Khi nào bảo hiểm thất nghiệp trở thành công cụ quản trị thị trường lao động?

Bảo hiểm thất nghiệp không chỉ là chính sách chi trả trợ cấp thất nghiệp cho người lao động mất việc làm, mà ngày càng trở thành công cụ quản trị thị trường lao động ở cả khu vực chính thức và phi chính thức. Việc thực hiện hiệu quả các chính sách bảo hiểm thất nghiệp chính là biện pháp chủ động phòng ngừa kiểm soát tình trạng thất nghiệp.

Tại Việt Nam, chính sách bảo hiểm thất nghiệp đã triển khai được hơn 14 năm, tuy ngắn so với một số nước phát triển, nhưng chính sách bảo hiểm thất nghiệp đã khẳng định vai trò là chính sách an sinh xã hội, “giá đỡ”, “phao cứu sinh” cho chính những người lao động bị giảm thu nhập, mất việc làm.

Chính sách bảo hiểm thất nghiệp ở Việt Nam được xây dựng theo mô hình quỹ kết dư, từ đó tích lũy dần và được nhiều người lao động, người sử dụng lao động, cả xã hội, cộng đồng quốc tế, tổ chức lao động quốc tế đánh giá cao.

Đại dịch Covid-19 giúp chúng ta hiểu rõ hơn tầm quan trọng của bảo hiểm thất nghiệp. Trước vấn đề cấp bách của xã hội trong giai đoạn đại dịch Covid-19, lần lượt các Nghị quyết 42 (năm 2020), Nghị quyết 68 và 03 (năm 2021), Nghị quyết 24 (năm 2022) ra đời nhằm hỗ trợ người lao động, người sử dụng lao động từ quỹ bảo hiểm thất nghiệp trên cơ sở sử dụng kết dư quỹ bảo hiểm thất nghiệp.

Tổng số hỗ trợ qua gói Covid-19 từ quỹ bảo hiểm thất nghiệp là trên 41.000 tỷ đồng cho người lao động và doanh nghiệp. Trong đó, hỗ trợ tiền mặt từ kết dư quỹ cho người lao động, do cơ quan bảo hiểm chi trả là trên 31.800 tỷ đồng. Qua đó, đã khẳng định vai trò của chính sách bảo hiểm thất nghiệp trong bối cảnh đại dịch Covid-19.

Theo Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội, đến cuối 2022, quỹ bảo hiểm thất nghiệp vẫn kết dư trên 55.000 tỷ đồng.

Kể từ khi chính sách bảo hiểm thất nghiệp được thực hiện từ năm 2009, đến nay, đối tượng tham gia ngày càng được mở rộng, số người tham gia bảo hiểm thất nghiệp tăng đều mỗi năm. Mức độ bao phủ của bảo hiểm thất nghiệp trên lực lượng lao động trong độ tuổi chiếm khoảng trên 31%, đạt chỉ tiêu của Nghị quyết Ban Chấp hành Trung ương giao phấn đấu đến 2025 sẽ đạt 35%, đến 2030 đạt 45%.

Tuy nhiên, để đạt được mục tiêu này, đặt ra thách thức không nhỏ cho ngành lao động thương binh và xã hội, khi đối tượng bao phủ đã tăng thì đối tượng người hưởng cũng tăng theo.

Theo thống kê, ở thời điểm dịch Covid-19, chỉ trong năm 2020 đã có hơn 1 triệu người được hưởng trợ cấp thất nghiệp, con số này đến nay là hơn 8 triệu lượt người, hơn 270.000 người được hưởng hỗ trợ học nghề từ chính sách này và trên 13 triệu lượt người được tư vấn giới thiệu việc làm.

Ông Trần Tuấn Tú, Trưởng phòng Bảo hiểm thất nghiệp, Cục Việc làm, Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội cho biết, Việt Nam là một trong 82 quốc gia thực hiện chính sách bảo hiểm thất nghiệp và là nước thứ 2 ở Đông Nam Á thực hiện chính sách này, được Tổ chức Lao động quốc tế đánh giá là chính sách thành công, nhân rộng để thúc đẩy phát triển trong khu vực ASEAN.

Theo các chuyên gia, bảo hiểm thất nghiệp là một công cụ quản trị thị trường lao động. Trong Nghị quyết 28 về cải cách bảo hiểm xã hội, trong đó bảo hiểm thất nghiệp đã chỉ ra tại sao chính sách bảo hiểm thất nghiệp chưa trở thành công cụ quản trị của người lao động, mới chỉ tập trung cho khu vực chính thức mà chưa có khu vực phi chính thức, chưa có biện pháp chủ động phòng ngừa thất nghiệp theo thông lệ quốc tế.

