Giờ đây, canh tác chè hữu cơ không chỉ là đam mê của một số ít hợp tác xã, mà đã trở thành xu thế được đông đảo nông dân đón nhận và hưởng ứng.
Vùng đất đệ nhất danh trà mở đường cho hữu cơ
Những năm gần đây, nông dân tỉnh Thái Nguyên ngày càng khẳng định được chất lượng và xây dựng thương hiệu chè của địa phương.
Nhiều hộ trồng chè đã mạnh dạn đầu tư chuyển đổi sang sản xuất theo hướng hữu cơ. Đây được xem là hướng phát triển bền vững cho cây chè, qua đó góp phần bảo vệ sức khỏe của người trồng, người tiêu dùng; đồng thời nâng cao thu nhập, hướng tới phát triển nền nông nghiệp bền vững trên vùng đất Đệ nhất danh trà.
Và để hiểu rõ hơn sự thay đổi từ nương chè tới nhận thức của người dân, Mời quý vị đón xem phóng sự do Báo Nông nghiệp Việt Nam thực hiện.
Nằm cách hồ Núi Cốc khoảng 4km, vườn chè của gia đình chị Đỗ Thị Đào tại xã Phúc Xuân, thành phố Thái Nguyên thu hút rất đông nông dân tới học hỏi cách làm chè theo hướng hữu cơ, sử dụng phân hữu cơ tự ủ bằng các loại trái cây mà bà con hay truyền tai nhau rằng “cho chè uống siro trái cây”.
Vườn chè 4 năm tuổi, rộng hơn 2.000m2 đã được bón phân hữu cơ ủ vi sinh ngay từ khi mới vào đất.
Để tạo ra phân hữu cơ vừa tận dụng phế phụ phẩm nông nghiệp, chị Đào tìm tới các tiểu thương thu mua các loại trái cây không còn sử dụng. Sau đó nghiền nát, thêm nước rồi ủ với men vi sinh trong thùng nhựa từ 2-3 tháng. Mỗi thùng ủ có dung tích 200 lít pha loãng với 2.000 lít nước để bón cho cây chè qua hệ thống tưới tự động
Phỏng vấn
Chị ĐỖ THỊ ĐÀO
Xã Phúc Xuân, thành phố Thái Nguyên, Thái Nguyên
Nhờ bón phân hữu cơ, trong thời gian vừa qua, mặc dù thời tiết diễn biến bất thường, cây chè vẫn sinh trưởng ổn định, cho năng suất cao, khoảng 70kg chè khô mỗi lứa.
Bên cạnh các lợi ích về kinh tế, giảm công lao động, sử dụng phân bón hữu cơ còn giúp bảo vệ sức khỏe của chính nông dân tham gia sản xuất.
Phỏng vấn
Chị NGUYỄN THỊ LAN
Xã Phúc Xuân, thành phố Thái Nguyên, Thái Nguyên
Với tổng dân tích trên 1.500ha, tập trung nhiều tại các xã phía Tây, như: Tân Cương, Phúc Trìu, Phúc Xuân, Thịnh Đức, Quyết Thắng… để nâng cao giá trị cây chè, thành phố Thái Nguyên đã đẩy mạnh tuyên truyền, nâng cao nhận thức của người dân về sản xuất nông nghiệp an toàn, hữu cơ. Hiện nay, khoảng 80% diện tích của thành phố đang được sản xuất theo quy trình VietGAP, hữu cơ.
Ngoài ra, thành phố còn ban hành, triển khai các đề án về phát triển cây trồng, như: Bảo tồn và phát triển vùng chè đặc sản Tân Cương; bảo tồn giống chè Trung du…
Phỏng vấn
Bà ĐÀO THỊ KIM QUÝ
Giám đốc Trung tâm Dịch vụ nông nghiệp TP. Thái Nguyên
HTX chè La Bằng là một trong những đơn vị thực hiện chuyển đổi từ canh tác VietGAP sang hữu cơ sớm nhất của tỉnh Thái Nguyên. Đến nay, trong 37ha liên kết với các hộ, HTX có 10ha đạt chứng nhận hữu cơ, 6ha được chứng nhận mã vùng trồng. Dự kiến trong năm nay, 7ha chè tiếp theo của HTX sẽ đạt chứng nhận hữu cơ.
Hiện tại, trong khi giá chè tươi VietGAP chỉ từ 30 - 35 nghìn đồng/kg thì chè hữu cơ dao động từ 40 - 60 nghìn đồng/kg chè tươi, thu nhập người dân được nâng lên.
Sản phẩm chủ lực của HTX chè La Bằng mang tên Thanh Hải Trà được chăm sóc theo tiêu chuẩn hữu cơ, bón phân ủ từ trứng gà, đỗ tương, mật ong, men vi sinh…, hàng ngày được hưởng dòng nước mát từ suối Tiên Sa chảy từ thượng nguồn dãy Tam Đảo
Phỏng vấn
Bà NGUYỄN THỊ HẢI
Chủ tịch HĐQT Hợp tác xã chè La Bằng, huyện Đại Từ, Thái Nguyên
Với tôn chỉ “sạch từ tâm, an cuộc sống”, HTX chè La Bằng tuyền truyền tới các hộ phải hình thành ý thức tự giác, nếu gian dối trong sản xuất sẽ tự bị đào thải khỏi chuỗi cung ứng. Các hộ dân tham gia sản xuất chè hữu cơ tại HTX chè La Bằng phải tự nghiêm khắc với bản thân.
Theo đó, HTX chỉ mua chè tươi, không mua chè thô. Chè tươi sẽ không được thanh toán tại nương chè, tiền chỉ được chuyển sau khi chè ra thành phẩm và được thẩm định chất lượng theo cam kết giữa HTX và hộ liên kết.
Nếu không đảm bảo các tiêu chuẩn về chất lượng đã cam kết ban đầu, HTX sẽ trả lại sản phẩm cho hộ liên kết và hộ đó phải trả công sao chè cho HTX.
Phỏng vấn
Phỏng vấn
Bà NGUYỄN THỊ HẢI
Chủ tịch HĐQT HTX chè La Bằng, huyện Đại Từ, Thái Nguyên
Hiện nay, sản phẩm của HTX chè La Bằng được tiêu thụ ở hầu khắp các tỉnh thành trong cả nước. Bên cạnh việc bán hàng theo cách truyền thống, HTX còn đưa sản phẩm lên các sàn giao dịch thương mại điện tử để tăng mức độ và khả năng tiếp cận thị trường.
Theo mục tiêu Đề án “Phát triển sản phẩm nông nghiệp chủ lực tỉnh Thái Nguyên giai đoạn 2021-2025, định hướng đến năm 2030”, toàn tỉnh phấn đấu đến năm 2025 diện tích sản xuất chè theo tiêu chuẩn hữu cơ đạt 235ha.
PHỎNG VẤN
Ông HÀ TRỌNG TUẤN
Giám đốc Trung tâm Khuyến nông tỉnh Thái Nguyên
Trước nhu cầu sử dụng thực phẩm sạch của người tiêu dùng hiện nay, xu hướng chuyển đổi sang nền nông nghiệp xanh, sản xuất hữu cơ là tất yếu.
Để người dân duy trì và thực hiện thành công phương thức sản xuất hữu cơ, rất cần những cơ chế, chính sách cùng sự hỗ trợ kịp thời của địa phương trong việc hỗ trợ máy móc, xây dựng thương hiệu, quảng bá và tiêu thụ sản phẩm.
Từ đó, đưa thương hiệu chè Thái Nguyên ra thị trường trong và ngoài nước một cách sâu rộng hơn nữa.