Kiểm soát tốt nguồn nước để hạn chế rủi ro thiên tai

Nhân dịp kỷ niệm 75 năm ngày Truyền thống Phòng, chống thiên tai Việt Nam (22/5), Thứ trưởng Nguyễn Hoàng Hiệp đã chia sẻ về vấn đề nóng đang được xã hội quan tâm, đó là an ninh nguồn nước (ANNN) dưới góc độ phòng, chống thiên tai.

Ông cho rằng, nước giữ vai trò rất quan trọng trong tồn tại, phát triển của từng con người và nhân loại; nước không chỉ phục vụ sinh hoạt hằng ngày mà mọi hoạt động trong đời sống; kinh tế xã hội đều phải dùng nước.

Song hành, nguồn nước gây ra những thảm họa, được đánh dấu bằng các “đại hồng thủy" trên hầu hết các châu lục và tình trạng ngày càng gia tăng do hậu quả của biến đổi khí hậu, phát triển thiếu bền vững, gây thiệt hại tính mạng, tài sản, hủy hoại môi trường sống, môi trường sản xuất kinh doanh; gây mất ổn định, tái nghèo đói.

 

 

Thưa ông, nhiều người cho rằng an ninh nguồn nước là an ninh phi truyền thống. Nhưng thực tế, vấn đề này đã được thảo luận trên các diễn đàn quốc tế từ rất lâu rồi. Nó đang hiện hữu xung quanh chúng ta và tác động không nhỏ đến đời sống của con người?

Đúng như vậy. Trong lịch sử nhân loại, đã từng có nhiều vùng bị sa mạc hóa, đại hồng thủy với phạm vi rộng lớn do tác động của tự nhiên, hoặc sử dụng nước làm vũ khí gây sức ép tới quốc gia láng giềng, nhất là tại một số quốc gia cùng dùng chung nguồn nước khan hiếm, gây mất an toàn, an ninh nước.

Các tài liệu thống kê cho thấy, tổng lượng nước bao phủ khoảng 70% diện tích bề mặt trái đất, nước mặn chiếm tỷ lệ tới 97%, chỉ có 3% là nước ngọt, nhưng gần hơn 2/3 lượng nước này tồn tại ở dạng những khối băng lớn không thể sử dụng được, chỉ một tỷ lệ nhỏ tồn tại trên mặt đất và trong không khí.

Hiện nay trên thế giới có khoảng 1/3 quốc gia bị thiếu nước; dự báo đến năm 2025, có khoảng 1,8 tỷ người sẽ sống trong điều kiện khan hiếm nước. Năm 2030, gần 50% dân số sẽ chịu căng thẳng cao về nước và 67% sống trong điều kiện thiếu nước và có thể 700 triệu người phải di cư.

Bên cạnh đó, tác động của biến đổi khi hậu (BĐKH) làm cho vòng tuần hoàn nước thay đổi, cân bằng nước giữa các khu vực, các thời điểm mùa trong năm đều thay đổi… làm gia tăng tính cực đoan, gây ra thảm họa lũ lụt, ngập úng, hạn hán, sa mạc hóa…

Đồng thời, tình trạng sử dụng nguồn nước kém hiệu quả, gây ô nhiễm nguồn nước; trong khi đó nhu cầu gia tăng, dẫn đến nguồn nước trở thành vấn đề toàn cầu đã và đang làm trầm trọng hơn an ninh nguồn nước.

Sự suy giảm nguồn nước sẽ ảnh hưởng nặng nề đến phát triển kinh tế-xã hội và môi trường. Nước đang trở thành tâm điểm tại nhiều diễn đàn lớn thế giới. Năm 2000, Hội đồng Nước Thế giới đã nhận định “Thế giới đang trải qua cuộc khủng hoảng về nước…”.

Nhắc đến an ninh nguồn nước, rất nhiều người còn khá mơ hồ. Ông có thể giải thích rõ hơn về nội hàm của vấn đề này?

Theo Ủy ban về nước của Liên hiệp quốc, ANNN là: “Khả năng của dân cư được tiếp cận đủ nước với chất lượng cần thiết để duy trì sinh kế, phục vụ nhu cầu cá nhân và phát triển kinh tế xã hội đồng thời bảo đảm không ô nhiễm phát sinh từ nguồn nước, tránh được những thiên tai liên quan đến nguồn nước, và bảo tồn các hệ sinh thái trong bầu không khí hòa bình và ổn định chính trị”.

