Gặp tác giả giống đang được gieo trồng trên 40% diện tích lúa ĐBSCL

Trong ngày đầu năm 2024, chúng tôi gặp gỡ PGS.TS Trần Thị Cúc Hòa, tác giả của các giống lúa đang được gieo trồng lên đến hơn 40% diện tích lúa ở ĐBSCL trao đổi về xu hướng nghiên cứu lúa chất lượng cao, đặc biệt có khả năng sinh trưởng tốt trong điều kiện sinh thái đa dạng.

PGS.TS Trần Thị Cúc Hòa là tác giả chính của 3 giống lúa OM5451, OM18 và OM380 được gieo trồng phổ biến hiện nay ở đồng bằng sông Cửu Long (ĐBSCL). Theo số liệu của Cục Trồng trọt, trong năm 2023 diện tích giống OM18 lên đến 881.525 ha, OM5451 đạt 645.213 ha và OM380 với 72.028 ha.

Tổng cộng diện tích của 3 giống này là 1,6 triệu ha tức chiếm hơn 40% diện tích gieo trồng lúa ở ĐBSCL. Các giống lúa trên đã góp phần thay đổi cơ cấu giống lúa ở ĐBSCL theo hướng chất lượng cao, năng suất cao, ngắn ngày, thích nghi rộng, và nâng cao vị thế gạo xuất khẩu Việt Nam. Thông tin ghi nhận hiện nay giống OM5451 đã được trồng ở Campuchia (hạt giống xuất khẩu từ Việt Nam) và tin không chính thức giống cũng được trồng nhiều ở Thái Lan.

Tốt nghiệp đại học, PGS.TS Trần Thị Cúc Hòa nhận công tác ở Viện Lúa ĐBSCL vào năm 1980, từ đây năm 1988 bà được học bổng ITEC (chính phủ Ấn Độ) đi học Thạc sĩ và Tiến sĩ tại Ấn Độ. Tiếp theo, bà nhận được học bổng của Quỹ Rockefeller làm nghiên cứu sau Tiến sĩ tại Đại học Purdue (Mỹ) và Viện công nghệ liên bang Thụy Sĩ (ETH). Trở về Viện Lúa ĐBSCL bà tham gia nghiên cứu, giảng dạy, đào tạo nghiên cứu cứu sinh.

Báo Nông nghiệp Việt Nam có cuộc trao đổi với tác giả các giống lúa OM nổi tiếng để nhìn lại chặng đường phát triển lúa gạo Việt Nam của thập kỷ trước.

Thưa bà, các giống lúa do bà chọn tạo nhiều năm đạt trên dưới 1 triệu ha tại ĐBSCL và còn vươn tới các nước trong khu vực. Bà có thể chia sẻ quá trình nghiên cứu, chọn tạo những giống lúa đặc biệt này?

PGS.TS Trần Thị Cúc Hòa: Ở Viện Lúa ĐBSCL, tôi được giao nhiệm vụ Trưởng bộ môn Công nghệ sinh học, bộ môn có nhiệm vụ nghiên cứu về công nghệ gen (lúa và cây đậu tương) và chọn tạo giống lúa theo hướng chất lượng cao từ sự kế thừa kết quả của đề tài quốc tế nghiên cứu chọn tạo giống lúa giàu dinh dưỡng do Ngân hàng phát triển Châu Á (ADB) tài trợ và Viện nghiên cứu Chính sách lương thực thế giới (IFPRI) điều phối.

Từ năm 2002, công tác chọn tạo giống lúa giàu dinh dưỡng là đề tài nghiên cứu cấp Bộ, kết quả là sự ra đời của hai giống lúa giàu sắt là OM6976 và OM5451 được chính thức công nhận năm 2011, qua thời gian nghiên cứu và khảo nghiệm 10 năm. Từ 2011 đến nay, giống lúa OM5451 được trồng rất rộng trong sản xuất.

Sự thành công của chọn tạo giống lúa, từ kinh nghiệm tạo giống OM5451 tôi thấy đòi hỏi quá trình nghiên cứu liên tục, dài hạn. Như việc chọn các giống bố mẹ để lai từ kết quả nghiên cứu giai đoạn trước các giống lúa giàu sắt. Trường hợp OM5451 có bố mẹ là giống giàu sắt (chọn từ nghiên cứu 400 giống lúa) và giống Jasmine 85 là giống lúa thơm, cơm mềm. Nhóm nghiên cứu chúng tôi có các cán bộ say mê công việc, tậm tâm và gắn bó với đồng ruộng, đặc biệt hợp tác rất tốt với các địa phương để khảo nghiệm các dòng giống lúa mới ở nhiều vùng sinh thái, liên tục trong nhiều vụ.