Mặt khác, bảo hiểm thất nghiệp hỗ trợ trong vấn đề đào tạo, cung ứng, gánh phần trách nhiệm của người sử dụng lao động cũng như hỗ trợ kinh phí khi người sử dụng lao động cần bồi dưỡng nâng cao trình độ để duy trì việc làm. Đồng thời, hỗ trợ người lao động thông qua tư vấn giới thiệu việc làm giúp họ sớm quay trở lại thị trường.

Sau 5 năm thực hiện Nghị quyết 28 của Ban Chấp hành Trung ương về cải cách chính sách bảo hiểm xã hội, Chính phủ cũng đã ban hành một chương trình hành động để triển khai nghị quyết, Bộ Lao động – Thương binh và Xã hội cũng trình Thủ tướng để ban hành đề án nâng cao năng lực cơ quan triển khai bảo hiểm thất nghiệp, tiến tới tăng cường năng lực cho hệ thống Trung tâm Dịch vụ việc làm về đào tạo cán bộ, cơ chế tài chính...

Trong các quy định hiện hành, người lao động phải có quan hệ lao động, tức là phải chính thức, thì mới là đối tượng của chính sách bảo hiểm thất nghiệp. Nhưng thực tế trên thị trường, có nhóm thực sự phát sinh quan hệ lao động (có thỏa thuận cơ bản giữa người lao động và người sử dụng lao động về tiền lương, giờ làm việc, địa điểm, sự quản lý điều hành...) thì lại chưa được chính thức hóa, chưa ký hợp đồng và như vậy là nằm ngoài đối tượng của chính sách.

Do đó, nhiều chuyên gia cho rằng, ngành Lao động - Thương binh và Xã hội cần tăng cường tuyên truyền, thanh tra kiểm tra để những đối tượng thuộc nhóm được tham gia thì sẽ được tham gia, tăng diện bao phủ, tăng bảo vệ, giảm nguy cơ với người lao động.

 

Để xây dựng thị trường lao động linh hoạt, bền vững, theo ông Trần Tuấn Tú, Trưởng phòng Bảo hiểm thất nghiệp, Cục Việc Làm, Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội, điều quan trọng là hoàn thiện khung pháp lý, rà soát sửa đổi các quy định của pháp luật, đáp ứng nhu cầu phát triển thị trường lao động đúng hướng, tập trung vào các lĩnh vực trọng tâm, trọng điểm.

Cụ thể, tăng cường sự công khai, minh bạch của các chủ thể tham gia thị trường. Nghiên cứu, đề xuất ban hành, sửa đổi các chính sách để hạn chế thất nghiệp, nâng cao chất lượng lao động.

Quy hoạch, đầu tư phát triển hiện đại hệ thống Trung tâm Dịch vụ việc làm ở các địa phương đáp ứng yêu cầu phát triển thị trường lao động linh hoạt, hiệu quả, đóng vai trò đầu mối thông tin thị trường lao động, điều phối, hỗ trợ và quản trị thị trường lao động trên địa bàn.

Đa dạng hóa các loại hình đào tạo, chú trọng đào tạo lại, đào tạo thường xuyên cho lực lượng lao động nhằm tạo chuyển biến trong xây dựng xã hội học tập. Tập trung đào tạo nghề, tạo việc làm để phát triển thị trường lao động ở nông thôn phục vụ quá trình chuyển dịch cơ cấu kinh tế.

Song song đó, cần phục hồi và ổn định thị trường lao động, thúc đẩy tạo việc làm bền vững và sử dụng hiệu quả lực lượng lao động, thực hiện hiệu quả các công tác truyền thông.

Đến năm 2023, kinh tế dần phục hồi, tuy nhiên doanh nghiệp trên cả nước vẫn đối mặt với nhiều khó khăn thách thức, đơn hàng sụt giảm, khủng hoảng kinh tế toàn cầu, nguồn nguyên liệu đầu vào tăng, nhiều doanh nghiệp vẫn tiếp tục cắt giảm nhân công, số lao động bị mất việc làm trong thời điểm Covid-19 vẫn khó tìm việc phù hợp.

Những tháng đầu năm 2023, theo thống kê của ngành Lao động - Thương binh và Xã hội, cả nước có gần 17,5 triệu người tham gia bảo hiểm xã hội và trên 14,2 triệu người tham gia bảo hiểm thất nghiệp.

