Giàng A Dê - người kể chuyện về Mù Cang Chải

Giàng A Dê không giống nhiều trai tráng cùng trang lứa, anh nghĩ khác và đang thay đổi nhiều bản làng ở vùng cao Mù Cang Chải.

Khoảng 6 năm trước, vào cái ngày mà Giàng A Dê bỏ việc ở một tập đoàn lớn để khởi nghiệp với mô hình du lịch cộng đồng, người Mông ở La Pán Tẩn nói, "Giàng ơi, nó bị con ma rừng bắt đi rồi". Vậy mà bây giờ, chàng thanh niên người Mông từng “bị con ma rừng bắt đi” ấy đang là ông chủ của Công ty TNHH thương mại và du lịch Hello Mù Cang Chải, mỗi năm đón cả ngàn lượt khách du lịch; là ông chủ của hệ thống Bungalow, homestay và vận hành gần 20 tour du lịch trong huyện như: du lịch trải nghiệm, leo núi, dù lượn, tham quan bản làng, đi xe máy, bắt cá, làm ruộng…

Bản thân Giàng A Dê được Trung ương Đoàn vinh danh nhận giải thưởng Thanh niên sống đẹp và mô hình du lịch cộng đồng được công nhận là sản phẩm OCOP 4 sao… Mỗi lần gặp nhau, câu đầu tiên anh nói thường là: Tôi là đứa con của Mù Cang Chải, những gì tôi làm đều xuất phát từ mong muốn kể những câu chuyện về vùng đất, con người nơi đây.

Tôi gặp Giàng A Dê lần đầu trong chuyến công tác của Bộ trưởng Bộ NN-PTNT Lê Minh Hoan thăm và làm việc ở Yên Bái khoảng cuối tháng 8 năm ngoái. Vẫn nhớ như in trong lần đi ấy, đã nghe Bí thư Tỉnh ủy Yên Bái Đỗ Đức Duy khoe rằng Yên Bái có hai mô hình làm du lịch cộng đồng dựa vào tài nguyên thiên nhiên, bản sắc văn hóa của đồng bào, đó là chè Suối Giàng ở huyện Văn Chấn và Hello Mù Cang Chải của Giàng A Dê.

Và quả thực, khi lên Mù Cang Chải, trực tiếp chứng kiến cách Giàng A Dê thay đổi cộng đồng, thay đổi vùng đất này, không chỉ chúng tôi mà cả Bộ trưởng Lê Minh Hoan cũng cảm thấy bất ngờ, thích thú. Quả thật khó có thể ngờ, từ sự thay đổi tư duy của chàng trai sinh năm 1989, cả một vùng cao La Pán Tẩn như thức dậy sau giấc ngủ dài và đang từng ngày tỏa sáng.

Giàng A Dê kể, bản Háng Xung nơi anh sinh ra nằm trên đồi cao La Pán Tẩn. Một ngày chưa xa lắm, nơi đây chỉ toàn bóng tối của đói nghèo, hủ tục, đời sống đồng bào quanh năm lo cái ăn, cái mặc vốn dĩ nhọc nhằn. Giống như nhiều xã vùng cao khác ở huyện nghèo Mù Cang Chải, La Pán Tẩn nằm trong vùng lõi của Danh lam thắng cảnh ruộng bậc thang Mù Cang Chải, Di tích Quốc gia đặc biệt.

Đẹp, hùng vĩ, ai cũng biết nhưng đời sống đồng bào vẫn còn quá khó khăn. Nhiều người xót xa gọi là đói nghèo trong lòng danh thắng. Đời sống đồng bào vùng cao dựa vào ruộng lúa, nương ngô ít ỏi, năm nào không đói đã là may. Trẻ em lên 5, lên 7 đã phải theo bố mẹ lên nương, học cho biết mặt con chữ rồi bỏ là chuyện bình thường.

