Lạc giữa miền ngựa bạch nghìn con

Một sớm mùa đông, sương tan nhường cho nắng tỏa. Ông Nông Văn Thắng bắc tay lên miệng kêu tút tút một hồi, đàn ngựa bạch đâu đó trên đồi bỗng tràn ra chật lối.

Cầm nắm cỏ non trên tay, ông dứ dứ. Những cái đầu ngúc ngắc. Những mớ tóc bạch kim được cắt tỉa gọn gàng rung rung. Những đôi mắt nhung đỏ ẩn dưới hàng mi dài màu tuyết trắng khẽ chớp chớp đầy hàm ơn. Tôi thong thả đếm được cả thảy 9 con.

Thời cao điểm, đàn ngựa bạch nhà ông Thắng ở xóm Vựa Trong xã Phong Vân (huyện Lục Ngạn, tỉnh Bắc Giang) còn có tới 14 con. Chúng được thả lang trên đồi, tự tìm cỏ ăn, tự tìm nước uống, 3-4 ngày chủ mới lên thăm một lần.

Ngựa bạch ngoài lông trắng ra còn lại bộ phận gì cũng đỏ, mắt đỏ, mõm đỏ, móng đỏ, bộ phận sinh dục đỏ. Buổi trưa gặp nắng gắt là mắt chúng chảy nước giàn giụa, không còn nhìn rõ đường, phải vội tìm bóng mát để trú. Con nào mải chơi, không biết tìm bóng mát thì chỉ cần một cơn gió gió thổi lung lay cái bóng bụi cây bên cạnh cũng có thể giật mình, từ trên đồi cao lao xuống khe, xuống rãnh, gãy chân hay thậm chí là chết. Ngược với ban ngày, ban đêm mắt ngựa bạch lại rất tinh, không cần đèn pin gì cả, gia chủ cứ việc ngồi lên lưng là ung dung được con vật trung thành nhất mực đưa về đến tận cửa.

Ông Thắng kể xưa người dân trong xã ông chủ yếu nuôi ngựa bình thường dùng cho mục đích thồ hàng lên xã Hữu Kiên huyện Chi Lăng tỉnh Lạng Sơn, cách đó 1 ngày đường để trao đổi. Lúc đi, ngựa thồ 2 can rượu, mỗi can 20 lít, lúc về ngựa thồ mấy bao tải chè.

Về sau thấy dân Hữu Kiên nuôi ngựa bạch bán được tiền dân Phong Vân mới học theo, phát triển mạnh trong khoảng mươi năm gần đây. Giờ thì “trò” đã vượt “thầy” về số lượng đầu ngựa bạch khi sở hữu tới 873 con, có thể là nhiều nhất nhì cả nước.

Ngựa đực đang kêu hừ hừ đòi ăn mà bỗng chuyển tông giọng sang kêu hê hê, chân cuốc rôm rốp xuống đất, mặt vênh lên, tai dựng đứng, đòi phá phách chuồng ra ngoài là ông Thắng biết ở cách đó cả trăm mét có một con ngựa khác giới đang đi tới. Còn ngựa cái khi thấy ngựa đực mà miệng kêu lên hí hí, dòng nước tiểu bắn vọt ra xa, bộ phận sinh dục mấp máy liên hồi là đang ở thời kỳ hứng tình.

Ngựa bạch đực phối với ngựa bạch cái ra 100% ngựa bạch con nhưng phối với ngựa kim, ngựa hởi, ngựa hạc cái (lông có thể trắng hoặc hơi nâu, mắt đen, chân đen) thì tỷ lệ ra ngựa bạch con cũng đạt 50%.

Ngựa bạch có giá trị gấp đôi, gấp ba ngựa thường thế mà vừa rồi con ngựa bạch cái nhà ông lại đẻ ra một chú ngựa hởi vì thả lang ở trên đồi, không đi xem được, chúng tự phối lúc nào chẳng hay. Bởi thế mà về sau cứ đến chu kỳ của ngựa bạch cái thì ông đều cẩn thận nhốt ở nhà, đợi phối giống xong mới thả.

Nhà ông Thắng có 2 con ngựa đực bạch, ngoài nhiệm vụ phối giống cho cả đàn ngựa cái chúng còn có nhiệm vụ làm “tăng gia” cho chủ. Con ngựa đực nào hăng mỗi ngày có thể phối được 4-5 lần. Cứ mỗi lần như vậy có giá 1 triệu nhưng lệ làng là chỉ đặt cọc 300.000 đ, đợi khi đẻ ra chắc ăn mới trả nốt 700.000đ.

