Hồ Cấm Sơn: Gần 250 triệu m3 nước giữa núi non trùng điệp

Với diện tích bề mặt hơn 26 km2, hồ thủy lợi Cấm Sơn có dung tích gần 250 triệu m3, nằm giữa vùng núi non trùng điệp giữa Bắc Giang và Lạng Sơn.

Ban đầu, hệ thống thủy lợi Cầu Sơn – Cấm Sơn thuộc tỉnh Bắc Giang được người Pháp đầu tư xây dựng từ năm 1902, đến năm 1908 hoàn thành đưa vào khai thác.

Hệ thống lúc mới xây dựng có nhiệm vụ cấp nước tưới tự chảy cho 5.500 ha đất trồng lúa nước của các vùng Phủ Lạng Thương, Vôi và Kép. Hệ thống chính thức đưa vào khai thác sử dụng từ vụ chiêm (vụ đông – xuân) năm 1909 và cứ mỗi năm trôi qua diện tích tưới được tăng lên.

Người nông dân vùng hưởng lợi đã thấy được lợi ích của hệ thống nên sẵn sàng đóng góp thêm công sức để bảo vệ công trình, đảm bảo nguồn nước tưới ổn định, thâm canh lúa 2 vụ trên mảnh đất mà trước kia họ chỉ trồng được 1 vụ lúa mùa bấp bênh trông chờ vào nước trời.

Nhờ có nước tưới của hệ thống, hơn 1/3 diện tích đất canh tác trong vùng trước đây bị bỏ hoang hóa đã được đưa vào sản xuất.

Năm 1914 kéo dài thêm kênh tưới chính và các kênh cấp dưới để mở rộng diện tích canh tác, đưa tổng diện tích đất nông nghiệp được cấp nước tưới lên 7.500 ha. Theo báo cáo của các nhà chức trách tại Phủ Lạng Thương năm 1925, thuế thu được sau khi có hệ thống tưới so với trước kia đã tăng gấp 3 lần, từ 16.583 đồng lên 49.121 đồng (tiền Đông Dương năm 1925).

Đến năm 1965, Nhà nước đầu tư xây dựng hồ chứa nước Cấm Sơn trên sông Hóa tạo nguồn cấp nước tưới chủ động cho hệ thống, xây dựng thêm một số tuyến kênh và công trình trên kênh cùng một số công trình khác để mở rộng diện tích canh tác vụ đông – xuân, hình thành Hệ thống Thủy lợi Cầu Sơn - Cấm Sơn.

Nhiệm vụ chính của hệ thống này là cấp nước tưới cho 24.100 ha đất canh tác của các huyện Lạng Giang, Lục Nam, Lục Ngạn, Yên Dũng và TP. Bắc Giang.

Bên cạnh đó, đảm bảo nhiệm vụ tiêu cho 69.922 ha lưu vực, trong đó có 3.400 ha thuộc khu vực núi Bảo Đài được tiêu tự chảy, số diện tích còn lại phải xây dựng các trạm bơm tiêu ra sông ngoài.

Hồ cũng kết hợp phát điện và cấp nước cho sản xuất công nghiệp (cấp nước cho nhà máy Parium và xí nghiệp gạch ngói Tân Xuyên) cũng như sinh hoạt ở một số khu vực của tỉnh Bắc Giang.

Trong đó, công trình đầu mối hồ chứa nước Cấm Sơn trên sông Hóa (một nhánh của sông Thương), đặt tại xã Hòa Lạc, huyện Hữu Lũng, tỉnh Lạng Sơn.

Hồ Cấm Sơn được khởi công xây dựng từ tháng 2/1966 đến cuối tháng 7/1969 bắt đầu tích nước. Năm 1974 chính thức bàn giao đưa vào khai thác công trình đầu mối hồ Cấm Sơn và các hạng mục công trình nâng cấp mở rộng Hệ thống thủy lợi Cầu Sơn.

Hiện nay, vùng lòng hồ Cấm Sơn (Lục Ngạn, Bắc Giang) có diện tích mặt nước hơn 2.500 ha. Hồ nằm trọn trên địa bàn của bốn xã Sơn Hải, Hộ Đáp, Tân Sơn và Cấm Sơn, trong đó Cấm Sơn quản lý gần 600 ha. Ngoài tác dụng làm thuỷ lợi, điều tiết nước tưới cho hàng ngàn ha đồng lúa, hồ Cấm Sơn là nơi sinh nhai của hơn một nghìn hộ dân ven hồ.

Dù hồ có diện tích mặt nước rộng gần 2.600 ha nhưng đến mùa mưa, lũ nhiều, nước dâng cao, mặt hồ lúc này có thể rộng đến 3.000 ha. Chiều dài của hồ gần 30 km, bề ngang nơi rộng nhất 7 km, chỗ hẹp nhất 200 m, lòng hồ nơi sâu nhất đến khoảng 47m, hồ có rất nhiều đảo. Điều đặc biệt bờ của hồ chính là những ngọn núi điệp trùng, bao bọc. Cư dân sống gần hồ là những bản làng người dân tộc Nùng, Tày và Kinh.

