Đồng Tháp thu hút nhiều nhà đầu tư lớn giúp kinh tế tăng trưởng

 

 

Đồng Tháp là một tỉnh thuần nông nhưng được chú ý bởi sự đổi mới, sáng tạo và khác biệt trong thu hút đầu tư, phát triển kinh tế- xã hội. Ngành nông nghiệp của tỉnh Đồng Tháp đang được tập trung cơ cấu lại, chuyển dần từ tư duy sản xuất nông nghiệp sang tư duy kinh tế nông nghiệp. Nhiều sản phẩm công nghiệp, nông nghiệp, du lịch mang thương hiệu “Dong Thap” được nhiều tổ chức, cá nhân trong và ngoài nước biết đến.

Hình ảnh “Đồng Tháp thuần khiết như hồn sen”, “Nông nghiệp Đồng Tháp - Giá trị xanh từ những tiềm năng xanh” và các sản phẩm nông nghiệp công nghệ cao, sản phẩm du lịch đặc trưng đã đưa hình ảnh Đồng Tháp đến với cả nước và bạn bè quốc tế.

Ngoài các chính sách khuyến khích, ưu đãi đầu tư của Trung ương, UBND tỉnh đã ban hành chính sách hỗ trợ đầu tư trong lĩnh vực nông nghiệp. Theo đó, nhà đầu tư sẽ được hưởng ưu đãi đầu tư có lợi nhất theo quy định pháp luật.

 

Tỉnh Đồng Tháp cũng nỗ lực xây dựng hình ảnh nông nghiệp xanh, sạch, sản phẩm nông nghiệp an toàn, uy tín. Xây dựng nền nông nghiệp hiện đại, nền kinh tế tuần hoàn, ứng dụng công nghệ tiên tiến, sản phẩm sạch, chất lượng, giá trị cao. Nông thôn mới văn minh, nông dân chuyên nghiệp, tự lực, hợp tác, phát triển. Trong đó đặt trọng tâm phát triển doanh nghiệp, thúc đẩy khởi nghiệp, xây dựng văn hóa doanh nghiệp, doanh nhân tiêu biểu.

Trong bối cảnh đổi mới sáng tạo là một trong những yếu tố tạo sức bật cho nền kinh tế, tỉnh đang triển khai xây dựng các mô hình làng thông minh, hệ sinh thái, môi trường làm việc thân thiện, đổi mới, sáng tạo.

UBND tỉnh còn đưa ra kế hoạch xúc tiến đầu tư vào lĩnh vực nông nghiệp, nông thôn trên địa bàn giai đoạn 2021 - 2025, có 7 lĩnh vực được ưu tiên thu hút đầu tư. Đó là, xúc tiến đầu tư vào phát triển nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao, nông nghiệp sạch, nông nghiệp hữu cơ đảm bảo an toàn thực phẩm, thân thiện với môi trường và sử dụng hiệu quả các nguồn tài nguyên.

Các dự án đầu tư thúc đẩy cơ giới hóa nông nghiệp và chế biến, bảo quản đối với các ngành hàng nông sản chủ lực, hướng tới nâng cao hiệu quả sản xuất nông nghiệp, giảm tổn thất sau thu hoạch và đa dạng hóa sản phẩm nông sản chế biến, đáp ứng tiêu chuẩn, quy chuẩn về quản lý chất lượng của thị trường tiêu thụ.

Trong lĩnh vực chuyển giao và ứng dụng khoa học công nghệ; đẩy mạnh ứng dụng công nghệ cao, công nghệ số, công nghệ thông tin trong toàn bộ các khâu của chuỗi giá trị. Đặc biệt là thu thập thông tin, dự báo tình hình thị trường tiêu thụ nông sản, kịp thời cung cấp thông tin và các dịch vụ thị trường cho các doanh nghiệp, HTX và nông dân để chủ động tổ chức phương án sản xuất theo nhu cầu thị trường.

Đầu tư phát triển kết cấu hạ tầng nông nghiệp, nông thôn và hạ tầng thương mại ở nông thôn ngày càng hiện đại, đáp ứng yêu cầu của nền sản xuất nông nghiệp hiện đại, quy mô lớn.