Việc phân bổ nước để đảm bảo cho tất cả sự sống trong hệ sinh thái là vấn đề khó khăn, cấp bách, mang tính toàn cầu. Có thể nói, ANNN vừa là mục tiêu vừa là giải pháp trong sự phát triển chung của nhân loại.

Nội hàm của vấn đề ANNN là rất lớn, bao trùm lên nhiều ngành, nhiều lĩnh vực. Theo ngân hàng phát triển Châu Á (ADB), để đánh giá ANNN của một quốc gia cần dựa vào 4 khía cạnh chính: an ninh nước sinh hoạt, an ninh nước cho phát triển kinh tế, an ninh nước cho đô thị, an ninh nước môi trường, và khả năng thích ứng với các thảm họa liên quan tới nước. Như vậy, những lực chung của cộng đồng trong phòng chống thiên tai, chủ động kiểm soát nguồn nước và bảo vệ môi trường là những vấn đề cốt lõi nhằm đảm bảo ANNN.

 

 

Việt Nam là quốc gia chịu ảnh hưởng nặng nề do những thiên tai liên quan đến nước như hạn hán, lũ lụt... Theo ông, đâu là nguyên nhân dẫn đến thực trạng trên?

Đánh giá cao vai trò của nguồn nước, sinh thời Hồ Chủ tịch đã từng nói “… Có đất lại có nước thì dân giàu, nước mạnh. Nước cũng có thể làm lợi nhưng cũng có thể làm hại, nhiều nước quá thì úng, lụt, ít nước quá thì hạn hán…”; và “Nhiệm vụ của chúng ta là làm cho đất với nước điều hòa với nhau để nâng cao đời sống nhân dân, xây dựng chủ nghĩa xã hội…”.

Nguồn nước ở Việt Nam, một phần là nước ngầm còn phần lớn là dòng chảy bề mặt của sông ngòi; nước ta không phải là một nước giàu tài nguyên nước mà bị phụ thuộc rất nhiều nguồn nước chảy từ nước ngoài về. 

Tổng lượng nước mặt trung bình năm vào khoảng 840 tỷ m3 (bao gồm cả nội sinh (khoảng 27%) và từ nước ngoài (khoảng 63%)), bình quân đầu người 9.434 m3/năm, nguồn nước nội sinh đạt khoảng 3.840 m3, được đánh giá là thấp so với trung bình ở Đông Nam Á (4.900 m3) và trên thế giới (4.000 m3).

Nhưng, phân bổ không đều theo không gian và thời gian; nguồn nước nội sinh chủ yếu được hình thành từ mưa, trung bình năm vào khoảng 2000 mm, tuy nhiên phân bổ không đều theo thời gian, có tới 70-80% vào mùa mưa và nhiều vùng có lượng mưa rất lớn như Bạch Mã (tỉnh Thừa Thiên Huế); Nam Trà My, Bắc Trà My (Quảng Nam); Bắc Quang (Hà Giang)  lượng mưa từ 3.000 – 5.000mm.

 Trong khi đó khu vực Bình Thuận, Ninh Thuận, vùng phía nam Khánh Hòa lượng mưa chỉ đạt  500-700mm/năm. Nguồn nước sinh ra từ bên ngoài lãnh thổ tổng lượng 520 tỷ m3/năm (tương ứng 63% - tỷ lệ quá lớn), trong đó lớn nhất là sông Mêkông 423 tỷ m3 (chiếm 90%), sông Hồng 65 tỷ m3 (chiếm 38,5%).

Tổng lượng nước được khai thác, sử dụng hàng năm tại nước ta vào khoảng 80,6 tỷ m3 (10% tổng lượng nước hiện có). Trong đó, trên 80% sử dụng cho nông nghiệp. Tổng trữ lượng nước ngầm khoảng 48,5 tỷ m3/năm (5,7% lượng nước mặt), một số khu vực, nguồn nước ngầm đang bị khai thác quá mức, bị suy giảm liên tục (tập trung ở Tây Nguyên, ven biển ĐBSCL).

 Theo Ngân hàng Phát triển Châu Á (ADB), Việt Nam thuộc top 10 của thế giới và top 3 của khu vực Đông Nam Á có chỉ số ANNN thấp.

