Hương trà ‘say’ cả núi rừng

Chè Khau Mút (xã Thổ Bình, huyện Lâm Bình, tỉnh Tuyên Quang) có từ bao giờ? Câu hỏi ấy chưa có lời giải đáp. Chỉ biết rằng dòng họ Phùng ở bản Dao Vàng Áng qua 6 đời thay tên đệm từ Phùng Văn, Phùng Chương, Phùng Vinh, Phùng Thừa, Phùng Xuân, Phùng Kim đã thấy cây chè được người đời trước trao truyền lại cho đời sau.

5 tuổi, ông Phùng Vinh Tiều biết theo cha mình đi qua cánh rừng đầy vắt để hái những búp chè về uống, về đổi gạo cho người Kinh ở miền xuôi. Bởi thế, ông dễ dàng điểm mặt mỗi cây trà cổ thụ trên rừng như điểm mặt cây ngô, cây lúa trên nương nhà mình.

 

Chiều Vàng Áng, cả một dải núi đã tắt nắng, trời sẩm tối dần. Từ trên cao, mây tràn xuống phủ mịt mờ đỉnh núi, ông Tiều ngồi lặng lẽ trong căn nhà nhỏ, lòng bồi hồi nhớ về chuyện xưa cũ.

Đêm năm ấy, trời đã khuya lắm, chỉ nghe thấy tiếng ếch nhái kêu và tiếng bếp lửa thỉnh thoảng xèo xèo. Ông Tiều vẫn ngồi bên ấm trà, chưa muốn lên giường ngủ với vợ con. Ông không ngủ, không phải ông không buồn ngủ mà ông muốn thức, ông sắp phải rời núi đồi, nơi có những cây chè già và cả chỗ bố ông cất giữ cuống rốn của mình, bỏ lại cả làn khói bếp vẫn còn bốc lên trên mái nhà chưa kịp tắt hết than hồng.

Ông bảo, dù ngày ngày vợ chồng miệt mài bám mặt vào nương cũng không có đủ nồi cơm cho đám trẻ và 2 vợ chồng no bụng. Mảnh ruộng nhỏ sâu bọ thi nhau về phá, cây chè cũng bị sâu bệnh liên miên. Ông đã bỏ lại nơi ấy cho người em trai của mình để hạ sơn, mong cuộc sống đỡ khốn khó.

Xuống núi, chân ông đặt đến gần hết các bản làng ở sườn Tam Đảo. Tiền cũng theo về sau những chuyến đi xa làm ăn. Sau mấy năm xuống núi, ông Tiều mua được cả khoảng đất rộng và dựng cái nhà to nhất nhì ở xã Phúc Sơn. Nhưng không hiểu sao, những đêm trong bụng không có rượu, đầu ông lại hiện lên hình ảnh con đường về bản, lại điểm mặt từng người thân, từng gốc chè, lại nhớ vị trà quê hương da diết…

Cũng phải mấy năm sau, ông Tiều mới trở về. Người em trai ông là ông Phùng Vinh Quang và những nương chè vẫn ở đó đợi ông. Cầm bàn tay nhem nhuốc, thô ráp của em mình, nó đã không còn căng đầy như ngày ông xuống núi. Giọng ông bỗng lạc đi, giấu vội đôi mắt ầng ậc nước hướng về phía con đường nhỏ nối liền căn nhà của 2 anh em. Ngoài đầu núi Khau Mút, tiếng suối rừng vẫn róc rách chảy bên những nương chè xào xạc gọi gió về.

Từ ngày ông Tiều về núi, ông cùng em trai mình vỡ thêm những mảnh đất hoang làm ruộng, phát thêm những cánh rừng bớt cỏ dại để 8ha đất có chỗ cho cây chè xanh tốt. Hai người đàn ông ấy cứ dựa vào nhau, giống như những rừng chè vẫn nằm san sát nhau vượt qua giông bão của thời gian.

Đỉnh Khau Mút cao khoảng 1.000m, thời tiết lạnh, núi quanh năm sương phủ. Cây chè shan tuyết ở đây cho loại trà ngon nổi tiếng xứ Tuyên. Đặc biệt, khi mùa xuân đến, thân cây sau mấy tháng ngủ đông đua nhau nứt ra những chồi non mơn mởn đón mưa xuân lất phất. Búp nào cũng đẹp, cũng mũm mĩm như người con gái bản Dao tuổi vừa 15 – 18.

