giảm nghèo, phát triển kinh tế và xây dựng nông thôn mới. Bộ mặt nông thôn vùng miền núi đã thay đổi từng ngày theo hướng hiện đại và văn minh; đời sống người nông dân được cải thiện.

Nông dân trồng cà phê, hồ tiêu đã ứng dụng nhiều tiến bộ kỹ thuật theo hướng thâm canh cao để đạt năng suất tối đa, đặc biệt là trong những thời kỳ giá cà phê, hồ tiêu tăng cao cùng với những thời điểm đó thì việc mở rộng diện tích là không thể kiểm soát được (ngoài quy hoạch).

Việc thâm canh cao độ bằng con đường hóa học, mở rộng diện tích ngoài quy hoạch cùng với nạn phá rừng để lấy đất canh tác; sử dụng nguồn tài nguyên nước bất hợp lý… trong một thời gian dài đã làm cho nguồn tài nguyên đất bị suy thoái; tài nguyên rừng bị suy giảm; tài nguyên nước bị thiếu hụt; sâu bệnh hại phát triển; tình trạng biến đổi khí hậu xảy ra với tốc độ nhanh hơn, quy mô rộng hơn và mức độ thì ngày càng nghiêm trọng hơn.

Tất cả những vấn để trên đã làm cho sản xuất nông nghiệp Tây Nguyên nói chung, sản xuất cà phê, hồ tiêu nói riêng có nguy cơ ngày càng thiếu tính bền vững.

Nguy cơ tính thiếu bền vững được thể hiện cụ thể ở các lĩnh vực sau:

Đất đai bị suy thoái, chai cứng nên khả năng giữ phân bón, giữ nước kém từ đó làm tổn thất lượng phân bón vào hay nói cách khác là hệ số sử dụng phân bón thấp. Lượng phân thất thoát lớn sẽ tăng nguy cơ ô nhiễm môi trường đất và nước.

Ngoài ra, việc sử dụng thuốc bảo vệ thực vật hóa học với liều lượng và nồng độ cao nhiều năm liền cũng đã làm cho môi trường đất bị suy thoái. Hệ vi sinh vật có lợi trong đất bị suy giảm, cân bằng vi sinh vật bị phá vỡ tạo cơ hội cho các loại bệnh từ đất phát sinh gây hại.

Đất bị chua hóa sẽ phát sinh nhiều độc tố gây hại bộ rễ cây trồng như mang gan (Mn), nhôm (Al); từ đó nấm bệnh hại từ đất rất dễ xâm nhập gây hại cây trồng.

Ngoài ra, đất chua sẽ không giữ được các chất dinh dưỡng từ phân bón, gây thất thoát, tăng chi phí đầu tư và có nguy cơ ô nhiễm môi trường. Đất chua là môi trường rất thuận lợi cho hệ vi sinh vật gây hại phát triển; cân bằng vi sinh vật trong đất bị phá vỡ; các vi sinh vật có hại trong đất phát triển nhanh, tấn công gây hại cây trồng.

Hiện tượng xói mòn, rửa trôi đất trên bề mặt ở các vườn cà phê, hồ tiêu trồng trên đất dốc xảy ra khá phổ biến. Đa số (khoảng 75%) diện tích trồng cà phê và hồ tiêu ở Tây Nguyên được trồng trên đất dốc dưới điều kiện mưa nhiều và tập trung với cường độ lớn đã gây hiện tượng xói mòn, rửa trôi đất xảy ra nghiêm trọng.

Lượng đất bị mất chủ yếu là lớp đất mặt có các hàm lượng dinh dưỡng như hữu cơ, đạm, lân, kali đễ tiêu; can xi, magiê cao bị mất theo dòng đất bị cuốn trôi, từ đó làm suy kiệt các chất dinh dưỡng bề mặt, đất chai cứng và chua hóa.

Hiện tại tỷ lệ diện tích đất trồng cà phê, hồ tiêu bị thoái hóa do tác nhân xói mòn chiếm khoảng 35 – 40%.

Tài nguyên nước bị suy giảm, nguy cơ thiếu nước tưới. Cây cà phê, hồ tiêu có nhu cầu nước rất cao. Ở Tây Nguyên, 6 tháng mùa khô với nhiệt độ cao, nắng và gió xảy ra thường xuyên nên để đảm bảo cho sinh trưởng, phát triển và cho năng suất cao, chất lượng tốt thì tưới nước là biện pháp kỹ thuật bắt buộc.

