[Kỳ III] Chuyện ở Bắc Giang và tâm sự của những người có trình độ
Để tiếp nhận thông tin đa chiều về chuyện hết năm 2024 Bắc Giang sẽ giải thể đội ngũ khuyến nông cơ sở, tôi đã liên lạc với một số người trong và ngoài cuộc.
Tâm sự của Giám đốc Trung tâm Khuyến nông tỉnh các thời kỳ
Anh Vương Văn Nam là nguyên Giám đốc Trung tâm Khuyến nông tỉnh Bắc Giang giai đoạn đầu những năm 2000 khi địa phương này tiên phong trong việc thiết lập đội ngũ khuyến nông xã, trả lương theo bằng cấp, nâng lương theo thời gian nên có nhiều đại học, thậm chí thạc sĩ ứng tuyển.
Anh nhớ lại: “Hồi ấy tỉnh có chủ trương tuyển mỗi xã 1 cán bộ khuyến nông vì nông nghiệp đang chuyển sang sản xuất hàng hóa, phải đưa nhiều giống mới, phải liên kết 4 nhà để xuất khẩu.
Lãnh đạo tỉnh rất quan tâm đến nông nghiệp, trước đó Bắc Giang đã có hệ thống cán bộ thú y xã mà bên trồng trọt chưa có nên muốn đồng bộ bằng việc đưa khuyến nông về xã để làm bảo vệ thực vật cũng như chuyển giao khoa học kỹ thuật.
Những năm ấy khuyến nông Bắc Giang hoạt động rất sôi nổi, chúng tôi tổ chức các đoàn đi tham quan ở nhiều địa phương rồi đưa nhiều giống mới, tiến bộ khoa học kỹ thuật mới về cho bà con như bưởi Diễn, cam Canh… để giờ hình thành nên vùng sản xuất hàng hóa lớn như thế.
Nếu không có hệ thống chân rết là các khuyến nông viên cơ sở ở xã thì Trung tâm khuyến nông tỉnh, Trạm Khuyến nông huyện cũng chịu. Khi nghe tin hết năm 2024 Bắc Giang sẽ giải thể đội ngũ khuyến nông xã này tôi thấy buồn. Đã lâu rồi tôi không còn làm trong ngành nữa nên có thể không hiểu được xu hướng phát triển nông nghiệp của các địa phương nhưng thấy mấy năm gần đây chủ trương phát triển kinh tế của các tỉnh tập trung vào công nghiệp, dịch vụ nhiều, hình như ít còn quan tâm đến nông nghiệp như trước nữa.
Bởi thế, ruộng đất giờ bỏ không rất nhiều, nông dân đi làm công nhân gần hết. Những mô hình làm trang trại tốt chỉ là thiểu số mà làng nào cũng thế, hầu hết các gia đình đều có người đi làm ở các khu công nghiệp. Nếu không có đội ngũ khuyến nông xã thì việc sản xuất nông nghiệp hàng hóa, chuyển giao kỹ thuật sẽ có những hạn chế.
Tuy nhiên như tôi đã nói, cái gốc của vấn đề là khi nông nghiệp không được quan tâm như trước nữa thì khi thực hiện chủ trương của Đảng, Nhà nước về tinh gọn bộ máy, cán bộ thì khuyến nông xã sẽ là đội ngũ bị tinh gọn đầu tiên cùng với hàng loạt cán bộ không chuyên trách khác ở xã. Tình thế này giờ khó có thể xoay chuyển nổi...”.
Còn anh Nguyễn Văn Thành - Giám đốc Trung tâm Khuyến nông tỉnh Bắc Giang thì nhận định, sau khi sáp nhập 3 Trạm Khuyến nông, Trồng trọt - Bảo vệ Thực vật, Chăn nuôi - Thú y vào thành Trung tâm Dịch vụ Kỹ thuật Nông nghiệp huyện từ năm 2019 thì mọi hoạt động đã khác trước. Ở phía dưới, các Trung tâm Dịch vụ Kỹ thuật Nông nghiệp huyện tuy mang tiếng là chỉ đạo đội ngũ khuyến nông cơ sở nhưng thực tế không nắm được nữa, vì đã cắt hẳn về xã, không như trước đây Trạm Khuyến nông huyện nắm trực tiếp, điều hành con người cũng như trả tiền phụ cấp cho họ.