Loại trà ấy mà pha với nước đầu nguồn con suối Khau Mút thì ngon chẳng khác nào được ăn cơm gạo mới, được uống thứ rượu ngô nóng hôi hổi mới ra lò. Uống một lần gây thương nhớ cả đời người.

Ngày trước, những mẻ chè xuân ông Tiều thường không bán, ông mang đi biếu các nhà trong làng, để được cùng họ quây quần bên bếp củi, nhóm ngọn lửa bập bùng cháy chờ ấm nước sùng sục sôi. Trà đã được pha, hương bay phảng phất, vị chát rồi ngọt hậu, ông Tiều và người làng ngồi với nhau kể được bao nhiêu chuyện của người Dao Vàng Áng. Ấm trà vẫn nồng đượm.

Sau này học được cách vun trồng, chăm bón của người Kinh, những lứa chè xuân cho năng suất cao hơn, biếu người làng không hết, ông Tiều nghĩ đến chuyện mang đi bán cho người miền xuôi lấy tiền đổi gạo, đổi muối.

Nhưng ông Tiều mới chỉ mang chè từ trên núi xuống đến trung tâm xã thì bước chân đã mỏi nên cây chè vẫn quanh quẩn trong làng, ngoài xã, mới chỉ giúp người làng đủ ăn và chưa thể có cuộc sống khấm khá. Muốn nghĩ xa hơn nữa, năm 2007, ông Tiều gom góp tiền mua chiếc xe máy. Đó là chiếc xe máy đầu tiên ở bản Dao Vàng Áng.

Ông bảo, phải mua chiếc xe máy bởi nó biết đi nhanh gấp nhiều lần chân người đi bộ, lại leo dốc không khi nào thấy kêu mệt. Chiếc xe máy biết đưa ông Tiều và ông Quang chạy xuống tận thành phố, cái tai nghe được đủ điều hay, lẽ phải. Biết học người Kinh cách phát dọn cỏ cho cây chè ít sâu bênh, mùa chè cho nhiều búp.

Chiếc máy quay chè đầu tiên cũng được ông Tiều mang từ thành phố về bản. Để khi vào mùa chè, cái gùi nặng trĩu vai theo lưng các bà vợ về bên bếp lò kịp thời được chế biến rồi biết tìm về nơi đầu lưỡi của bao nhiêu khách sành trà ở miền xuôi, miền ngược. Học ông Tiều, những chiếc xe máy, chiếc máy quay chè lần lượt được mang về nhiều nhà ở bản Dao.

Sáng sớm, anh Đặng Văn Lâm, Phó Giám đốc HTX Nông lâm nghiệp Thổ Bình (quê gốc tỉnh Thái Bình) dẫn chúng tôi cùng lên rừng Khau Mút. Băng qua hai cánh rừng, đến được những nương chè thì nắng đã treo trên đầu núi.

Từ ngày trở thành người thân của bản Dao Vàng Áng, bản Pước, bản Phú…, bước chân của anh Lâm đặt lên những nương chè nhiều như những bước chân của người bản Dao. Anh nhớ ngày đầu tiên đặt chân lên núi Khau Mút, không phải đi thăm những nương chè shan tuyết mà đi tìm nguồn nước cho xóm làng. Ngày ấy, bản Dao Vàng Áng và các bản làng khác ở Thổ Bình đều thiếu nước sinh hoạt, trong khi đó nguồn nước trên núi thì không thiếu.

Khi anh bảo sẽ có cách kéo nước về cho dân bản, bao nhiêu cái đầu chụm lại không tin. Họ bảo cái đầu của người Kinh ở miền xuôi không hiểu được chuyện của người bản Dao trên núi thì sao có thể giúp người bản Dao? Hay có khi người Kinh muốn phá dòng nước đầu nguồn mà tổ tiên, thần núi, thần rừng đã để lại cho người bản Dao? Lời nói trên miệng của người này qua tai người khác nhanh như tiếng gió từ các vách núi thổi về bản, tai người già, người trẻ đều được nghe.