Trong bối cảnh khó khăn, thách thức đan xen, kinh tế đất nước bị ảnh hưởng bởi tình hình chung của thế giới thì nhiều doanh nghiệp chịu áp lực khi mà đơn hàng giảm buộc phải thực hiện giảm nhân sự, sắp xếp lại lao động, đặc biệt là tại TP.HCM - địa phương chịu tác động rất nặng nề từ đại dịch Covid-19. Do đó, Chính phủ đã trình Quốc hội và có những cơ chế đặc thù để hỗ trợ cho người lao động bị mất việc trong giai đoạn này.

Theo ông Nguyễn Văn Lâm, Phó Giám đốc Sở Lao động - Thương binh và Xã hội TP.HCM, trước những khó khăn về sản xuất kinh doanh của các doanh nghiệp và người lao động, năm 2022, Chính phủ có Quyết định số 08 về việc hỗ trợ tiền nhà trọ cho người lao động ở TP.HCM. Qua đó, TP.HCM chi cho khoảng 1,2 triệu người lao động với số tiền khoảng 973 tỷ đồng. Việc này đã hỗ trợ một phần khó khăn cho người lao động.

Đồng thời, ngành Lao động - Thương binh và Xã hội TP.HCM đã chủ động phối hợp cùng với các đơn vị liên quan nắm bắt và có nhiều biện pháp hỗ trợ an sinh cho người lao động cũng như tư vấn, giới thiệu việc làm phù hợp, giảm bớt những khó khăn trong cuộc sống.

Trong 6 tháng đầu năm 2023, TP.HCM đã tiếp nhận hồ sơ cho hơn 77.000 trường hợp và có hỗ trợ cho khoảng hơn 500 trường hợp về đào tạo cho người lao động có việc làm mới trên địa bàn.

Đánh giá về bức tranh của thị trường lao động, ông Nguyễn Văn Lâm cho biết, qua làm việc với Hiệp hội Doanh nghiệp TP.HCM thì tình hình hoạt động của các doanh nghiệp có phần khởi sắc trở lại, tốc độ tăng trưởng GRDP của quý II/2023 cao hơn nhiều so với quý I. Điều đó cho thấy, hoạt động của doanh nghiệp có hiệu quả hơn, cung ứng nguồn lao động cho các doanh nghiệp hoạt động trở lại tốt hơn.

Từ đầu năm đến nay, Sở Lao động - Thương binh và Xã hội TP.HCM đã giới thiệu được khoảng hơn 160.000 chỉ tiêu việc làm (đạt khoảng hơn 54% chỉ tiêu của năm). Ngoài ra, đã đưa khoảng hơn 3.900 người lao động đi làm việc có thời hạn ở nước ngoài để tạo công ăn việc làm, tạo thu nhập cho người lao động.

Dự báo trong 6 tháng cuối năm của năm 2023, Phó Giám đốc Sở Lao động – Thương binh và Xã hội TP. HCM cho rằng, trong quý III, với tình hình lao động này, các ngành sản xuất kinh doanh cần khoảng hơn 145.000 chỗ việc làm mới. Trong đó, khoảng 90.000 chỗ việc làm mới tập trung cao ở những khu vực thương mại, dịch vụ, vận tải, kho bãi, bán buôn, bán lẻ...

 

“Sở cũng chỉ đạo chuẩn bị nguồn lao động này từ việc đào tạo, đào tạo lại và giới thiệu việc làm cho những người lao động hưởng trợ cấp thất nghiệp và hết thời hạn, người lao động tìm việc làm mới; từ các trường dạy nghề của TP.HCM – đây là nguồn nhân lực có chất lượng cao để cung cấp cho các doanh nghiệp trong hoạt động sản xuất, kinh doanh” – ông Lâm cho biết thêm.

Về giải pháp đào tạo nghề, tái đào tạo nghề phù hợp với thị trường lao động trong tình hình mới, ông Nguyễn Văn Lâm cho biết, hiện nay trên địa bàn TP.HCM có khoảng hơn 370 cơ sở giáo dục nghề nghiệp, trong đó trung cấp, cao đẳng khoảng 121, hàng năm cung cấp ra cho thị trường lao động ở những ngành nghề trình độ trung cấp trở lên khoảng gần xấp xỉ 150.000.