 

Những năm gần đây, cuộc sống của người dân 4 xã vùng lòng hồ Cấm Sơn gồm Cấm Sơn, Hộ Đáp, Sơn Hải và Tân Sơn đã có bước cải thiện. Tuy nhiên, nhiều hộ vẫn đối mặt khó khăn như thiếu vốn, thiếu đất sản xuất nên thu nhập bấp bênh, tỷ lệ hộ nghèo cao, cần có sự hỗ trợ của Nhà nước.

Vợ chồng ông Lăng Văn Thao, dân tộc Nùng ở thôn Cổ Vài, xã Sơn Hải có 3 người con. Nhà ông có 2,5 ha đồi rừng, trong đó có 1 ha trồng vải thiều và 1,5 ha trồng keo lấy gỗ. Những năm trước, do không có kinh nghiệm chăm sóc nên mỗi năm 1 ha vải chỉ cho thu vài tấn quả, chưa bằng 50% năng suất của các hộ ở xã vùng thấp trong huyện.

Dù gia đình có thêm 2 sào lúa lấn hồ Cấm Sơn nhưng phụ thuộc vào con nước nên năm được, năm mất. Mong muốn thoát nghèo, ông nỗ lực học hỏi kỹ thuật chăm sóc vải, thâm canh rừng và chăn nuôi gia súc, gia cầm. Năm 2010, gia đình ông được ra khỏi diện hộ nghèo. Tuy nhiên, khoảng 6 năm trở lại đây, kinh tế gia đình ông mới có bước chuyển mạnh nhờ chăn nuôi ngựa.

Ông Thao kể, năm 2017, gia đình bắt đầu chăn nuôi 3 con ngựa nái; năm 2018, được huyện hỗ trợ 25 triệu đồng (tương đương với 50% giá giống) để mua thêm 1 con ngựa bạch nái giống (theo đề án phát triển chăn nuôi vùng Đông Bắc của huyện). Sau gần 6 năm, đàn ngựa đã tăng lên đáng kể. “Hiện tổng thu nhập của gia đình tôi đạt hơn 400 triệu đồng/năm, trở thành hộ khá trong thôn”, người đàn ông dân tộc Nùng chia sẻ.

Với nỗ lực của người dân địa phương và sự hỗ trợ của cấp ủy, chính quyền các cấp, cuộc sống của người dân vùng lòng hồ Cấm Sơn đã có nhiều đổi thay. Nhiều hộ có thu nhập khá và vươn lên làm giàu từ chăn nuôi đại gia súc, trồng rừng kinh tế và vải thiều.

Tuy nhiên khu vực lòng hồ Cấm Sơn vẫn còn không ít hộ gặp khó khăn. Đại diện Phòng Dân tộc Lục Ngạn cho biết, 4 xã vùng lòng hồ là những địa phương khó khăn nhất của huyện, tỷ lệ hộ nghèo hiện nay là 13,26%, cao hơn 9,45% mức bình quân chung của huyện.

Nguyên nhân tỷ lệ hộ nghèo các xã vùng lòng hồ còn cao là do điều kiện tự nhiên nơi đây khắc nghiệt. Hầu hết diện tích là đồi núi, độ dốc cao, suất đầu tư/1 km đường giao thông cao gấp rưỡi so với các xã vùng xuôi nên khó xây dựng.

Chưa kể đến, diện tích đất canh tác nông, lâm nghiệp bình quân/người dân thấp, thủy lợi chậm phát triển, chưa chủ động được nguồn nước. Trường học, trạm y tế, điện sinh hoạt đã được đầu tư song vẫn chưa đáp ứng được nhu cầu của người dân. Trình độ dân trí, chất lượng lao động thấp…

Nhằm đánh thức tiềm năng, giúp người dân vùng lòng hồ vươn lên làm giàu, cuối năm 2021, UBND huyện Lục Ngạn đã ban hành đề án “Hỗ trợ phát triển kinh tế - xã hội 4 xã vùng lòng hồ Cấm Sơn huyện Lục Ngạn, giai đoạn 2021-2025”. Bà Vi Thị Anh Thùy, Trưởng Phòng Dân tộc huyện Lục Ngạn cho biết, mục tiêu đến năm 2025, tỷ lệ hộ nghèo 4 xã vùng lòng hồ giảm xuống còn 8%.

Để đạt mục tiêu này, huyện sẽ đầu tư xây dựng, phát triển kết cấu hạ tầng xã hội, phát triển sản xuất nông, lâm nghiệp, nâng cao chất lượng nguồn nhân lực.

Đồng thời phát huy các tiềm năng, lợi thế của địa phương, đẩy mạnh phát triển kinh tế, giảm nhanh tỷ lệ hộ nghèo, nâng cao đời sống vật chất, tinh thần cho đồng bào, thu hẹp khoảng cách về kinh tế với các xã vùng thấp trên địa bàn huyện.