Hiện tại, nguồn nước mặt tưới cho các loại cây trồng này chỉ chiếm khoảng 35 – 40%; khoảng 60% lượng nước tưới được khai thác từ nguồn nước ngầm.

Cứ vào mùa khô, nhiều diện tích cà phê tại Tây Nguyên bị thiếu nước tưới. Ảnh: MP.

Cứ vào mùa khô, nhiều diện tích cà phê tại Tây Nguyên bị thiếu nước tưới. Ảnh: MP.

Trong vòng 15 năm trở lại đây trữ lượng nguồn nước mặt có chiều hướng suy giảm từ lưu lượng 173.863l/s của những năm 2004-2005 xuống còn trên dưới 125.000l/s hiện nay; tổng trữ lượng nước ngầm đến nay chỉ còn khoảng 30 – 35%.

Nguyên nhân của vấn đề này có liên quan đến tình trạng mất rừng. Phá rừng để làm nương rẫy, gia tăng diện tích cà phê, hồ tiêu ngoài quy hoạch đã làm giảm thảm phủ rừng, từ đó dẫn đến hệ lụy làm cho nguồn nước ngầm bị suy kiệt nhanh chóng do không có nguồn sinh thủy phát sinh từ thảm phủ, làm tăng tốc độ xói mòn, rửa trôi đất mặt.

Thiếu nguồn nước tưới sẽ ảnh hưởng đến năng suất, chất lượng sản phẩm và hệ lụy dẫn đến là: sản xuất nông nghiệp thiếu tính bền vững.

Trong những thời điểm giá cà phê, hồ tiêu cao; nông dân có xu hướng thâm canh rất cao như sử dụng lượng phân bón vượt quá nhu cầu, song không cân đối, hợp lý; không chú trọng sử dụng phân hữu cơ và các sản phẩm sinh học; sử dụng nhiều thuốc hóa học bảo vệ thực vật đã làm cho chu kỳ khai thác của cây bị rút ngắn; cây bị kệt sức nhanh; tính chống chịu với điều kiện bất thuận, sâu bệnh hại kém; cây dễ bị nhiễm, từ đó đã làm cho nguy cơ sản xuất nông nghiệp thiếu tính bền vững ngày càng rõ nét hơn.

Nhiều diện tích cà phê tại tỉnh Gia Lai phải chặt bỏ do trồng ngoài quy hoạch, thiếu nước tưới. Ảnh: TH.

Nhiều diện tích cà phê tại tỉnh Gia Lai phải chặt bỏ do trồng ngoài quy hoạch, thiếu nước tưới. Ảnh: TH.

Biến đổi khí hậu (BĐKH) làm gia tăng nguy cơ sản xuất nông nghiệp vùng Tây Nguyên thiếu tính bền vững. Tác động của BĐKH gây ra nhiều hậu quả khác nhau.

Mưa lũ xuất hiện nhiều làm tăng nguy cơ ngập lụt đối với các vùng đất thấp, thoát nước kém làm cho mức độ rủi ro trong sản xuất cao hơn.

Bên cạnh đó, những đợt hạn hán trầm trọng kéo dài cũng đe dọa các ngành sản xuất nông - lâm nghiệp, ảnh hưởng trực tiếp tới năng suất, sản lượng của hầu hết các loại cây công nghiệp chủ lực của vùng như cà phê, cao su, hồ tiêu, gây ra nhiều loại dịch bệnh trên cây trồng như bệnh chết nhanh, chết chậm trên cây hồ tiêu; bệnh vàng lá do thối rễ cà phê; bệnh nứt thân cà phê; bọ xít muỗi hại cà phê chè...

Sự thay đổi về thời tiết, mà rõ nhất là phân bố mưa. Lượng mưa ở Tây Nguyên trong vòng 15 năm trở lại đây là rất rõ. Tần suất xuất hiện mưa vào các tháng 12, tháng 1 là khá phổ biến. Điều này đã làm cho các loại cây trồng như cà phê,  gặp trở ngại trong quá trình thụ phấn thụ tinh.