Ai trong làng nói gì anh Lâm cũng bỏ ngoài hai lỗ tai. Bởi nhìn thấy một con gà nhỏ lạc mẹ, anh còn không nỡ bỏ lại. Anh không thể tự ái rồi bỏ mặc người làng và mong muốn mang nước về bản.

Nghĩ thế, anh đến nhà ông Tiều, xin được ở lại cùng ăn cơm. Bao nhiêu chén rượu ngô to như cái mắt trâu nâng lên rồi cạn hết. Sau bữa cơm ấy, bên bếp lửa hồng rừng rực cháy, ông Tiều và những người già giọng pha lẫn tiếng cười: “Muốn làm người thân của bản Dao thì cái bụng phải biết chứa được nhiều rượu!”. Tiếng cười lan ra khắp mấy gian nhà.

Ngày hôm sau, người làng đã nghe và cùng anh Lâm bắc những ống nước trên đỉnh núi dẫn về mỗi ngôi nhà. Anh Lâm chia sẻ rằng, muốn dân bản nghe, trước hết mình phải đặt ý nghĩ của họ vào đầu của mình. Sau khi hoàn thành hệ thống hạng mục công trình nước sạch, anh để các hộ tự trông coi, quản lý đường ống. Tiền lợi nhuận thì chia đều cho mỗi thành viên.

Cứ thế bao năm nay, công trình nước sạch luôn duy trì hoạt động hiệu quả, nước luôn trong vắt và hợp vệ sinh. Giờ thì không chỉ ở bản Vàng Áng, bản Pước, bản Phú mà cả hàng nghìn em học sinh tại 3 trường học trên địa bàn xã và 45 hộ dân ở xã Thổ Bình cùng uống chung dòng nước ấy.

Anh Lâm bảo, bắc nước về bản làng người Dao, lợi ích vật chất mang lại cho anh không nhiều. Nhưng anh đã trở thành anh em, trở thành người con của bản Dao. Như thế, cuộc đời anh chẳng phải đã là một ấm trà đậm vị hay sao?

Chè Khau Mút ở Thổ Bình được công nhận đạt sao 3 OCOP đã mấy năm nay, nhưng sản phẩm ít được bán ra thị trường và HTX sở hữu sản phẩm đạt sao sắp không giữ nổi sao OCOP.

Tiếc công xây dựng sản phẩm, cán bộ huyện bàn với lãnh đạo xã Thổ Bình phải giữ được sao OCOP. Người ta nghĩ đến anh Đặng Văn Lâm và HTX Nông lâm nghiệp Thổ Bình của anh. Bởi trước đó, HTX của anh đã thành công trong việc liên kết với hàng nghìn hộ dân khiến cây lạc, con dê ở vùng đất này mang về cho người làng những cọc tiền lớn, cọc tiền nhỏ.

Với 4 sản phẩm đạt sao OCOP, HTX Nông lâm nghiệp Thổ Bình là một trong những HTX có nhiều sản phẩm OCOP nhất tỉnh Tuyên Quang. Sản phẩm nông nghiệp tốt của HTX đã có mặt ở 30 tỉnh, thành trên toàn quốc, được người tiêu dùng đánh giá tốt về chất lượng.

Nghe nói anh Lâm sẽ cùng HTX của mình xây dựng thương hiệu chè Khau Mút, người bản Dao và các làng lân cận ai cũng đồng tỉnh ủng hộ. Nhưng từ niềm tin của người bản Dao đến chuyện xây dựng và phát triển thương hiệu cho cây chè Khau Mút với Lâm là một chặng đường với những gian nan, ngổn ngang. Bởi ở đó cái gì cũng thiếu, cũng yếu, từ việc quảng bá thương hiệu, mẫu mã bao bì, hệ thống máy móc đến nguồn vốn.

Từ bao đời nay, dân bản chỉ quen chế biến chè theo cách thủ công để phục vụ mỗi gia đình, uống không hết mới nghĩ đến chuyện đem đi bán nên khó có thể đạt chất lượng cao. Hơn nữa, dù bàn tay của các bà vợ người Dao rất khéo, nhưng việc cảm nhận nhiệt độ bằng tay không phải lúc nào cũng cho ra những mẻ chè ngon nhất. Khi chế biến, có mẻ thiếu lửa bị sống, mẻ để lửa quá tay lại bị cháy. Trà vừa mất vị, mất nước, mất hương, như thế khó để trở thành sản phẩm hàng hóa có thương hiệu bán ra thị trường.

