Không thể không hướng về quê hương khi ở đó có sợi dây nguồn cội

"Ngày Quốc Tổ mang ý nghĩa kết nối đối với người Việt Nam ở khắp nơi trên thế giới”, nguyên Thứ trưởng Bộ Ngoại giao, Đại sứ Nguyễn Phú Bình.

Trò chuyện với Báo Nông nghiệp Việt Nam, nguyên Thứ trưởng Bộ Ngoại giao, Đại sứ Việt Nam tại Nhật Bản, lãnh đạo Hội liên lạc với người Việt Nam ở nước ngoài (ALOV) khẳng định: Lòng yêu nước, tinh thần dân tộc, hướng về nguồn cội của cộng đồng người Việt Nam ở nước ngoài đang ngày càng mang những ý nghĩa to lớn, rất đặc biệt.

Thưa ông, ông đánh giá như thế nào về những đóng góp của người Việt Nam ở nước ngoài từ trước đến nay?

Trước hết có thể thấy số lượng kiều bào ta ở nước ngoài càng ngày càng tăng. Trước đây, chúng ta chỉ tính những người ra nước ngoài trước và sau chiến tranh trong thời kỳ mà đất nước còn khó khăn, trong đó có cả những người di tản.

Tuy nhiên, đến bây giờ, cơ cấu của người Việt Nam ở nước ngoài đã thay đổi nhiều, số cũ vẫn còn đấy, nhiều người đã hòa nhập, định cư và trở thành công dân các nước sở tại nhưng có số lượng lớn những người sau này là đi làm việc, công tác, đi học, vẫn mang quốc tịch Việt Nam. Do đó, hiện nay chúng ta không gọi là Việt kiều hay kiều bào nữa mà gọi chung là người Việt Nam ở nước ngoài.

Trong đó, có những người định cư và cũng có những người công tác, học tập có thời hạn. Theo thống kê, con số tương đối hiện nay là 5,3 triệu người Việt Nam đang sinh sống ở khoảng 100 quốc gia. Trong đó, chủ yếu là ở các nước phát triển và ở Mỹ là đông nhất, xấp xỉ 50%, còn lại là Canada, Australia, các nước châu Âu…

Năm 2004, chúng ta đã có Nghị quyết 36 của Bộ Chính trị về Công tác đối với người Việt Nam ở nước ngoài. Qua gần 20 năm, nhiều lần sơ kết đánh giá, nghị quyết này vẫn còn nguyên giá trị, rất chính xác: Người Việt Nam ở nước ngoài là một bộ phận không thể tách rời của dân tộc Việt Nam, là một nguồn lực quan trọng để phát triển đất nước và là nhân tố quan trọng để phát triển các mối quan hệ của Việt Nam với các nước.

Nói về nguồn lực, người Việt Nam ở nước ngoài có rất nhiều đóng góp, trong đó có những đóng góp cụ thể bằng lượng kiều hối. 10 năm trở lại đây, bình quân mỗi năm lượng kiều hối người Việt Nam ở nước ngoài gửi về khoảng 16-17 tỷ USD/năm.

Đó là lượng tiền có thể được gửi về cho gia đình để tiết kiệm, để làm ăn, để mua nhà… nhưng đóng góp quan trọng ở chỗ nó là nguồn ngoại tệ để cân đối lại cán cân thanh toán, xuất nhập khẩu hàng hóa của Việt Nam. Đồng thời lượng kiều hối đó còn là khoản ngoại tệ lớn bổ sung vào nguồn dự trữ ngoại tệ của quốc gia.

Bên cạnh những đóng góp “tiền tươi thóc thật” là những đóng góp không thể đo đếm được bằng lượng cụ thể.

Người Việt Nam ta ở nước ngoài đã có những đóng góp rất nhiều vào việc cải thiện mối quan hệ giữa Việt Nam với các nước. Đóng góp tri thức bằng việc kết nối, chuyển giao khoa học công nghệ từ các nước tiên tiến về Việt Nam. Đó là những đóng góp vô giá.

Chúng ta từng chứng kiến Giáo sư Trần Thanh Vân kêu gọi, thu hút nhiều nhà khoa học nổi tiếng trên thế giới đóng góp tri thức của họ vào Việt Nam, tham gia hỗ trợ nghiên cứu, giáo dục tại Việt Nam. Trong số họ có những người sau đó đã giành được cả giải Nobel.