Mỗi năm 2 con ngựa đực đem lại cho ông Thắng chừng 40 triệu tiền công phối giống, còn 7 con ngựa cái trong đó 4 con lớn, 3 con non đem lại chừng 150-200 triệu tiền bán ngựa con. Kỷ lục nhất ở trên đất Phong Vân này có con ngựa bạch chửa còn được gia chủ “hét” đúng 100 triệu, sau đó thương lái ngã giá 97 triệu mới chịu gật đầu đồng ý.

Ngựa đến ngày gần đẻ là bầu vú căng cứng sữa, phải nhốt riêng, đeo chuông ở cổ bởi lúc nó đau quằn quại, nằm vật vã thì chuông sẽ rung lên để báo cho chủ biết. Phần sợ ngựa mẹ dẫm vào con, phần vì sợ ngựa non bị bọc nhau không gỡ kịp khiến cho ngạt thở nên chủ dù đang ngủ cũng phải tung chăn mà dậy, vội gỡ bọc nhau, lau khô mình mẩy cho nó đồng thời bồi dưỡng cho “sản phụ” một nồi cháo nóng.

Cũng đeo chuông cho ngựa gần đẻ như thế nhưng anh Vi Văn T thấy nó thỉnh thoảng lại kêu leng keng khiến cho cả nhà khó ngủ nên mới bực mình bịt lại. Ai ngờ dính phải ca bị bọc nhau, không được cấp cứu kịp thời khiến cho con non ngạt chết, thiệt hại cỡ 20 triệu đồng, đau còn hơn bị ngựa đá.

Thung lũng Vựa Ngoài, sớm chiều trắng những lưng ngựa nhưng vẫn không đông bằng cánh đồng Cống Lầu, cánh đồng Làng Niêng trong khu vực trường bắn quốc gia, ngựa bạch nhiều như những đám mây trên trời sà xuống vậy. Lúc mới được mua về ngựa còn sợ tiếng nổ của những quả đạn cỡ đại như chó sợ pháo đêm giao thừa nhưng chỉ một thời gian sau chúng đã trở nên bạo dạn đến mức đạn nổ đùng đoàng mà vẫn còn vục mõm xuống đám cỏ non.

Đám ngựa bạch còn táo tợn đến mức suốt ngày lượn lờ quanh sân vận động, thấy vắng người cái là lẻn luôn vào trụ sở UBND xã nằm đầy hiên, điềm nhiên ngủ rồi ị. Thấy cảnh tượng chướng tai, gai mắt quá cán bộ phải đuổi mãi chúng mới chịu rời đi.

Ngựa bạch ít khi mắc bệnh nhưng nếu ăn phải cỏ ôi thiu là bị đau bụng. Thả ra nó chỉ nằm vật bên nọ, bên kia, bụng chướng hơi phồng lên, gõ vào kêu bục bục như tiếng trống, không chịu ăn, không chịu uống, chữa chậm có thể nguy hiểm đến tính mạng ngay. Lúc đó chủ phải nhanh tay giã vài nhánh tỏi trộn với nửa chai bia rồi buộc dây mõm ngựa treo lên cao, đổ vào mồm ép cho uống. Khoảng 1 giờ sau nghe tiếng chuyển bụng ục ục, đợi thêm một vài tiếng rắm bụp bụp là biết con vật đã khỏi.

Mùa vải, chủ không để ý là ngựa đi dưới gốc cây nhặt quả chín rụng ăn hay nghếch mõm với lên những chùm la đà dưới thấp, chén cho đẫy bụng. Con lợn, con bò, con trâu, con ngựa ăn quả vải nhưng lại không biết nhằn bỏ hạt như con người nên bị ngộ độc, ngã lăn ra, chủ phải gấp gáp dùng nước chanh đường đổ vào mồm mới mong thoát chết.

Dương Văn Lương-thú y xã bảo với tôi rằng Phong Vân có 1.460 con ngựa trong đó ngựa bạch là 873 con, hàng tháng anh đều phải thống kê để báo cáo về huyện. Trước đây bà con trong xã nuôi rất nhiều lợn nhưng giờ đã chuyển gần hết sang ngựa bạch bởi rất nhàn, sáng đuổi đi, tối khắc biết về, lại có sức đề kháng tốt. Chẳng giống như con lợn làm khổ người dân, khổ thú y viên cùng với khuyến nông viên bởi nhiều thời điểm 8-9 giờ tối vẫn còn cặm cụi ngoài đồng để đào hố chôn vì dính dịch tả lợn châu Phi.

Hơn thế ngựa bạch giá bán lại cao, chi phí hầu như không có mấy nên lãi đậm. Đa số các hộ dân trong xã đều thích nuôi ngựa bạch cái. Ước tính mỗi năm đàn ngựa bạch cái này đẻ được chừng 500 con non, bán lúc 4-6 tháng tuổi với giá 30-40 triệu cũng đem lại “GDP” cho Phong Vân cỡ 15-20 tỉ. Còn ngựa bạch nuôi thương phẩm, khi mổ ra, mọi bộ phận đều có người tranh nhau mua trừ mỗi cọng lông.

