Đừng lan man nữa. Cứ phát huy thế mạnh thì chắc chắn chúng ta hạnh phúc

Sinh năm 1977, bây giờ người ta biết ông Nguyễn Hoàng Anh là doanh nhân số một Việt Nam trong lĩnh vực tôm giống với thương hiệu Nam Miền Trung.

Với 7 khu sản xuất phức hợp công nghệ cao, tôm giống Nam Miền Trung được đầu tư theo tiêu chuẩn công nghệ Mỹ với năng lực sản xuất hơn 15 tỷ con giống/năm, cái tên Nam Miền Trung đã là tập đoàn mang tầm cỡ khu vực.

Ở Nguyễn Hoàng Anh, ở Nam Miền Trung, nhiều người dễ dàng cảm nhận được sự giản dị, gần gũi, có thể là từ những triết lý kinh doanh, những sologan rất thiết thực với nông dân như “Nam Miền Trung làm giàu cho bạn”, “Không để phụ lòng bà con nông dân”… Hoặc cũng có thể là giá trị cốt lõi từ đức tính siêng năng, từ tuổi thanh xuân vất vả, cực nhọc và triết lý “công việc là số một” của ông chủ doanh nghiệp.

Thế nhưng, sâu bên trong sự giản dị, gần gũi đó là một khát vọng đến cháy bỏng, không chỉ trong lĩnh vực tôm mà còn là khát vọng về một nền nông nghiệp hoàn toàn có thể sung túc, giàu có.

Hành trình của ông Nguyễn Hoàng Anh, của Nam Miền Trung là cuộc hành trình của khát vọng và ý chí. Bởi, để có được Nam Miền Trung hôm nay, doanh nhân quê ở Tuy Phong (Bình Thuận) luôn tâm niệm bản thân phải mang ơn vùng đất nghèo khó, mang ơn những năm tháng tuổi thơ lăn lộn buôn bán cá khô khắp các tỉnh từ Tây Nguyên đến tận Sài Gòn, mang ơn những người lao động nghèo sẵn sàng cho thanh niên Nguyễn Hoàng Anh nợ tiền hàng từ những ngày đầu khởi nghiệp…

Có lẽ vì thế, chuyện của doanh nhân Nguyễn Hoàng Anh không chỉ là triết lý kinh doanh, không chỉ xoay quanh ngành tôm mà còn là những khát vọng, trăn trở với ngành nông nghiệp, trăn trở với người nông dân.

Clip: Nhật Quang - Quang Dũng.

Từ một cậu bé nông thôn nghèo khó, xuất phát điểm cực thấp, khởi nghiệp và trở thành ông chủ của đơn vị dẫn đầu ngành tôm giống với 100% vốn Việt Nam, công nghệ sản xuất tiên tiến, quy trình kĩ thuật hiện đại bậc nhất Đông Nam Á, doanh thu tính bằng nghìn tỷ, viên mãn quá rồi, vậy mà có cảm nhận ông luôn khát vọng, luôn trăn trở ngay cả khi ở đỉnh cao, vì sao vậy?

Cho đến nay Nam Miền Trung đã có mặt trên thị trường khoảng 14 năm, còn trước đó là Doanh nghiệp tư nhân Hoàng Anh, khởi nghiệp vào năm 1997 với định hướng sản xuất tôm giống, nuôi tôm thương phẩm... Trong 24 năm đầu tư và phát triển cùng với ngành tôm, tôi đã trăn trở rất nhiều.

Thứ nhất, ngành tôm Việt Nam có một lợi thế rất lớn để cấu trúc, phát triển, nâng cao giá trị và phát huy hết tiềm lực lợi thế của mình, nhưng vẫn chưa làm được. Thứ hai là người nuôi tôm ở Việt Nam hầu hết là nông dân, cho nên việc thông tin và tiếp cận khoa học kỹ thuật còn rất hạn chế.

Đó là hai điều tôi trăn trở thường xuyên, liên tục và định hướng mục tiêu cho Nam Miền Trung cần phải làm gì đó để giải quyết những vấn đề này và cũng là tiền đề để có được Nam Miền Trung ngày hôm nay.