Điển hình như năm 2020, chỉ trong vòng 45 ngày từ giữa tháng 9 đến cuối tháng 10/2020, đã có 8 cơn bão và 2 áp thấp nhiệt đới xảy ra tại khu vực Trung bộ, trong đó bão số 9 là cơn bão lớn nhất trong 20 năm qua. Những số liệu đo mưa đã ghi nhận những con số kỷ lục, lượng mưa phổ biến từ 1.000 - 2.000mm, nhiều nơi trên 3.000mm.

Các đợt lũ lớn xuất hiện trên 16 tuyến sông chính tại khu vực, trong đó đã có 4 tuyến sông lớn đã vượt mức lũ lịch sử. Ngập lụt đã xảy ra trên diện rộng, thời điểm cao nhất vào ngày 12/10 và 19/10 có trên 317 nghìn hộ (1,2 triệu nhân khẩu) bị ngập lụt tại 7 tỉnh (từ Nghệ An - Quảng Nam), nhiều nơi ngập lụt trên nửa tháng. Mưa cường suất lớn, kéo dài, kèm theo địa hình dốc đã gây ra sạt lở đất, lũ quét ở nhiều nơi, nghiêm trọng nhất tại Thủy điện Rào Trăng 3; Trạm Kiểm lâm số 67 Phong Điền (Thừa Thiên - Huế); Đoàn Kinh tế - Quốc phòng 337 Hướng Hóa (Quảng Trị); Trà Leng và Trà Vân, huyện Nam Trà My và Phước Lộc, huyện Phước Sơn (Quảng Nam) đã cướp đi sinh mạnh của hàng trăm người dân, hàng chục cán bộ, chiến sỹ và phá hủy nghiêm trọng cơ sở hạ tầng. Năm 2020, thiên tai đã làm 357 người chết và mất tích, 912 người khác bị thương, ước tính thiệt hại về kinh tế khoảng 40.000 tỷ đồng.

Vậy đứng trước những bất cập trên, Việt Nam đã làm gì để từng bước xây dựng và phát triển “phòng tuyến” thích ứng, phòng, chống thiên tai hiệu quả?

Với nỗ lực của nhiều thế hệ, quản lý và sử dụng nguồn nước đã đạt được kết quả quan trọng: Hệ thống văn bản quy phạm pháp luật được xây dựng đồng bộ (Luật Quản lý Tài nguyên nước, Luật Thủy lợi, Luật Đê điều, Luật Phòng chống thiên tai).

Hệ thống công trình thủy lợi, đê điều đồ sộ với hơn 7.000 hồ, đập với tổng dung tích 14,5 tỷ m3, hơn 86.200 công trình thủy lợi cấp nước tưới cho khoảng 4,28 triệu ha/11,54 triệu ha (chiếm 36,5% tổng diện tích đất sản xuất).

Hệ thống công công trình đê điều với tổng chiều dài 40.268,8km, trong đó: đê sông 6.584,4km; đê cửa sông, đê biển 2.493,4km; đê bao, bờ bao 31.191km. Hệ thống các hồ chứa thủy điện với tổng dung tích 56 tỷ m3, công suất gần 20.000MW (18.564 MW năm 2018), trong đó hồ Hòa Bình, Sơn La (công trình an ninh quốc gia đặc biệt), có quy mô lớn trên thế giới, ngoài nhiệm vụ phát điện còn nhiệm vụ cắt lũ, cấp nước cho đồng bằng sông Hồng (7 tỷ m3 cắt lũ, 4-5 tỷ m3 đổ ải).

Các hệ thống công trình này đã đóng góp quan trọng trong việc kiểm soát và sử dụng nguồn nước, nhất là phục vụ nước cho sinh hoạt, sản xuất nông nghiệp, công nghiệp, phát điện. Tỷ lệ nhân dân sử dụng nước hợp vệ sinh tăng cao; sản xuất lương thực, thủy sản và nhiều hàng hóa nông sản đứng hàng đầu thế giới; bảo vệ xã hội an toàn với các thiên tai liên quan đến nước nhất là lũ lụt, hạn hán và xâm nhập mặn.

 

 

Thách thức về an ninh nguồn nước là thách thức chung của toàn nhân loại. Nhưng nếu nhìn nhận câu chuyện này ở Việt Nam, rõ ràng, chúng ta chưa thực sự quản lý nguồn nước có hiệu quả, thậm chí là sử dụng lãng phí tài nguyên quý giá này?

Tôi đồng tình với quan điểm này. Phải khẳng định rằng công tác quản lý nguồn nước còn nhiều thách thức lớn.

