| Hotline: 0983.970.780

Giải mã Delta - biến chủng virus Corona nguy hiểm nhất hiện nay

Chủ Nhật 15/08/2021 , 16:01 (GMT+7)
Biến thể Delta (còn được gọi là B.1.617.2) là tên của biến thể virus Corona chủng mới được phát hiện lần đầu tiên tại Ấn Độ.

Chỉ khi biến thể virus mới tăng khả năng lây nhiễm, tăng nguy cơ nhập viện hay tử vong ở người và làm giảm hiệu quả của vacxin cũng như các phương pháp điều trị, thì lúc đó Tổ chức Y tế Thế giới (WHO) mới xếp chúng vào nhóm “đáng lo ngại”.

Biến thể Delta là 1 trong 4 biến chủng virus Corona được WHO xếp thuộc nhóm này.

4 chủng virus Corona mới được phát hiện lần đầu tiên tại Anh, Nam Phi, Brazil và Ấn Độ. WHO đã thống nhất gọi 4 biến chủng mới này theo các ký hiệu bao gồm Alpha, Beta, Gamma và Delta.

Biến thể Delta lần đầu tiên được phát hiện ở Ấn Độ vào tháng 10/2020, đã thúc đẩy sự gia tăng nghiêm trọng của Covid-19 ở quốc gia này, lập kỷ lục về các ca nhiễm bệnh và tử vong mới.

Theo Trung tâm Kiểm soát và Phòng ngừa Dịch bệnh (CDC) Hoa Kỳ, tính đến tháng 8/2021, biến thể Delta đã gây ra ít nhất 93% ca nhiễm mới ở Mỹ và là thủ phạm của các làn sóng dịch nguy hiểm bùng nổ hầu khắp các khu vực trên thế giới.

“Tính đến ngày 10/8, biến thể Delta đã lan ra hơn 142 quốc gia trên thế giới”, thông tin từ WHO cho thấy mức độ lây lan mạnh mẽ của biến chủng này.

Triệu chứng của người nhiễm biến chủng Delta

Theo tiến sĩ Jeffery Barrett, Giám đốc Sáng kiến gene Covid-19 tại Viện Wellcome Sanger, viện nghiên cứu gene và di truyền phi lợi nhuận của Anh, cho biết, không có dữ liệu cho thấy biến thể Delta gây ra triệu chứng bất thường hơn so với những biến thể khác.

Trước đó, Tổ chức Dịch vụ Y tế quốc gia Anh (NHS) công bố những triệu chứng phổ biến của người nhiễm Covid-19 bao gồm: ho dai dẳng, sốt, mất khứu giác hoặc vị giác…

Nguồn: TTXVN.

Nguồn: TTXVN.

Tuy nhiên, nhiều cuộc nghiên cứu và một số nhà khoa học khác lại có những kết luận ngược lại.

Cụ thể, Tiến sĩ Lara Herrero, chuyên gia về virus và bệnh truyền nhiễm thuộc Đại học Griffith (Úc) cho biết những dữ liệu gần đây cho thấy người bệnh nhiễm biến thể Delta của Ấn Độ có thể sẽ gặp phải nhiều triệu chứng phổ biến, khác với dấu hiệu của chủng Covid-19 ban đầu.

Thông qua việc phân tích dữ liệu ghi nhận và báo cáo triệu chứng Covid-19 bằng thiết bị di động của hơn 4,6 triệu người bệnh mắc Covid-19 trên toàn cầu, các chuyên gia nhận định những dấu hiệu đặc trưng do virus SARS-CoV-2 gây ra theo NHS công bố đã ít phổ biến hơn.

Thay vào đó, những triệu chứng thường gặp ở người bệnh mắc biến chủng Delta là: đau đầu, đau họng và sổ mũi. Trong đó, những biểu hiện này cũng có sự khác biệt đối với từng nhóm đối tượng đã tiêm hoặc chưa tiêm vacxin ngừa Covid-19.

Nhóm người bệnh chưa tiêm vacxin thường gặp các triệu chứng như đau đầu, đau họng, sổ mũi, sốt, ho dai dẳng.

Nhóm chỉ mới tiêm 1 liều vacxin Covid-19 có những triệu chứng phổ biến là đau đầu, sổ mũi, đau họng, hắt xì, ho dai dẳng.

