Giáo sư Võ Tòng Xuân: Đồng bằng sông Cửu Long được 'lên dây cót'

Năm 2021 là năm đầu tiên triển khai thực hiện Kế hoạch 5 năm (2021-2025), có ý nghĩa là năm bản lề đặc biệt quan trọng thực hiện Nghị quyết Đại hội lần thứ XIII của Đảng.

Đối với ngành Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, càng có ý nghĩa quan trọng khi triển khai Nghị quyết Đại hội XIII của Đảng: Chuyển từ tư duy sản xuất nông nghiệp sang tư duy kinh tế nông nghiệp. Xác định 3 hướng chủ đạo: Nông nghiệp sinh thái, nông thôn hiện đại và nông dân thông minh. Đồng thời, tiếp tục triển khai thực hiện Nghị quyết 120/NQ-CP về phát triển bền vững ĐBSCL thích ứng với biến đổi khí hậu - được coi là “Nghị quyết Vàng” với ĐBSCL.

Giáo sư Võ Tòng Xuân, Hiệu trưởng Trường Đại học Nam Cần Thơ, đã dành cho Báo Nông nghiệp Việt Nam một cuộc trò chuyện đầy tâm huyết xoay quanh các vấn đề của ngành nông nghiệp và đặc biệt của vùng ĐBSCL.

Được biết, vừa qua Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính về Cần Thơ tiếp xúc cử tri và có ghé thăm giáo sư. Ông có thể chia sẻ về cuộc gặp gỡ này?

Thủ tướng nói, nhân dịp vào ra mắt bà con cử tri Cần Thơ nên tranh thủ ghé thăm tôi. Tôi có nói, như vậy từ nay, mỗi năm bà con Cần Thơ và ĐBSCL ít nhất sẽ có 2 lần được gặp Thủ tướng. Bà con ĐBSCL và các trường đại học cũng mong ước được Thủ tướng ghé thăm để “lên dây cót”.

Về giáo dục, tôi có chia sẻ với Thủ tướng, học phổ thông hiện nay phần lớn học chủ yếu là để thi thôi. Thi không đậu thì bơ vơ, cháu nào đậu thì ráng lên đại học, đại học rồi nhiều em cũng không kiếm được việc làm. Giáo dục của mình rất nhiều bất trắc. Sau đó, Thủ tướng cũng có những chia sẻ và anh em khoa học rất tâm đắc.

Về giao thông, tôi có nói với Thủ tướng: Thứ nhất, ĐBSCL không phải chỉ có 40 km cao tốc TP.HCM - Trung Lương, nhưng đã mở ra được những con đường huyết mạch khác. Cụ thể như tuyến N2 xuyên qua Đồng Tháp Mười và các cây cầu Cao Lãnh, Vàm Cống và cao tốc Lộ Tẻ Rạch Giá - Kiên Giang hiện nay đi lại khá thuận tiện. Các tuyến đường qua Trà Vinh, Bến Tre cũng rất tốt, không thấy báo chí nói nhiều các tuyến đường này nhưng thực sự người dân thấy rất mừng.

Tôi có chia sẻ thêm, biết rằng muốn phát triển ĐBSCL phải tạo cho Cần Thơ là trung tâm, nhưng muốn làm trung tâm cần phải có các đường về trung tâm. Từ trung tâm này sẽ đi TP. HCM hay ra nước ngoài. Thủ tướng cũng nói rằng sẽ tăng cường đầu tư cho giao thông ĐBSCL không thể để như thế này mãi.

Về Nghị quyết 120, tôi có chia sẻ mình đã có Nghị quyết 120 từ năm 2017 rồi. Năm cuối nhiệm kỳ của nguyên Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc đã đưa tới những phấn khởi cho bà con ĐBSCL. Nông dân đã có những hành lang pháp lý để nuôi trồng những gì ngoài cây lúa có thu nhập cao hơn.