Đầu tiên Nam Miền Trung xác định mục tiêu xuyên suốt phải làm sao để có được con tôm giống tốt nhất, chuẩn nhất, chất lượng nhất, phù hợp nhất với trình độ nuôi tôm của bà con mình. Đặc biệt là tốt về giá thành và dịch vụ. Chúng tôi luôn nghĩ, chính mục tiêu đó đã đưa Nam Miền Trung trở thành một trong những đơn vị trong nước đối trọng trực tiếp, sòng phẳng với các doanh nghiệp có vốn đầu tư nước ngoài (FDI).

Các doanh nghiệp FDI họ chỉ suy nghĩ đơn thuần là đầu tư và sinh lời, còn đối với Nam Miền Trung, ngoài câu chuyện đầu tư sinh lời còn là trách nhiệm.

Tôi rất tự hào là người Việt Nam, tinh thần Việt Nam, trách nhiệm Việt Nam, công nghệ Việt Nam và luôn suy nghĩ phải làm sao để phát huy tinh thần đó để làm chủ được sản xuất của mình.

Tôi xác định sống vì ngành tôm. Đối với đặc thù của ngành này, tôi khẳng định, không có một nơi nào có điều kiện khí hậu, thổ nhưỡng phù hợp giống như ở miền Trung. Cái tên Nam Miền Trung cũng là khát vọng của tôi trong mục tiêu phát triển. Đây chắc chắn sẽ là nơi ra đời những sản phẩm tốt nhất cho ngành tôm với tầm nhìn, sứ mệnh và giá trị cốt lõi của chúng tôi.

Tầm nhìn sẽ trở thành nhà sản xuất và cung cấp tôm giống hàng đầu cho ngành nuôi tôm Việt Nam.

Sứ mệnh trở thành nhà cung cấp giải pháp tôm giống số một do người nuôi tôm chọn lựa, đồng hành cùng ngành nuôi tôm trong việc xây dựng các chuẩn mực đạo đức trong sản xuất kinh doanh, đảm bảo cho ngành nuôi tôm phát triển ổn định và bền vững, ứng dụng công nghệ cao vào nhiều công đoạn trong sản xuất tôm giống nhằm cung cấp tôm giống đạt chuẩn mực quốc tế về chất lượng và sự ổn định tuyệt đối.

Giá trị cốt lõi xác định giải pháp mang đến sự thành công, siêng năng làm việc chăm chỉ chắc chắn mang đến hiệu quả, không ngừng học hỏi là động lực để nâng cao kiến thức, công việc quan trọng là số một và con người là chủ thể của doanh nghiệp…

Ngày xưa mình thường suy nghĩ chuyện bé, khi có thời gian trải nghiệm thấy rộng hơn nên hoài bão, khát vọng của mình cũng lớn hơn rất nhiều.

 

 

Hoài bão, khát vọng lớn như vậy, ông nghĩ gì về mục tiêu 10 tỷ USD của ngành tôm Việt Nam, như kỳ vọng của Thủ tướng?

Tôi nghĩ rằng con tôm Việt Nam hiện nay đã có đầy đủ điều kiện để vươn tầm quốc tế, thương hiệu của chúng ta đã được biết đến nhưng vấn đề hiện nay là phải làm sao để xây dựng cho nó mạnh lên. 10 tỷ USD sẽ là câu chuyện rất nhỏ nếu chúng ta làm được 3 vấn đề mà tôi đã nói rất nhiều lần: Sản lượng đều, chất lượng tốt và giá thành thấp.

Thực ra ba vấn đề này không có gì quá khắt khe, khó khăn cả. Tại sao các nước làm được mà mình lại không? Thực tế cho thấy, có những quốc gia mỗi năm họ chỉ sản xuất được có một vụ tôm, điều kiện tự nhiên không thuận lợi, giá thành của họ đáng ra phải cao hơn mình mới đúng. Trong khi đó, Việt Nam có điều kiện tự nhiên rất tốt, mỗi năm có thể sản xuất 3 - 4 vụ nhưng giá thành lại luôn cao hơn người khác. Nghịch lý quá.