Phát triển hệ thống cung ứng và phân phối nông sản, xây dựng chợ đầu mối/trung tâm phân phối nông sản hiện đại đáp ứng các tiêu chuẩn trong nước và quốc tế. Thành lập trung tâm đấu giá, sàn giao dịch thương mại điện tử nhằm giới thiệu, quảng bá, đấu giá các mặt hàng nông sản.

Các dịch vụ du lịch gắn với nông nghiệp, nông thôn, du lịch cộng đồng gắn với các ngành nghề truyền thống và phát triển đặc sản của các địa phương. Khuyến khích các doanh nghiệp bảo hiểm tham gia vào bảo hiểm nông nghiệp nhằm giảm thiểu rủi ro trong sản xuất nông nghiệp, hướng tới sản xuất bền vững.

Chính vì vậy thời gian qua, Đồng Tháp là mảnh đất đầy tiềm năng và năng động đã tạo động lực thu hút các nhà đầu tư lớn trong và ngoài nước đến đầu tư như: Tập đoàn Sao Mai, Tập đoàn De Heus Hà Lan, Cty CP Chăn nuôi C.P. Việt Nam, Cty CP Tập đoàn Masterise, Cty CP Đầu tư & Phát triển khu công nghiệp Phát Đạt... và Tổng lãnh sự quán các nước Úc, Mỹ, Nhật Bản, Pháp, Ấn Độ, Hàn Quốc... để hợp tác trên các lĩnh vực thế mạnh về nông nghiệp.

Ông Trương Hòa Châu, Giám đốc Sở Kế hoạch và Đầu tư tỉnh Đồng Tháp cho biết: Hiện nay, Đồng Tháp có 29 dự án có vốn đầu tư trực tiếp nước ngoài (FDI) đang hoạt động, với tổng vốn đầu tư đăng ký 7.033 tỷ đồng, tương đương 320,6 triệu USD. Trong đó, có 12 dự án đầu tư trong khu công nghiệp, khu kinh tế, 17 dự án  đầu tư ngoài khu công nghiệp, khu kinh tế. Tính từ năm 2020-2023, tỉnh thu hút được 10 dự án có vốn FDI, với tổng vốn đăng ký 2.618 tỷ đồng, tương đương 114 triệu USD. Riêng năm 2023, tỉnh thu hút 4 dự án FDI với tổng số đăng ký 602 tỷ đồng, tương đương 25,6 triệu USD.

Về lĩnh vực thu hút các nhà đầu tư FDI, đứng đầu là ngành công nghiệp chế biến, chế tạo, kế đến là hoạt động kinh doanh bất động sản và nông nghiệp, lâm nghiệp và thủy sản. Ngoài ra, các ngành về thông tin và truyền thông, cấp nước và xử lý chất thải, bán buôn và bán lẻ; sửa chữa ô tô, mô tô, xe máy có nhà đầu tư FDI quan tâm đầu tư, mở rộng dự án, góp vốn mua cổ phần.

Về đối tác đầu tư, hiện nay có hơn 10 quốc gia có các nhà đầu tư FDI đang thực hiện dự án đầu tư tại Đồng Tháp. Trong đó, Trung Quốc (Đài Loan và Hồng Kông) dẫn đầu, kế đến là Singapore và Hàn Quốc. Các đối tác còn lại đến từ Australia, Cộng hòa Liên bang Đức, Ấn Độ, Hoa Kỳ, Nhật Bản, Thái Lan, Malaysia, Tây Ban Nha, Pháp, Samoa.

Về địa bàn đầu tư, các nhà đầu tư FDI đã đầu tư dự án vào địa bàn của 9 huyện, thành phố của tỉnh Đồng Tháp. Trong đó, về số lượng dự án thì TP Sa Đéc dẫn đầu với 11 dự án, chủ yếu trong Khu công nghiệp Sa Đéc, kế đến là TP Cao Lãnh với 5 dự án, huyện Lai Vung và huyện Châu Thành có 3 dự án/địa bàn, huyện Cao Lãnh và huyện Thanh Bình có 2 dự án/địa bàn, còn lại TP Hồng Ngự và huyện Tháp Mười, huyện Tam Nông thu hút được 1 dự án/địa bàn.