Một con ngựa bạch cỡ vừa trọng lượng chừng 100 kg, giá bộ xương lên tới 40 triệu còn giá thịt chỉ 20 triệu. Bộ xương nặng chừng 15-17 kg của nó nấu được 3 kg cao, bán với giá từ 1,2-1,5 triệu/100 gram. Thịt ngựa bạch bán ngang giá thịt ngựa thường, 280.000đ/kg nhưng phổi và cà (bộ phận sinh dục của con đực) bán được tới 7, 8 triệu. Phổi hấp cho phụ nữ, trẻ con ăn thêm bổ dưỡng, còn cà thì ngâm rượu cho cánh đàn ông thêm phong độ. Da làm sốt vang, lòng làm thắng cố, tiết bán chữa bệnh sa sẩm mặt mày...

Những buổi thịt ngựa bạch, làng xóm vui như Tết, người người tíu tít vào ra. Ai mua được mớ lòng ngon, mớ thịt nạc thì mặt mày hể hả, ai chậm chân thì mặt mũi ủ rũ như cái bánh đa ngâm. Tuy kinh tế là thế nhưng theo anh Lương đầu ra cho con ngựa bạch chưa được chắc chắn vì hiện nay chủ yếu lãi ở khâu bán giống, còn tiêu thụ chính là nồi cao thì sau này không biết nhiều nơi nuôi sẽ thế nào.

Anh Vi Việt Dũng người dân tộc Nùng, công chức văn hóa của xã Phong Vân thì kể với tôi rằng giống ngựa rất khôn, chỉ cần nghe tiếng chủ gọi là dù cách cả quả đồi, đang mải mê gặm cỏ cũng vội ngẩng đầu, vểnh tai lên mà nghe: “Trước đây ông nội tôi có nuôi một con ngựa. Gia đình trồng sắn, trồng ngô ở trên rừng mà không bao giờ phải cần dẫn đường cho nó cả. Sáng từ nhà, chất gạo, chất thức ăn lên lưng ngựa rồi cứ mặc kệ nó đi lên rừng để tiếp tế cho người. Chiều ngô bẻ xong cho vào bao lại chất lên lưng ngựa, là cứ yên tâm rằng nó đi thẳng về nhà mà không la cà gì cả.

Vào đến sân, nó gọi người bằng cách hí vang. Nếu không thấy chủ đâu là nó đạp chân bồm bộp xuống đất, bao giờ có người ra đón, dỡ bao tải trên lưng xuống thì mới chịu thôi, về chuồng để nghỉ ngơi, ăn uống. Nếu đang phi ngựa, chỉ cần chủ bị ngã, chân con vật lỡ bước qua người là bàn chân co lại, úp cả thân mình xuống lăn đi ngay chứ không bao giờ đè lên chủ.

Nếu chủ bị thương ngựa sẽ ở lại đó mà đợi chứ nhất định không chịu đi đâu. “Khuyển mã chi tình” là vậy. Trước đây dân chúng tôi nuôi ngựa để thồ kéo, rất lợi về công bởi con trâu, con bò mà kéo xe quệt (một loại xe kéo lết trên mặt đất nhờ đôi càng, giống như nguyên tắc của xe trượt tuyết) không có người trông giữa rừng thì đi khắp nơi ngay còn con ngựa thì không bao giờ đi lung tung cả”...

Ông Nông Văn Thư, thôn Suối Chạc, vừa xây cái nhà gần tỉ đồng làm xôn xao cả cái xóm thanh vắng chốn đồng rừng. Cách đây mấy năm đoàn của anh Dũng đến điều tra hộ nghèo, nhà ông cũng có xe máy, ti vi nhưng tài sản đáng giá nhất là đàn ngựa vài chục con, chỉ có điều gia đình đông tới hơn 10 nhân khẩu và đều đi chăn ngựa chứ không có nghề nghiệp gì khác.

Theo tiêu chí chấm hộ nghèo, ngựa từ 2 con trở lên đến vài chục con vẫn chỉ được 25 điểm, anh em trong đoàn phải động viên: “Thôi, ông thoát nghèo đi!”. Thì ông tủm tỉm trả lời: “Con cháu cứ chấm thoải mái, ông đủ điểm thì thoát nghèo mà không đủ điểm thì cứ để cho ông nghèo nhá”.

Thuyết phục mãi, năm đó ông mới chịu bán một phần đàn ngựa bạch đi, xây một cái nhà rất to nhưng không chịu làm nhà vệ sinh vì đã có quả đồi rất rộng gần đó với cái thú “thứ nhất quận công, thứ nhì...”.

