Hai câu chuyện nhỏ trên hành trình Á - Âu

Mông Cổ - đất nước ở châu Á, rộng hơn 1,5 triệu cây số vuông, không tiếp giáp biển. Khí hậu khắc nghiệt, có lúc lạnh đến âm 30 độ, mặt nước sông hồ đóng băng. Diện tích tự nhiên canh tác nông nghiệp nhỏ, vì hầu hết lãnh thổ là thảo nguyên, các dãy núi cao tập trung về phía bắc và phía tây, cùng sa mạc Gobi bao trọn phần phía nam. Do đặc điểm như vậy, nông nghiệp Mông Cổ chỉ phát triển chăn nuôi đại gia súc theo hình thức du mục và bán du mục.

Từ những điều kiện khó khăn, khắc nghiệt như vậy, đất nước này vẫn luôn tự hào với những hình ảnh hàng ngàn con ngựa như tung bay trên thảo nguyên mênh mông, những đàn cừu trắng thảnh thơi trên thảm cỏ xanh. Mông Cổ tự hào về những bài hát, điệu múa mạnh mẽ, uyển chuyển kèm theo tiếng ngựa hí vang trời, về vẻ đẹp thể chất và tinh thần rắn rỏi của những chàng trai, cô gái sống phần lớn đời mình trên yên ngựa. Mông Cổ nổi tiếng thế giới với thương hiệu len Gobi, tạo nên sản phẩm vải cashmere, len lạc đà… chất lượng cao.

Mới đây thôi, đồng phục tham gia sự kiện Olympic Paris của vận động viên Mông Cổ được đánh giá là một trong những trang phục ấn tượng nhất, với những họa tiết lấy cảm hứng từ thần thoại mang tính biểu tượng văn hóa đất nước. Mỗi nét đẹp đặc sắc của một đất nước, một dân tộc, đều đem đến những giá trị độc đáo, trọn vẹn niềm tự hào.

Đồng phục của đội Mông Cổ tại Olympic 2024. Ảnh: Michel&Amazonka

Đồng phục của đội Mông Cổ tại Olympic 2024. Ảnh: Michel&Amazonka

Nước Việt Nam ta nghìn năm văn hiến, 54 dân tộc anh em gắn kết lâu đời, “tam sơn, tứ hải, nhất phần điền”, biết bao giá trị tài nguyên bản địa cần được “đánh thức” và lan tỏa, biết bao nét đẹp văn hóa - lịch sử - tinh thần, cần được trân trọng, giới thiệu đến với bè bạn gần xa!

Hơn tám giờ bay, từ châu Á, đã đến với châu Âu. Tại đất nước Ái Nhĩ Lan, có dịp đến thăm Thư viện cổ, tọa lạc trong ngôi trường đại học nổi tiếng, được xây dựng cách nay 500 năm. Thư viện còn lưu giữ những quyển sách cổ xưa, từ thời còn viết trên da dê, được bài trí trang trọng trên tháp sách uy nghi. Dù chưa có đủ thời gian để tìm hiểu cặn kẽ, chi tiết, nhưng qua cách giới thiệu, trình bày say sưa, nhiệt huyết, ít nhiều cảm nhận được nước bạn trân quý giá trị, tinh hoa của kiến thức, của học thuật đến chừng nào.

Không gian đầy ắp sách cổ xưa càng giúp hiểu hơn vì sao từ xa xưa trên thế giới người ta thường ví trường đại học như là một “tháp ngà” chứa đựng tri thức và tinh hoa nhân loại. Sách bốn bề, sách chất dần lên, chạm đến đỉnh mái vòm, đến nỗi cần phải có chiếc thang để thuận tiện cho việc di chuyển, bảo quản. Phía đầu mỗi kệ sách là tượng bán thân những nhà triết học, nhà tư tưởng, nhà khoa học, những nhà tài trợ cho thư viện... Chủ đề của sách trải dài từ tôn giáo, nghệ thuật, thi ca, xã hội, địa lý… đến khoa học, kỹ thuật tân tiến hiện nay.