Ngược lại, các nhà khoa học Việt Nam ở nước ngoài, cùng với bạn bè của họ, cơ sở vật chất của họ đã đưa các nhân tố trẻ của Việt Nam đi ra để đào tạo, nghiên cứu.

Rõ ràng, đây là những đóng góp không thể tính toán được bằng tiền nhưng chắc chắn đã đóng góp vào sự phát triển khoa học kỹ thuật của Việt Nam. Nguồn lực khoa học công nghệ trở thành nguồn lực vật chất.

Thứ ba là những đóng góp thông qua đầu tư, khoảng 3 tỷ USD. Những con số thống kê hiện nay chưa phản ánh đúng thực tế nguồn đầu tư của người Việt Nam ở nước ngoài đầu tư vào Việt Nam bởi liên quan đến một số vấn đề, trong đó một phần là do Luật Đầu tư quy định đầu tư trong nước, đầu tư nước ngoài… Họ có thể không đứng tên trực tiếp mà thông qua thân nhân.

Làn sóng người Việt Nam ở nước ngoài đầu tư về Việt Nam ngày càng mạnh mẽ. Có những người từ trong nước ra đi, sau khi thành công cũng đã quay trở về. Có những người sinh ra ở nước ngoài nhưng nhìn nhận thấy môi trường đầu tư ở Việt Nam ngày càng được cải thiện cũng đã đầu tư về quê hương.

Đó là những điều có thể khẳng định đóng góp của người Việt Nam ở nước ngoài đối với quê hương ngày càng tăng lên và đóng vai trò quan trọng để phát triển đất nước.

 

 

Thưa ông, những đóng góp của người Việt Nam ở nước ngoài đối với đất nước rõ ràng vô cùng quan trọng và trở thành một nguồn lực để đất nước phát triển. Chúng ta cũng đang nói nhiều về vai trò “làm tổ” của Nhà nước để thu hút đầu tư, cả về nguồn lực vật chất lẫn khoa học công nghệ, tri thức... Nói nhiều đến những sự trở về của các trí thức, doanh nhân… Ông đánh giá như thế nào về vấn đề này?

Từ nhiều năm trước chúng ta đã chứng kiến những người Việt Nam sau khi thành công ở nước ngoài đã quay trở về quê hương để đầu tư và trở thành những tập đoàn lớn mạnh như Vingroup, Sungroup…

Một mặt là ý thức dân tộc, mặt khác là lợi ích kinh tế của các nhà đầu tư được đảm bảo. Giữa trong và ngoài nước không còn cách biệt như trước đây nữa, không phải kêu gọi nhiều nữa. Có thể nói chính sách của chúng ta phát triển đất nước, mối quan hệ của chúng ta với các nước trên thế giới tốt lên đã trở thành những nhân tố rất thu hút.

Cùng với đó, chính sự lớn mạnh của những doanh nghiệp, tập đoàn kinh tế tư nhân đã góp phần thu hút số lượng lớn người Việt Nam ở nước ngoài trở về đóng góp tri thức, trí tuệ của mình để phát triển đất được.

Ngày càng có nhiều doanh nghiệp Việt Nam tiếp cận được công nghệ cao. Điển hình như Vingroup đã sản xuất được ô tô, điện thoại... Điều đó cho thấy sự phát triển của các doanh nghiệp, của khoa học công nghệ đã trở thành môi trường thu hút nhân lực, không chỉ là người nước ngoài mà còn có cả người Việt Nam ở nước ngoài về làm việc.

Trước đây chúng ta dường như chỉ đào tạo nhân lực đơn thuần là những người công nhân, nhưng hiện nay yêu cầu đã thay đổi. Khi chúng ta thúc đẩy đầu tư lĩnh vực công nghệ cao sẽ đòi hỏi nguồn nhân lực công nghệ cao, cần những chuyên gia đầu ngành trong lĩnh vực đó, cần có những trí thức giỏi. Trí thức giỏi như những chiếc "máy cái" để đào tạo, nâng cao chất lượng nhân lực trong nước.