Cà phê sau một thời gian khô cùng với nhiệt độ giảm đã phân hóa mầm hoa, khi tưới nước đầy đủ, thì hoa nở, nhưng nhiều khi gặp mưa phùn làm tỷ lệ đậu quả thấp, giảm năng suất.

Hoặc đầu mùa khô, xuất hiện một đợt mưa phùn làm hoa cà phê nở lai rai, nhưng tỷ lệ đậu quả cũng thấp.

Đối với cây hồ tiêu thì không có đủ thời gian khô hạn để phân hóa mầm hoa nên ảnh hưởng đến năng suất. Nắng hạn cũng thường xuyên xuất hiện vào giai đoạn tháng 3, 4 với tần suất ngày càng cao hơn đã làm tăng tỷ lệ rụng quả cà phê và tốn chi phi tưới nước nhiều hơn.

Đối với cây hồ tiêu, giai đoạn này cũng cần phải tưới nước để duy trì quá trình phân hóa mầm hoa, nếu không thì cây sẽ bị thiếu nước, ảnh hưởng đến ra hoa, đậu quả hồ tiêu khi mùa mưa đến.

Tóm lại, sản xuất nông nghiệp nói chung và sản xuất cà phê, hồ tiêu nói riêng ở Tây Nguyên đang có nguy cơ thiếu tính bền vững rõ nét do những nguyên nhân đã phân tích ở trên.

Để đảm bảo cho các ngành hàng cà phê, hồ tiêu phát triển bền vững trong thời gian tới nhằm sẵn sàng cho việc hội nhập kinh tế quốc tế, đặc biệt là sẵn sàng cho việc đáp ứng các yêu cầu về hàng rào kỹ thuật khi mà Việt Nam đã phê duyệt EVFTA thì ngay từ bây giờ cần có những giải pháp tổng thể mang tính đồng bộ về quy hoạch sản xuất, quy hoạch thị trường và khoa học công nghệ để tạo bước đột phá trong tư duy sản xuất từ số lượng chuyển sang chất lượng và có giá trị gia tăng cao.

Diện tích cà phê, hồ tiêu vượt quy hoạch; canh tác thiếu tuân thủ quy trình kỹ thuật. So với quy hoạch của Bộ NN-PTNT đối với cây cà phê, diện tích cả nước là 500.000 ha; song tại Tây Nguyên, hiện nay diện tích cà phê đã đạt 585.000 ha, vượt 85.000 ha, tương đương 17%; diện tích quy hoạch hồ tiêu Việt Nam là 50.000 ha; song chỉ ở Tây Nguyên diện tích hồ tiêu đã đạt khoảng 85.000 ha (vượt 35.000 ha, tương đương 70%).

Đại đa số diện tích cà phê, hồ tiêu vượt quy hoạch được trồng trên các loại đất không phù hợp, thiếu nguồn nước; vì vậy cây sinh trưởng không tốt, năng suất thấp, chu kỳ khai thác ngắn và hiệu quả kinh tế không cao.

(Nguyên Viện trưởng Viện Khoa học Kỹ thuật Nông lâm nghiệp tây Nguyên)

Xem thêm
Ông Đinh Thế Huynh nhận huy hiệu 50 năm tuổi Đảng

Trao quyết định và tặng hoa, ông Trần Cẩm Tú chúc mừng ông Đinh Thế Huynh đón nhận Huy hiệu 50 năm tuổi Đảng - phần thưởng cao quý của Đảng.

Nhận quà khủng, chủ xe VF 6 chốt cọc với mức giá từ 579 triệu đồng

VF 6 đang là mẫu xe đáng mua nhất phân khúc khi chi phí bỏ ra cho chiếc xe chưa đến 600 triệu đồng nhưng giá trị nhận được thì vượt xa con số này.

Xúc tiến, quảng bá, kết nối du lịch Đồng bằng sông Cửu Long

Đồng bằng sông Cửu Long từ lâu đã nổi tiếng là vùng đất bình yên của những người dân chất phác, thân thiện với phong cảnh thiên nhiên hữu tình, thơ mộng.

Hơi ấm cộng đồng giúp người dân Lục Yên gượng dậy sau bão

Yên Bái Vượt qua những đau thương, mất mát do thiên tai càn quét, những ngày này chính quyền và người dân ở huyện Lục Yên đang gượng dậy khôi phục sản xuất, dựng lại nhà ở.