 

 

Điểm nhấn trong năm 2023, được sự quan tâm hỗ trợ của Tổng Lãnh sự quán Ấn Độ tại TP HCM, tỉnh Đồng Tháp tổ chức Hội nghị hợp tác thương mại và đầu tư Đồng Tháp - Ấn Độ. Đây là lần đầu tiên Đồng Tháp tổ chức xúc tiến đầu tư chuyên biệt với một quốc gia, đón trên 130 doanh nghiệp Ấn Độ về tham dự các hoạt động giao lưu, kết nối, tìm hiểu cơ hội đầu tư trên các lĩnh vực thương mại, đầu tư, giáo dục, du lịch và công nghệ thông tin. Đây cũng là thế mạnh của tỉnh, mở ra cơ hội hợp tác trên các lĩnh vực mà 2 bên cùng quan tâm.

Ông Madan Mohan Sethi, Tổng Lãnh sự Ấn Độ tại TP. HCM cho rằng: Việt Nam có thế mạnh về sản xuất nông, lâm nghiệp và thủy sản. Riêng Đồng Tháp, mỗi năm sản xuất 3,39 triệu tấn lúa, 183.000 tấn trái cây, trong đó sản lượng xoài của tỉnh lên tới 185.000 tấn trong một năm. Ngoài tiềm năng về phát triển nông nghiệp, Đồng Tháp là nơi tập trung các ngành công nghiệp khác như, da giày, dược phẩm, công nghệ thông tin và dệt may. Đây là các lĩnh vực mà doanh nghiệp Ấn Độ  đang có thế mạnh cần hợp tác để phát triển.

“Ấn Độ có nhiều máy móc nông nghiệp có thể góp phần phần phát triển nông nghiệp Đồng Tháp. Ấn Độ có công nghiệp chế biến xoài, có thể hợp tác với Đồng Tháp trong lĩnh vực chế biến và xuất khẩu xoài. Ngoài ra lĩnh vực công nghiệp khác cũng có thể hợp tác với Đồng Tháp như chế biến gạo và những sản phẩm từ lúa gạo. Đặc biệt, công nghệ thông tin và sản xuất máy tính cũng là một lĩnh vực tiềm năng hợp tác với Đồng Tháp và ĐBSCL. Chúng tôi hy vọng qua Đồng Tháp, Ấn Độ sẽ tiếp cận với thị trường và đầu tư ở ĐBSCL”, ông Madan Mohan Sethi khẳng định.

Còn về lĩnh vực thương mại, ông Madan Mohan Sethi cho rằng, kim ngạch thương mại song phương giữa Việt Nam và Ấn Độ năm 2022 đạt 15,1 tỷ USD, tăng gấp 5 lần so với 10 năm trước, dự báo thương mại song phương đến năm 2025 có thể đạt con số 20 tỷ USD. Trong đó, kim ngạch xuất, nhập khẩu hàng hóa của tỉnh Đồng Tháp sang Ấn Độ đạt trên 18 triệu USD trong năm 2023, tăng gấp đôi so với thời điểm năm 2016. Đặc biệt, trong thời gian gần đây các lô hàng từ Việt Nam xuất khẩu sang Ấn Độ ngày càng nhiều, bao gồm các sản phẩm nông sản.

Ông Phạm Thiện Nghĩa, Chủ tịch UBND tỉnh Đồng Tháp cho biết: Đồng Tháp là tỉnh trọng điểm về sản xuất nông nghiệp, ngoài gạo và thủy sản có sản lượng xếp trong nhóm đầu cả nước, Đồng Tháp còn có nhiều loại cây ăn trái nổi tiếng, có thể đẩy mạnh xuất khẩu đến Ấn Độ như xoài Cao Lãnh, quýt hồng Lai Vung, nhãn Châu Thành... Chúng tôi còn có làng hoa Sa Đéc,  một trong những vùng trồng hoa lớn nhất nước, cung cấp trên 12 triệu sản phẩm hoa kiểng mỗi năm. Đặc biệt, tỉnh đang tập trung phát triển công nghiệp chế biến. Đây thật sự là cơ hội cho doanh nghiệp Ấn Độ muốn đầu tư vào sản xuất các sản phẩm nông sản mang giá trị gia tăng tại Việt Nam để xuất khẩu, đáp ứng nhu cầu rất cao về thực phẩm chế biến tại quê nhà.