Do đó, các doanh nghiệp trong nước không ngần ngại mời chuyên gia nước ngoài hay những chuyên gia là người Việt Nam ở nước ngoài trở về làm việc. Có những người nằm trong số ít những người được trích dẫn nhiều nhất trong các công trình nghiên cứu trên thế giới.

Điều đó đã giúp nâng cao chất lượng nhân lực, chất lượng đào tạo, giáo dục của Việt Nam, từ đó nâng cao được chất lượng của nguồn nhân lực trong nước. Nhìn xa hơn, những thay đổi này sẽ giúp nâng cao được năng suất lao động của nhân lực của chúng ta.

Về cơ chế chính sách, Việt Nam đang ngày càng phát triển, không chỉ kinh tế mà còn là vị thế quốc tế. Do đó, chúng ta trở thành thị trường lớn với nguồn nhân lực có chất lượng nên sẽ thu hút được sự quan tâm của các nước phát triển. Người nước ngoài hướng đến Việt Nam thì rõ ràng người Việt Nam ở nước ngoài cũng không thể không hướng về quê hương đang ngày càng phát triển, nhất là ở đó có một sợi dây liên kết là cội nguồn.

Chiến tranh đã qua rất lâu rồi, chúng ta đã được chứng kiến nhiều người trước đây ra đi tưởng chừng như không quay về nữa, nhưng sau đó họ vẫn trở về quê hương. Thời gian trôi qua khiến tâm lý nặng nề trước kia đã trở nên nguôi ngoai.

Tôi từng gặp một giáo sư người Việt ở nước ngoài, ông ấy nói với tôi nguyện vọng khi qua đời được về với đất nước. Trước hết là ý nguyện muốn nằm trên đất mẹ sau cả cuộc đời tha phương, hơn nữa là muốn phần mộ mình trở thành sợi dây để đưa con cháu trở về.

Rõ ràng chính sách ngày càng cởi mở, thông thoáng đã tạo nên môi trường thu hút nhân lực, vật lực từ người Việt Nam ở nước ngoài để họ có thể đóng góp cho quốc gia, dân tộc, nhiều hơn. Nếu còn có những vấn đề cần phải cải thiện, theo ông đó là gì?

Theo tôi, chúng ta cần có thêm những kênh thông tin để thông báo, lan tỏa tới bà con ta ở nước ngoài để họ nắm rõ thêm về tình hình trong nước. Hiện nay đã có một số địa phương, lĩnh vực đã làm được điều này. Tuy nhiên, các doanh nghiệp, địa phương cần chủ động hơn nữa trong việc quảng bá, giới thiệu tiềm năng và môi trường đầu tư để có thể thu hút được nhiều hơn.

Bên cạnh đó, chúng ta cần tập hợp lại dữ liệu về các nhà khoa học, trí thức ở Việt Nam trong các lĩnh vực để có những đầu mối liên hệ khi người Việt ta ở nước ngoài có nhu cầu.

Ngoài ra, có một vấn đề mà tôi cho rằng vẫn cần phải xem xét, đó là vấn đề quốc tịch. Liệu chúng ta có thể cho phép người mang nhiều quốc tịch, trong đó có quốc tịch Việt Nam được hưởng các quyền lợi và thực hiện các nghĩa vụ như công dân Việt Nam khi về nước đầu tư, làm việc hay không? Vì thực tế hiện nay bà con mang nhiều quốc tịch khi về Việt Nam vẫn đang gặp khó khăn trong việc xin cấp giấy tờ, thủ tục...

Về vấn đề này đang có nhiều thành viên của Hội Liên lạc với người Việt Nam ở nước ngoài gặp phải và nhờ chúng tôi giúp đỡ. Tuy nhiên, theo tôi đây là vấn đề ở cấp Chính phủ và việc giải quyết cần có văn bản hướng dẫn để vừa thực hiện nghiêm luật pháp, vừa đảm bảo an ninh quốc gia, vừa đảm bảo được lợi ích cho bà con khi họ có nhu cầu trở về.

 

 

Thưa ông, qua hai nhiệm kỳ công tác ở Hội liên lạc với người Việt Nam ở nước ngoài, ông có cảm nhận thế nào về tinh thần dân tộc, hướng về nguồn cội của người Việt Nam ở nước ngoài, tinh thần đó đã và dang được nuôi dưỡng như thế nào?