Nhóm đã chủng ngừa đầy đủ vacxin khi mắc bệnh thường có những dấu hiệu bao gồm: đau đầu, sổ mũi, hắt xì, đau họng, mất khứu giác.

Đáng chú ý, những biểu hiện lâm sàng do biến chủng Delta Ấn Độ gây ra rất dễ gây nhầm lẫn với bệnh cảm lạnh thông thường, khiến nhiều người chủ quan bỏ qua, làm tăng nguy cơ biến chứng hoặc tử vong.

Theo thông tin từ Công ty Cổ phần Vacxin Việt Nam (VNVC), một số bác sĩ tại Ấn Độ – nơi đầu tiên phát hiện biến thể Delta, cho rằng, biến thể này có thể gây ra các dấu hiệu bất thường như hoại thư (tình trạng nguy hiểm khi một khối lượng lớn các mô cơ thể bị hoại tử), mất thính giác, các vấn đề về tuần hoàn máu, tiêu chảy… Nhưng nhiều chuyên gia cho rằng đây không phải là kết quả từ một nghiên cứu chính thức mà chủ yếu dựa trên kinh nghiệm khám bệnh của bản thân bác sĩ.

Mức độ nguy hiểm của biến chủng Delta

CDC Hoa Kỳ ước tính biến thể Delta có tốc độ lây nhiễm nhanh như đậu mùa, và chỉ kém virus gây bệnh sởi. “Tốc độ lây nhiễm của biến thể này thật đáng kinh ngạc, cũng như khả năng nhân rộng của nó ở đường hô hấp trên”, Tạp chí National Geographic dẫn lời nhà virus học Mehul Suthar của Đại học Emory (bang Georgia, Mỹ).

WHO đánh giá biến chủng Delta là một biến thể mới, đặc biệt nguy hiểm. Trong cuộc họp báo ngày 21/06/2021, Giám đốc Chương trình khẩn cấp y tế của WHO –  Mike Ryan cảnh báo, biến thể Delta có khả năng “gây tử vong cao hơn, khả năng lây truyền nhanh hơn giữa người với người, và cuối cùng nó sẽ tìm tới những người dễ bị tổn thương, khiến họ phải nhập viện trong tình trạng biến chứng nặng và có khả năng tử vong”.

Nguồn: VTV.

Nguồn: VTV.

Để theo dõi mức độ lây lan của virus gây bệnh Covid-19, các chuyên gia dịch tễ học sử dụng hệ số lây nhiễm cơ bản R0.

Đại dịch cúm Tây Ban Nha năm 1918 có hệ số R0 dao động từ 2-3, có nghĩa là một người mắc sẽ lây cho 2-3 người khác. Trong trường hợp dịch SARS năm 2002, hệ số R0 là 3, còn Hội chứng viêm đường hô hấp cấp vùng Trung Đông (MERS) năm 2012, hệ số R0 từ 0,69-1,3.

Theo CDC Hoa Kỳ, ước tính người mắc biến thể Delta lây nhiễm cho từ 5-9,5 người (có nghiên cứu đưa ra con số 5-8 người), cao hơn nhiều lần so với chủng ban đầu ở Vũ Hán là từ 2,3-2,7. Biến thể Alpha có hệ số R0 từ 4-5.

Nếu hệ số R0 lớn hơn 0, số người nhiễm virus sẽ tăng theo cấp số nhân cho đến khi nào đạt được miễn dịch cộng đồng. Với chủng virus ban đầu, ngưỡng miễn dịch cộng đồng đạt được khi khoảng 67% dân số bị mắc bệnh hoặc được tiêm chủng.

“Đối với biến thể Delta, ngưỡng này phải cao hơn 80%, hoặc thậm chí tiếp cận mức 90%”, theo trợ lý giáo sư Ricardo Franco của Đại học Alabama (Mỹ).

“Chữ 'D’ trong Delta là viết tắt của ‘Different' (khác biệt) và 'Detour' (đường vòng) dẫn đến một con đường đột biến gene khác”, Eric Topol, Giám đốc và là người sáng lập Viện Nghiên cứu Scripps (bang California, Mỹ), nói.