Đó là do chúng ta manh mún, nhỏ lẻ và mất kiểm soát đầu vào. Cả thế giới ăn tôm, nhưng khách hàng bao giờ cũng có ba câu hỏi: Giá bao nhiêu? Tiêu chuẩn thế nào? Sản lượng có ổn định không? Trong khi những nước không có lợi thế bằng chúng ta họ đã trả lời tốt ba câu hỏi đó rồi thì người nuôi tôm Việt Nam lại chưa làm được. Và lúc nào chúng ta cũng phải năn nỉ khách hàng, đàm phán với khách hàng ở vị thế cửa dưới.

Nói cách khác, chúng ta mong muốn thay đổi để hướng đến những mục tiêu nhưng chúng ta chưa làm được.

Tôi khẳng định rằng, để đến năm 2025 ngành tôm có giá trị 10 tỷ USD thì Chính phủ phải xác định ngành tôm là trọng tâm quốc gia, từ đó đưa ra những chiến lược để quy hoạch được mở ra, khai thác được những vùng có lợi thế về giống, đầu tư cơ sở hạ tầng nhằm đạt được số lượng, chất lượng dự trữ giống theo mong muốn.

Thứ hai, phải rà soát, quy hoạch ở tầm quốc gia những tỉnh, thành có lợi thế về nuôi tôm công nghiệp. Ví dụ nếu một năm cần một triệu tấn tôm, thì sẽ quy hoạch một triệu ha, từ đó giao chỉ tiêu cho các địa phương có lợi thế. Trên cơ sở đó các địa phương sẽ xây dựng lên những quy hoạch chi tiết theo yêu cầu của Chính phủ.

Tiếp đến là khâu tổ chức sản xuất, ngày nào, tháng nào, địa phương nào sản xuất bao nhiêu kèm theo đó là áp dụng các tiêu chuẩn, quy chuẩn buộc phải tuân thủ. Chỉ có như vậy chính sách của Chính phủ mới được thực thi một cách đồng bộ và người dân cũng yên tâm sản xuất.

Trong làm ăn, kinh doanh, nhiều doanh nghiệp áp dụng triết lý đôi khi quá cao siêu, nhưng chúng tôi thấy ông giản dị, gần gũi với triết lý “làm giàu cho bạn”. Thêm nữa, trong nhiều yếu tố tạo nên giá trị cốt lõi của doanh nghiệp, ông chọn yếu tố nghe qua rất mộc mạc, đó là "siêng năng". Vậy, ông áp dụng những triết lý, giá trị ấy đối với doanh nghiệp của mình như thế nào?

Cho đến lúc này tôi vẫn luôn giữ đức tính siêng năng và mong muốn truyền điều đó cho các bạn trẻ khởi nghiệp. Chữ siêng năng hiểu hết nghĩa của nó rất rộng. Đó không chỉ là sự cần cù mà còn là sự năng động, sáng tạo, là hoài bão, khát vọng và những ước mơ...

Từ bé, tôi ý thức rằng nơi mình sinh ra là một trong những vùng đất khắc nghiệt bậc nhất Việt Nam, trong một gia đình có hoàn cảnh khó khăn nên hai chữ siêng năng đối với tôi rất giá trị. Tôi trân trọng hoàn cảnh nghèo khó đó, trân trọng quê hương tôi, trân trọng sự siêng năng của mình, vì nếu không có những yếu tố đó thì không có tôi ngày hôm nay.

Tôi ước mơ, khát khao làm giàu từ bé. Thấy người khác giàu mình cũng ao ước được giàu như họ. Lớn lên, khi cảm thấy mình đã giàu rồi thì tôi lại muốn người khác cũng giàu như mình. Bởi tôi nghĩ, ước mơ làm giàu chính là mục tiêu để những người còn khó khăn biết phấn đấu có cuộc sống tốt đẹp hơn.