Theo tôi, có nhiều nhân tố nuôi dưỡng tinh thần dân tộc, hướng về dân tộc, về nguồn cội của người Việt Nam ở nước ngoài.

Tôi đã từng gặp gỡ, chứng kiến rất nhiều bà con đã nhập quốc tịch nước sở tại nhưng nếu họ không cấm duy trì nhiều quốc tịch thì ai cũng giữ cho mình quốc tịch Việt Nam. Điều này cho thấy đồng bào ta luôn muốn gìn giữ gốc gác của mình, luôn luôn ghi nhớ gốc gác mình là con Lạc cháu Hồng.

Đó còn là niềm tự hào đối với quê hương, đất nước. Đặc biệt là trong giai đoạn vừa qua, trong bối cảnh rất khó khăn, thử thách rất lớn, nhất là trong bối cảnh dịch Covid-19 nhưng vị thế của Việt Nam, danh tiếng Việt Nam đang ngày càng tăng trên bình diện quốc tế.

Chúng ta vừa kiểm soát tốt dịch bệnh, vừa đạt được mục tiêu tăng trưởng dương. Rất ít quốc gia làm được như thế. Đó là điều rất tự hào. Đối với bà con ta ở nước ngoài đã mong có được sự an bình trong nước và họ tự hào về điều đó. Thân nhân gia đình tôi ở nước ngoài vừa rồi có dịp về Việt Nam đã nói rằng nhìn cảnh yên bình ở trong nước thực sự rất thèm.

Bên cạnh đó cũng cần phải khẳng định, chính tình cảm của người Việt trong nước cũng là sợi dây gắn kết, kết nối và gìn giữ tinh thần hướng về nguồn cội, dân tộc của người Việt ta ở nước ngoài.

Bằng chứng là trong đợt dịch Covid-19 vừa rồi, có hai luồng hành động hết sức ý nghĩa, nhân văn của bà con người Việt hướng về quê hương. Họ đã rất lo lắng và hỗ trợ thuốc thang, vật tư cho quê hương. Sau đó, những người Việt Nam ở trong nước cũng đã quyên góp, hỗ trợ cho bà con ở những nơi trên thế giới có dịch bùng phát đang bị thiếu thốn vật tư y tế...

Có một điều rất quý nữa là, bà con ta ở nước ngoài lại phát huy được tinh thần tự vận động, kêu gọi cùng nhau may khẩu trang phát cho cộng đồng người Việt và cả người bản xứ. Điều này đã lan tỏa được bản sắc người Việt “thương người như thể thương thân” trong mắt bạn bè quốc tế.

Trước những tình cảm quý báu, nhân văn đó, nhiều người Việt Nam ở nước ngoài đã có sáng kiến mở rộng, đưa Ngày Giỗ Tổ Hùng Vương ra nước ngoài và đã khơi gợi được tình cảm của bà con với quê hương.

 

 

Những ngày này cả dân tộc Việt Nam đang hướng về Ngày Giỗ Tổ Hùng Vương, thưa ông, liệu có phải chính lòng yêu nước, tinh thần hướng về nguồn cội là nền tảng của Dự án Ngày Quốc Tổ Việt Nam toàn cầu mà ông cùng với những người khác thực hiện? Ý nghĩa của dự án đó ra sao?

Như chúng ta đã biết, Giỗ Tổ Hùng Vương là ngày lễ truyền thống, chính thức và được tổ chức tại nơi linh thiêng nhất là Đền Hùng. Hàng năm Hội liên lạc với người Việt Nam ở nước ngoài đều có đoàn lên dâng hương tưởng nhớ công ơn các bậc Vua Hùng và thông thông tin đến cộng đồng người Việt ở khắp nơi trên thế giới.

Năm 2012, “Tín ngưỡng thờ cúng Hùng Vương” đã được UNESCO công nhận là Di sản văn hóa phi vật thể đại diện của nhân loại, di sản văn hóa thế giới duy nhất ở loại hình tín ngưỡng. Trên thế giới, rất hiếm việc một tín ngưỡng gắn với dân tộc được UNESCO công nhận, với tính toàn cầu là rất rõ, thể hiện sự tôn trọng những khác biệt của mỗi quốc gia.