Cũng theo ông Topol, biến thể Delta chết chóc hơn là do chúng nhân đôi nhanh chóng ở khoang mũi. Một nghiên cứu chưa được bình duyệt phát hiện biến thể Delta mất trung bình khoảng 4 ngày để đạt đến ngưỡng có thể bị phát hiện kể từ khi tiếp xúc người bệnh, so với khoảng 6 ngày ở chủng virus của Vũ Hán.

“Những người bị nhiễm biến thể Delta mang lượng virus trong mũi nhiều hơn 1.000 lần so với chủng gốc được xác định lần đầu ở Vũ Hán vào năm 2019”, theo một nghiên cứu khác từ Trung Quốc.

Tạp chí National Geographic viết: Delta "chuyên nghiệp" hơn trong việc phá hủy các tế bào bởi một đột biến nằm ở vị trí 681 ở protein gai của nó. Đây được cho là đột biến nhanh chóng trở nên phổ biến trong cả các biến thể khác và là một sự tiến hóa làm thay đổi tình hình đại dịch.

Đột biến P681R khiến biến thể Delta và Kappa dễ xâm nhập vào tế bào chủ hơn. Ngoài ra, biến thể Delta cũng chứa nhiều đột biến trong protein gai cải thiện khả năng liên kết với thụ thể ACE2 và thoát khỏi hệ miễn dịch của con người.

Các nhà khoa học cho biết không thể dự đoán chính xác Delta sẽ hoạt động như thế nào trong tương lai, mặc dù ông Eric Topol nói "nó sẽ trở nên tồi tệ hơn". Ông lưu ý rằng các đợt bùng phát dịch do biến thể Delta có xu hướng kéo dài từ 10-12 tuần khi virus “càn quét” các cộng đồng dân cư nhạy cảm.

Con đường lây lan của biến thể Delta

GS.TS Phan Trọng Lân – Viện trưởng Viện Pasteur TP Hồ Chí Minh cho biết, biến thể Alpha có khả năng lây nhiễm cao hơn đến 70% so với các biến thể cũ.

Trong khi đó, nhà virus học Shane Crotty thuộc Viện Miễn dịch học La Jolla ở San Diego (Mỹ) lưu ý biến thể Delta lại có khả năng lây nhiễm cao hơn 50-60% so với biến thể Alpha.

Tỷ lệ lây nhiễm thứ phát (F1 dương tính) của các trường hợp nhiễm biến thể Delta cao hơn so với biến thể Alpha. Tại các tỉnh thành phía Nam, chúng ta đã ghi nhận 1 số trường hợp có dấu hiệu hoặc dương tính chỉ sau hơn 1 ngày tiếp xúc phơi nhiễm với người mắc Covid-19.

Lý giải tốc độ lây lan của biến chủng Delta diễn ra nhanh, ông Nguyễn Trí Dũng – Giám đốc Trung tâm Kiểm soát bệnh tật TP.HCM (HCDC) cho biết nguyên nhân chính nằm ở tỉ trọng của biến chủng Delta.

Biến thể này là có tỉ trọng nhẹ hơn các biến chủng khác, do đó thời gian chúng lơ lửng, di chuyển trong không khí lâu hơn trước khi rơi xuống các bề mặt. Điều này làm bệnh dễ lây hơn với tốc độ nhanh, chu kỳ lây bệnh ngắn. Nhiều trường hợp, chỉ cần tiếp xúc gần, không trực tiếp, vẫn có thể bị phơi nhiễm.

Lý giải thêm về tốc độ lây lan khủng khiếp của biến thể Delta, PGS.TS Trần Đắc Phu, nguyên Cục trưởng Cục Y tế dự phòng, Cố vấn cao cấp Trung tâm Đáp ứng sự kiện y tế công cộng (Bộ Y tế) chỉ ra nguyên nhân chính là do nồng độ virus trong hầu họng rất nhiều và khả năng bám dính của virus vào tế bào cơ thể rất nhạy nên chỉ cần tiếp xúc ở cự ly dưới 2m trong thời gian rất ngắn đã có thể nhiễm bệnh.

Đặc biệt, trong môi trường kín, điều hòa, virus lơ lửng trong không khí và dễ phát tán, làm tăng khả năng lây lan. Điều này có thể thấy rõ ở những ổ dịch trong nhà máy, khu công nghiệp, quán bar hay phòng karaoke, xe ô tô…

Vacxin phòng Covid-19 có hiệu quả với biến thể Delta không?