Cuộc sống đòi hỏi chúng ta luôn phải vận động, đặc biệt là trong kinh doanh lại càng cần thiết. Có những lúc thăng trầm, bay bổng, nhưng cũng có những lúc xuống đáy, những lúc phục hồi, phát triển...

Tôi thấy rằng, những lúc khó khăn thì sự vận động của mình sẽ làm mờ đi những khó khăn đó, mình sẽ thấy cơ hội mở ra rất lớn. Có lẽ vì vậy mà trong triết lý sống của tôi, đầu tiên là không được phép nói không mà phải tìm giải pháp. Thứ hai, công việc luôn là số một, cộng sự của mình là cộng sự thực sự chứ không phải là những người làm công bởi con người là chủ thể của doanh nghiệp.

Mọi người giàu lên thì mình cũng sẽ giàu, giá trị đó xuyên suốt ở Nam Miền Trung từ lúc hình thành đến bây giờ. Bạn muốn người khác tốt, bạn muốn người khác giàu thì trước hết bạn hãy làm đi đã. Triết lý đó là giá trị của cộng đồng. Khi tất cả mọi thứ tốt thì mình mới tốt lên được.

Một doanh nghiệp tốt thì chắc chắn những thành viên trong doanh nghiệp đó sẽ có điều kiện tốt và ngược lại. Xã hội cũng vậy, chúng ta muốn đất nước phát triển thì phải có những đóng góp cá nhân mới phát triển được.

Chính vì vậy, trong triết lý kinh doanh tôi luôn mong muốn đối tác của mình, mong muốn mối quan hệ của mình, mong muốn giá trị xã hội phải được giàu lên.

Sinh ra và lớn lên ở vùng quê nghèo, đối tác làm ăn đa phần là những ngư dân, nông dân có phải vì thế mà luôn luôn thấy cụm từ "đạo đức với nghề" trong các chiến lược kinh doanh của ông? Ông đã chia sẻ nhiều về khát vọng của mình, vậy ông đánh giá thế nào về khát vọng, tâm thế của người nông dân Việt Nam?

Người quân tử có ngũ thường gồm Nhân, Lễ, Nghĩa, Trí, Tín, trên cơ sở đó tôi xây dựng triết lý sống cho mình là Tâm, Đức, Tín, Uy, Nghĩa.

Người ta hay nói “sống có tâm”, tức là trước khi làm điều gì cảm thấy có lỗi, có hại cho người khác thì cố gắng hạn chế không nên làm. Đó là sự hướng thiện, tu tâm. Khi tu được tâm rồi sẽ tích được chữ đức, uy tín sẽ cao và sống đúng nghĩa.

Nông dân của chúng ta có thể chia thành nhiều thành phần nhưng điểm chung đó là càng đơn giản, càng dễ dàng càng tốt. Họp cũng ít muốn sự ràng buộc. Suy nghĩ của người dân mình là cái gì dễ nhất thì làm, đơn giản nhất, nhàn hạ nhất thì làm.

Tuy nhiên, vẫn có những người nông dân có chí tiến thủ cao, nhìn nhận, đánh giá và tiếp nhận được vấn đề. Điều này tạo nên sự phân tầng trong chính khát vọng của những người nông dân Việt Nam.

 

 

Thực tế cho thấy có nhiều nông dân sẵn sàng phá vỡ các cam kết trong liên kết sản xuất, trong hợp tác xã một cách vô tư mà không hề nghĩ đến hậu quả cho chính bản thân và các đối tác. Chúng ta dễ dàng thấy được những nông dân dù đã cam kết bán hàng cho nhà đầu tư nhưng đến mùa thu hoạch chỉ cần có người trả giá cao hơn chút ít là phá vỡ hợp đồng ngay lập tức…

Để thay đổi những điều đó, tôi dùng những việc làm thiết thực của mình. Mỗi năm Nam Miền Trung bỏ chi phí để mời 20.000 - 30.000 người nông dân, khách hàng đến với chúng tôi, để họ hiểu việc tôi đang làm như thế nào và mong muốn họ sẽ thay đổi.

