TP. Hà Nội, với số dân khoảng 10,33 triệu người, hiện đáp ứng được nhu cầu thịt lợn, thịt gia cầm và trứng. Cụ thể, theo Sở NN-PTNT Hà Nội, sản lượng thịt lợn hơi xuất chuồng một tháng khoảng 19.025 tấn, thịt gia cầm là 13.716 tấn, trứng 213,7 triệu quả. Tất cả đều bằng hoặc vượt so với nhu cầu của thành phố.
Hiện Hà Nội cần nguồn cung nhiều về gạo, thủy sản, rau củ. Trong đó, sản lượng sản xuất lúa gạo một vụ khoảng 338.028 tấn, đáp ứng 65,6% nhu cầu tiêu dùng của người dân; thủy sản là 10.100 tấn/tháng, đáp ứng 52,5%; rau củ là 60.275 tấn, đáp ứng 58,3%.
Hai mặt hàng Hà Nội thiếu hụt nhất là thịt trâu bò và thực phẩm chế biến. Sản lượng thịt trâu bò xuất chuồng một tháng khoảng 1.039 tấn, đáp ứng 19,4% nhu cầu; tương tự thực phẩm chế biến khoảng 1.000 tấn, đáp ứng 19%.
"Đảm bảo nguồn cung lương thực, thực phẩm cũng như kiểm soát vệ sinh, an toàn thực phẩm là 2 mục tiêu quan trọng của thành phố trong dịp Tết nguyên đán", ông Nguyễn Mạnh Quyền, Phó Chủ tịch UBND TP. Hà Nội phát biểu trong buổi làm việc với Đoàn công tác Bộ NN-PTNT ngày 24/1.
Theo Tổng cục Thống kê, giá trị gia tăng ngành nông nghiệp Hà Nội năm 2021 ước đạt 3,46%, thuộc tốp cao trong nhóm các đô thị lớn. Về cơ cấu giá trị sản xuất, trồng trọt, chăn nuôi của thành phố đạt 36.113,6 tỷ đồng %, chiếm 91,3% tổng giá trị.
Hà Nội đã hình thành và tập trung được một số vùng chuyên canh sản xuất rau lớn như Mê Linh, Gia Lâm, Thanh Trì, Đông Anh, Hoài Đức, Thường Tín, Ba Vì, Chương Mỹ, Phúc Thọ….Diện tích rau các loại đạt 32.696 ha, sản lượng đạt 723,3 nghìn tấn. tăng 1,78% so với cùng kỳ năm 2020.
"Nông nghiệp, nông thôn được xác định là ngành kinh tế mũi nhọn, có vai trò hết sức quan trọng đối với sự phát triển bền vững của Thủ đô trong hiện tại và tương lai. Đặc biệt khi dịch bệnh Covid-19 diễn biến phức tạp, nông nghiệp tiếp tục chứng tỏ vai trò trụ đỡ của nền kinh tế - xã hội", ông Quyền nhấn mạnh.
Trong định hướng phát triển nông nghiệp Hà Nội năm 2022 và các năm kế tiếp, Phó Chủ tịch Quyền cho rằng, "cần có định hướng, chính sách riêng biệt, khác với các tỉnh, thành phố khác".
Theo ông Quyền, nông nghiệp Thủ đô phải gắn chặt với vấn đề đô thị hóa, dịch vụ cho đô thị, cũng như khai thác, tiềm năng thế mạnh của Hà Nội về chất xám, khoa học công nghệ, và nhân sự chất lượng cao.
Tại buổi làm việc, ông Quyền đề ra một số biện pháp phát triển nông nghiệp Hà Nội. Một, là tập trung vào giống. Hai, là phát triển, mở rộng các công nghệ chế biến. Ba, là xây dựng nhiều hơn nữa các mô hình nông nghiệp công nghệ cao xứng tầm Thủ đô. Bốn, là nâng cao năng lực phát triển thủy sản, dựa trên nguồn nước từ sông Đà, sông Tích. Năm, là quy hoạch một số vùng sản xuất nông nghiệp gắn với du lịch, dịch vụ. Sáu, là đẩy mạnh chuyển đổi số hóa.
Trong 6 vấn đề này, Phó Chủ tịch Hà Nội đặc biệt quan tâm đến phát triển thủy sản. Theo ông, đây là vấn đề cốt lõi, vừa giúp Hà Nội giải quyết việc thiếu hụt nguồn cung thủy sản, vừa là tiền đề phát triển các công trình tiêu, thoát nước trong mùa mưa lũ.
Thế mạnh của Hà Nội là đã duy trì, phát triển các chuỗi liên kết sản xuất – tiêu thụ nông sản an toàn với 141 chuỗi, trong đó có 59 chuỗi sản phầm động vật và 82 chuỗi sản phẩm thực vật. Các chuỗi đã thu hút nhiều doanh nghiệp, hợp tác xã, nông dân. 40 nhãn hiệu nông nghiệp được bảo hộ như gà đồi Ba Vì, gà đồi Sóc Sơn, gà Mía Sơn Tây, vịt Vân Đình, nhãn Đại Thành, gạo thơm Bối Khê...
Nhiều chuỗi sản xuất trên địa bàn thành phố được tổ chức khép kín, chủ động hoàn toàn từ khâu sản xuất giống, sản xuất vật tư, tổ chức trồng trọt, chăn nuôi, giết mổ, sơ chế, chế biến, tiêu thụ sản phẩm, tạo ra các thương hiệu sản phẩm mạnh trên thị trường như chuỗi gạo Bảo Minh, nấm Kinoko Thanh Cao, thịt lợn Hoàng Long, rau Cuối Quý…
Qua buổi làm việc với Bộ NN-PTNT, Phó Chủ tịch Nguyễn Mạnh Quyền đề nghị Bộ quan tâm, giới thiệu các doanh nghiệp lớn, có năng lực đầu tư vào lĩnh vực nông nghiệp công nghệ cao, giết mổ, chế biến, chợ đầu mối nông sản… trên địa bàn thành phố.
"Hà Nội sẽ đẩy mạnh công tác hỗ trợ, tư vấn phát triển sản xuất, xây dựng các chuỗi liên kết sản xuất tiêu thụ nông lâm thủy sản an toàn; đồng thời cam kết tạo cơ chế, chính sách thuận lợi cho các doanh nghiệp đầu tư vào lĩnh vực nông nghiệp", ông Quyền kết luận.
Trước mắt, trong dịp Tết nguyên đán, Hà Nội tiếp tục xây dựng, phát triển Hệ thống truy xuất nguồn gốc nông lâm thủy sản thực phẩm Hà Nội (tại webstie: check.hanoi.gov.vn) cho hơn 3.100 cơ sở là các doanh nghiệp, hợp tác xã, với trên 10.900 bộ mã truy xuất nguồn gốc các sản phẩm nông lâm thủy sản.