Hiện tại, các nhà khoa học vẫn khẳng định vacxin là phương pháp hiệu quả nhất giúp bảo vệ con người khỏi sự tấn công của virus.

Việc tiêm vacxin đã cứu sống xấp xỉ 279.000 người dân Mỹ vào cuối tháng 6/2021 và ngăn được 1,25 triệu ca nhập viện. Tương tự, ở Anh, vacxin đã ngăn chặn được 30.300 ca tử vong, 46.300 ca nhập viện và 8,15 triệu ca lây nhiễm. Chiến dịch tiêm vacxin thần tốc ở Israel cũng giúp quốc gia này giảm 77% số ca mắc và 68% số ca nhập viện so với thời kỳ đỉnh dịch vào tháng 1/2021.

Tại Singapore, nơi biến thể Delta đang hoành hành, 3/4 ca mắc Covid-19 mới là những người đã được tiêm chủng nhưng không có ca nào trở nặng. Hiệu quả bảo vệ các ca nhập viện và trở nặng ở Israel lần lượt là 88% và hơn 91%, theo Reuters và Tân Hoa xã.

Trước đó, khoảng giữa tháng 7/2021, nghiên cứu từ Anh đăng trên BMJ cho thấy vacxin vẫn hiệu quả với biến thể Delta, ước tính trên 90%.

Cụ thể, có khoảng 806 bệnh nhân nhập viện với biến thể Delta. Trong số bệnh nhân nhập viện này, chỉ có 86/804 nhập viện là đã tiêm vacxin 2 liều, còn lại đều là bệnh nhân chưa tiêm vacxin phòng Covid-19 đầy đủ.

Tại Hoa Kỳ, thống kê từ Los Angeles chỉ ra 99,6% trong số 437.000 bệnh nhân nhập viện do Covid-19 đều không tiêm vacxin. Trong số 12.234 ca tử vong do Covid-19 từ tháng 12/2020 đến tháng 6/2021, có đến 99,8% là không tiêm vacxin.

Giáo sư Dịch tễ học, Y tế công cộng – Chris Robertson (Đại học Strathclyde) cho biết biến chủng Delta làm tăng nguy cơ nhập viện của người nhiễm nhưng việc tiêm vacxin có thể làm giảm nguy cơ này. Ông cho biết, việc hoàn thiện phác đồ với 2 liều vacxin hoặc 1 liều trong vòng 28 ngày sẽ giúp giảm nguy cơ nhập viện tới 70%.

Mặc dù các biến thể mới của SARS-CoV-2 có thể tác động ít nhiều đến hiệu quả của vacxin, tuy nhiên những người được tiêm vacxin vẫn cho phản ứng miễn dịch mới với các biến thể mới, trong đó có biến chủng Delta.

Trong một nghiên cứu của Cơ quan Y tế công cộng Anh (PHE), vacxin Pfizer (BioNTech) giúp ngăn tỷ lệ nhập viện điều trị lên đến 96%, vacxin AstraZeneca (Vương quốc Anh) đạt tỷ lệ là 92%. Cơ quan này cho biết mức độ hiệu quả của hai loại vacxin đối với các biến thể Delta và Alpha là không cách biệt nhiều.

Bên cạnh đó, cả 2 loại vacxin này cũng đã được chứng minh có khả năng bảo vệ chống lại nguy cơ bệnh chuyển biến nặng là hơn 90%.

Với những bệnh nhân nhiễm Covid-19 sau tiêm chủng, tải lượng SARS-CoV-2 sẽ thấp hơn và các triệu chứng nhẹ hơn nhiều so với người không tiêm chủng.

Trong một công bố khác, Moderna khẳng định vacxin hiệu quả với biến thể Delta khi các bệnh nhân có kháng thể đặc hiệu trung hòa với tất cả biến thể của SARS-CoV-2, bao gồm biến thể Detal. Vacxin Johnson & Johnson cũng có hiệu quả khoảng 60% với biến thể Delta.

Báo động: Siêu biến chủng nguy hiểm hơn Delta có thể sẽ xuất hiện

Tình hình dịch Covid-19 tại Indonesia đang tạo ra những điều kiện chín muồi cho sự xuất hiện của biến thể Covid-19 mới, thậm chí còn nguy hiểm hơn biến thể Delta.