Đơn giản như việc tôi đưa cho họ một con tôm tốt. Có thể họ về chả quan tâm chất lượng con tôm đó thế nào đâu, vì họ không có kiến thức về sản phẩm, hạn chế về thông tin…

Con tôm tốt đó sẽ thành que củi nhưng người nông dân lại kỳ vọng rất lớn rằng nuôi phải trúng. Đó cũng là điều vô lý, nhưng không có cách nào khác, chúng ta phải thay đổi người nông dân, để họ hiểu, bằng chính việc làm của mình. Với người nông dân, muốn họ hiểu thì phải để họ nhìn thấy.

Từ rất sớm, chúng tôi thấy rằng ông đã tham gia và thành lập nhiều tổ chức các doanh nghiệp nông nghiệp như Câu lạc bộ Nông nghiệp công nghệ cao Việt Nam (DAA) hay Hiệp hội Nông nghiệp số Việt Nam (VIDA) và nhiều tổ chức khác. Mong muốn của ông khi tham gia vào những tổ chức này là gì? Vì sao ông lại muốn liên kết các doanh nghiệp nông nghiệp lại với nhau một cách mạnh mẽ như vậy?

Việt Nam có một lợi thế rất lớn là nông nghiệp thuần túy và một địa thế rất thuận lợi mà trên thế giới ít quốc gia nào có được. Tuy nhiên, những vấn đề của nông nghiệp Việt Nam hiện nay, như chúng ta đã thấy, đã nói nhiều, đó là sản xuất manh mún, nhỏ lẻ, khó tạo ra giá trị, nền tảng lớn.

Tôi luôn trăn trở vấn đề này và nghĩ rằng chúng ta vẫn chưa cải thiện được để đóng góp vào vào sự phát triển, vì vậy mới mong muốn được tham gia, đóng góp nhiều hơn vào các tổ chức, nhằm chia sẻ những thực tiễn của bản thân và mong muốn những doanh nghiệp khác cũng như vậy. Tất cả vì mục tiêu phát huy, khai thác những lợi thế của đất nước mình.

Qua các tổ chức, tôi hi vọng, những vấn đề bất cập của ngành, bằng thực tiễn của các doanh nghiệp sẽ được nêu ra, từ đó có sự điều chỉnh và thay đổi, mở ra những cơ hội đóng góp một cách thiết thực hơn, bền vững hơn cho lĩnh vực nông nghiệp.

Mục tiêu cao nhất là mong mỏi giải quyết được bài toán giá trị nông nghiệp Việt Nam đã luôn thôi thúc tôi hội nhập, liên kết, mong muốn tạo ra một tiếng nói lớn, tiếng nói chung để xây dựng nền nông nghiệp phát triển nhanh, bền vững và có giá trị.

Năm 2015, ông và những người bạn của mình đã phấn đấu nâng tầm vị thế của nông nghiệp Việt Nam trên thế giới một cách bền vững, theo hướng doanh nghiệp hóa, số hóa, liên kết hóa. 5 năm rồi, đến nay, khát vọng ấy đã được cụ thể hóa ra sao?

Tôi nghĩ rằng, thời gian qua Việt Nam đã làm được rất nhiều điều trong lĩnh vực nông nghiệp. Ví dụ như việc hình thành nền nông nghiệp công nghệ cao. Trước năm 2015, một ha đất lúa làm mỗi năm lời 30 triệu đã là mừng lắm, chính nhờ những sự thay đổi cơ cấu nông nghiệp, thay đổi phương thức canh tác, thực tế bây giờ đã có những ha thu 5 - 7 tỷ đồng. Đó là những một cột mốc trong cuộc cách mạng của nông nghiệp Việt Nam.

Với cá nhân tôi, hiện nay nền nông nghiệp Việt Nam với chính sách, khát vọng, sự liên kết ngành nông nghiệp đã đóng góp vai trò quan trọng trong việc khai thác và tăng giá trị sử dụng đất, tạo ra nhiều sản phẩm năng suất lớn, giá trị cao. Bằng chứng là những năm gần đây ngành nông nghiệp có những con số GDP rất ấn tượng và giữ rất bền vững. Tôi tin rằng, với đà này, với lợi thế này, chắc chắn nông nghiệp Việt Nam tiếp tục phát triển, giá trị gia tăng tiếp tục tăng cao.            