 

 

Giống OM5451 được biết có tính kháng ngang sâu bệnh rất tốt, đặc biệt trong vụ hè thu, lý do khi đại dịch rầy nâu, vàng lùn và lùn xoắn lá xảy ra ở ĐBSCL năm 2005-2006, trong điều kiện đồng ruộng bị dịch, dòng 5451 vẫn kháng tốt, từ đó đã được chọn, cũng có thể là một sự may mắn. Thật ra, chúng tôi đã đeo đuổi và kiên trì với mục tiêu chọn giống là chất lượng cao, ngắn ngày, năng suất cao và có tính thích nghi rộng. 

Thưa bà, tiếp theo giống OM5451 bà là tác giả chính của giống lúa OM18 hiện đang là giống lúa chủ lực trong sản xuất và xuất khẩu ở ĐBSCL, bà có chia sẻ gì về giống lúa này?

PGS.TS Trần Thị Cúc Hòa: Giống OM18 bổ sung cho giống OM5451 như có chất lượng tốt hơn, mùi thơm nhẹ, chịu mặn tốt hơn và đặc biệt có năng suất rất cao, tuy thời gian sinh trưởng dài hơn OM5451 khoảng 3 ngày. OM18 là điển hình kết hợp nhiều đặc tính ưu việt vào trong một giống, nhờ vậy đang được nông dân ưu chuộng cũng như phục vụ cho xuất khẩu.   

Được biết, công tác nghiên cứu giống lúa thích ứng biến đổi ở ĐBSCL khá phức tạp. Có giống lúa chịu mặn tốt, nhưng không sinh trưởng tốt ở vùng nước nhiễm phèn và ngược lại. Xin bà chia sẻ thêm về một số khó khăn khi còn đi làm?

PGS.TS Trần Thị Cúc Hòa: Các nhà khoa học lúa gạo, đặc biệt là nhóm nghiên cứu tôi hướng dẫn, rất tận tâm, đam mê, chọn ra những giống lúa có chất lượng cao, đáp ứng được nhu cầu thị trường và đồng thời có khả năng sinh trưởng tốt trong nhiều điều kiện đất đai và khí hậu.

Ngoài phân tích chất lượng hạt, tính chống chịu sâu bệnh trong phòng thí nghiệm, chúng tôi còn đồng chọn tạo giống. Trong giai đoạn khó khăn như dịch rầy nâu và vàng lùn - lùn xoắn lá nổi lên ở ĐBSCL giai đoạn 2005-2006, chúng tôi đã chọn được dòng giống có khả năng chống chịu mạnh mẽ nhất, và đó chính là OM5451. Điều này là minh chứng cho khả năng chống chịu sâu bệnh của các giống OM, đặc biệt trong vụ hè-thu.

Kinh nghiệm chúng tôi thấy, việc chọn giống lúa chống chịu cao điều kiện ngoại cảnh bất lợi như mặn, hạn, phèn là việc khó vì đặc điểm di truyền phức tạp của các tính trạng này. Kết quả nghiên cứu công bố có tính chống chịu cao nhưng trên thực tế ở đồng ruộng không như vậy. Nhóm nghiên cứu của chúng tôi chú ý nhiều đến tính thích nghi rộng, trong khi chưa đạt được tính kháng cao mong muốn, có lẽ nhờ vậy các giống OM5451, OM18 có diện tích rất lớn trong sản xuất, nay còn vượt qua biên giới sang các nước bạn.

Qua những câu chuyện thành công OM5451, OM18, bà nhận xét gì về ý tưởng đem kết quả nghiên cứu đến với thị trường và đón đầu thị trường?

PGS.TS Trần Thị Cúc Hòa: Tôi muốn nhấn mạnh lại rằng, quá trình chọn tạo giống lúa đòi hỏi sự liên tục và kiên trì trong nghiên cứu. Vừa định vị xu hướng sản xuất, thị trường, chúng tôi vừa xác định giống bố mẹ thích hợp, đảm bảo giống mới đáp ứng đúng nhu cầu đặt ra.

