Doanh nghiệp góp phần đưa nông nghiệp Đắk Nông phát triển

Tỉnh Đắk Nông có diện tích tự nhiên là 6.514,38 km2, trong đó đất sản xuất nông nghiệp chiếm 58% tổng diện tích tự nhiên của tỉnh. Nông nghiệp đang giữ vị trí quan trọng trong nền kinh tế của Đắk Nông, chiếm khoảng 40% cơ cấu kinh tế nội tỉnh.

Theo nghị quyết Đại hội Đảng bộ tỉnh Đắk Nông lần thứ XII đã xác định 3 trụ cột phát triển kinh tế xã hội địa phương. Trong đó, địa phương này sẽ phát triển nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao, bền vững theo chuỗi giá trị, kinh tế rừng, trồng và chế biến dược liệu. Để làm được việc này, Đắk Nông đã có nhiều chính sách thu hút các nhà đầu tư vào nông nghiệp.

 

 

 

 

Đến nay, Đắk Nông đã kêu gọi 30 dự án, nhà đầu tư được chấp thuận chủ trương đầu tư với tổng mức trên 1.075 tỷ đồng. Trong đó, 28 dự án chăn nuôi quy mô lớn với tổng đàn trên 496 nghìn con, thực hiện theo mô hình liên kết với hơn 100 hộ dân, tạo đầu ra ổn định.

Vừa qua, Dự án Nhà máy sản xuất phân bón Đức Giang - Đắk Nông tại khu công nghiệp Tâm Thắng, huyện Cư Jút khánh thành đi vào hoạt động. Nhà máy có vốn đầu tư 300 tỷ đồng, quy mô gần 8 ha, công suất 200.000 tấn NPK và 4.800 tấn Kali Sunfat/năm. Đây là nhà máy phân bón lớn nhất tại Đắk Nông, nhà máy đi vào hoạt động đã tạo việc làm cho gần 200 lao động và cung cấp phân bón cho địa phương cũng như các tỉnh Tây Nguyên.

 

Tại hội nghị công bố quy hoạch tỉnh Đắk Nông, địa phương này cũng trao quyết định đầu tư cho Công ty SEJIN F&S INC đầu tư Nhà máy Chế biến khoai lang cắt lát đông lạnh tại Khu Công nghiệp Tâm Thắng với tổng mức đầu tư hơn 150 tỷ đồng. Ngoài ra, Tập đoàn TH đã khảo sát và đánh giá khí hậu, thổ nhưỡng của Đắk Nông phù hợp chăn nuôi đại công nghiệp, vì vậy TH dự kiến xây dựng một thủ phủ chăn nuôi bò sữa quy mô đại công nghiệp tại đây.

Ông Trần Minh Tuấn, Giám đốc Công ty TNHH MTV Hóa chất Đức Giang - Đắk Nông cho biết, doanh nghiệp chọn Đắk Nông vì tỉnh có nhiều tiềm năng, lợi thế về thị trường tiêu thụ phân bón. Công ty đặt nhà máy ở Đắk Nông sẽ giúp người dân yên tâm mua phân bón chất lượng, giá cả phải chăng và không sợ phân bón giả.

Ngoài thị trường tiêu thụ phân bón đầy tiềm năng của Đắk Nông và khu vực Tây Nguyên, ông Tuấn đánh giá, môi trường đầu tư tại đây đã góp phần giúp Công ty thực hiện dự án đúng tiến độ.

Việc triển khai dự án, xây dựng nhà máy sản xuất phân bón ở Đắk Nông rất thuận lợi, tỉnh có sẵn quỹ đất sạch trong khu công nghiệp. Các sở ban ngành tạo điều kiện để Công ty thực hiện các thủ tục một cách nhanh gọn và hỗ trợ chủ đầu tư rất nhiều.

Đắk Nông là địa phương thuần nông nên vai trò của các doanh nghiệp hết sức quan trọng. Nếu để nông dân tự bơi trong bối cảnh thị trường hiện nay thì sẽ gặp rất nhiều khó khăn trong việc hình thành chuỗi giá trị, đưa nông sản ra thị trường. Chính vì vậy việc kêu gọi đầu tư là một trong những vấn đề ưu tiên mà Tỉnh ủy, HĐND, UBND rất quan tâm.