Ngoài ra, với nguồn lao động trẻ dồi dào, trong đó có hơn 40% đã qua đào tạo cùng với với trên mười ngàn lao động đã và đang đi làm việc ở nước ngoài được rèn luyện tác phong công nghiệp, Đồng Tháp và Ấn Độ còn có tiềm năng mở rộng hợp tác trong nhiều lĩnh vực khác như dệt may, công nghệ thông tin, dược phẩm… Hiện Đồng Tháp có 2 doanh nghiệp dược hàng đầu cả nước, mong muốn có cơ hội phát triển hợp tác liên doanh, giúp chuyển giao các công nghệ cao trong sản xuất dược phẩm, thúc đẩy hoạt động xuất khẩu sang các quốc gia trong khu vực.

 

 

Đầu năm 2024, Đồng Tháp tổ chức lễ công bố Quy hoạch tỉnh Đồng Tháp tầm nhìn đến năm 2050, Phó Thủ tướng Chính phủ Lê Minh Khái đã công bố Quy hoạch tỉnh Đồng Tháp thời kỳ 2021-2030, tầm nhìn đến năm 2050. Đây là sự kiện có ý nghĩa lớn đối với Đảng bộ, chính quyền, quân và dân tỉnh Đồng Tháp. Đồng thời, là cơ hội để lan toả về tư duy phát triển, tầm nhìn và thu hút đầu tư không chỉ riêng cho tỉnh Đồng Tháp mà còn các tỉnh ĐBSCL.

Phó Thủ tướng Lê Minh Khái yêu cầu Đồng Tháp tập trung chuyển dịch cơ cấu kinh tế, gắn với đổi mới mô hình tăng trưởng. Cùng đó, tỉnh cũng cần khẩn trương nghiên cứu, xây dựng kế hoạch thực hiện quy hoạch chi tiết, khoa học, phù hợp với nguồn lực, điều kiện thực tiễn của địa phương. Cụ thể hóa các mục tiêu, nhiệm vụ giải pháp, tổ chức không gian lãnh thổ, để điều phối, quản lý thống nhất, bảo đảm tính liên kết, đồng bộ, hiệu quả và phát triển bền vững với tầm nhìn dài hạn.

Phó Thủ tướng Lê Minh Khái nhấn mạnh, Đồng Tháp cần huy động tối đa và sử dụng hiệu quả các nguồn lực của nhà nước, tư nhân và các nguồn lực hợp pháp khác để tập trung đầu tư phát triển kết cấu hạ tầng, đảm bảo đồng bộ, hiệu quả. Cụ thể, ưu tiên đầu tư kết cấu hạ tầng giao thông có ý nghĩa chiến lược, kết nối Đồng Tháp với các địa phương trong khu vực, cả nước và quốc tế. Đồng thời, thu hút nguồn lực nhằm khai thác hiệu quả tiềm năng, thế mạnh, nhất là phát triển nông nghiệp hàng hóa, sinh thái, bền vững với các sản phẩm trọng tâm là thủy sản, trái cây, lúa gạo gắn với các cụm ngành nông, lâm, thủy sản, các trung tâm đầu mối…

Phó Thủ tướng Lê Minh Khái cũng yêu cầu tỉnh tập trung chuyển dịch cơ cấu kinh tế, gắn với đổi mới mô hình tăng trưởng, tăng năng suất lao động, nâng cao năng lực cạnh tranh của các ngành, lĩnh vực thế mạnh, trên nền tảng chuyển đổi số, ứng dụng khoa học công nghệ và đổi mới sáng tạo, phát triển Xanh, kinh tế tuần hoàn.

Ngoài ra, cải thiện mạnh mẽ môi trường đầu tư kinh doanh, trọng tâm là tạo đột phá cải cách thủ tục hành chính, đơn giản hóa thủ tục, xây dựng Chính quyền điện tử, tạo môi trường đầu tư kinh doanh thông thoáng, minh bạch, bình đẳng, lắng nghe, đối thoại, kịp thời giải quyết khó khăn, vướng mắc cho nhà đầu tư, doanh nghiệp…

Mục tiêu phát triển đến năm 2030 của Đồng Tháp là tỉnh có trình độ phát triển khá, nằm trong nhóm đầu về chuyển đổi Số, một trong những trung tâm sản xuất nông nghiệp và chế biến nông sản của vùng ĐBSCL. Có hệ thống kết cấu hạ tầng đồng bộ, đô thị hiện đại, nông thôn giàu bản sắc, du lịch thân thiện và hấp dẫn. Phát triển toàn diện các lĩnh vực văn hóa, xã hội, con người.