Thứ nhất, tôi nhìn thấy tiềm năng rất lớn của nông nghiệp và khát vọng trong nông nghiệp hầu như đều có ở rất nhiều doanh nhân Việt Nam. Tức là chúng ta có điều kiện lớn, có khát vọng mãnh liệt, vấn đề là bằng cách nào để thôi thúc, biến thành điều kiện lớn, khát vọng đó thành hành động, thành sự thật.

Chúng ta cũng thấy rằng những người giàu nhất, những doanh nhân thành đạt nhất Việt Nam thời gian qua đã hưởng ứng và tham gia vào lĩnh vực nông nghiệp. Người nông dân Việt Nam đã không còn đơn độc nữa.

Khi những đại gia vào cuộc, những đầu tư, hàng hóa của họ đều mang tầm vĩ mô và áp dụng khoa học công nghệ rất tiên tiến. Những đóng góp đó đã tạo ra sự thay đổi, tác động đến người nông dân. Giúp người nông dân nhận ra, à, mình vẫn đang sản xuất 1 tấn/1ha trong khi đó người ta đã sản xuất hàng ngàn tấn rồi, phải thay đổi thôi.

Tất nhiên là phải thay đổi, phải làm giàu từ nông nghiệp, nhưng phải có lộ trình, phải có cách làm. Đầu tư vào nông nghiệp là đầu tư lâu dài chứ không thể một sớm một chiều được. Việc thay đổi phương thức từ bao đời nay, thay đổi tư duy trong sản xuất nông nghiệp đã là một câu chuyện khó chứ chưa nói đến vốn, đến khoa học công nghệ...

Tôi dẫn chứng chuyện anh Trần Bá Dương (Chủ tịch THACO) chẳng hạn. Anh Dương đang làm ô tô, gần như chưa biết gì nhiều về nông nghiệp vẫn đi trồng chuối và bây giờ chuối Việt Nam không đủ để bán. Tức là anh ấy hiểu được nút thắt của nông nghiệp ở đâu và tháo gỡ nó.

Thứ hai, nhu cầu của thế giới rất lớn, Việt Nam cũng có lợi thế rất lớn, tuy nhiên, khuyết điểm là chúng ta chưa có quy mô lớn, chưa tạo ra hàng hóa lớn, chưa đáp ứng được các tiêu chuẩn quốc tế...

Vì thế, nếu làm được những điều này thì chuyện làm giàu từ nông nghiệp rất đơn giản. Chưa nói đến việc bảo quản sản phẩm sau thu hoạch để mình làm chủ sản phẩm của mình làm ra, chưa nói chế biến sâu để tạo ra giá trị gia tăng bởi vì vẫn đang cần một lộ trình nữa để thực hiện điều đó nhưng chắc chắn sẽ hướng đến điều đó. Chúng tôi muốn làm giàu từ nông nghiệp chính là từ những triết lý này.

Nhắc đến chuyện các đại gia đầu tư vào nông nghiệp, như ông nói, có những doanh nghiệp chưa làm nông nghiệp bao giờ nhưng khi làm lại thành công, và  cũng có những người sớm “dừng cuộc chơi”, ông suy nghĩ gì về những chỉ dấu này?

Với một bối cảnh chung của một quốc gia nông nghiệp như chúng ta thì tôi nghĩ rằng, hầu như những doanh nghiệp có điều kiện đều suy nghĩ về nông nghiệp. Doanh nghiệp chúng tôi hay nói với nhau là nếu chúng tacắt máu ra sẽ thấy có lúa ở trong người.

Cha ông chúng ta, bao nhiêu thế hệ chúng ta đã và đang làm nông nghiệp rồi nên bacteria (vi khuẩn) ở trong mỗi con người Việt Nam đều mang mầm mống của ruộng đồng, làng quê... Thế nên, chỉ cần một sự khích lệ nào đó thì không khác gì gãi đúng ngay chỗ ngứa.