Cụ thể, huyện, tỉnh và Trung ương sẽ đầu tư hơn 194 tỷ đồng (trong đó có 24,3 tỷ đồng do người dân đóng góp) để nâng cấp, xây mới 8 trạm bơm, mở 3 tuyến mương mới dài 760 m ở các thôn. Bảo đảm tưới tiêu đạt 90% diện tích canh tác nông nghiệp.

Ngoài ra, mở rộng và cứng hóa hơn 94 km đường liên thôn nhỏ, hẹp. Nâng cấp và xây mới 16 trạm biến áp tại các xã Tân Sơn, Hộ Đáp, Sơn Hải, bảo đảm nguồn điện cho sản xuất và sinh hoạt.

Ngày 8/12 vừa qua, UBND tỉnh Bắc Giang vừa ban hành Quyết định số 1234/QĐ-UBND phê duyệt phương án bảo vệ đập, hồ chứa nước Cấm Sơn.

Mục đích của phương án này là chủ động đề ra các phương án phòng ngừa, kịp thời phát hiện, đấu tranh ngăn chặn hành vi xâm hại, bảo vệ tuyệt đối an toàn đập, hồ chứa nước và phạm vi vùng phụ cận công trình nhằm phục vụ sản xuất, phát triển kinh tế - xã hội, góp phần đảm bảo an ninh, an toàn khu vực.

Do địa hình lòng hồ thuộc vùng đồi núi nằm trên phạm vi 2 tỉnh Lạng Sơn và Bắc Giang với diện tích lớn (khoảng 26,0 km2) rất cần sự quan tâm phối hợp của các cơ quan, đơn vị, địa phương của 2 tỉnh. Về hiện trạng, do đường đi lại kiểm tra lòng hồ khó khăn (từ công trình đầu mối vào lòng hồ chứa phải đi bằng đường thủy), lực lượng quản lý mỏng, ít có điều kiện đi lại thường xuyên kiểm tra bảo vệ.

Yêu cầu đưa ra là đảm bảo an ninh, an toàn tuyệt đối cho công trình, thiết bị công nghệ, các công trình thủy công, khu vực cơ sở hạ tầng kỹ thuật tại khu đầu mối.

Thực hiện theo phương châm phòng ngừa là chính, sớm phát hiện, ngăn chặn các tình huống xấu có thể xảy ra và khi xảy ra sự cố phải có sự phối hợp đồng bộ, nhịp nhàng của các đơn vị có liên quan.

Theo đó, khu vực bảo vệ đập, hồ chứa nước Cấm Sơn bao gồm: Khu vực lòng hồ và vùng phụ cận; khu công trình đầu mối gồm toàn bộ các hạng mục chính như đập đất, tràn xả lũ, cống lấy nước và toàn bộ các hệ thống, công trình phụ trợ; khu vực lòng hồ có độ cao trình + 66,5 m trở xuống và phần hành lang bảo vệ nguồn nước từ cao trình + 66,5 m trở lên đến cao trình + 70,5 m;…

Khu công trình đầu mối phải được bảo vệ 24/24 giờ nhằm phòng, chống, loại bỏ sớm các mối nguy hiểm công bằng đường bộ, đường thủy, đường không hoặc các hình thức chống phá khác đe dọa đến hoạt động khai thác, vận hành, an toàn các hạng mục của công trình.

Đối với khu vực lòng hồ và vùng phụ cận phải thường xuyên tuần tra, kiểm tra để kịp thời phát hiện, ngăn chặn các hành vi làm ô nhiễm, suy thoái, cạn kiệt nguồn nước, các hành vi phá hoại khác và phòng, chống nứt, sạt lở đất bờ hồ. Đồng thời, trồng và bảo vệ rừng để chống sạt lở đất bờ hồ đảm bảo an toàn công trình, tạo cảnh quan, môi trường sinh thái.

Đối với khu vực bảo vệ đập, hồ chứa nước cấm các loại phương tiện giao thông có tải trọng lớn lưu thông trong phạm vi bảo vệ công trình. Tuyệt đối cấm các loại phương tiện giao thông cơ giới lưu hành trên mặt đập, trừ trường hợp các xe có công lệnh; xe kiểm tra công tác phòng, chống thiên tai; xe ứng cứu xử lý sự cố công trình; xe cấp cứu; xe cứu hỏa.

Xây dựng, lắp đặt cổng ra vào để ngăn các phương tiện đi vào khu vực công trình đầu mối, bố trí lực lượng bảo vệ trực 24/24 giờ. Lắp đặt hệ thống biển báo để thông báo việc cấm các phương tiện đi vào khu vực công trình đầu mối.

Lắp đặt hệ thống camera giám sát quản lý; khi phát hiện các phương tiện bị cấm cố tình lưu thông vào công trình, lực lượng bảo vệ kịp thời có hình thức  ngăn chặn, đồng thời phối hợp với công an xã Hoà Lạc lập biên bản xử lý vi phạm theo quy định của pháp luật (nếu cố tình).

Tùng Đinh
Trọng Toàn
Tùng Đinh
Duy Học