Vực dậy vùng chè, anh Lâm và các thành viên trong HTX của mình đi đến vùng Tân Cương ở Thái Nguyên xem cách họ xây dựng vùng chè an toàn theo hướng hàng hóa, cách họ chế biến tạo hương cho sản phẩm trà; đi các vùng chè đạt 4 đến 5 sao OCOP xem họ xây dựng câu chuyện của riêng mình, phương thức duy trì và phát triển sao OCOP.

Trở về với núi đồi trùng điệp những nương chè, anh Lâm đến các nhà tỷ tê, tổ tiên người Dao đã cho bản Vàng Áng, bản Pước, bản Phú cây chè quý thì các thế hệ hôm nay phải biết trân trọng, biết giữ lấy như giữ cánh cửa của mỗi ngôi nhà.

Muốn cây chè mang nhiều tiền về bản Dao thì mỗi hộ không được mạnh ai người ấy làm, mà phải biết bảo nhau cùng sản xuất sạch, đừng ham sản lượng mà dùng hóa chất tác động vào thiên nhiên. Sau mỗi mùa thu hoạch, phải phát tỉa bớt cành chè, rồi mang ủ dưới gốc cây cùng với cỏ để khi hoai mục sẽ làm phân bón cho cây.

Ngay cả công đoạn chế biến cũng không thể làm giống cách truyền thống trước kia. Để có mẻ chè ngon, khi thu hoạch xong đem về phải chế biến ngay. Không được để chè quá trưa hay qua đêm, như vậy sẽ không thể có mẻ chè được vị, được hương. Nếu dân làng cùng đồng lòng làm chè sạch, biết cùng nhau liên kết, vun đắp, chắc chắn giá trị của cây chè đặc sản sẽ nâng lên.

Với quyết tâm đi bước nào chắc bước ấy, chè Khau Mút của anh Lâm và người bản Dao dần có thương hiệu trên thị trường. Anh Lâm và các thành viên trong HTX của mình xây khát vọng nâng sao OCOP cho sản phẩm chè Khau Mút lên 4 sao, rồi 5 sao OCOP. Để đến một ngày nào đó, giống chè quý của bản làng quê anh biết tìm đến những trung tâm thương mại tại các thành phố lớn, rồi vươn ra thế giới.

Anh Lâm biết ước mơ ấy sẽ đầy gian khó. Nhưng anh không sợ gian khó, bởi anh biết không có mơ ước sẽ không có cơ hội cho mình. Anh chỉ cần những thành viên trong HTX và người bản Dao dám cùng anh bắt đầu.

Hiện nay, HTX Nông lâm nghiệp Thổ Bình có 7 thành viên, HTX liên kết với các hộ duy trì vùng nguyên liệu chè hơn 300ha. Cuối năm 2023, cán bộ tỉnh và cả cán bộ trung ương về khảo sát vùng chè bảo với anh Lâm rằng, vùng chè Khau Mút có điều kiện thuận lợi để được công nhận đạt tiêu chuẩn hữu cơ. Bởi tập quán canh tác của người dân hầu như hoàn toàn tự nhiên, ít có sự tác động xấu vào môi trường. Chất trà Khau Mút cũng khá đậm đà và lạ vị.

Ông Trần Hải Tuyên, Chi cục trưởng Chi cục Trồng trọt và Bảo vệ thực vật tỉnh Tuyên Quang cho biết, Tuyên Quang đang xây dựng vùng chè hữu cơ theo tiêu chuẩn PGS tại xã Thổ Bình, huyện Lâm Bình với diện tích 38ha. Sau vùng chè Hồng Thái ở huyện Na Hang thì đây sẽ là vùng chè hữu cơ lớn thứ 2 của tỉnh.

Sở NN-PTNT tỉnh Tuyên Quang, Hiệp hội Nông nghiệp hữu cơ Việt Nam đã và đang phối hợp với chính quyền địa phương tổ chức các chương trình tập huấn kỹ thuật canh tác, chăm sóc cho người dân để vùng chè được công nhận đạt chuẩn hữu cơ; hướng dẫn cách chế biến, liên kết tiêu thụ sản phẩm…

Đào Thanh
Trọng Toàn
Đào Thanh
Đào Thanh