Bằng chứng là trong thời gian qua, nhiều doanh nghiệp lớn nhìn nhận ra một trong những nút thắt của nông nghiệp Việt Nam là vấn đề cơ giới hóa. Nhiều người nhìn thấy giá trị nông nghiệp trong vấn đề cơ giới hóa còn rất lớn và họ đặt ra câu hỏi tại sao từ trước đến nay chúng ta dường như đang bỏ ngỏ chuyện này.

Trở lại câu chuyện anh Trần Bá Dương, tôi vẫn nghĩ, có thể giai đoạn đầu anh Dương chỉ muốn làm vấn đề cơ giới hóa và mong muốn đóng góp vào việc cải thiện cơ cấu sản xuất. Nhưng khi cơ giới hóa xong thì thấy rằng giá trị tạo ra hấp dẫn quá, cộng với “vi khuẩn” có sẵn trong người đã khuyến khích quyết định đầu tư vào lĩnh vực nông nghiệp rất nhanh.

Đó là một trong những câu chuyện điển hình, cho thấy truyền thống chúng ta là nông nghiệp, lợi thế chúng ta là nông nghiệp và tôi thấy mừng từ những tín hiệu rất tích cực là những doanh nhân thành công ở Việt Nam đều muốn tham gia vào nông nghiệp. Anh em tôi hay nói vui với nhau đã đến giai đoạn chúng ta đang kéo nhau “ra đồng” hết rồi.

Vậy theo ông, liệu rằng với tiềm năng lợi thế đó, với  khát vọng đó, với tín hiệu “kéo nhau ra đồng”đó,  Việt Nam có nên lấy nông nghiệp làm đòn bẩy chủ lực để xây dựng vị thế quốc tế trong vai trò của một cường quốc nông nghiệp hay không?

Tôi cho rằng cần phải khuyến khích để thực hiện chính sách lấy nông nghiệp làm đòn bẩy chủ lực của nền kinh tế vì nó rất trọng tâm. Giới doanh nhân chúng tôi thường đi theo triết lý rằng, cái gì mình giỏi thì phải giữ làm giá trị cốt lõi, phải phát huy tối đa giá trị của nó, không bao giờ được phép sao nhãng.

Quốc gia cũng vậy thôi. Đừng lan man nữa. Cứ giữ và phát huy những thế mạnh, những gì cốt lõi thì chắc chắn rằng chúng ta sẽ hạnh phúc. Chúng ta đang có lợi thế về nông nghiệp, mà không phải bây giờ mới lợi thế, từ xa xưa bản chất Việt Nam đã là nông nghiệp rồi, vậy thì tại sao chúng ta không giữ, tại sao chúng ta không phát huy?

Theo tôi, cần phải xác định Việt Nam là một nước nông nghiệp, một thủ phủ nông nghiệp đa dạng hóa sản phẩm, hãy cấu trúc lại bằng cách quy hoạch đàng hoàng, từng lĩnh vực ngành nghề.

Trở lại câu chuyện ngành tôm để chứng minh. Thực lòng mà nói chúng ta vẫn còn lạc hậu. Điều mong muốn của quốc gia bây giờ là thu mỗi năm 10 tỷ USD, tôi khẳng định lại một lần nữa là hoàn toàn có cơ sở để thực hiện được mục tiêu đó, tuy nhiên phải tổ chức lại sản xuất.

Bởi vì tổ chức sản xuất là đáp án nhu cầu thế giới cần giá trị thấp và sản phẩm chất lượng. Còn chế biến, thị trường tôi cho là đơn giản. Phải biết thế giới cần gì để mình đáp ứng, còn nếu cứ để giá thành luôn luôn cao, chất lượng luôn luôn kém thì làm sao đáp ứng được cái cần của người ta.

Một mục tiêu rất cao đẹp của ông và doanh nghiệp nông nghiệp nữa đó là “Nông dân sung túc! Doanh nghiệp trường tồn! Đất nước phồn vinh”. Nhưng, xin hỏi, với một người lăn lộn lâu năm trong lĩnh vực nông nghiệp, đâu là rào cản chính đối với doanh nghiệp nông nghiệp như ông?