Bên cạnh đó, hiện có rất nhiều nhà đầu tư đang thực hiện khảo sát, nghiên cứu, đề xuất các dự án nông nghiệp trên địa bàn tỉnh trong giai đoạn tiếp theo; kết nối các doanh nghiệp đã đến khảo sát và làm việc với tỉnh Đắk Nông. Bước đầu đã có một số đơn vị kết nối tiêu thụ các mặt hàng nông sản. Cụ thể, Liên minh HTX thương mại TP.HCM, Công ty TNHH Mega Market, Công ty TNHH CJ Foods Việt Nam… Việc này góp phần giải quyết việc làm cho người lao động tại chỗ, mang lại hiệu quả kinh tế cao, ổn định cho người dân.

Trong thời gian qua đã có nhiều doanh nghiệp lớn đến khảo sát, đầu tư vào nông nghiệp. Địa phương có các lĩnh vực mà các nhà đầu tư quan tâm là chăn nuôi, trồng trọt. Hiện nay một số tập đoàn lớn đến đến hợp tác với nông dân để hình thành vùng nguyên liệu. Lĩnh vực chế biến sâu thì hiện nay có các nhà máy chế biến cà phê, cây ăn quả.

Ngoài ra một trong những nguồn lực nội lực là doanh nghiệp, HTX trên địa bàn ngày càng phát triển. Điều này chứng minh một điều là trong quá trình liên kết, hợp tác giữa các nhà đầu tư và các doanh nghiệp trong tỉnh đã đưa nội lực lớn mạnh.

Thông qua kêu gọi đầu tư, thúc đẩy nội lực thì có thể thấy ngành nông nghiệp Đắk Nông đã có nhiều bước tiến vượt bậc. Từ một địa phương thuần túy sản xuất nông nghiệp cung ứng nguyên liệu thô cho các thị trường lớn thì hiện nay phần lớn các nguyên liệu thô đã được sơ chế, chế biến tại địa bàn. Việc này tăng được giá trị cho người nông dân, giảm được chi phí vận chuyển cho các doanh nghiệp.

 

 

Ông Phạm Tuấn Anh, Giám đốc Sở NN-PTNT Đắk Nông cho biết, các doanh nghiệp đến Đắk Nông đã tạo ra thị trường sôi động, tạo môi trường cạnh tranh lành mạnh. Khi có sự cạnh tranh lành mạnh thì quyền lợi của người dân sẽ được chú trọng hơn.

Theo ông Tuấn Anh, chính các doanh nghiệp lớn, đầu tàu về nông nghiệp đến địa phương đồng hành cùng nông dân đã hình thành được chuỗi giá trị, đưa nông sản của Đắk Nông vươn ra không chỉ thị trường trong nước mà còn ra thế giới.

Đặc biệt, các doanh nghiệp đến đây đã giúp nông dân thay đổi tập quán canh tác, từ tư duy sản xuất nông nghiệp sang kinh tế nông nghiệp. Điều này thể hiện ở việc hiện nay người dân không những sản xuất mà tạo ra những sản phẩm giá trị hơn như xây dựng các farm, trang trại, nhà vườn để thu hút du lịch, cho học sinh trải nghiệm. Đặc biệt, có nhiều trường hợp dấn thân vào khởi nghiệp bằng những sản phẩm OCOP.

“Để tạo động lực phát triển ngành nông nghiệp, tương xứng với tiềm năng của địa phương thì việc định hướng phải được quan tâm hàng đầu. Để thu hút đầu tư, địa phương xác định trong các lĩnh vực nông nghiệp, mảng nào có lợi thế nhất sẽ ưu tiên phát triển. Đắk Nông có 2 lĩnh vực có thể ưu tiên phát triển là trồng trọt và chăn nuôi. Đối với nuôi trồng thủy sản thì ưu tiên thứ 3 vì địa phương không có lợi thế”, ông Tuấn Anh chia sẻ.