Ở phía trên, giờ Trung tâm Khuyến nông tỉnh không thể chỉ đạo trực tiếp cho các Trung tâm Dịch vụ Kỹ thuật Nông nghiệp huyện được mà chỉ là phối hợp, phần lớn dựa trên sự quen biết từ trước đó. “Muốn được việc phải làm thế nào để tăng cường mối quan hệ phối hợp này. Chúng tôi vẫn tổ chức giao ban cứ mỗi quý một lần để có những khó khăn gì thì tháo gỡ, rồi thì thông tin, báo cáo, tham quan này nọ. Vì thế mà khi triển khai chương trình xuống, chúng tôi có người phối hợp cùng, chứ buông ra là hỏng ngay.
Các Chi cục Chăn nuôi - Thú y, Trồng trọt - Bảo vệ Thực vật với các đầu mối bên dưới thường không làm được điều đó. Tất nhiên là công tác phối hợp có khó khăn hơn ngày xưa, khi vẫn còn hệ thống các Trạm Khuyến nông huyện. Trước đây các Trạm Khuyến nông quản lý tất khuyến nông cơ sở nhưng giờ là UBND xã, mà có khi xã bố trí rất nhiều việc cho họ chứ không chỉ làm khuyến nông nữa. Mấy năm tới, tỉnh sẽ “hợp lý hóa” dần đội ngũ khuyến nông cơ sở, ai chuyển được sang các vị trí công tác khác của xã thì chuyển còn không sẽ phải tự đi tìm việc”, anh Thành tâm sự.
“Khuyến nông là hoạt động đưa các kỹ thuật mới, các giống mới vào để khuyến cáo cho bà con. Khi thực hiện, có thể thành công hay không thành công. Thành công cũng khuyến cáo để làm, không thành công thì khuyến cáo đừng làm nữa. Tuy nhiên khi chúng tôi thực hiện đều theo quy chế của Nhà nước, không có gì là đặc thù cả. Thêm vào đó, ngân sách Nhà nước thường rót về rất muộn nên vụ xuân không bao giờ làm được mô hình mà phải cỡ tháng 4, 5”
Anh Nguyễn Văn Thành -GĐTT Khuyến nông tỉnh Bắc Giang
Cũng theo anh Thành, Bắc Giang là tỉnh có diện tích đất nông nghiệp rất lớn, kinh phí cho các hoạt động của Trung tâm Khuyến nông gồm thông tin tuyên truyền, xây dựng mô hình… vài năm vừa rồi thường chỉ 2 - 3 tỉ/năm. Năm 2020, Trung tâm mới xây dựng được chương trình khuyến nông giai đoạn năm 2021 - 2025 trong đó đề nghị kinh phí hoạt động tăng lên được thành 5 tỉ/năm.
Ở cấp huyện cũng phải xây dựng hoạt động khuyến nông tương tự như thế nhưng hiện chưa có quy định thống nhất được chức năng, nhiệm vụ, tổ chức, quy chế phối hợp của các Trung tâm Dịch vụ Kỹ thuật Nông nghiệp, mỗi nơi một khác. Còn ở xã thì phải có người để làm khuyến nông cơ sở bởi để hoạt động tốt hệ thống phải được thông từ trên xuống dưới.
Mong muốn thì nhiều nhưng phải nhìn vào bối cảnh
Anh Lê Bá Thành - Phó Giám đốc Sở NN-PTNT Bắc Giang nhận xét, trước đây việc đưa cán bộ khuyến nông về cơ sở đã giúp ích rất nhiều cho hệ thống khuyến nông trong chỉ đạo và điều hành. Tuy nhiên bây giờ hoàn cảnh đã khác. Nếu nói mong muốn thì chúng tôi mong muốn rất nhiều. Phải nói đây là sự cập nhật.