Chúng ta phải thừa nhận, mặc dù tiềm năng rất lớn, khát vọng rất cao nhưng vẫn còn nhiều vấn đề trở thành rào cản như thực thi chính sách, phương thức canh tác của người dân.

Cơ chế chính sách ra đời từ thực tiễn, nhưng việc thực thi cơ chế chính sách của chúng ta chưa làm triệt để, chưa thực hiện đúng, đâu đó còn rất nhiều bộ phận, cá nhân chưa thực thi tốt khiến việc vận dụng chính sách chưa thực tế khiến những hoài bão, khát vọng đóng góp nhiều khi bị thui chột.

Ví dụ, trong tình hình dịch bệnh Covid-19, Chính phủ đã có những chính sách nhằm tạo điều kiện tốt nhất để doanh nghiệp sống bằng những giải pháp trong lĩnh vực quản lý nhà nước như thuế, bảo hiểm xã hội, ngân hàng...

Đó đều là những giải pháp rất đồng bộ, nhưng có những người đã không thực hiện. Nghị quyết Chính phủ chỉ đạo giãn thuế, giãn nợ, giãn bảo hiểm xã hội… thì các “ông” lại đi đòi.

Đấy là thực tế đang diễn ra. Thực tế khiến doanh nghiệp càng bệnh thêm, chết thêm rồi. Tất nhiên chỉ là một bộ phận thôi, nhưng tôi thấy họ vô cảm, họ chỉ suy nghĩ những điều họ mong muốn, thậm chí có những điều không đúng quy định nhưng họ vẫn làm.

Cho nên, với quan điểm cá nhân tôi, cơ chế chính sách của chúng ta đã đầy đủ lắm rồi, không còn thiếu thứ gì, vấn đề là việc thực thi chưa nghiêm, làm chưa đúng như cam kết và những điều đó đã trở thành rào cản tư tưởng làm giàu trong nông nghiệp.

Nếu cơ chế chính sách được vận dụng tốt, đầy đủ thì chắc chắn việc phát triển nông nghiệp sẽ rất nhanh. Nếu chúng ta mong muốn người dân sung túc cần phải giải quyết hai vấn đề song song.

Thứ nhất, cơ chế chính sách không cần người dân phải đi xin mà tự khắc anh làm sẽ có. Thứ hai khi đã có chính sách và việc thực thi chính sách tốt rồi thì vấn đề tiếp cận phương thức sản xuất mới rất đơn giản.

Tức là gỡ được điều thứ nhất thì điều thứ hai sẽ có. Nói vậy thôi chứ chúng ta không còn cách nào khác, vẫn phải kiên trì. Muốn thấy sự đóng góp trong ngành nông nghiệp, làm giàu từ nông nghiệp, muốn mọi người tốt hơn, sung túc hơn, xã hội đẹp hơn vẫn phải chờ.

Xin cảm ơn ông!

Clip: Nhật Quang - Quang Dũng.

Bắt đầu tham gia ngành tôm giống từ năm 1997 đến nay, Nam Miền Trung đã dẫn đầu trong lĩnh vực sản xuất giống tôm thẻ chân trắng và trở thành thương hiệu tôm giống hàng đầu Việt Nam, với công nghệ sản xuất tiên tiến, quy trình kỹ thuật hiện đại bậc nhất Đông Nam Á.

Với 7 khu sản xuất phức hợp công nghệ cao tôm giống được đầu tư theo tiêu chuẩn công nghệ Mỹ, năng lực sản xuất tôm giống 15 tỷ con giống/năm. “Nam Miền Trung làm giàu cho bạn” là kim chỉ nam xuyên suốt từ khi thành lập đến nay, cộng với phương châm “Uy tín, chất lượng, công nghệ là tiêu chí hàng đầu của công ty” đã giúp Nam Miền Trung chinh phục được niềm tin của người nuôi tôm khắp cả nước.

Mai Xuân Nghiên - Hoàng Tuấn Anh
Thọ Lâm
Tùng Đinh - NMT