Cùng với đó, duy trì vị trí nhóm đầu cả nước về các chỉ số cải cách hành chính, hiệu quả quản trị và hành chính công, năng lực cạnh tranh cấp tỉnh.

Tầm nhìn đến năm 2050, Đồng Tháp sẽ là tỉnh dẫn đầu cả nước trong một số lĩnh vực nông nghiệp, trung tâm nông nghiệp, du lịch sinh thái của vùng ĐBSCL và trở thành trung tâm giao lưu phát triển kinh tế giữa vùng ĐBSCL với các nước thuộc tiểu vùng sông Mekong.

Để thực hiện mục tiêu tổng quát này, Đồng Tháp thực hiện 18 mục tiêu cụ thể. Tốc độ tăng trưởng tổng sản phẩm trên địa bàn (GRDP) bình quân đạt 7-7,5%/năm. GRDP bình quân đầu người (giá hiện hành) đạt khoảng 160 triệu đồng/năm. Tỷ trọng trong GRDP của ngành công nghiệp-xây dựng chiếm khoảng 27%, ngành dịch vụ chiếm khoảng 43%, ngành nông, lâm nghiệp và thủy sản chiếm khoảng 22%, thuế sản phẩm trừ trợ cấp chiếm khoảng 8%.

Tỷ lệ đóng góp của năng suất tổng hợp vào tăng trưởng kinh tế (TFP/GRDP) đến năm 2030 là 50%. Tỉnh cũng huy động vốn đầu tư phát triển toàn xã hội thời kỳ 2021-2030 đạt 477.000 tỷ đồng.

Để đạt được các mục tiêu trên, Đồng Tháp sẽ hình thành các vùng sản xuất nông nghiệp hữu cơ, thủy sản chất lượng cao gắn với công nghiệp chế biến, thị trường tiêu thụ theo chuỗi giá trị và xây dựng thương hiệu sản phẩm. Tập trung nguồn lực xây dựng thành phố Cao Lãnh trở thành trung tâm trao đổi hàng hóa nông sản cấp vùng.

Tỉnh cũng phát triển các chuỗi đô thị gắn với các vùng, hành lang kinh tế động lực của tỉnh, phù hợp với đặc thù của từng địa phương, thúc đẩy dịch vụ và du lịch. Đồng thời, xây dựng cơ chế, chính sách để huy động hiệu quả các nguồn lực đầu tư phát triển hệ thống kết cấu hạ tầng giao thông, phục vụ phát triển kinh tế-xã hội.

Cùng đó, đẩy mạnh cải cách hành chính, chuyển đổi số, cải thiện môi trường đầu tư kinh doanh, nâng cao năng lực cạnh tranh, tăng cường phát triển doanh nghiệp thuộc mọi thành phần kinh tế.

Năm 2024, tỉnh khai thác tiềm năng, lợi thế, thúc đẩy tăng trưởng cao đi đôi với tái cơ cấu kinh tế, tạo được chuyển biến thực chất, rõ nét mô hình tăng trưởng theo hướng bền vững.

Ngoài ra, Đồng Tháp đẩy mạnh liên kết, hợp tác phát triển với các địa phương trong vùng và kết nối với TP.HCM. Đẩy mạnh tập trung phát triển khu kinh tế cửa khẩu, hợp tác với Vương quốc Campuchia. Bên cạnh đó, liên kết với các tỉnh Long An, Tiền Giang xây dựng dự án đột phá tiểu vùng Đồng Tháp Mười thành Trung tâm dự trữ phát triển quốc gia về dự trữ nguồn nước ngọt và nguồn phù sa, khai thác tài nguyên nông nghiệp và du lịch.

Lê Hoàng Vũ
Trương Khánh Thiện
Lê Hoàng Vũ
Thanh Toàn