Trước đây nông dân cần phải cầm tay chỉ việc, cán bộ khuyến nông phải làm thị phạm. Những năm 90 của thế kỷ trước, năng suất lúa chỉ hơn 1 tạ, bắt đầu có khuyến nông vào hướng dẫn thì mới biết làm mạ non, cấy thưa, ít dảnh để đạt năng suất cao. Hay với chăn nuôi, nông dân không biết thụ tinh cho lợn mà phải gọi thú y, có vacxin cũng không biết tiêm nữa mà đều nhờ thú y cả.
Đến bây giờ nông dân đã đạt đến trình độ khá cao, làm chủ được những quy trình thông thường cũng như chủ động trong những việc như chẩn đoán bệnh, tiêm phòng hay xây dựng chuồng trại… Năng suất, chất lượng của nông sản cũng đi lên, nông dân làm được cả sản xuất hữu cơ hay áp dụng được những quy trình sản xuất nghiêm ngặt nhất để xuất khẩu hàng đi Nhật Bản.
Điều đó tương đồng với chuyện cải cách hành chính, rút gọn lại hệ thống để không còn quá nhiều người ăn lương, chúng ta phải chấp nhận điều đó chứ không phải là không muốn duy trì hệ thống. Không phải chỉ khuyến nông mà còn có nhiều ngành khác như kinh tế hợp tác, như nông thôn mới cần hệ thống cán bộ cơ sở nhưng cải cách hành chính thì phải chấp nhận thôi. Thậm chí hệ thống chăn nuôi - thú y còn ghi cả trong Luật có 4 cấp gồm trung ương, tỉnh, huyện, xã mà đến bây giờ cũng phải chấp nhận, đó là tính lịch sử của nó.
Hơn thế, hầu hết cán bộ, lãnh đạo xã giờ đều là cán bộ chuyên ngành, có trình độ đại học, thậm chí thạc sĩ, không như trước đây chủ yếu là bộ đội phục viên, không nắm bắt được khoa học kỹ thuật. Bởi thế, họ có thể đảm đương được những phần việc thông thường, còn chuyên môn sâu hơn thì có thể liên kết với hệ thống bên trên nữa.
Đội ngũ khuyến nông cơ sở, ai đã nghỉ hưu thì không nói đến chứ nhiều người đã được đưa lên làm cán bộ xã, cán bộ huyện, thậm chí lãnh đạo cấp phòng hay có khi đã là Phó Chủ tịch huyện. Tất cả đang trưởng thành dần lên. Sắp tới khuyến nông cơ sở sẽ dần được chuyển hóa vào trong địa chính nông nghiệp của xã…
Tôi thấy sau việc sáp nhập các Trạm Khuyến nông, Trồng trọt - Bảo vệ Thực vật và Chăn nuôi - Thú y thành Trung tâm Dịch vụ Kỹ thuật Nông nghiệp thì Phòng NN-PTNT đang bị quá tải, đuối hơn bởi trước đây hai Trạm Trồng trọt - Bảo vệ Thực vật và Chăn nuôi - Thú y đều gánh vác nhiệm vụ quản lý nhà nước, giờ lại chuyển hết sang Phòng NN-PTNT. Trong khi đó Phòng NN-PTNT thì người không tăng, chuyên môn lại chưa đáp ứng được đầy đủ, chưa thể tạo ra sự hòa nhịp trong quản lý nhà nước.
Bởi thế các huyện đều phải dùng Trung tâm Dịch vụ Kỹ thuật Nông nghiệp để hỗ trợ cho Phòng NN-PTNT. Trong khi đó, mong muốn làm dịch vụ của các Trung tâm Dịch vụ Kỹ thuật Nông nghiệp này lại chưa thực hiện được dù dư địa là rất lớn, đang có nhiều người hơn. Hiện nay yêu cầu về sản xuất an toàn, tạo ra vùng hàng hóa xuất khẩu với yêu cầu dư lượng rất khắt khe. Muốn đảm bảo dư lượng ít thì công tác dự tính dự báo phải rất tốt, rồi là áp dụng công nghệ 4.0 vào. Cán bộ khuyến nông muốn làm được dịch vụ thì trình độ phải cập nhật, tự hoàn thiện mình và phải thích nghi với tình hình mới thôi”.