“Sở đã có sự hợp tác chặt chẽ đối với phía doanh nghiệp, nghĩa là các cơ sở giáo dục, cơ sở giáo dục nghề nghiệp liên kết với doanh nghiệp để đào tạo những ngành nghề mà doanh nghiệp cần, đặt hàng đào tạo. Những công đoạn đào tạo thì nhà trường và doanh nghiệp phối hợp với nhau, lý thuyết học ở trường, còn môn học thực hành (chiếm thời lượng khoảng 60-70%) sinh viên đến học và làm việc ở các nhà máy, xí nghiệp. Khi sinh viên ra trường thì doanh nghiệp sử dụng ngay không phải tốn thời gian đào tạo lại và đáp ứng liền với công việc, nâng cao năng suất lao động tại các doanh nghiệp”, ông Lâm phân tích.

Ông Trần Dũng Hà, Phó Giám đốc Bảo Hiểm Xã hội TP.HCM cho biết, thống kê tại TP.HCM tới thời điểm này có khoảng xấp xỉ 2,5 triệu người tham gia bảo hiểm xã hội, trong đó số người lao động tham gia bảo hiểm thất nghiệp là hơn 2 triệu người, so với cùng kỳ năm 2022 số người tham gia bảo hiểm xã hội tăng hơn 63.000 người, tỉ lệ tăng khoảng 2,6%.

“Đây là dấu hiệu khởi sắc trong việc tham gia bảo hiểm xã hội của người lao động”, ông Hà nhận định.

Ông Hà cho biết, cơ quan bảo hiểm xã hội là một khâu trong việc giải quyết trợ cấp thất nghiệp cho người lao động. Căn cứ vào danh sách của những trường hợp đủ điều kiện hưởng cơ quan bảo hiểm xã hội sẽ tổ chức chi trả.

“Trong nhiều năm vừa qua, Bảo hiểm xã hội TP. HCM và Trung tâm Dịch vụ việc làm thành phố đã phối hợp chặt chẽ với nhau, đảm bảo chi trả trợ cấp thất nghiệp cho người lao động trong thời gian sớm nhất”,

Ông Hà nói và cho biết thêm, hiện việc chi trả trợ cấp thất nghiệp chủ yếu qua tài khoản. Thống kê, tỷ lệ chi trả qua tài khoản đạt gần 100%, chỉ còn một số ít các trường hợp phải chi trả bằng tiền mặt. Vì những lý do mà người lao động không thể mở được tài khoản.

Với một đô thị lớn như TP.HCM, nhiều khu công nghiệp, khu chế biến, thế nhưng, hiện Trung tâm Dịch vụ việc làm thành phố mới chỉ có 7 chi nhánh hưởng trợ cấp thất nghiệp, dẫn đến người lao động có nhu cầu hưởng trợ cấp thất nghiệp phải di chuyển xa.

Ông Nguyễn Văn Lâm – Phó Giám đốc Sở Lao động – Thương binh và xã hội TP.HCM cho biết, tới đây, Sở sẽ mở thêm 3 điểm hưởng trợ cấp thất nghiệp để tạo điều kiện thuận lợi cho người lao động làm hồ sơ hưởng trợ cấp thất nghiệp.

Về vấn đề người lao động có việc làm mà vẫn tiếp tục hưởng trợ cấp thất nghiệp, ông Lâm cho rằng, có xảy ra trên thực tế nhưng tỉ lệ không nhiều. Nhưng đây là hành vi vi phạm pháp luật theo quy định của Luật việc làm.

Vì vậy, Sở sẽ phối hợp chặt chẽ với Bảo hiểm xã hội thành phố cung cấp danh sách tháng đầu tiên hưởng trợ cấp thất nghiệp để phối hợp rà soát trên ứng dụng công nghệ thông tin.

Để đảm bảo cung ứng đủ nguồn lao động cho thị trường trong thời gian tới, lãnh đạo ngành Lao động – Thương binh và Xã hội TP.HCM cho biết, Sở sẽ tiếp tục có những giải pháp, như tăng cường quản lý Nhà nước về lao động trên địa bàn, thực hiện chặt chẽ kết nối giữa cung và cầu lao động để có dự báo nhu cầu và chuẩn bị nguồn lực để cung ứng cho thị trường lao động trên địa bàn thành phố.

Tiếp tục triển khai mô hình đào tạo: Đào tạo chính quy, dài hạn của các trường để cung cấp cho các doanh nghiệp đáp ứng cho các cái yêu cầu phát triển sản xuất kinh doanh của họ; Đào tạo chuyển đổi ngành nghề để người lao động có cơ hội tìm việc làm mới, có thu nhập cao hơn và đóng góp với năng suất lao động khá hơn để phát triển kinh tế xã hội và duy trì cuộc sống được tốt.