Giàng A Dê là người đầu tiên của Háng Xung được đi học đại học và có công ăn việc làm ổn định. Rồi lấy vợ, sinh con. Cuộc đời anh có lẽ sẽ trôi đi bình lặng với mức thu nhập kha khá ở Viettel Mù Cang Chải. Nhưng trong những ngày cuối tuần vượt núi, leo đồi trở về Háng Xung, hết ngắm danh lam lại chứng kiến đời sống đồng bào, Giàng A Dê nghĩ: Phải làm điều gì đó, người Mông ở La Pán Tẩn không thể chỉ dựa vào ruộng bậc thang mỗi năm một vụ lúa, không thể quanh năm chỉ cắm cúi lo mỗi cái ăn, trẻ con La Pán Tẩn phải được đến trường…

Những suy nghĩ, trăn trở ấy ngày càng bức bách, nhất là khi nhiều lần Giàng A Dê chứng kiến những ông “Tây ba lô” rất say sưa, thích thú với cảnh sắc, con người, văn hóa Mù Cang Chải nhưng lại không có chỗ cho họ lưu trú. Hay là làm homestay nhỉ? Phải rồi. Muốn thay đổi bản làng, muốn cải thiện đời sống đồng bào phải tìm cách níu chân du khách, chứ không phải để họ chỉ lên ngắm ruộng bậc thang xong rồi lại về.

Giàng A Dê đem tâm tư ấy bàn với vợ. Ngạc nhiên thay, Vàng Thị Lỳ nói đó là điều cô đã nhiều lần nghĩ đến, nhưng làm thế nào?

Cả hai vợ chồng đột nhiên cười lớn khi kể lại những ngày đầu khởi nghiệp. Lúc đó bọn em chưa biết tiếng Anh, lại càng không biết phải bắt đầu như thế nào. Suy nghĩ mãi, hai vợ chồng mới quyết định chia nhau ra. Chồng ở nhà xây dựng, vợ lên Sa Pa xin phục vụ ở các nhà hàng, vừa học cách giao tiếp tiếng Anh vừa xem thử cách làm du lịch cộng đồng trên đó thế nào. Cuối cùng Hello Mù Cang Chải cũng ra đời.

Đó là mô hình du lịch cộng đồng đầu tiên của La Pán Tẩn, và có lẽ cũng là đầu tiên của Mù Cang Chải. Ban đầu cũng định rủ thêm một số người làm cùng, nhưng biết rõ bản tính đồng bào mình, cứ phải thấy kết quả rõ ràng thì mới theo nên hai vợ chồng chỉ biết động viên nhau tự làm trước đã.

Trên sườn đồi hoang hóa của bản Háng Xung, vợ chồng Giàng A Dê dẫn nước từ suối lên làm ruộng. Họ dựng nhà cửa, tạo cảnh quan, một thời gian sau đã thấy gắn biển homestay Hello Mù Cang Chải. Vừa làm vừa hoàn thiện, học hỏi. Thiếu tiền thì vay mượn, thiếu kiến thức, kinh nghiệm thì đọc sách, nghiên cứu. Đến cả con đường trên núi dài khoảng 200m cũng do hai vợ chồng vác cát sỏi dưới suối lên tự làm.

Và rất nhanh chóng, cả Lỳ và Dê đều nói tiếng Anh vô cùng thuần thục nhờ áp dụng “chính sách” nếu khách du lịch dạy gia chủ nói thạo 3 câu tiếng Anh thì sẽ được miễn phí bữa sáng. Cần mẫn như những cô gái Mông dệt vải, kiên trì như những chàng trai đồng bào xẻ núi làm ruộng bậc thang, mô hình du lịch cộng đồng của hai vợ chồng cứ lớn dần và trở thành địa chỉ hút khách du lịch đến Mù Cang Chải.

Gặp lại Giàng A Dê lần này, anh khoe, Hello Mù Cang Chải đã trở thành công ty thương mại và du lịch do chính anh làm giám đốc. Hiện công ty có 8 Bungalow, 1 homestay với 5 phòng, vận hành gần 20 tour du lịch trải nghiệm, du lịch kết hợp leo núi, dù lượn, tham quan bản làng, đi xe máy, bắt cá, làm ruộng… Giám đốc Giàng A Dê cũng liên kết và ký hợp đồng với nhiều công ty du lịch, lữ hành, đăng ký tài khoản tại các trang chuyên về du lịch như: Booking, Agoda, AinB&B, Expiedia…

"Và cái chính khiến em vui nhất là Hello Mù Cang Chải đã truyền cảm hứng, dẫn dắt nhiều người Mông ở La Pán Tẩn cùng tham gia phát triển du lịch cộng đồng", người từng bị “ma rừng bắt” cười lớn.