Vị giám đốc sở cũng cho biết thêm, mặc dù chăn nuôi là lợi thế nhưng nếu phát triển mà không đảm bảo quy hoạch, không có sự sàng lọc thì tác động rất lớn đến môi trường. Do đó, địa phương đang đi theo hướng phát triển chăn nuôi tập trung với công nghệ hiện đại để đảm bảo hiệu quả kinh tế và môi trường. Địa phương tập trung vào chuỗi ngành hàng chăn nuôi heo với quy mô hiện nay là 500 nghìn con với định hướng là 750.000 - 1 triệu con/năm. Lĩnh vực thứ 2 là trồng trọt, địa phương với lợi thế về đất đai, tài nguyên nước và khí hậu phát triển các nhóm cây công nghiệp, cây ăn quả, lương thực và rau củ quả.

 

 

Với những lợi thế trên, rau củ quả Đắk Nông hiện cho năng suất và chất lượng tốt chỉ đứng sau Đà Lạt. Địa phương xác định đi theo hướng Đắk Nông sẽ là vựa rau cung cấp cho các thị trường lớn, trong đó có TP.HCM.

“Nông nghiệp lâu nay hay được biết đến không ổn định, chạy theo thị trường. Riêng ở Đắk Nông câu chuyện này đâu đó có xảy ra nhưng với cơ cấu cây trồng địa phương định hướng, đến nay cơ bản ổn định. Khi các nhà đầu tư vào Đắk Nông thì đã có những vùng nguyên liệu ổn định chứ không phải nhà máy đầu tư cho ngành hàng này nhưng vài năm sau không còn nữa.

Để ngành nông nghiệp phát triển bền vững thì vùng nguyên liệu phải ổn định, nguồn nguyên liệu ổn định rồi thì phải có nhà máy chế biến để xử lý nguyên liệu trên địa bàn. Do đó, Đắk Nông đặt mục tiêu thu hút được các nhà đầu tư đặt nhà máy chế biến sâu. Đối với những sản phẩm không nhất thiết phải chế biến như rau củ quả, ngô, lúa thì có thể hình thành các chuỗi giá trị, kho hàng thu mua”, ông Tuấn Anh nhấn mạnh.

 

 

 

 

Ông Phạm Tuấn Anh cho rằng, hiện nay đã qua rồi câu chuyện là làm nông nghiệp chỉ ưu tiên làm sao ra thật nhiều sản phẩm, năng suất để đổi lại giá trị thấp. Nông nghiệp bây giờ không đánh đổi về môi trường mà hướng đến giá trị. Giá trị ở đây là phải nâng cao được chất lượng sản phẩm.

Ngành nông nghiệp Đắk Nông đang hướng đến, làm sao để tất cả các sản phẩm phải đáp ứng được chất lượng và nhu cầu của thị trường. Để làm được việc này, các sản phẩm phải được sản xuất từ những người nông dân có trách nhiệm. Đây là câu chuyện rất dài, cần có sự vào cuộc của tất cả các bên, đặc biệt là của các nhà đầu tư. Doanh nghiệp phải đồng hành và giải quyết bài toán kinh tế cho người nông dân.

“Hiện nay người dân, các HTX đều mong muốn thành nông dân tử tế, có trách nhiệm để tạo ra những sản phẩm bổ ích, thân thiện môi trường. Tuy nhiên bài toán kinh tế đặt ra cần giải quyết”, ông Tuấn Anh đặt câu hỏi.

 

 

Nhận thấy vấn đề này, ngành nông nghiệp đặt mục tiêu đồng hành cùng bà con nông dân để hướng đến sản xuất ra những sản phẩm thân thiện môi trường. Hiện nay nông dân Đắk Nông phần lớn đã nhận thức được câu chuyện sức khỏe của cộng đồng và chính của bản thân cũng như gia đình. Cụ thể là đã có những nhóm người tình nguyện chuyển sang sản xuất hữu cơ và hình thành các HTX. Họ chấp nhận hi sinh lợi ích kinh tế nhưng bù lại họ có giá trị tinh thần và được khách hàng tôn trọng.