Năm tiếp theo, đoàn của anh Dũng lại đến, chấm điểm mãi vẫn không đủ bởi tiêu chí của nhà ở cao nhất cũng chỉ được 15 điểm mà tổng phải 150 điểm mới thoát nghèo. Tới năm vừa rồi, gia đình xây thêm cái nhà vệ sinh thì cả đoàn chấm điểm nghèo mới thở phào, nhẹ nhõm như vừa trút được một gánh nặng. Giờ gia đình ông Thư vẫn duy trì đàn ngựa bạch nhưng số lượng không còn được nhiều như xưa nữa.

Năm 2018, gia đình anh Nông Văn Tám ở xóm Vựa Trong là 1 trong 2 hộ của đề án chăn nuôi vùng Đông Bắc được hỗ trợ ½ con ngựa bạch bởi thuộc dạng cận nghèo, ½ con còn lại nhà phải tự bỏ vốn. Khi đó kinh tế gia đình anh đã khánh kiệt lắm rồi, nhìn vào chỉ thấy những chuồng lợn trống huếch trống hoác vì dịch tả Châu Phi, những hố chôn lợn lồi lõm vẫn còn đầy rẫy ngoài vườn chuối. Túng quẫn quá anh còn định xin trở lại hộ nghèo.

Thế rồi từ 1 con ngựa bạch cái, cứ đẻ ra anh lại bán ngựa nhỏ đi, mua thêm ngựa to về, nay đã phát triển đàn lên được 6 con, tổng giá trị khoảng 380 triệu. Trừ 150 triệu đầu tư, còn công, lãi vẫn được cỡ 230 triệu: “Nuôi ngựa bạch rất nhàn, cứ 7, 8 giờ sáng tôi thả chúng ra ngoài đồng, 1, 2 giờ chiều là chúng tự tìm đường về, chỉ chặt thêm ít cỏ voi bỏ vào máng là xong. Ngựa bạch rất hiền lành, ai sờ vào cũng được chứ không như ngựa thường, hơn thế lại rất dễ bán, lãi gần như 90% bởi ngoài 1 triệu tiền lấy đực ra, không mất tí chi phí nào khác bởi chúng chỉ ăn cỏ và uống nước lã”.

Nuôi ngựa bạch gia truyền ở Phong Vân có anh Chu Văn Cổ với hơn 40 con. Do không có nhu cầu gấp gáp về tiền như nhiều hộ khác nên anh không bán ồ ạt mà cứ để chúng đẻ thêm mãi ra. Dù bây giờ gia đình anh đã ra phố ở nhưng đàn ngựa vẫn còn giữ tại quê như một thứ tài sản lưu động, có tính thanh khoản rất cao.

Người mới nuôi không biết, mua một con ngựa về thấy có chửa liền kêu lên sung sướng rằng: “Ôi may quá!”. Nhưng thực ra ngựa cái lúc nào cũng có con trong bụng bởi mỗi năm chúng mang thai tới 12 tháng, thường đẻ ra được 7 ngày đã đòi đi lấy đực. Nếu con ngựa mẹ nào đẻ con rồi mà chủ không biết cho đi lấy đực, nhỡ một lứa, nhỡ hai lứa về sau có khi còn hỏng, không thể sinh sản nữa, dân quen gọi là bị “sổi”.

Bởi thế ngựa mới đẻ được 5-7 ngày đã phải dắt thử gần ngựa đực, nếu chưa động đực là ngựa cái sẽ hất cẳng, đá ngay còn động đực thì mới chịu cho “nhảy”. Đó là đối với người mới nuôi chứ giàu kinh nghiệm như ông Thắng, ông Thư, anh Tám, anh Cổ thì khỏi cần bởi chỉ cần nhìn biểu hiện thay đổi bề ngoài của con ngựa cái là biết trong bụng nó trứng đã chín rụng rồi.

Buổi chiều ở Phong Vân là một cảnh tượng hiếm có trên trần gian khi đàn đàn, lũ lũ ngựa về, trắng cả đường, trắng cả ngõ. Xưa chăn ngựa không cần phải đón bởi lúc đó còn ít xe cộ. Nhà nào đến tối mịt, tối mờ, thấy quá giờ rồi mà ngựa vẫn chưa về thì mới nhảo đi tìm, sẽ thấy ngựa nhà mình la cà vào sân nhà hàng xóm ăn vụng ngô, ăn vụng khoai, ăn vụng thóc đang phơi liền mắng cho mấy tiếng rồi sềnh sệch kéo về. Giờ, dù chúng rất tinh khôn, nghe tiếng còi xe là biết dạt ra một bên nhưng vẫn không tránh khỏi có những con bị xe đâm chết mà chủ chẳng biết bắt đền ai nên phải đi đưa đón.

Dương Đình Tường
Trương Khánh Thiện
Dương Đình Tường