Đồng thời, tiếp tục đẩy mạnh giới thiệu việc làm cho người lao động, đặc biệt là những người đang hưởng chính sách trợ cấp thất nghiệp, vừa kết thúc giải quyết việc làm cho những người chuyển đổi ngành nghề và thông qua nhiều kênh, nhiều hình thức khác nhau nhưng trong đó nòng cốt là tổ chức các phiên, sàn giao dịch việc làm  trực tuyến và trực tiếp.

Theo ông Nguyễn Văn Lâm, Phó Giám đốc Sở Lao động – Thương binh và Xã hội TP.HCM, thời gian qua, thành phố đã và đang liên kết với các tỉnh ở Đồng bằng sông Cửu Long, các tỉnh miền Đông Nam bộ và ở Tây Nguyên tổ chức các phiên, sàn giao dịch trực tiếp và trực tuyến.

Tới đây, Sở cũng sẽ liên kết với các tỉnh Duyên hải miền Trung để tạo điều kiện cho người lao động và người sử dụng lao động gặp gỡ nhau trên sàn, để đáp ứng được nhu cầu tuyển dụng của doanh nghiệp và nhu cầu tìm việc của người lao động trên tại địa bàn TP.HCM và các địa phương lân cận khác.

“Chúng tôi thúc đẩy đối thoại trong doanh nghiệp để tạo mối quan hệ lao động hài hòa, ổn định và tiến bộ trên địa bàn TP.HCM, tránh những việc đáng tiếc xảy ra, chúng tôi đôn đốc các giới chủ sử dụng lao động phải tổ chức định kỳ đối thoại với người lao động và việc làm này nếu các doanh nghiệp làm tốt thì người được lợi đầu tiên là doanh nghiệp. Bởi, khi người lao động thoải mái thì năng suất sẽ tăng lên, lợi nhuận của doanh nghiệp sẽ cao hơn và tránh những khiếu nại, thắc mắc không cần thiết ở doanh nghiệp đó”, ông Lâm thông tin.

“Sở sẽ tiếp tục đẩy mạnh hơn nữa thực hiện chính sách bảo hiểm thất nghiệp bằng các giải pháp ứng dụng công nghệ thông tin, số hóa hồ sơ và nhiều biện pháp khác để làm sao chính sách bảo hiểm thất nghiệp đến với người lao động tại thời điểm người ta phải sử dụng chính sách bảo hiểm thất nghiệp một cách nhanh nhất, gọn nhất, vào đúng quy định của pháp luật”.

Là người công tác trong ngành lao động lâu năm, ông Lâm khuyến nghị, đối với người sử dụng lao động cần phải thực hiện nghiêm túc và có hiệu quả các chế độ đãi ngộ, quyền lợi, chính sách và pháp luật đã quy định cho người lao động và có thể cao hơn mức của pháp luật quy định.

Còn đối với người lao động, ông Lâm khuyến nghị, việc đầu tiên là phải chấp hành pháp luật lao động tại doanh nghiệp; có những sáng kiến đóng góp có hiệu quả cho doanh nghiệp để hai bên có cùng tiếng nói chung để phát triển doanh nghiệp trong tương lai.

Luật Việc làm năm 2013 quy định rất rõ về đối tượng, phạm vi cũng như là việc sử dụng quỹ bảo hiểm thất nghiệp. Chính sách này là công cụ để góp phần quản trị thị trường lao động.

Tuy vẫn còn những khó khăn, hạn chế nhưng với sự nỗ lực của ngành lao động Thương binh và Xã hội, đặc biệt là Sở Lao động - Thương binh và Xã hội, Trung tâm Dịch vụ việc làm các địa phương đã có nhiều giải pháp cụ thể cũng như sự phối hợp với bảo hiểm xã hội.

Qua đó, thì chính sách bảo hiểm thất nghiệp không chỉ chi trả chế độ bảo hiểm cho người lao động bị mất việc mà còn bồi dưỡng, đào tạo nghề, giới thiệu việc làm mới phù hợp cho người lao động.

Để phù hợp với tình hình mới, trong thời gian tới Chính phủ cũng sẽ trình Quốc hội ban hành Luật Bảo hiểm xã hội sửa đổi và Luật việc làm sửa đổi nhằm đảm bảo an sinh lâu dài hơn cho người lao động.

Nguyễn Thủy
Trọng Toàn
Nguyễn Thủy – CTV
Nguyễn Thủy – Trần Phi