Phó Chủ tịch UBND xã La Pán Tẩn, ông Giàng A Thanh, cũng vui vẻ tiết lộ: Vợ chồng Dê đang “nuôi” 7 hướng dẫn viên thông thạo tiếng Anh, 15 hướng dẫn viên tiếng Việt, hơn 50 lao động làm xe ôm và mấy chục porter chuyên dẫn khách leo núi.

Với slogan “Đi là thích - đến là mê”, Hello Mù Cang Chải hiện đã thực sự thu hút và chinh phục được khách du lịch khi đến với vùng cao. Năm 2019, thời điểm chưa bùng phát dịch bệnh Covid-19, homestay Hello Mù Cang Chải đón trên 600 lượt khách với doanh thu trên 250 triệu đồng. Mùa vàng năm nay con số đó đã lên đến hàng ngàn lượt.

“Đa số du khách lên đây là để tìm kiếm sự khác biệt, mới lạ, độc đáo về văn hóa, về cuộc sống và thiên nhiên để giảm căng thẳng. Với Hello Mù Cang Chải, giữ nụ cười và tạo sự thân thiện hòa đồng, để ai cũng thấy vui và tràn đầy năng lượng sống là giá trị song hành”, Vàng Thị Lỳ nắm tay chồng, chia sẻ với mọi người như một hướng dẫn viên du lịch chuyên nghiệp.

Ngoài việc tập trung hoàn thiện cơ sở hạ tầng phục vụ du khách, vợ chồng Giàng A Dê còn mở lớp học tiếng Anh cho các thanh niên trong bản, mở tủ sách miễn phí với tên gọi “I Have A Book” để mỗi trẻ em ở La Pán Tẩn đều có sách. Tổ chức các buổi giao lưu ngoại khóa giữa thế hệ trẻ La Pán Tẩn với du khách nước ngoài. Một hệ sinh thái phát triển du lịch dựa trên danh thắng thiên nhiên kết hợp với bản sắc văn hóa, con người Mù Cang Chải cũng dần hình thành. Mở và vận hành thành công các tour leo núi đi Tháp trời, Tà Chì Nhù, Lùng Cúng, võng lúa Móng Ngựa, rừng trúc Mồ Dề… Mở các lớp học hướng dẫn làm thổ cẩm truyền thống, làm khèn Mông hay những nông cụ của đồng bào để bán cho du khách.

Cùng với đó là các mô hình chăn nuôi, trồng trọt, tạo ra những con lợn, con gà các loại rau củ quả đặc trưng của đồng bào nhằm phục vụ du lịch. Vợ chồng Giàng A Dê còn vận động 6 hộ đồng bào Mông trong bản thực hiện tốt việc chăn nuôi nhốt trâu bò, lợn, gà, dọn dẹp vệ sinh nhà cửa sạch sẽ, trồng hoa từ cổng đến khuôn viên từng nhà để làm du lịch.

Đi đến nhà nào anh cũng bảo: Bà con mình chỉ làm ruộng lấy lúa thì mãi sẽ không khá được. Mình phải làm ruộng phục vụ khách du lịch thôi. Rồi anh hướng dẫn bà con đưa khách du lịch đi cày ruộng, xuống suối bắt cá, dệt thổ cẩm, nấu rượu… Bấy giờ đồng bào mới nhận ra, thì ra những thứ ấy lại có thể đẻ ra tiền. “Người dân phải là chủ thể của du lịch cộng đồng”, Giàng A Dê nói, hệt như một chính trị gia.

Giàng A Dê cũng thành lập và tập huấn cho các thành viên tổ xe ôm du lịch. Các thành viên trong tổ học tiếng Anh, học những nét văn hóa, lịch sử của đồng bào Mông Mù Cang Chải, hiểu rõ giá trị từng địa danh, từng nghề truyền thống của đồng bào mình để hướng dẫn, phục vụ du khách. “Mỗi chuyến đi là một câu chuyện”, Giàng A Dê nói, đó chính là cách để gây ấn tượng và níu chân du khách ở lại với Mù Cang Chải.