Trong 3 năm rồi các Bộ, ban ngành đã triển khai Nghị quyết này nhưng có thể nói nó vẫn còn nằm nhiều ở trên giấy. Mỗi lần họp cũng trình bày nhưng nông dân họ không chờ được. Nông dân không chờ được còn các tỉnh thì lúng túng vì chưa có chương trình hành động cụ thể nên không dám làm.

Cụ thể, nông dân họ không chờ được nên làm tự phát. Bây giờ đi lâu lâu lại thấy nguyên cánh đồng lớn nổi lên vườn xoài, vườn sầu riêng...

Đi dọc theo bờ biển từ Bến Tre - Trà Vinh - Cà Mau - Kiên Giang thấy mô hình lúa - tôm phát triển rất nhanh. Lúc trước bà con nông dân làm 2 đến 3 vụ lúa từ u đầu đến bể trán bây giờ nuôi tôm phấn khởi hơn. Bây giờ, mở ra nuôi tôm, mùa nắng nước mặn lên thì nuôi tôm, đây là giải pháp đối phó với biến đổi khí hậu rất tài tình.

Đối với vùng mặn: Theo Nghị quyết 120 tôi có nói, Thủ tướng thấy hợp lý, là Nhà nước phải tạo ra cấu trúc hạ tầng. Mình dự định chuyển đổi cơ cấu nông nghiệp thay một vụ lúa bằng một vụ tôm thì nông dân cần những gì Nhà nước phải đầu tư. Cũng như trước đây, Nhà nước muốn nhiều lúa thì đi vay tiền đầu tư làm thủy lợi rất tốt. Từ thủy lợi lớn đến thủy lợi nhỏ, đến nông dân làm thủy lợi nội đồng rất tốt.

Bây giờ làm lúa - tôm, mạnh ai nấy làm, nông dân tự đào vuông tôm mà nuôi. Người này xả nước ra người kia lại bơm vào gây ô nhiễm. Phong trào lúa - tôm lên như thế, nhưng nếu Nhà nước không làm thủy lợi cho con tôm để mạnh ai nấy làm cũng không giàu được.

Đối với vùng ngọt: Một phần của Đồng Tháp, An Giang, Vĩnh Long, Tiền Giang, đây là vùng có thể xây dựng lại đồng ruộng để trồng cây ăn trái, rau màu chuyên canh.

Ở vùng 3 vụ lúa, trong thời buổi biến đổi khí hậu thì làm gì? Biến đổi khí hậu là thiếu nước ngọt và nước mặn tràn lên. Lúa - tôm mình không sợ, nước mặn tràn lên thì nuôi tôm. Còn ông nằm giữa này lúc nào cũng có nước ngọt thì làm vùng an ninh lương thực.

Hiện nay, ta có nhiều giống lúa ngắn ngày gạo ngon, lúc nào trồng cũng được. Mình hơn Thái Lan, gạo ngon một năm mình trồng được tới 3 vụ. Mình có giống mới mình làm.

Đối với Đồng Tháp Mười trước đây là vùng trũng chứa nước mùa khô, mùa mưa quy nạp tất cả các chất độc thải về. Bây giờ mình làm bằng phẳng hết để trồng lúa nên rất tốn kém nước. Nhiều người nói bây giờ mình phải làm những cái hồ rất lớn ở Đồng Tháp Mười để chứa nước nhưng ai để đất cho mà làm.

Với vùng này, theo tôi chỉ có doanh nghiệp lớn, năng động đi các nơi tìm hiểu nhu cầu, ký hợp đồng, quảng cáo các loại trái cây nhiệt đới, nông sản, gạo ngon để các nước biết. Khi có các hợp đồng rồi ta quy hoạch vùng 3 vụ lúa, Nhà nước sẽ đầu tư đào mương, lên líp. Líp trên mặt ruộng để trồng cây ăn trái, mương là các hồ chứa nước. Thay vì nước đó nó chảy ra biển thì mình chứa lại cho mùa khô.