Cụ thể, tính đến hết tháng 5/2024, UBND tỉnh Đắk Nông đã công nhận 4 vùng nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao với quy mô 2.423,17 ha. Trong đó, một vùng cà phê tại huyện Đắk Mil, 2 vùng hồ tiêu tại huyện Đắk Song và một vùng lúa tại huyện Krông Nô.

Làm thế nào để sản phẩm của người dân được thị trường biết đến, công nhận. Do đó, địa phương đang xây dựng cơ sở dữ liệu của ngành nông nghiệp, tất cả các sản phẩm này phải được truy xuất nguồn gốc thông qua hệ thống phần mềm. Các nhà đầu tư cũng phải đồng hành cùng người nông dân để chứng minh rằng đây là những sản phẩm được sản xuất từ những người nông dân có trách nhiệm. Vấn đề này người nông dân, chính quyền địa phương không thể làm được mà phải xuất phát từ các doanh nghiệp, nhà đầu tư.

UBND tỉnh Đắk Nông đã dành ngân sách để Sở NN-PTNT thực hiện chuyển đổi số trong nông nghiệp. Hiện nay địa phương đang xây dựng theo từng lĩnh vực. Đặc biệt Đắk Nông rút kinh nghiệm từ những địa phương khác làm sao các số liệu được liên kết, truy xuất ra một cách thống nhất. Số liệu thu thập cực kỳ lớn, chưa kể phải tinh chỉnh, đối chiếu với các ngành. “Do đó, sở đang tổ chức điều tra và phải mất 2-3 năm nữa thì cơ sở này mới có thể hoàn thành. Việc này khi hoàn thành sẽ phục vụ cho công tác chỉ đạo điều hành, thông tin về thị trường”, ông Tuấn Anh nói thêm.

 

 

Đắk Nông có nhiều thuận lợi, tuy nhiên ông Phạm Tuấn Anh cho rằng, Đắk Nông cũng như các địa phương khác gặp khó khăn khi phần lớn sản phẩm nông sản được tiêu thụ dưới dạng thô, chưa qua chế biến sâu, tiêu thụ qua nhiều khâu trung gian, chi phí đầu vào sản xuất cao, chất lượng sản phẩm chưa đồng đều. Chuỗi liên kết phần lớn nhỏ lẻ, chỉ mới dừng lại ở khâu liên kết sản xuất, tiêu thụ mà chưa hình thành được chuỗi giá trị lớn. Việc thu hút các doanh nghiệp đủ tiềm lực tham gia vào chuỗi giá trị các ngành hàng chủ lực còn gặp nhiều khó khăn, chưa tương xứng với tiềm năng và kỳ vọng của tỉnh.

Hệ thống chính sách đối với phát triển nông nghiệp tuy đã được quan tâm nhưng vẫn còn một số bất cập như: Có nhiều chính sách chưa đến được đối tượng hưởng lợi; một số chính sách ban hành nhưng khi triển khai thực hiện gặp nhiều khó khăn…

Bên cạnh đó, còn thiếu các cơ chế chính sách như: Hỗ trợ phát triển sản xuất tập trung; chế biến bảo quản tiêu thụ sản phẩm nông sản; hỗ trợ chuyển đổi cơ cấu cây trồng, vật nuôi; hỗ trợ các sản phẩm OCOP; phát triển thương mại nông sản…

Ngoài ra, hạ tầng giao thông Đắk Nông hiện nay chỉ có duy nhất đường bộ là quốc lộ 12 và 28 kết nối các tỉnh. Hiện các quốc lộ này chỉ có 2 làn xe, không thể đáp ứng được vấn đề logistics. Riêng Đắk Nông mỗi năm có hàng triệu tấn sản phẩm, chưa kể các địa phương khác tại Tây Nguyên nên khả năng vận chuyển trên đường bộ gặp nhiều khó khăn. Đây là khó khăn, rào cản lớn nhất của địa phương. Các hạ tầng về công nghệ số, viễn thông vẫn chưa đáp ứng được yêu cầu.

Minh Quý
Trương Khánh Thiện
Minh Quý - Mai Phương
Mai Phương - Phương Chi