Chúng tôi cho rằng Ngày Quốc Tổ mang ý nghĩa kết nối, cùng nhau hướng về nguồn cội dân tộc của người Việt trong và ngoài nước, đặc biệt là người Việt Nam ở nhiều quốc gia trên thế giới.

Đối với người Việt Nam ở nước ngoài, đặc biệt là sau khi đời sống đã được cải thiện, đồng bào đã có điều kiện để quan tâm hơn đến ngày lễ này. Xuất phát từ những người trong Hội đồng hương Phú Thọ tại các nước tổ chức, dần dần lan tỏa đến nhiều cộng đồng người Việt ở nhiều quốc gia trên thế giới.

Đồng bào luôn tâm niệm việc gìn giữ gốc gác, tự hào là con Lạc cháu Hồng, từ đó giúp bạn bè quốc tế tiếp cận được với văn hóa hướng về cội nguồn của người Việt. Đó cũng chính là cơ sở để chúng tôi thực hiện Dự án Ngày Quốc Tổ Việt Nam toàn cầu.

Sau khi ghi nhận ý kiến của bà con về việc đưa ngày lễ này ra các nước, chúng tôi đã ủng hộ và thông qua Ủy ban Nhà nước về người Việt Nam ở nước ngoài để triển khai hoạt động này. Trong đó, tùy theo điệu kiện của mỗi nước mà mô phỏng lại phong tục thờ cúng, làm Giỗ Tổ Hùng Vương.

Để làm được điều đó, phải kể đến sự đóng góp rất nhiều của các nhà tài trợ, trong đó phải kể đến Tập đoàn Mai Linh. Chủ tịch là anh Hồ Huy đã tài trợ việc đúc tượng Vua Hùng để đưa đến một số quốc gia trên thế giới. Trong 2 năm 2018, 2019 đã triển khai được ở 10 quốc gia trên thế giới.

Điều đáng mừng là khi dựng tượng, làm lễ không chỉ người Việt ở nơi đặt tượng mà các địa phương khác của nước sở tại hay ở các nước lân cận, chưa có tượng cũng tập trung đến làm lễ, cúng bánh chưng, bánh dày với các nghi thức, bài cúng tương tự trong nước. Hiện nay, quá trình triển khai việc đặt tượng đang bị gián đoạn do Covid-19 nhưng chúng tôi hy vọng sẽ sớm tăng được số lượng quốc gia có tượng Vua Hùng để tổ chức Giỗ Tổ.

Tôi từng dự Lễ Giỗ Tổ tại Osaka được tổ chức bởi Hội người Việt Nam tại Higashi Osaka, CLB Bình Minh Kansai phối hợp với Ban Dự án Ngày Quốc Tổ Việt Nam toàn cầu...

Sự kiện diễn ra với sự tham gia của thị trưởng, đại diện các ban ngành của thành phố Higashi Osaka, Lãnh sự quán Việt Nam, Lãnh đạo các Hội, đoàn người Việt tại địa phương, các thành viên Ban Dự án Ngày Quốc Tổ Việt Nam toàn cầu cùng bà con Việt kiều tại đây tham dự, đặc biệt sự kiện thu hút rất nhiều bạn trẻ Việt Nam đang học tập và làm việc tại Osaka.

Phần Lễ được thực hiện trang nghiêm, với đầy đủ nghi thức đặc trưng như đọc Văn Tế, dâng hương, dâng lễ… mang đậm văn hóa truyền thống dân tộc. Phần Hội diễn ra sôi nổi với các tiết mục nhạc trẻ, nhạc dân tộc, trình diễn áo dài, múa lân… Các trò chơi dân gian cũng thu hút không chỉ người Việt mình ở nước ngoài mà còn có sự tham gia của người dân bản địa.

Và ở rất nhiều nơi trên thế giới, Ngày Quốc Tổ Việt Nam được tổ chức đa dạng, không chỉ mang ý nghĩa hướng về cội nguồn mà còn là cơ hội để quảng bá du lịch, xúc tiến thương mại Việt Nam với người dân các nước sở tại.

Hoàng Anh
Trọng Toàn
Tùng Đinh