Mình làm như thế thì Nghị quyết 120 của mình mới hiệu quả, nếu không thì nông dân lại tự phát, các tỉnh lúng túng lại bắt trồng lúa nữa. Cũng như trước năm 2017, các tỉnh đều phải trồng lúa hết. Mình nói với các anh cán bộ xã, huyện đều biết trồng lúa không giàu nhưng thà cho nông dân nghèo còn hơn bị khiển trách.

Vấn đề HTX, tôi có nói trước đây nguyên Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc cũng muốn lắm nhưng nó vẫn chưa đi vào nề nếp được. Muốn làm được tốt phải tổ chức được nông dân.

Khó khăn nhất của HTX của Việt Nam là không lo được đầu ra. Đây là khuyết điểm lớn nhất của chương trình HTX. Nói vui, như một số lãnh đạo khi tới tỉnh này tỉnh nọ thường hay chỉ đạo “phải nuôi con này, trồng cây kia”, nhưng ở dưới nông dân thì bảo “mấy ổng nói gì mấy ổng nói, mình thấy gì bán được thì làm chứ nhào vô không chắc ăn đâu”.

Từ Nghị quyết 120, bây giờ nói nhiều đến tư duy mới về kinh tế nông nghiệp. Theo giáo sư cần phải hiểu như thế nào cho đúng về tư duy kinh tế nông nghiệp?

Đúng ra câu nói này là của nguyên Thủ tướng Nguyên Xuân Phúc. Lúc trước mình làm mọi giá, tốn bao nhiêu thì tốn miễn có được lúa gạo thôi. Sau khi hòa bình lập lại, với kinh nghiệm của thế giới sau chiến tranh là chết đói nên mình lúc đó lo cho lương thực.

Gạo lúc đó không định giá được. Sao có gạo ăn là quý lắm rồi. Tới năm 1989 mình bắt đầu xuất khẩu. Vì vậy, từ năm 1991 tôi đổi Trung tâm Nghiên cứu lúa tại Đại học Cần Thơ thành Trung tâm Nghiên cứu và Phát triển hệ thống canh tác vùng ĐBSCL.

 

Trong hệ thống canh tác, cây lúa là cây chủ lực, trong canh tác lúa cần nuôi con gì, trồng cây gì nữa là quan trọng, tránh trường hợp thặng dư lúa gạo. Lúa càng nhiều giá càng sụt. Nếu mình làm bớt lúa đi thấy giá nó lên, nhưng ban đầu mình làm lúa hoài theo chính sách an ninh lương thực nên nông dân đành chịu. Bây giờ nước ngoài lúa bớt lại nên giá lúa gạo của mình mới tăng lên.

Thời đại làm lúa bất chấp chi phí không còn nữa. Bây giờ mình trồng lúa phải biết tính toán để có lời cho quốc gia. Nhưng bây giờ mình chưa tính toán được vì còn phải gánh cho những người không trồng lúa, vì tăng giá lúa gạo phải tăng lương. Nếu không tăng giá lúa thì đầu tư thủy lợi không có khấu hao vào công trình. Trồng lúa còn vì chính trị chứ không phải vì kinh tế, nếu đưa công trình khấu hao vào giá lúa gạo thì rất lớn.

Tại châu Phi, đầu tư 1 ha thủy lợi hết 8.000 USD. Còn mình không tính chi phí đầu tư thủy lợi vào mà khấu hao. Đến giờ này mình trồng lúa chỉ là giá trị, không phải kinh tế. Bây giờ có Nghị quyết 120 rồi mình mới nói làm kinh tế chứ không phải làm chính trị.

Thưa giáo sư, đã có lần ông nói: “Nhiều người gọi Nghị quyết 120 là Nghị quyết Vàng, còn theo tôi, đó là Nghị quyết gỡ vòng kim cô trên đầu người nông dân, giúp nông dân đổi đời. Giáo sư cũng chia sẻ Nghị quyết 120 là Nghị quyết “Thuận thiên” và câu chuyện ra đời hai chữ "Thuận thiên" này làm tôn chỉ cho Nghị quyết. Một lần nữa xin giáo sư chia sẻ kỹ hơn về vòng kim cô này?