Một quả địa cầu kích thước lớn đang xoay, treo giữa hai dãy kệ sách, thu hút sự chú ý của khách tham quan. Vì sao trong thư viện lại bài trí quả địa cầu luôn xoay theo trục nghiêng 23,5 độ? Liền tra cứu nhanh, được biết một trong những quả địa cầu đầu tiên đã được tạo ra vào khoảng năm 240 trước Công nguyên. Đặc biệt, ở giai đoạn văn minh khai sáng, quả địa cầu đã xuất hiện phổ biến ở các phòng học. Thông thường, quả địa cầu chủ yếu phục vụ cho môn địa lý trong trường học, tuy nhiên, về mặt nào đó, quả địa cầu còn phục vụ nhiều môn học khác như lịch sử, xã hội…

Quả địa cầu nhắc nhở chúng ta về một thế giới mênh mông vô cùng và luôn không ngừng vận động. Sự mênh mông đó kích hoạt trí tò mò, khám phá của con người, nhờ đó, phát kiến những vùng đất mới, giao lưu giữa những nền văn minh. Sự mênh mông đó sẽ làm cho con người thấy mình không đơn độc, để biết rằng, còn có những vùng đất khó khăn hơn, khắc nghiệt hơn, cách trở hơn. Câu chuyện về đất nước Mông Cổ lạnh giá vào mùa Đông, cũng như những vùng đất đầy băng ở Bắc Băng Dương, câu chuyện về những sa mạc nắng nóng như thiêu đốt ở châu Phi là những minh chứng sinh động. Sự vận động không ngừng của hành tinh nhắc nhở chúng ta về một thế giới năng động, từng phút từng giây Trái Đất vẫn đang quay – như lời khẳng định hùng hồn của nhà bác học Galileo.

Không chỉ quả địa cầu, bản đồ thế giới cũng có từ thời những nhà thám hiểm băng thuyền khám phá những chân trời mới. Qua những chuyến hàng hải dài ngày trên biển, những chuyến đi đến vùng đất sa mạc, đến nơi hoang vắng, xa xôi nhất…, bản đồ thế giới ngày nay ghi nhận đầy đủ hơn 200 quốc gia và vùng lãnh thổ.

Du khách quốc tế đến với Việt Nam, trên tay thường không thể thiếu tấm bản đồ và quyển sách nhỏ. Hành trình tìm đường và khám phá đó, đúng như một nhà văn đúc kết: “Đích đến của chúng ta không phải là một vùng đất mới, mà là một cách nhìn mới”. Một vị giáo sư hay trăn trở, người mình ít khi sử dụng tấm bản đồ, trừ những người làm chuyên môn kỹ thuật như quy hoạch, giao thông, hàng hải… Thật ra, tấm bản đồ giúp mình biết mình đang đứng ở đâu, chung quanh gần những ai, xa nữa là những vùng đất nào, dân tộc nào? Trong nông nghiệp cũng vậy, tấm bản đồ sẽ cung cấp thông tin về từng mảnh đất của người nông dân, bao quanh là những đất của những người nông dân trong xóm trong làng mình, đồng nhất một loại cây trồng vật nuôi hay khác biệt với nhau...

Một hành tinh với hơn 8 tỷ người sinh sống, làm việc, hàng ngày đang cùng nhau tìm kiếm, khám phá những điều mới mẻ, vươn tới những thiên hà xa xôi được đo khoảng cách bằng đại lượng “năm ánh sáng”. Khoa học công nghệ, trí tuệ nhân tạo, kết nối vạn vật, dữ liệu lớn, hệ thống cảm biến tự động… đang làm thay đổi cách vận hành thế giới và đời sống xã hội, đi vào từng ngành kinh tế, từng gia đình. Chuyển đổi xanh, chuyển đổi số không còn là thuật ngữ mới mẻ, mà đang là vấn đề sống còn của mỗi đất nước, mỗi cư dân trong thế giới đông đúc, năng động này.

Thế giới rộng lớn, đất nước mình vẫy gọi, quê hương mình đổi thay từng ngày.

Bà con nông dân có thể hình dung về sản xuất - thị trường, khi tiếp cận bản đồ thể hiện diện tích sản xuất, canh tác các mặt hàng nông sản của xã mình, huyện mình, tỉnh mình và các địa phương lân cận. Bà con trồng xoài ở các tỉnh Nam bộ thử một lần đến thăm các vùng trồng xoài ven biển hay vùng trồng xoài nơi đất dốc Sơn La. Bà con nuôi trồng thủy sản tại các khu vực sông suối miền Bắc thử một lần đến thăm vùng nuôi An Giang, Đồng Tháp. Bà con trồng sầu riêng thử một lần cùng nhau đến tìm hiểu cách thức sản xuất, kinh doanh tại các vùng trồng ở Thái Lan hay Malaysia, xem có điều gì khác biệt.

Quả địa cầu, những tấm bản đồ: bản đồ địa phương, bản đồ Việt Nam, bản đồ thế giới, có thể trở nên gần gũi tại những không gian sinh hoạt cộng đồng. Quả địa cầu, tấm bản đồ sẽ mở ra những chuyến đi đến những vùng đất ta chưa đặt chân đến bao giờ, mở ra những kiến thức, trải nghiệm mới ta chưa từng nghĩ đến bao giờ.

Lê Minh Hoan
Tiến Thành