Giáo sư Ali Mokdad tại Viện Đo lường và Đánh giá Y tế ở Seattle lưu ý: “Càng nhiều ca mắc trong cộng đồng thì càng có nguy cơ cao xuất hiện biến thể mới”. Chuyên gia này đã bày tỏ lo ngại về việc tổ chức lễ hội Eid al-Adha, một trong những lễ hội Hồi giáo quan trọng nhất của Indonesia, diễn ra từ 20-23/7 cùng các hoạt động bên lề.

Robert Bollinger, giáo sư về các bệnh truyền nhiễm tại Trường Đại học Y Johns Hopkins (Hoa Kỳ) cảnh báo: “Virus SARS-CoV-2 có khả năng đột biến thành một biến thể mới mỗi khi nó lây nhiễm cho một người mới. Vì thế, nguy cơ xuất hiện biến thể mới rất cao trong cộng đồng và ở những quốc gia có số ca mắc mới cao nhất, trong đó có Indonesia”.

Trong khi đó, Dicky Budiman, chuyên gia dịch tễ Indonesia nghiên cứu về các biến chủng của SARS-CoV-2 tại Đại học Griffith của Australia cho biết: “Các biến thể mới luôn xuất hiện ở những khu vực hay quốc gia không thể kiểm soát được dịch”.

Vị chuyên gia lưu ý: “Theo đánh giá của WHO, nếu 5% số xét nghiệm cho kết quả dương tính, nghĩa là dịch đã vượt tầm kiểm soát. Tại Indonesia, con số này cao hơn 10% trong khoảng 16 tháng ở giai đoạn đầu của dịch và hiện giờ là trên 30%. Do vậy, rất có khả năng xuất hiện một biến chủng mới hoặc siêu biến chủng ở Indonesia”.

Những việc cần làm ngay để phòng, tránh biến thể Delta

Mặc dù dễ lây lan hơn, nhưng biến thể Delta vẫn lây truyền theo cách giống như virus SARS-CoV-2 ban đầu. Các nhà nghiên cứu "xác định rằng những trường hợp mắc bệnh lây truyền chủ yếu qua những gì họ gọi là tiếp xúc gián tiếp, rất có thể là hít phải các giọt nước lây nhiễm [trong khi] hít thở không khí chung hoặc qua tiếp xúc vật lý trực tiếp", Tiến sĩ Helen Chu, Phó Giáo sư Y khoa tại Đại học Washington, nói.

Điều đó có nghĩa là cách lây lan chính của virus vẫn là ở chung không gian với người bị nhiễm bệnh và hít thở phải các giọt bắn của họ. Với Delta, sự khác biệt chỉ là người bị nhiễm sẽ tạo ra nhiều bản sao của virus hơn, nhanh hơn, từ đó dễ lây lan hơn.

Như vậy, có thể nói "Delta sẽ không lây truyền qua các con đường khác, và các biện pháp giảm thiểu mà chúng ta đã áp dụng trước đây sẽ vẫn hoạt động tốt để chống lại nó".

Các chuyên gia đồng tình đưa ra lời khuyên, “vệ sinh đường hô hấp nên là ưu tiên số 1”.

Nếu sống chung không gian với người mắc bệnh, mọi người nên đeo khẩu trang càng nhiều càng tốt. Điều này có nghĩa là mọi lúc, trừ khi ăn, uống và ngủ. Đối với người bệnh, điều này làm giảm lượng virus mà họ thở vào không khí. Còn người xung quanh bệnh nhân sẽ hạn chế hít phải virus.

Ngoài ra, cũng có thể dùng máy lọc không khí hay mở cửa sổ, bật quạt để không khí lưu thông.

Một con đường lây truyền khác có thể xảy ra là lây virus sống trên tay và chạm vào mắt, mũi hoặc miệng. Vì vậy, nên định kỳ làm sạch và khử trùng các bề mặt dùng chung như quầy phòng tắm hoặc bàn bếp, đặc biệt nếu người bệnh đang ho hoặc hắt hơi gần đó.