Vòng kim cô là chủ trương an ninh lương thực. Cái mô hình lúa - tôm đã được công bố từ năm 1985, sau đó rất nhiều tổ chức quốc tế họ tham gia nghiên cứu mô hình này và họ nói rằng không có mô hình, kỹ thuật canh tác nào mà bền vững như vậy đối với vùng nước mặn. Với vùng mặn thì phải dùng nước mặn chứ không thể bỏ nước mặn.

Tôi nhớ năm 1993, khi mà tỉnh Cửu Long chia ra làm hai tỉnh Vĩnh Long và Trà Vinh. Lúc đó tôi dẫn đoàn Quốc hội đi thăm Trà Vinh, có anh bạn hồi đó ở tỉnh Cửu Long làm Giám đốc Sở GD-ĐT, đến hồi qua Trà Vinh làm Phó Chủ tịch Thường trực UBND tỉnh. Anh ta than về đây buồn quá, trời nắng không làm gì được, không có nước ngọt sao trồng lúa được.

Tôi nói, ở An Giang tụi tôi thèm nước mặn nuôi tôm mà không có. Mình xé rào mà làm. Mình khuyến khích nông dân làm. Từ đó, trong mùa nắng vùng đất đó ì xèo hẳn lên, người thì đào vuông, người đi mua tôm giống, thức ăn cho tôm.

Trong khi đó, có những nơi lại tạo ra vùng ngọt hóa như Bán đảo Cà Mau. Dẫn nước ngọt xuống tưới cho cây lúa. Nên những ông nằm trong vùng ngọt hóa thấy như trong vòng kim cô. Làm lúa không đủ nước lúa sẽ chết. Thiếu nước lúa chết. Nông dân bị bắt buộc đó là vòng kim cô.

Tổ tiên mình đã thấy trồng lúa không giàu và đã đưa về cây vải thiều. Nên 200 năm trước đã có cây vải thiều rồi, còn cây nhãn 300 năm trước cũng thấy rồi. Ở miền Bắc không trồng cây vải là nghèo. Miền Bắc nông dân nghèo là cả nước nghèo hết trơn. Trồng lúa ở miền Bắc mình là không lời.

Tôi nói trồng lúa ở ngoài Bắc có 4 kẻ thù phải chống cả 4 mùa xuân - hạ - thu - đông. Mùa xuân và đông thì rét nên phải chống rét. Mùa hạ chống hạn. Mùa thu chống úng và chống bão. Làm nông dân 4 mùa phải chống hết trơn hết chọi. Trồng vải thiều và nhãn đâu phải chống. Cây nhãn cần nhiệt độ lạnh để chuyển từ tăng trưởng qua sinh sản, trong miền Nam nóng không trồng được.

Còn trồng khoai tây khắp miền Bắc đều trồng được. Khoai tây Hà Nội là ngon nhất, nhưng mình không có doanh nghiệp giỏi đi xúc tiến thương mại. Cây khoai tây mình thu hoạch khoảng tháng 3 lúc đó tây phương họ hết khoai tây tươi rồi. Họ dùng khoai tây đông lạnh, mình nếu có doanh nghiệp xúc tiến tìm thị trường thuyết phục được thì tây phương sẽ mua.

Xuất khẩu vải thiều năm nay mình có tiến bộ, mình mở trực tuyến với các Đại sứ quán để làm quảng cáo. Năm nay người ta biết vải thiều rộng rãi hơn thì nhu cầu sẽ tăng. Nên cần chuyển đất lúa, nhất là những vùng trũng lên líp trồng vải thiều chắc chắn sẽ giàu hơn.

Tôi còn nhớ hồi tôi làm ở Quốc hội đã nói tới hai lần nhưng đều bị một đại biểu của tỉnh Cao Bằng phản đối. Tôi nói miền Bắc nếu trồng lúa, nhất là lúa nương trồng rất cực mà năng suất không cao, thôi thì những vùng nương đồi nên trồng vải thiều rất tốt, bà con giàu hơn nhiều. Nhưng đại biểu đó nói “Mình là con người, con người chỉ ăn cơm ăn gạo, chỉ con khỉ mới ăn quả”.