Trong đó, thách thức lớn nhất đến từ nhận thức của người dân. Hầu hết các đối tượng dùng nước đang cho rằng nguồn nước là sản phẩm của tự nhiên, dồi dào, vô hạn, dẫn đến tình trạng sử dụng lãng phí, ít quan tâm đến bảo vệ, đầu tư và phát triển nguồn nước; tình trạng xâm hại nguồn nước và công trình thủy lợi, đê điều không giảm mà có chiều hướng gia tăng; ảnh hưởng đến tổng lượng và chất lượng, nhất là nguồn nước hình thành ngay trên lãnh thổ nước ta.

Thứ hai là thách thức từ việc phụ thuộc quá lớn vào nguồn nước từ nước ngoài, song chưa có giải pháp thỏa đáng.

Với 63% nguồn nước đến từ nước ngoài hiện đang bị thay đổi quy luật dòng chảy, giảm số lượng và chất lượng, đột biến gây nhiều hệ lụy như thiếu nguồn nước, giảm hàm lượng bùn cát, nguồn lợi thủy sản, môi trường,...

Hiện tại các quốc gia thượng nguồn đang tăng cường sử dụng nước như xây đập thủy điện, công trình điều tiết, chuyển nước lưu vực, tăng diện tích tưới trong sản xuất nông nghiệp phục vụ cho vùng Đông Bắc Thái Lan, Campuchia gia tăng diện tích tưới, nguy cơ xây dựng đập kiểm soát dòng chảy tại Biển Hồ...

Đồng thời, tình hình quan hệ hợp tác giữa các quốc gia trên thế giới có nhiều biến động, diễn biến phức tạp của dịch bệnh. Vai trò của Hội ủy sông Mêkông hạn chế dẫn đến gia tăng rủi ro đối với nguồn nước đến từ nước ngoài.

Thứ ba là thách thức từ tác động của thiên tai và biến đổi khí hậu. Việt Nam là một trong 5 quốc gia chịu ảnh hưởng nặng nề nhất của thiên tai, biến đổi khí hậu với hơn 70% dân số có nguy cơ bị ảnh hưởng bởi các thiên tai, lũ, lụt và hạn hán, đã diễn ra với chu kỳ nhanh hơn, diễn biến phức tạp, cực đoan, khó lường hơn, đã gây ra thiệt hại nặng nề về người và tài sản.

Nổi lên trong những năm gần đây như xâm nhập mặn, hạn hán ở ĐBSCL; sạt lở và bồi lấp các cửa sông vùng ven biển miền Trung; lũ quét, lũ ống và sạt lở đất ở các vùng núi phía Bắc...

Thứ tư là thách thức từ việc đáp ứng nhu cầu phát triển kinh tế - xã hội với quy mô dân số lớn với gần 100 triệu dân, dự báo tăng lên 120 triệu vào năm 2030 với nền kinh tế có tốc độ tăng trưởng cao, dẫn đến gia tăng nhu cầu sử dụng nước (hiện nay đang khai thác, sử dụng khoảng 100 tỷ m3/năm, dự báo đến năm 2030 sẽ cần khoảng 111 tỷ m3/năm).

Gia tăng nước thải song hành với tăng lượng nước sử dụng làm giảm chất lượng và ô nhiễm nguồn nước (theo thống kê chưa đầy đủ hiện chỉ có khoảng 12,5% nước thải sinh hoạt từ các đô thị loại IV trở lên, 50% bệnh viện, 7% trang trại chăn nuôi, 10% nước thải công nghiệp có hệ thống xử lý nước thải).

Nhu cầu sử dụng đất, vật liệu khác phục vụ phát triển kinh tế xã hội ngày càng tăng dẫn đến tình trạng khai thác triệt để quỹ đất tại các vùng thấp trũng, khu trữ nước, các thảm thực vật điều hòa hòa nguồn nước; thu hẹp, hạ thấp lòng sông, làm giảm hiệu quả hoạt động của các công trình thủy lợi; gây gia tăng hạn hán, xâm nhập mặn, sạt lở, lún sụt đất, ngập úng, ô nhiễm nguồn nước.

Nhu cầu về năng lượng ngày càng cao, kéo theo sự phát triển các công trình thủy điện, đã gây nên những xung đột các hệ lụy từ sử dụng nguồn nước. Ví dụ như, xây dựng hồ chứa  làm thay đổi chế độ dòng chảy, môi trường, lắng đọng bùn cát, gia tăng sạt lở, bồi lắng; cạnh tranh, mâu thuẫn trong quản lý, sử dụng nguồn nước giữa các địa phương (giữa Quảng Nam và Đà Nẵng trong nguồn nước Vu Gia - Thu Bồn; Thủy điện An Khê-Ka Năk chuyển nước từ sông Ba sang sông Kone).