Từ năm 2008, chúng tôi đã tập trung nghiên cứu chọn tạo giống lúa chất lượng cao để phục vụ nhu cầu xuất khẩu. Tuy nhiên, thời điểm đó còn ít nghiên cứu giống lúa theo hướng cải thiện phẩm chất dinh dưỡng, khiến gạo trên thế giới giàu năng lượng nhưng nghèo các vi chất dinh dưỡng thiết yếu.

Theo đó, Viện Lúa ĐBSCL triển khai đề tài ‘Nghiên cứu chọn tạo giống lúa giàu vi chất dinh dưỡng có năng suất, chất lượng cao’. Mục tiêu của đề tài là tạo ra các giống lúa mới có hàm lượng sắt cao, giải quyết tình trạng thiếu dinh dưỡng ở Việt Nam và trong khu vực. Đồng thời đảm bảo năng suất cao, kháng sâu bệnh hại, từ đó tăng thu nhập cho người nông dân.

Để giống lúa đến với thị trường, sự liên kết và hợp tác giữa Viện và doanh nghiệp là rất quan trọng. Trường hợp hai giống lúa trên, đã có sự hợp tác giữa Viện Lúa ĐBSCL và Tập đoàn Lộc Trời. Có thể nói, chính doanh nghiệp đầu tư vào giống đã tiếp sức cho các nhà khoa học đạt được ước mơ của mình. Việc sản xuất hạt giống quy mô lớn, đảm bảo chất lượng nếu không có doanh nghiệp thì Viện hay nhà khoa học không thể làm được. Doanh nghiệp cũng báo tín hiệu thị trường cho Viện để hợp tác nghiên cứu như Viện Lúa ĐBSCL đang làm.

Đề án 1 triệu ha lúa chuyên canh chất lượng cao, phát thải thấp vùng ĐBSCL đặt ra nhiều mục tiêu lớn, cần có những giống lúa ngắn ngày, năng suất cao, gạo ngon. Vậy các nhà khoa học lúa gạo ở Viện Lúa ĐBSCL đang tiếp nhận mục tiêu này như thế nào, thưa bà?

PGS.TS Trần Thị Cúc Hòa: Mục đích nghiên cứu phục vụ cho sự phát triển kinh tế - xã hội là nhiệm vụ xuyên suốt trong chọn tạo giống lúa của Viện, được thực hiện và kế thừa qua nhiều thế hệ cán bộ. Nhờ vậy đã đem lại kết quả, như chúng ta đã thấy, các giống lúa do Viện Lúa ĐBSCL mang tên OM đã và đang chiếm diện tích rất lớn trong sản xuất, phục vụ xuất khẩu.

Hiện nay, vựa lúa vùng ĐBSCL đứng trước nhiều thách thức chồng chéo về biến đổi khí hậu. Tính bền vững của sản xuất lúa ở ĐBSCL đang đối mặt với tình trạng nhiễm mặn ngày càng nghiêm trọng trong những năm gần đây, mà cao điểm là vụ đông-xuân 2015-2016 với hàng trăm nghìn ha lúa bị thiệt hại do mặn xâm nhập sâu vào đất.

Mặt khác, xu hướng của thị trường gạo xuất khẩu mở ra cơ hội mới khi thế giới ngày càng ưa chuộng gạo thơm, mềm, hạt trong, gạo giàu dinh dưỡng kể cả ngừa bệnh, gần đây là gạo cacbon thấp.

Do đó, việc phát triển các giống lúa thơm, ngắn ngày, năng suất cao, chất lượng tốt, có tính kháng sâu bệnh và thích nghi rộng là cấp thiết hơn bao giờ hết. Kết hợp nhiều đặc tính ưu việt vào một giống cần đến ứng dụng các tiến bộ mới nhất về công nghệ sinh học.

Từ góc độ khoa học, bà đánh giá thế nào về năng lực chọn tạo giống lúa của Việt Nam?

PGS.TS Trần Thị Cúc Hòa: Trình độ chọn tạo giống lúa của Việt Nam có thể đánh giá chung là đạt trình độ tiên tiến trong khu vực và quốc tế. Các giống lúa do các nhà khoa học Việt Nam tạo ra đều có đặc tính nổi trội là rất ngắn ngày, chất lượng cao và năng suất cao, gần đây có sự tiến bộ rất lớn về chất lượng như giống ST25 đoạt giải nhất gạo ngon thế giới hay giống Đài Thơm 8 và OM18.