Tại hội nghị đánh giá 3 năm thực hiện Nghị quyết 120 của Chính phủ về phát triển bền vững ĐBSCL, Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc đã đề ra chiến lược “8G”. Theo giáo sư, “G” nào hiện nay là quan trọng nhất?

Trong 8 “G” thì “G” giao thông và “G” giao thương là quan trọng nhất. Nếu không có giao thông thì bế tắc. Trước đây, tôi gặp một số đồng chí lãnh đạo cũng hay kể câu chuyện này:

Có một nhà báo hỏi một vị giáo sư kinh tế đoạt giải Nobel. Nhà báo hỏi thưa giáo sư, một nước nghèo muốn phát triển nhanh thì cần 3 điều kiện, vậy 3 điều kiện đó là gì? Vị giáo sư đó trả lời: giao thông, giao thông và giao thông.

Dưới thời Thủ tướng Võ Văn Kiệt, tôi cũng nói điều đó. Giao thông là số 1. Giao thông phải có hệ thống để mọi người chấp nhận.

Còn về giao thương, tạo điều kiện thuận lợi cho các doanh nghiệp đi mở thị trường và kịp thời thông tin. Bây giờ mình cứ nói liên kết vùng nhưng không có gì cụ thể. Liên kết vùng phải có đầu ra, doanh nghiệp đi lấy một hợp đồng giao thương. Ông doanh nghiệp này nói tôi đã ký được một đơn hàng cần tiêu chuẩn, kỹ thuật này rồi mình tập hợp nông dân lại làm, đó là liên kết.

Thưa giáo sư, nhìn lại các chính sách thời gian qua, mặc dù đã ưu tiên hỗ trợ tam nông, từ quy hoạch, đầu tư phát triển hạ tầng giao thông, thủy lợi đến đào tạo nghề cho nông dân, hỗ trợ giống, cơ giới hóa. Nhưng thực tiễn cho thấy, nhiều chính sách chưa đi vào trọng tâm, chậm đi vào cuộc sống. Giáo sư mong muốn gì ở Bộ trưởng Lê Minh Hoan trong nhiệm kỳ này?

Tôi có nói với anh Lê Minh Hoan, về giao thương mình phải tạo cho doanh nghiệp đi mở thị trường. Phải thông tin kịp thời cho Đại sứ quán Việt Nam tại các nước biết.

Tôi có nói bên mình chưa làm được nhưng Thái Lan họ làm được. Mỗi năm họ tổ chức một hội chợ nông nghiệp lớn nhưng mướn một công ty bên Đức làm. Vì công ty bên Đức này họ làm cả 100 năm rồi, ông đó có nhiều doanh nghiệp lớn. Do đó, khi ông tổ chức mời được các đại gia về tham dự. Công ty tổ chức sự kiện này họ làm rất hay, hai ngày đầu chỉ mời các đại gia vô ăn thử, hỏi giá và được thì ký hợp đồng liền.

Làm sao sản phẩm mình làm ra cho người ta biết. Doanh nghiệp muốn làm được như vậy thì lúc nào chất lượng cũng như nhau. Nông dân kết hợp với doanh nghiệp thì mới ra được, đừng để cho doanh nghiệp và nông dân tự bơi. Mình phải có bàn tay Nhà nước nhúng vào. Bây giờ cần một tầng lớp doanh nhân năng động. Quan hệ giữa nông dân và doanh nghiệp phải gần gũi với nhau chứ đừng bẻ kèo nhau.

Còn thị trường trong nước, trước đây mỗi lần đi họp Quốc hội tôi hay đem cá khô ra, các tỉnh miền núi khoái khô lắm. Nội cái mình đi khai thác thị trường trong nước không thôi cũng đủ giàu. Người ta thấy mình cả 100 triệu dân người ta vào đầu tư còn mình toàn đi ra ngoài không.

Ngọc Thắng - Hữu Đức
Báo Nông nghiệp Việt Nam
Lê Hoàng Vũ
Văn Vũ