Thưa ông, muốn quản lý và kiểm soát tốt tài nguyên, cần phải có quy hoạch phát triển một cách toàn diện. Vậy, chúng ta đã có quy hoạch phát triển nguồn nước trên toàn quốc hay chưa?

Đây là vấn đề rất lớn. Có thể nói, hiện nay chúng ta chưa có quy hoạch phát triển tài nguyên nước toàn diện, tổng hợp theo hệ thống, lưu vực sông, kết hợp quy hoạch sử dụng các nguồn tài nguyên thiên nhiên khác, mà chủ yếu theo từng ngành, địa phương riêng rẽ (như quy hoạch sử dụng đất, thủy lợi, thủy điện, thủy sản, lâm nghiệp…). 

Mặt khác, quy hoạch phát triển kinh tế - xã hội, sản xuất ở một số vùng chưa phù hợp với đặc điểm khí hậu, nguồn nước; chuyển đổi sản xuất chưa phù hợp với nguồn nước, ứng dụng khoa học công nghệ tiên tiến, xây dựng và đưa vào khai thác công trình cấp nước còn chưa kịp thời.

Bên cạnh việc thiếu quy hoạch phát triển nguồn nước đồng bộ, thống nhất, việc phối hợp trong quản lý, khai thác, sử dụng nước hạn chế, chồng chéo và còn có khoảng trống, hiệu quả thấp, thiếu vai trò của cơ quan chủ quản dẫn đến việc vi phạm nguồn nước đang diễn ra khá phổ biến.

Khai thác nguồn nước hiện nay chủ yếu thông qua hệ thống công trình thủy lợi, thủy điện. Khai thác nước dưới đất còn bất cập, gây ra nhiều hệ lụy như sụt, lún nhất là khu vực vùng ĐBSCL.

Để giải quyết được những bất cập trên, cần chủ động đảm bảo đủ về số lượng, đảm bảo chất lượng nước và an toàn hệ thống công trình các hồ đập, đê điều là đảm bảo an ninh quốc gia.

Sẵn sàng, chủ động ứng phó với thay đổi nguồn nước do biến đổi khí hậu và tác động của các nước thượng  nguồn, đảm bảo nhu cầu dùng nước cho dân sinh, các hoạt động kinh tế - xã hội và  môi trường, trên cơ sở sử dụng hiệu quả cao nhất nguồn nước nội sinh, tận dụng nguồn nước đến từ các nước thượng nguồn; không để xảy ra tình trạng khủng hoảng nguồn nước.

Những khu vực quá khó khăn về nguồn nước, hoặc xuất đầu tư quá cao, hiệu quả đầu tư thấp thì lựa chọn giải pháp thay thế.

Tăng cường quan hệ quốc tế để tránh xung đột, phát huy cao nhất hiệu quả nguồn nước chung; nhưng vẫn phải chuẩn bị sẵn sàng giải pháp ứng phó trong mọi tình huống.

 

 

Thưa ông để giải quyết các thách thức về ANNN, Bộ NN-PTTN đã xác định những nhiệm vụ trọng tâm nào trong thời gian tới?

Đối với các giải pháp chung để đảm bảo ANNN, trước hết, chúng ta cần đảm bảo an toàn và phát huy đầy đủ công năng của công trình hiện có. Thường xuyên đầu tư nâng cấp hệ thống công trình thủy lợi, hồ đập, đê điều; hiện đại hóa công tác theo dõi giám sát, vận hành.

Các hồ chứa trọng điểm quốc gia là nhiệm vụ trọng yếu, cần được bố trí nguồn lực thích đáng, nhất là trong tình hình các mối quan hệ giữa các quốc gia trên thế giới có nhiều diễn biến phức tạp, diễn biến mưa, lũ ngày càng cực đoan.

Thứ hai, cần đánh giá lại tất cả các lưu vực sông, tính toán cân bằng nguồn nước, phân định những lưu vực, vùng  tự cân đối được nguồn nước. Đồng thời, cần bổ sung giải pháp công trình và phi công trình phù hợp.