Do biến thể Delta dễ lây lan hơn và lan truyền nhanh hơn, việc duy trì giãn cách xã hội là cực kỳ quan trọng. Đeo hai khẩu trang, đặc biệt là khi ở ngoài trời và ở những nơi đông người. Ngoài ra, hãy rửa tay thường xuyên hoặc khử khuẩn thường xuyên.

Một biện pháp nữa để cân nhắc là tránh đi ra ngoài. Hãy ở trong nhà. Trong trường hợp khẩn cấp, hãy bịt khẩu trang và tránh chạm vào các bề mặt bị ô nhiễm.

Cuối cùng, tiêm vacxin vẫn luôn là cách hữu hiệu nhất để chống lại virus. Do đó, cần ưu tiên cho việc tiêm vacxin phòng Covid-19 bằng mọi giá.

Trong thực tế, khi biến thể Delta lây lan nhanh chóng trên toàn nước Mỹ, Giám đốc One Medical Regional Medical - Tiến sĩ Natasha Bhuyan khẳng định quốc gia này có "hai vũ khí" để giảm thiểu sự bùng phát.

“Chúng tôi có hai vũ khí quan trọng để chống lại loại virus này: một là khẩu trang, hai là vacxin", Tiến sĩ Natasha Bhuyan nói với Yahoo Finance Live. “Tăng tỷ lệ tiêm chủng sẽ có thể làm chậm sự lây lan của virus. Nhưng cho đến lúc đó, điều quan trọng là ngay cả những người đã được tiêm chủng đầy đủ vẫn tiếp tục đeo khẩu trang ở mọi nơi, mọi lúc”.

Các biện pháp phòng biến chủng Delta vẫn là:

- Đừng đi ra khỏi nhà nếu không có việc cần thiết.

- Duy trì khoảng cách 2 mét khi gặp gỡ mọi người.

- Sử dụng chất khử trùng khi gặp bất kỳ ai.

- Vệ sinh và khử trùng những thứ hoặc vật dụng được sử dụng trong nhà.

- Rửa tay bằng xà phòng trong 20 giây nhiều lần mỗi ngày.

- Nếu phải ra khỏi nhà vì một số công việc quan trọng, thì hãy sử dụng hai khẩu trang.

- Chỉ sử dụng sau khi rửa và khử trùng bất kỳ vật dụng nào được lấy từ bên ngoài.

- Điều quan trọng nhất là đi tiêm phòng càng sớm càng tốt.

Các loại biến thể virus Corona hiện nay trên toàn thế giới?

Ngoài biến chủng Delta, WHO còn đưa ra cảnh báo về 4 biến chủng nguy hiểm khác:

Biến chủng Alpha (B.1.1.7)

Biến chủng này được phát hiện lần đầu tại Vương quốc Anh vào tháng 9/2020 và nhanh chóng lây lan, trở thành biến chủng nguy hiểm đe dọa toàn thế giới. Biến chủng Alpha lây truyền từ người sang người, làm tăng mức độ nghiêm trọng lâm sàng của triệu chứng bệnh.

Biến chủng Beta (B.1.351)

Biến chủng Beta lần đầu được phát hiện đầu tháng 10/2020 tại Nam Phi và chính thức được công bố rộng rãi vào tháng 12/2020. Được biết, biến chủng này ảnh hưởng những người trẻ tuổi nhiều hơn so với các biến thể trước đó. Theo thống kê, biến thể Beta đã được tìm thấy ở hơn 80 quốc gia. Biến chủng Beta mang một gen đột biến E484K, giúp virus loại bỏ hệ thống miễn dịch của con người.

Biến chủng Gamma (P.1)

Biến chủng Gamma được ghi nhận xuất hiện lần đầu vào tháng 11/2020 tại Brazil. Biến thể này có đề kháng cao hơn với vacxin và phương pháp điều trị bằng kháng thể. Đặc điểm này đã tạo ra làn sóng dịch bệnh thứ 2, đẩy các bệnh viện tại Brazil rơi vào tình trạng quá tải.

Biến chủng Epsilon (B.1.427/B.1.429)

Biến chủng này có thể tự sắp xếp lại một phần của protein đột biến mà virus sử dụng để liên kết với các tế bào của cơ thể. Vì thế, biến chủng Epsilon có khả năng lây nhiễm cao hơn khoảng 20% ​​và dễ dàng làm suy yếu hệ miễn dịch của con người.

Nguồn: VNVC.

(t/h)