Vừa trở về từ hành trình dẫn nhóm du khách người Bồ Đào Nha đi khám phá tìm hiểu cung đồi Mâm Xôi - võng lúa Móng Ngựa - rừng trúc Mồ Dề - Tháp Trời…, Giàng A Dờ, một thành viên tổ đội xe ôm Hello Mù Cang Chải khoe: Từ chỗ không có công ăn việc làm, giờ đây nhờ Giàng A Dê mà nhiều thanh niên trong bản có thu nhập ổn định, được học tập, có thêm kiến thức và biết yêu quê hương, yêu bản sắc văn hoá đồng bào mình.

Dờ cười tươi còn Ricardo, du khách người Bồ liên tục đưa ngón tay cái làm biểu tượng like, bày tỏ sự thích thú với vùng đất, con người, văn hóa Mù Cang Chải. Ricardo chia sẻ, đây là lần thứ hai anh đến vùng cao này và thấy rõ Mù Cang Chải đang từng bước trở thành điểm đến thực sự bản sắc, an toàn và thân thiện.

Trở lại với Giàng A Dê, với những đóng góp làm thay đổi La Pán Tẩn, năm 2020, anh vinh dự được Trung ương Đoàn TNCS Hồ Chí Minh tặng Danh hiệu Thanh niên tiên tiến làm theo lời Bác, năm 2021 được tặng Danh hiệu Thanh niên sống đẹp toàn quốc và nhiều cấp, ngành khác khen thưởng. Điểm du lịch cộng đồng “Hello Mù Cang Chải homestay” cũng đã được công nhận là sản phẩm OCOP 4 sao, sản phẩm du lịch cộng đồng đầu tiên của Yên Bái được vinh danh.

Trò chuyện với Bí thư Huyện ủy Mù Cang Chải Nông Việt Yên, ông nói rằng Mù Cang Chải hôm nay đang thay đổi từng ngày, một phần là nhờ những làn gió trẻ như Giàng A Dê.

“Với triết lý xây dựng Mù Cang Chải thành điểm đến bản sắc, an toàn, thân thiện, chúng tôi xác định du lịch là hướng đi, mũi nhọn để Mù Cang Chải giảm nghèo bền vững. Quy hoạch vùng định hướng Mù Cang Chải phát triển theo hướng lấy du lịch làm trọng tâm, dựa trên 3 yếu tố gồm khí hậu, cảnh quan thiên nhiên, ruộng bậc thang và bản sắc văn hóa đồng bào các dân tộc. Những người trẻ như Giàng A Dê đang góp phần hiện thực mục tiêu đó”, ông Nông Việt Yên khẳng định.

Làn gió Giàng A Dê thổi vào Lý A Dờ, chàng trai người Mông ở La Pán Tẩn làm Hợp tác xã du lịch đồi Mâm Xôi, thổi vào Giàng A Chinh ở Hợp tác xã du lịch võng lúa Móng Ngựa và nhiều bạn trẻ người Mông khác. Họ đang từng ngày đánh thức Mù Cang Chải, đánh thức và phát huy bản sắc văn hóa, cảnh sắc thiên nhiên và vẻ đẹp của người vùng cao.

Mù Cang Chải hôm nay giống như bức tranh đa sắc, ngày càng thêm rực rỡ. Cảnh sắc thiên nhiên hòa chung với bản sắc văn hóa của đồng bào, ngất ngây trong men say lễ hội khèn Mông, lễ hội Gầu Tào, lễ hội hoa tớ dày, festival dù lượn… Những mô hình làng văn hóa du lịch cộng đồng ra đời với những nét đặc trưng, riêng có của người vùng cao đang dần thay da đổi thịt vùng đất này.

Chia tay Giàng A Dê, anh nhắc đi nhắc lại, người dân và bản sắc văn hóa của họ chính là chủ thể của sự phát triển. Hơn ai hết, họ là những người bảo tồn, gìn giữ và phát huy và có quyền được thừa hưởng những giá trị đó.

"Tôi chỉ là người kể chuyện Mù Cang Chải", Giàng A Dê tươi cười.

Hoàng Anh
Trọng Toàn
Hoàng Anh