Đối với các hệ thống sông xuyên quốc gia, cần có nghiên cứu tổng thể, thấu đáo về diễn biến, ảnh hưởng tới nguồn nước của các quốc gia thượng nguồn, cũng như tác động của nước biển dâng (sẵn sàng các giải pháp chủ động điều tiết tại các vị trí cần thiết nhất là xây dựng công trình điều tiết tại ranh giới, cửa các sông xuyên quốc gia).

Thứ ba, cần phát triển và nâng cao hiệu quả tích, trữ nước cho hồ, đập. Từng bước kết nối các hồ tạo thành hệ thống các kho nước để điều chuyển, phát huy cao nhất hiệu quả khai thác, sử dụng nguồn nước như kết nối vùng hưởng lợi của hồ Ngàn Trươi và hồ Kẻ Gỗ (Hà Tĩnh); điều chuyển nước từ hồ Tân Mỹ (Ninh Thuận) cho các vùng khan hiếm nước ngoài lưu vực,….

Xây dựng bể chứa nước sinh hoạt tại các hộ gia đình; các ao, hồ nhỏ phân tán tại các khu sản xuất nông nghiệp tại các vùng không có nguồn từ các hệ thống thủy lợi.

Thứ tư, cần nâng cấp, sửa chữa hệ thống công trình nội đồng, ứng dụng khoa học công nghệ thông minh. Việc quản lý, khai thác, tưới tiên tiến, tiết kiệm nước, nâng cao hiệu ích sử dụng, giảm thiểu tổn thất trong sử dụng nguồn nước là một công cụ đắc lực khắc phục những thách thức trong điều kiện nguồn nước khan hiếm. Hiện nay, hầu hết các công trình thủy lợi mới chỉ đạt được khoảng 75% năng lực theo thiết kế.

Bên cạnh đó, cần sắp xếp lại tổ chức quản lý, khai thác công trình; xây dựng, hoàn thiện hệ thống văn bản và chính sách, pháp luật; tăng cường hợp tác quốc tế trong lĩnh vực tài nguyên nước, đặc biệt cần xây dựng cơ chế quản lý, khai thác, sử dụng nguồn nước một cách hài hòa và cơ chế chia sẻ thông tin phục vụ quản lý nguồn nước liên quốc gia.

Đặc biệt, cần phải thay đổi, nâng cao nhận thức của cộng đồng và có chính sách phù hợp để thu hút cộng đồng, các tổ chức, các doanh nghiệp tham gia vào việc bảo vệ tài nguyên nước.

Do điều kiện địa hình của Việt Nam khá đa dạng, phong phú, vì thế các giải pháp cho mỗi vùng miền có những đặc điểm và mức độ khác nhau.

 

 

Xin ông thể cho biết một số quan điểm về giải quyết các thách thức liên quan đến ANNN của Việt Nam trong thời gian tới?

Thực tế, từ trước tới nay Việt Nam luôn ở vào trạng thái mất ANNN (ngập lụt về mùa mưa, hạn hán về mùa khô). Để phát triển nhanh và bền vững, chúng ta cần phải nhận thức lại về vấn đề ANNN một cách toàn diện, nhận diện đúng các thách thức và các giải pháp căn cơ, phù hợp, đáp ứng yêu cầu của sự phát triển đất nước trong giai đoạn mới; đặc biệt là triển khai thực hiện Nghị Quyết Đại hội Đảng toàn quốc lần thứ XIII.

Trong bối cảnh hiện nay biến đổi khí hậu ngày một cực đoan khó lường, tác động của các quốc gia thượng nguồn vào nguồn nước ngày càng lớn; nhu cầu gia tăng về nguồn nước (cả về chất và lượng) cho phát triển kinh tế, xã hội và cần phải có ngay những hành động đột phá, mạnh mẽ trong giai đoạn (2021 -2025) về vấn đề ANNN.

ANNN phải được giải quyết đồng bộ với tái cơ cấu lại nền kinh tế và được thực hiện theo cách tiếp cận quản lý tổng hợp, đa mục tiêu, liên ngành, kết hợp hài hoà giải pháp công trình và phi công trình.

Trong đó kết cấu hạ tầng thủy lợi nhằm chủ động phòng tránh thiên tai, kiểm soát nguồn nước giữ vai trò quan trọng đặc biệt. Cần có một Đề án tổng thể về ANNN nhằm đưa ra các định hướng chiến lược, giải pháp căn cơ cùng với nguồn lực tài chính đảm bảo để triển khai thực hiện là hết sức cần thiết và cấp bách.

Xin cảm ơn ông!

Minh Phúc
Trọng Toàn
Tùng Đinh- CTV