Quan sát từ góc nghiên cứu khoa học, chúng ta thấy sự đa dạng trong cơ cấu và mô hình hoạt động. Từ Viện Lúa ĐBSCL - đơn vị sự nghiệp khoa học của Nhà nước, đến các doanh nghiệp tư nhân như Tập đoàn Lộc Trời, Tập đoàn Giống cây trồng Việt Nam (Vinaseed), Tập đoàn giống cây trồng Thái Bình (Thai Binh Seed) và đến thương hiệu đặc sản như Gạo ông Cua ST25, tất cả đều hướng tới một mục tiêu chung. Đó là sự phát triển và đóng góp tích cực vào sự thịnh vượng của đất nước.

Chất lượng của giống lúa không chỉ thể hiện qua những thành tựu khoa học mà còn được chứng minh bằng chất lượng gạo Việt Nam trên thị trường thế giới. Những dấu hiệu này đều rất rõ ràng, đặc biệt khi lượng gạo xuất khẩu từ Việt vượt qua Thái Lan, Ấn Độ, và Pakistan - những quốc gia xuất khẩu gạo hàng đầu thế giới.

Đây là những tín hiệu đáng mừng. Tôi tin tưởng rằng, nền tảng nghiên cứu giống lúa của Việt Nam đã cơ bản vững chắc, tạo động lực cho những bước phát triển kế tiếp.

Là chuyên gia hàng đầu trong lĩnh vực nghiên cứu lúa gạo của thế hệ trước, bà có những kỳ vọng gì về ngành khoa học lúa gạo Việt Nam trong tương lai?

PGS.TS Trần Thị Cúc Hòa: Ngành khoa học lúa gạo Việt Nam sẽ đạt được những bước tiến lớn khi triển khai đồng thời đa mục tiêu, hợp tác sâu rộng.

Đầu tiên, tôi cho rằng, để phát triển ngành hàng lúa gạo bền vững, chúng ta cần có thêm những nghiên cứu mang tính dài hạn, ý tưởng đột phá, ứng dụng các kỹ thuật tiên tiến. Điều này sẽ tạo động lực cho giới khoa học trong nước tiếp tục cống hiến cho Nhà nước, đưa giá trị hạt gạo Việt Nam lên tầm cao mới.

Theo đó, Nhà nước cần tăng cường đầu tư cho nghiên cứu lúa gạo, bằng cách tạo cơ chế phối hợp với doanh nghiệp tư nhân trong và ngoài nước. Nguồn lực dồi dào sẽ hỗ trợ các dự án nghiên cứu chất lượng cao, cho ra đời nhiều giống lúa mới, cải thiện quy trình sản xuất.

Khi hai khối công - tư cùng hỗ trợ nhà khoa học, cần có thêm cơ chế làm việc linh hoạt, đổi mới, khuyến khích các nhà nghiên cứu đưa ra ý tưởng độc đáo và phối hợp liên ngành. Đồng thời, nâng cao thu nhập cho nhà khoa học cũng sẽ là động lực quan trọng, giữ chân những người tài năng tiếp tục theo đuổi nông nghiệp.

Đầu tư vào đào tạo cán bộ nghiên cứu là chìa khóa để duy trì, phát triển nguồn lực nhân sự tại các Viện, Trường. Các chuyên gia có trình độ cao sẽ định hình tương lai của ngành, làm khoa học bền vững.

Hợp tác quốc tế cũng đóng vai trò quan trọng không kém để nông dân, địa phương các cấp và chính nhà khoa học của chúng ta được tiếp cận công nghệ mới nhất. Mặt khác, trao đổi kinh nghiệm chuyên môn không chỉ giúp nâng cao trình độ khoa học đất nước, mà còn xây dựng hình ảnh cởi mở với cộng đồng quốc tế.

Những bước tiến này, khi được thực hiện một cách đồng bộ và hiệu quả, sẽ đưa ngành khoa học lúa gạo Việt Nam lên một tầm cao mới, đáp ứng được những thách thức và cơ hội trong thời kỳ phát triển toàn diện của đất nước.

Quỳnh Chi
Trương Khánh Thiện
Quỳnh Chi - TL